Một số giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục để chống tiêu cực trong giáo dục và đào tạo trước yêu cầu mới

Thứ hai - 05/12/2022 20:54 312 0
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"1. Như vậy, theo Người, giáo dục có vị trí và vai trò cực kỳ quan trọng đối với đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những mục tiêu của giáo dục là “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, phát triển toàn diện con người, thúc đẩy hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”2. Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. “Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”; “Học để sửa chữa tư tưởng”; “Học để tu công đạo đức cách mạng”3... Trong giáo dục, kiến thức là rất cần thiết, nhưng Người cũng chỉ ra rằng, đạo đức đóng vai trò quan trọng không kém. Người khẳng định: “Giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản... thì còn làm nổi việc gì?”4. Nhận thức sâu sắc những lời dạy của Bác và để thực hiện hiệu quả việc chống tiêu cực trong giáo dục và đào tạo chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất là, ngoài 2 căn bệnh: tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục thì cần phải chống các căn bệnh khác có liên quan, đó là: Tư tưởng học cho có lớp, học để lấy bằng còn chất lượng đến đâu thì chưa được quan tâm đúng mức. Ta hay nói là "ngồi nhầm lớp", vậy câu hỏi đặt ra là: ai cho họ "ngồi nhầm lớp", "nhầm cấp", "nhầm trường"? 
Thứ hai là, xác định được việc chống tiêu cực trong thi cử, trước tiên phải bắt đầu từ người học. Nếu người học nắm vững kiến thức, kỹ năng thì sẽ không cần vi phạm các hình thức tiêu cực trong thi cử. Vì vậy, cần có biện pháp để khuyến khích, động viên người học học tập khoa học, sáng tạo nhằm nắm vững kiến thức, phát huy được nội lực của bản thân, chuyển hóa những kiến thức trong sách vở thành kiến thức, kỹ năng của chính mình.... Bác Hồ đã từng dặn dò: “Thầy giáo ngày nay không phải như trước chỉ biết gõ đầu trẻ. Bây giờ thầy giáo có trách nhiệm với Nhân dân, đào tạo cán bộ ra phục vụ Nhân dân. Cách dạy, quan niệm dạy phải khác. Dạy sao cho học sinh mau hiểu, mau nhớ, lý luận phải đi đôi với thực hành”5.
Thứ ba là, phải đổi mới phương pháp dạy học, cải tiến nội dung, chương trình đào tạo theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành luyện tập; vận dụng phương pháp dạy học tiên tiến, phương tiện dạy học hiện đại vào quá trình dạy học. Người chỉ rõ: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành...6.
Thứ tư là, đổi mới cách ra đề thi, hình thức tổ chức, quản lý thi, chấm thi. Tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát trong giáo dục và đào tạo; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm quy chế chuyên môn, các hiện tượng tiêu cực trong thi cử...
Thứ năm là, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dạy trong dạy học, trong coi thi, trong chấm thi, đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên. Hồ Chí Minh đã dạy: “... Các thầy giáo, các cô giáo phải gần gũi dân chúng. Các thầy giáo cũng như các trí thức khác là lao động trí óc. Lao động trí óc phải biết sinh hoạt của Nhân dân, nếu chỉ giở sách đọc thì không đủ. Phải yêu dân, yêu học trò, gần gũi nhau, gần gũi cha mẹ học trò. Giáo dục ở trường và ở gia đình có quan hệ với nhau ...”7. Từng bước xây dựng kỷ cương trong nhà trường, trong lớp học; trong hội đồng giáo viên; nhà trường phải gắn liền với gia đình và xã hội.   
Thứ sáu là, đổi mới công tác quản lý hoạt động dạy và học. Xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý giáo dục và đào tạo, tạo thành một sự đồng bộ và toàn xã hội phải thực hiện. Tránh tình trạng chỉ kêu gọi ở mức tự giác chung chung, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay. 
Thứ bảy là, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên... trong các đơn vị giáo dục và đào tạo. Huy động các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng, như: công đoàn, đoàn thanh niên, hội học sinh, sinh viên... tham gia thực hiện chống tiêu cực trong giáo dục và đào tạo bằng những chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Trước lúc vào trường mỗi học sinh, sinh viên phải ký cam kết không tiêu cực trong thi cử; cam kết phải rèn luyện tốt và thực hiện tốt nhiệm vụ học tập.
Thứ tám là, cần có chế độ khen thưởng đúng mức, kịp thời đối với những người tích cực chống các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục - đào tạo nói chung và trong thi cử nói riêng. Tạo không khí thi đua và dư luận tốt trong nhà trường, trong xã hội. Cả hệ thống phải vào cuộc, ai cũng phải có trách nhiệm lên án những hành vi tiêu cực, ai cũng phải thực hiện, nhằm tạo điều kiện để các nhà trường chống tiêu cực.  
            Thứ chín là, nâng cao tính gương mẫu trong nhà trường, từ đồng chí hiệu trưởng đến các thầy giáo, cô giáo. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải thực sự là tấm gương sáng cho học sinh, sinh viên noi theo và làm theo. Phải nêu gương những học sinh chăm học, học giỏi, thật thà, trung thực trong tu dưỡng đạo đức, trong học tập nói chung và thi cử nói riêng từ đó tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh để học sinh, sinh viên khi thấy tiêu cực là phải lên án, coi tiêu cực là những điều xa lạ, là việc không thể có trong nhà trường. Phải thật sự phát huy dân chủ trong môi trường giáo dục.
            Thứ mười là, nói chuyện với cán bộ, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21/10/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng8. Bởi vậy, trong các trường, các đơn vị giáo dục phải thực sự coi trọng yếu tố dạy người. Nhà trường phải dạy họ thành người và dạy chữ, nghiệp vụ và chuyên môn, phải đào tạo họ thành những người “vừa hồng, vừa chuyên”, sau này ra trường họ trở thành những cán bộ, công chức, viên chức tốt để phục vụ Nhân dân.
            Thứ mười một là, mỗi nhà trường, mỗi đơn vị giáo dục, đặc biệt là đối với các trường đào tạo nghề phải giữ cho được “thương hiệu” của trường mình, đơn vị mình. Phải thực sự là địa chỉ tin cậy đối với Nhân dân khi họ gửi gắm con em vào học ở đó. Mỗi khoá học sinh, sinh viên ra trường phải phân định rõ “thầy ra thầy, thợ ra thợ”, tránh tình trạng thầy không ra thầy, thợ không ra thợ, trắng đen lẫn lộn. Mất uy tín của một nhà trường đào tạo.
            Thứ mười hai là, nói phải đi đôi với làm, "Phải thật thà nhúng tay vào việc"9... Đó là tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chúng tôi cho rằng biện pháp dù có hay mấy, hoàn thiện mấy đi nữa nhưng mỗi người không tự soi, tự sửa, không tự thấy trách nhiệm của mình, không tự giác phê bình và tự phê bình, coi đó là việc của ai, còn bản thân đứng ngoài cuộc thì không thể nào thực hiện được việc chống tiêu cực trong giáo dục và đào tạo trước yêu cầu mới./.
(1)-(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011.

Tác giả bài viết: Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây