Y học cổ truyền (Đông y) trong điều trị các bệnh lý

Thứ hai - 15/04/2024 23:39 212 0
Y học cổ truyền (Đông y) trong điều trị các bệnh lý
Ngày nay, bên cạnh sự phát triển vượt bậc của nền y học hiện đại (YHHĐ)  cùng với việc ứng dụng nhiều thành tựu khoa học – công nghệ trong công tác khám chữa bệnh thì y học cổ truyền (YHCT) vẫn giữ một vai trò quan trọng, nhất là trong việc phối hợp giữa đông y và tây y để điều trị cho người bệnh.
  1. Bạn đã thực sự hiểu rõ về Y học cổ truyền?
Y học cổ truyền là phương pháp sử dụng các bài thuốc được lưu truyền từ xa xưa, trong đó các phương pháp trị liệu như xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt,… cũng đã được chứng minh về tính hiệu quả và an toàn. Trong thực hành lâm sàng, điều trị các bệnh lý cấp tính vốn là thế mạnh của YHHĐ, song YHCT lại rất hữu ích đối với người bệnh mắc bệnh mạn tính; di chứng do tai biến hoặc các bệnh lý rối loạn cơ năng. Chính vì thế, ở thời điểm hiện tại YHCT vẫn mang lại lợi ích đáng kể cho người bệnh. Sự phối hợp giữa YHHĐ và YHCT phù hợp sẽ mang lại hiệu quả rất tốt.
  1. Các phương pháp chẩn đoán trong Y học cổ truyền
Nếu như trong tây y có rất nhiều phương pháp để kiểm tra sức khỏe người bệnh như khám lâm sàng, xét nghiệm, siêu âm, nội soi, chụp X-quang,… thì ở YHCT, chúng ta có thể chẩn đoán bệnh bằng phương pháp “tứ chẩn” bao gồm:
  • Vọng chẩn: Quan sát tình trạng người bệnh
Đây là phương pháp nhận biết và xác định bệnh thông qua quan sát các yếu tố bên ngoài của người bệnh như các bộ phận ở mặt, mắt, lưỡi, màu sắc của da,… do những bộ phận này có mối liên hệ với cơ quan nội tạng bên trong và tình trạng bệnh trong cơ thể sẽ theo đó mà được “phản ánh” ra ngoài. Trong đó, xem lưỡi để chẩn đoán bệnh được coi là một trong những điểm đặc sắc của YHCT.
  • Văn chẩn: Lắng nghe âm thanh, ngửi chất thải từ người bệnh
Việc chẩn đoán bệnh sẽ được nhận định thông qua những gì bác sĩ quan sát được từ đặc điểm bên ngoài của người bệnh, sau đó bác sĩ sẽ “lắng nghe” đến tính chất về âm thanh của người bệnh như tiếng thở, tiếng ho và mùi phát ra từ cơ thể người bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ bước đầu xác định được vấn đề mà họ đang gặp phải là gì.
  • Vấn chẩn: Hỏi về tiền sử, diễn tiến của bệnh
Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ thu thập thêm thông tin bằng cách hỏi người bệnh về thói quen sinh hoạt thường ngày, chế độ ăn uống, tiền sử bệnh, diễn tiến bệnh từ lúc khởi phát đến lúc thăm khám.
  • Thiết chẩn: Sử dụng phương thức thăm khám và chẩn đoán bệnh
Bác sĩ sẽ tiến hành khám bằng cách sờ nắn da, thịt, tay chân, bụng để xem vị trí và xác định tính chất của bệnh và bắt mạch để biết được tình trạng của cơ quan nội tạng bên trong cơ thể. Bắt mạch chẩn đoán bệnh là một phương pháp khám bệnh vô cùng đặc trưng chỉ có thể thấy ở YHCT.
Song song với các phương pháp trên, YHCT cũng kết hợp cùng các chẩn đoán cận lâm sàng trong tây y để đưa ra hướng điều trị phù hợp, an toàn và hiệu quả nhất.
  1. Các bệnh lý được phối kết hợp điều trị trong Y học cổ truyền
   – Các bệnh về xương khớp: thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, loãng xương, viêm khớp dạng thấp, thoát vị đĩa đệm, bệnh gout, viêm quanh khớp vai,…
   – Các bệnh về tiêu hóa: viêm đại tràng mạn tính, viêm da dày mạn tính, bệnh đại tràng chức năng, xơ gan do rượu còn bù,…
  – Bệnh về thần kinh: Di chứng liệt sau chấn thương; phẫu thuật cột sống; viêm tủy cắt ngang; viêm dây thần kinh ngoại biên; các di chứng liệt thần kinh ngoại biên (liệt thần kinh quay, thần kinh trụ, hội chứng ống cổ tay, đau thần kinh ngoại biên,…); Liệt một số dây thần kinh như liệt VII ngoại biên, liệt dây III, IV, VI; đau dây V; đau sau zona; hội chứng tiền đình…
  – Phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não: liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn nuốt, bí tiểu,…
– Các chứng thần kinh thực vật: ra mồ hôi tay chân, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, rối loạn cương dương, rối loạn kinh nguyệt, mất ngủ,…
– Các bệnh chuyển hóa: béo phì; tăng mỡ máu; hỗ trợ điều trị đái tháo đường và các biến chứng thần kinh ngoại biên của đái tháo đường typ 2 (tê bì, viêm dây thần kinh..); tăng acid uric máu; hội chứng bệnh chuyển hóa (đái tháo đường, tăng mỡ máu, tăng acid uric),…
– Các bệnh hệ thận tiết niệu: sỏi thận tiết niệu không có chỉ định phẫu thuật (sỏi nhỏ < 1 cm), đái rắt, đặc biệt u xơ tiền liệt tuyến chưa có chỉ định ngoại khoa,…
– Các bệnh về tim mạch: hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, rối loạn thần kinh tim, thiểu năng tuần hoàn não, hội chứng tiền đình, huyết áp thấp, suy tĩnh mạch, vữa xơ động mạch,…
 

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây