Phụ nữ bị bạo lực cần được sẻ chia

Chủ nhật - 13/11/2022 20:33 326 0
- Bất bình đẳng giới và bạo lực giới là vấn đề tồn tại nhiều năm nay và có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho người chịu ảnh hưởng. Điều đáng nói, bạo lực giới diễn ra nhiều ở phụ nữ, trẻ em - những người dễ bị tổn thương.
Phụ nữ bị bạo lực cần được sẻ chia
Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
P.V: Được biết, bà vừa vào Nghệ An để tham dự Hội thảo tổng kết Dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới”. Nghệ An là 1 trong 2 tỉnh được thụ hưởng dự án. Bà có thể cho biết, điều lớn nhất mà dự án này mang lại là gì?
Bà Trần Thị Bích Loan: Tôi đã từng gặp một nạn nhân bị bạo lực và chị thường bị bạo lực vào buổi tối. Nơi mà chị tìm đến lánh nạn là một cái miếu ở nghĩa trang. Không có một nơi nào để bấu víu, hỗ trợ cho mình và dù có mưa gió hay bất cứ thời tiết thế nào thì chị cũng chỉ có nơi đó để tạm lánh. Khi chúng tôi phỏng vấn, chị kể rằng, trên cơ thể chị những vết đánh của chồng, chằng chịt như cái bản đồ.
 
Những câu chuyện về những phụ nữ từng bị bạo hành đem lại nhiều suy nghĩ cho người xem. Ảnh: Mỹ Hà
Đó là câu chuyện mà chúng tôi từng tiếp xúc, từng được lắng nghe và chúng tôi thực sự xin chia sẻ với những đau khổ của cuộc sống mà các nạn nhân bị bạo lực phải hứng chịu, phải trải qua. Chính vì vậy, tham dự buổi tổng kết này, được nghe các báo cáo, nghe chia sẻ về kết quả sau 3 năm thực hiện dự án, tôi thấy rất nhân văn, ý nghĩa vì đã truyền tải được rất nhiều thông điệp.
Kết quả của dự án đã đạt được con số ấn tượng, với 900 người chịu tác động từ bạo lực được nhận sự hỗ trợ, tình trạng bạo lực đã giảm từ 58% xuống 23%. Hơn thế, có 80% cán bộ trong dự án được nâng cao nhận thức kỹ năng và 200.000 người dân, nam giới tham gia chương trình, thành lập các nhóm đồng đẳng để tạo sự tiên phong, gương mẫu, kêu gọi người khác tạo ra sự thay đổi về bình đẳng giới. Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ giảm thiểu sang chấn cho những người bị bạo lực và có thể cả những người gây bạo lực, điều đó giúp họ ổn định tâm lý và thoát khỏi ám ảnh đã phải trải qua những nỗi ám ảnh hết sức đau khổ trong cuộc sống.
Một kết quả khác tôi cho rằng rất ý nghĩa, đó là tỷ lệ người dân ở 2 địa phương (Nghệ An và Yên Bái) tham gia dự án đã mạnh dạn tìm những người trợ giúp xung quanh đã tăng rất nhiều. Trước đó, đây là một trong những điểm yếu mà chúng tôi thu nhận được qua điều tra về bạo lực giới năm 2019, khi mà có tới 90,14% người bị bạo lực chưa từng tìm kiếm một sự hỗ trợ nào từ những người xung quanh, từ chính quyền địa phương và các tổ chức, dịch vụ. Và với dự án này, chúng ta đã tạo ra được sự thay đổi mới.
Bên cạnh đó, chúng ta có những sáng kiến để nâng cao hiệu quả thực hiện dự án như sáng kiến thành lập đội phản ứng nhanh, hòm thư tố cáo hành vi gây ra bạo lực, đường dây nóng và chúng ta có hỗ trợ kinh tế phát triển bền vững để giảm thiểu những khó khăn trong cuộc sống và là một trong những tác nhân gây ra bạo lực trên cơ sở giới.



Mong rằng, sau thành công của dự án này từ Nghệ An và Yên Bái, chúng tôi sẽ giới thiệu và nhân rộng những mô hình hay, những bài học trên phạm vi toàn quốc.
P.V: Trong vòng 10 năm trở lại đây, tỉnh Nghệ An có hơn 8.000 vụ bạo lực gia đình, trong đó, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em và con số này trên cả nước sẽ còn nhiều hơn nữa. Theo bà, nguyên nhân là do đâu?
Bà Trần Thị Bích Loan: Thời gian qua, tuy các cấp, ngành của chúng ta có rất nhiều nỗ lực trong việc thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bất bình đẳng giới nhưng hiện nay, đang còn nhiều khoảng trống, thách thức trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam.
Bà Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
phát biểu tại buổi lễ tổng kết Dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện
việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” tại Nghệ An.
Ảnh: Mỹ Hà
Bởi lẽ, một trong những cốt lõi dẫn đến bạo lực, bất bình đẳng trên cơ sở giới đó là phân biệt đối xử về giới, dẫn tới coi trọng nam giới hơn phụ nữ. Từ đó, dẫn đến việc kỳ thị, phân biệt và từ chối sự tham gia thụ hưởng của giới trong xã hội. Phụ nữ và trẻ em gái vẫn là thuộc nhóm đối tượng yếu thế, yếu thế từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Mặc dù tới thời điểm này các con số ở nhiều lĩnh vực đã thể hiện sự tiến bộ rất nhiều của phụ nữ khi tham gia vào các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng xét trên những khía cạnh cụ thể vẫn còn những khoảng trống và do đó dẫn tới hình thức bạo lực trên cơ sở giới.
Hiện nay, chúng ta có 3 khái niệm, bạo lực phụ nữ, bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới. Luật pháp hiện nay vẫn đang có khoảng trống khi chúng ta chỉ mới có 1 luật, đó là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về các hành vi về bạo lực gia đình. Nhưng, như chúng ta biết, bạo lực không chỉ xảy ra trong phạm vi 1 gia đình mà còn xảy ra trong các môi trường khác như nơi làm việc, trường học, không gian công cộng, thậm chí bây giờ còn rất phổ biến trên môi trường mạng xã hội. Vì vậy, cần phải có các biện pháp ứng phó cho phù hợp với từng nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, ở các môi trường khác nhau. Hay, Luật Bình đẳng giới có một điều quy định nghiêm cấm quy định bạo lực trên cơ sở giới, nhưng chưa có định nghĩa đầy đủ bạo lực trên cơ sở giới.
Vấn đề thứ hai mà tôi thấy thách thức rất lớn, đó là nhận thức của người dân về các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới. Cộng đồng người dân nói chung vẫn còn những định kiến khuôn mẫu về vai trò của phụ nữ và nam giới. Bản thân phụ nữ với nền tảng giáo dục rất lâu từ ông bà, cha mẹ đến các thế hệ con cháu đều theo nếp, đó là nam giới phải cứng rắn, trụ cột gia đình, phụ nữ phải mềm dẻo, cam chịu, biết hy sinh, phải chăm lo cho công việc gia đình, và với nhận thức như vậy đã tạo ra phân biệt, đối xử từ trong gia đình ra ngoài xã hội.
 
 
Rất nhiều phụ nữ mà chúng tôi phỏng vấn có kết quả rất buồn: Có tới 50% cho rằng, mình bị bạo lực là chuyện rất bình thường, không có gì to tát. Cộng đồng xã hội vẫn đề cao nam giới hơn phụ nữ với câu nói cửa miệng như “làm hoa cho người ta hái, làm con gái cho người ta trêu” và những hành vi liên quan đến việc quấy rối, bạo lực đều được biện minh bằng một lý do nào đó.
Thậm chí, việc bạo lực được ẩn đi và thay vào đó là lỗi của người phụ nữ. Khi một số vụ quấy rối được đưa lên hệ thống thông tin đại chúng thì đa phần, người bị bạo lực lại bị lên án nhiều hơn so với người có hành vi bạo lực. Chúng tôi gọi đó là bạo lực thứ cấp, tiếp tục gây tổn thương một cách gián tiếp cho những người bị bạo lực và họ không dám chịu lên tiếng và tiếp tục im lặng, không dám nói lên câu chuyện của mình.
P.V: Ngoài những lý do trên, dường như nhân lực, vật lực để bảo đảm quyền lợi cho những người bị bạo lực cũng chưa được chú trọng?
Bà Trần Thị Bích Loan: Tôi cho rằng, cơ chế phối hợp liên ngành hiện nay còn lỏng lẻo và chúng ta chưa có một cơ chế nào nêu một cách rõ ràng, khi có một vụ bạo lực xảy ra thì cơ quan nào sẽ là cơ quan tiếp nhận và cơ quan nào sẽ cùng phối hợp để xử lý.
Một câu chuyện điển hình, đó là một bé gái 5 tuổi đi theo mẹ lên Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc và bị một người lái xe ôm xâm hại. Người mẹ đó, khi biết con mình bị hại, nhưng từ 5h chiều đến 12h đêm chở con đi nhiều nơi để giám định pháp y, làm đơn tố cáo nhưng đi từ công an, hội phụ nữ và bệnh viện vẫn không thể xác định. Trong khi đó, việc giữ bằng chứng chỉ có giá trị trong 24h.
Một điểm trống nữa đó là dịch vụ còn rất thiếu và yếu. Cơ chế sẵn sàng được chia sẻ, được lắng nghe còn rất ít, nhiều nhân viên cung cấp dịch vụ chưa có nhiều kiến thức, kỹ năng khi làm việc với người bị bạo lực. Tôi nghĩ, một người bị bạo lực khi gọi đến tổng đài mà nhận được câu hỏi tại sao chị biết số điện thoại của chúng tôi, tại sao chị bị bạo lực thì họ sẽ rất khó để chia sẻ câu chuyện của mình. Cái chúng ta cần hướng tới là các dịch vụ đó phải thật sự thân thiện, đồng cảm để họ có thể sẻ chia, nương tựa.
Những hạn chế khác, đó là nguồn lực về cả con người và kinh phí. Chúng tôi từng chấp bút một dự thảo về cơ chế phối hợp liên ngành, nhưng tổ chức hội thảo tham vấn và xác định ở cấp xã ai là người đứng ra tiếp nhận các vụ việc để kết nối người bị bạo lực với các cơ quan chức năng khác thực sự khó khăn. Bởi lẽ, một công chức cấp xã của ngành lao động họ phải đảm đương đến mười mấy đầu việc, quả thật không dễ dàng và nếu thực hiện sẽ còn mờ nhạt và hình thức.
P.V: Nghệ An là một tỉnh đặc thù với 11 huyện miền núi cao. Là người công tác trong lĩnh vực bình đẳng giới, theo bà, phụ nữ, trẻ em ở vùng cao sẽ có những thiệt thòi nào?
Bà Trần Thị Bích Loan: Một trong những điểm mà chúng tôi cho rằng, còn khó khăn, thách thức là điều kiện kinh tế - xã hội vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, do vậy, việc nâng cao dân trí, tham gia vào các hoạt động xã hội của phụ nữ và trẻ em gái đang rất hạn chế. Điều này, nếu chỉ so sánh phụ nữ miền núi và miền xuôi đã thấy rõ khoảng cách rồi chứ không so sánh với nam giới. Bên cạnh đó, những tập quán lạc hậu, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn phổ biến, là những thách thức chúng ta cần tập trung truyền thông.
Thời gian tới, chiến lược thực hiện phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An cũng cần đi vào thực chất hơn và không tách rời vấn đề giới khỏi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần đưa ra giải pháp phù hợp, nâng cao vai trò không chỉ phụ nữ và trẻ em gái mà cả nam giới và trẻ em trai để các nhóm được thụ hưởng tốt hơn, cùng nâng cao dân trí và cùng đạt được mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới.
 
Truyền thông với nội dung "Nói không với bạo lực gia đình". Ảnh: Mỹ Hà
P.V: Vậy, để hạn chế tình trạng bạo lực giới và rút ngắn khoảng cách về bất bình đẳng giới, chúng ta cần có những giải pháp nào, thưa bà?
Bà Trần Thị Bích Loan: Thời gian tới, cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó bạo lực trên cơ sở giới. Hiện nay, chúng tôi đang bắt tay xây dựng Luật Bình đẳng giới sửa đổi và trong đó, cần phải làm rõ khái niệm như thế nào là bạo lực trên cơ sở giới, hành vi nào là bạo lực trên cơ sở giới. Bên cạnh đó, cần làm rõ khái niệm các hành động có hại dẫn tới bất bình đẳng giới như tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi.
 
 
Ngoài ra, cần có các quy định để hình thành các kênh tiếp nhận thông tin để hỗ trợ cho những người có khiếu nại, tố cáo về hành vi phân biệt, đối xử và bạo lực trên cơ sở giới. Từ Luật Bình đẳng giới được chúng tôi coi là luật khung cần quy định được các nguyên tắc để các luật khác bảo đảm được thực hiện, tránh hành vi phân biệt, đối xử ở các môi trường, lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức truyền thông để thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân. Việc truyền thông phải phù hợp với từng nhóm đối tượng, trình độ ngôn ngữ vùng, miền và khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin trong bối cảnh hiện đại, mạng xã hội bùng nổ.
Tôi cũng nghĩ rằng, cần làm tốt công tác phối hợp liên ngành và cần làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị tham gia. Nghĩa là khi có sự việc xảy ra, từng cơ quan phải trả lời cho người dân thời gian xử lý là bao lâu, tránh tình trạng từ từ, “đá bóng”, thiếu trách nhiệm, thiếu sự quan tâm, thấu hiểu.
P.V: Xin cảm ơn bà!
 

Tác giả bài viết: Mỹ Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây