Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thứ năm - 12/09/2024 05:01 60 0
Với mục tiêu quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu năm 2024 xếp vị trí 20 - 25 cả nước; phấn đấu đến năm 2025 nằm trong top 15 cả nước, ngày 5/9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 7595/UBND-CN yêu cầu các Sở, ban ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành, thị tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số PCI.
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI trong thời gian tới, đặc biệt là các chỉ số giảm điểm, giảm thứ bậc, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND tỉnh giao tại Đề án “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 -2025” và các văn bản liên quan; chủ động nghiên cứu kết quả thực hiện các chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, nghiêm túc đánh giá các tồn tại, hạn chế, có các giải pháp khắc phục. 
Về Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng: UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục phổ biến, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Nghị định của Chính phủ. Tuyên truyền thông tin về các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng nhiều hình thức, nhiều kênh để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thể dễ dàng tiếp cận (đặc biệt về đất đai, nguồn vốn...); phát huy vai trò của Hiệp hội, các hội doanh nghiệp, doanh nhân,… trong việc tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các hội, hiệp hội doanh nghiệp nhằm nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và kịp thời tham mưu, giải quyết cho doanh nghiệp. 
Hằng năm tổ chức các hội nghị, hội thảo, khoá tập huấn theo chuyên đề cho các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao năng lực quản trị, quản lý điều hành, thông tin các cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Cục Thuế tỉnh và các Chi cục Thuế trực thuộc tổ chức hội nghị tập huấn, đối thoại với người nộp thuế tối thiểu 01 lần/quý, qua đó nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế trong quá trình thực hiện chính sách thuế và các kiến nghị, phản ánh về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức thuế để có giải pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Các cơ quan báo chí của tỉnh, Hiệp hội, hội doanh nghiệp tỉnh tăng cường tuyên truyền về mục đích và ý nghĩa của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI; phổ biến, giới thiệu đến các doanh nghiệp trong tỉnh truy cập vào Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước để khai thác, tra cứu các thông tin, văn bản, chế độ chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong việc nộp hồ sơ giải quyết TTHC. 
Về Chỉ số Tiếp cận đất đai: Kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của tỉnh liên quan đến đất đai đảm bảo phù hợp với Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định hướng dẫn thi hành. Nâng cao chất lượng, đạo đức công vụ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực đất đai. Ưu tiên bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, ứng xử tốt tại bộ phận tiếp nhận và hướng dẫn hồ sơ. 
Ứng dụng, khai thác có hiệu quả Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai tỉnh (do WB tài trợ); công khai, minh bạch các TTHC về đất đai, các chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá đất, quỹ đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, danh mục dự án có sử dụng đất để tổ chức đấu thầu, đấu giá trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường cho doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận. 
Xây dựng cơ chế tạo quỹ đất dự trữ, tạo quỹ đất sạch do Nhà nước quản lý, nhất là đối với các khu đất nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp, các khu đất quy hoạch dự án thuộc danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, các khu đất có giá trị thương mại cao nhằm gia tăng giá trị đất và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án theo hướng công khai, minh bạch thông qua các hình thức đấu giá, đấu thầu. 
Thông báo công khai quy hoạch diện tích đất dành cho doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm mặt bằng để triển khai dự án sản xuất, kinh doanh ngoài các khu, cụm công nghiệp. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng tại những khu vực đã có quy hoạch; thực hiện tốt công tác thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật… 
Về Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền: Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả; tổ chức triển khai các nhiệm vụ toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm; gắn nhiệm vụ, trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân cụ thể theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả. 
Các sở, ngành, địa phương tích cực, chủ động, linh hoạt trong công tác thẩm định, xem xét giải quyết các vấn đề có liên quan thuộc lĩnh vực phụ trách với khuôn khổ pháp luật, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; kịp thời giải quyết khó khăn, những vấn đề mới phát sinh và các vấn đề chưa rõ trong các quyết định, chính sách của Nhà nước; đề xuất các giải pháp có tính đột phá nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề Trung ương quy định có điểm chưa rõ thì kịp thời báo cáo Lãnh đạo tỉnh cho ý kiến giải quyết trên tinh thần giải quyết nhanh chóng, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các Sở, ban ngành, địa phương với các tổ chức, hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đã kiến nghị, từ đó tạo dựng lòng tin của doanh nghiệp đối với quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh và tinh thần cầu thị chính quyền tỉnh. 
Tăng cường phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chuẩn hóa bộ dữ liệu Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, địa phương (DDCI) để đưa kết quả chỉ số DDCI là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị hàng năm. 
Về Chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự: Tích cực cập nhật kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong việc tra cứu, áp dụng. Tiếp tục nâng cao vai trò, năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước. 
Tòa án nhân dân các cấp chú trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác giải quyết, xét xử các vụ, việc; đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ, việc; nâng cao chất lượng hoạt động của tòa án; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ, việc…
Tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, đối tượng không để xảy ra hoạt động băng nhóm bảo kê có tính chất côn đồ, xã hội đen, đe dọa các hoạt động hợp pháp của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý nguồn tin về tội phạm; tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến tình hình an ninh, trật tự và hỗ trợ đầu tư, sản xuất.
Về Chỉ số Chi phí không chính thức: Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả công việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; năng động, gương mẫu thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm nếu cán bộ thuộc quyền quản lý gây khó khăn phiền hà, nhũng nhiễu. Rà soát tinh giảm, đơn giản hóa các TTHC không cần thiết, còn chồng chéo; hướng dẫn thực hiện các TTHC rõ ràng dễ hiểu, dễ thực hiện về quy trình, mẫu biểu và số lượng hồ sơ, tinh giảm các đầu mối làm việc với doanh nghiệp, người dân. 
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; tăng cường công tác hỗ trợ, tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp về thực hiện TTHC trực tuyến; song song với nâng cấp, cải thiện hạ tầng kỹ thuật để tạo thuận lợi cho việc thực hiện TTHC trực tuyến. Tuyên truyền, phổ biến các kênh thông tin tiếp nhận, nắm bắt phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin điện tử của Sở, ban ngành, địa phương.
Quán triệt, yêu cầu các đơn vị khi tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp phải có chương trình, kế hoạch rõ ràng; tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, chỉ đạo của UBND tỉnh.
Theo kết quả công bố, Chỉ số PCI của tỉnh năm 2023 đạt 65,72 điểm, xếp thứ 44 cả nước (giảm 0,88 điểm, giảm 21 bậc so với năm 2022). Một số chỉ số thành phần có thứ hạng rất thấp như: Chi phí không chính thức (xếp thứ 63), Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (xếp thứ 56), Tiếp cận đất đai (xếp thứ 55), Chi phí thời gian (xếp thứ 52), Cạnh tranh bình đẳng (xếp thứ 44).

Tác giả bài viết: NPV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây