Đổi mới và nâng cao chất lượng chính sách xã hội đối với người cao tuổi

Thứ hai - 18/03/2024 03:33 56 0
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đối với người cao tuổi, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Sáng 12/3, Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá công tác người cao tuổi năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, các đồng chí: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Công tác người cao tuổi tỉnh; Cao Đăng Vĩnh - Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh, Phó Trưởng ban đồng chủ trì.

CHÍNH SÁCH CHO NGƯỜI CAO TUỔI ĐẢM BẢO ĐẦY ĐỦ, KỊP THỜI
Theo Dữ liệu dân cư quốc gia, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Tuổi thọ bình quân người cao tuổi là 73,6 tuổi. Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo 3,6%, cận nghèo là 11,6%, cao hơn bình quân chung của cả nước.
Công tác người cao tuổi được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật và hệ thống văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện đầy đủ, toàn diện và đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 42 ngày 24/11/2923 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với người cao tuổi bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Đến nay, 14 tỉnh/thành phố nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, trợ giúp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định; 32 tỉnh/thành phố mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội, trong đó phần lớn là người cao tuổi.
Hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tiếp tục được các cấp, ngành, đơn vị quan tâm, nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi ngày càng được cải thiện, đặc biệt là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Người cao tuổi tích cực tham gia vào công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội. Cả nước có 733.846 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, thanh tra nhân dân. Hơn 95.000 người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hơn 300.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi.
Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn, đặc biệt người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa. Chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi còn hạn chế, mức trợ cấp xã hội thấp; nhiều người cao tuổi gặp khó khăn, thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo chưa được hưởng trợ cấp xã hội.
Mặt khác, công tác chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thân thể, cơ sở trợ giúp xã hội cho người cao tuổi còn một số hạn chế. Nguồn lực bố trí để các Bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi còn hạn chế, chưa đáp ứng với nhiệm vụ được giao.
Tại hội nghị, các địa phương đã báo cáo các kết quả cơ bản về công tác người cao tuổi; nêu lên những vướng mắc, khó khăn trong công tác về bộ máy cán bộ, kinh phí... Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã trao đổi những vấn đề liên quan.
TIẾP TỤC QUAN TÂM, DÀNH NGUỒN LỰC HỖ TRỢ NGƯỜI CAO TUỔI
Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đánh giá, những kết quả của năm 2023 trong công tác người cao tuổi là hết sức toàn diện, bám sát, đúng định hướng, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy vai trò, tầm quan trọng của người cao tuổi đối với xã hội.
Thống nhất với các định hướng hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam trong năm 2024, Phó Thủ tướng cho rằng, các nhiệm vụ đặt ra phải có kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể và cần lựa chọn các nhiệm vụ theo hướng ưu tiên. Bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, đối với những nhiệm vụ quan trọng phải bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Quốc gia.
Nhấn mạnh mặc dù Đảng, Nhà nước đã quan tâm sâu sắc đến công tác người cao tuổi, song đồng chí Trần Hồng Hà cho rằng, trước bối cảnh mới khi tuổi thọ tăng, tỷ lệ sinh thấp, tốc độ già hoá tăng nhanh, cần tiến hành tổng kết Nghị quyết số 42 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhằm đáp ứng với tình hình mới; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người cao tuổi.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục cụ thể hoá Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, xây dựng chiến lược quốc gia để thực hiện các mục tiêu đặt ra. Các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện các quy định chính sách hỗ trợ người cao tuổi trên các lĩnh vực.

Tác giả bài viết: PB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây