Bài 3: Thổi hồn vào nhà văn hóa cộng đồng

Thứ ba - 12/09/2023 03:43 270 0
Bài 3: Thổi hồn vào nhà văn hóa cộng đồng
Ở Hà Tĩnh, trước đây nhà văn hóa (NVH) cộng đồng cũng “cửa đóng then cài” tương tự như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Nhưng, kể từ đầu năm 2021 đến nay, khi mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” triển khai, NVH cộng đồng ở Hà Tĩnh thay đổi hoàn toàn cả hình thức lẫn hoạt động bên trong. Mô hình đặc biệt này thực sự “thổi hồn” cho NVH vốn ít khi được dùng đến.
Sáng kiến của Mặt trận: Sau trận lũ lịch sử 2020, Tỉnh ủy Hà Tĩnh phát động chương trình xây dựng NVH cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ. Hàng chục NVH quy mô, bề thế mọc lên ở giữa những khu dân cư từng ngập chìm trong nước lũ. Hà Tĩnh kỳ vọng những ngôi nhà này sẽ trở thành nơi đùm bọc bà con nhân dân mỗi khi bão, lũ xảy đến.
Tuy nhiên, mỗi một NVH cộng đồng tránh lũ trị giá hơn 2 tỷ đồng được xây dựng bằng ngân sách, nguồn xã hội hóa nhưng mỗi năm chỉ sử dụng 1-2 lần để tránh trú bão, lũ (nếu bão, lũ không có thì chức năng này không dùng đến) và thỉnh thoảng họp thôn, xóm. Lường trước việc lãng phí đó, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã sáng tạo triển khai mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” trên nền NVH cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh chủ động phối hợp với Hệ thống Ngôi nhà trí tuệ và Tủ sách nhân ái Việt Nam tiến hành khảo sát địa bàn, nắm bắt hiện trạng, công năng sử dụng của các NVH, đề xuất chủ trương với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo 22 cấp tỉnh về việc ra mắt mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tại các Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ.
Qua khoảng thời gian gần 2 năm, mô hình đã phát huy tối đa công năng NVH cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Những hoạt động trong “Ngôi nhà trí tuệ” vừa giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân gian, vừa là “cái nôi” để phát triển con người theo hướng hiện đại. Nhưng trên hết, “Ngôi nhà trí tuệ” là điểm kết nối giữa người với người, là “ngôi nhà chung” để tăng cường tình đoàn kết, yêu thương, thắm đượm tình đoàn kết, cố kết cộng đồng.
Quá trình xây dựng mô hình, nhận thấy “Ngôi nhà trí tuệ” thực sự hữu ích, thiết thực với đời sống văn hóa ở khu dân cư, mô hình đã lan tỏa đến cả những nơi không có NVH cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ.
Phát huy công năng nhà tránh lũ: Sau 3 tháng triển khai, “NVH cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ” thôn Phan Chu Trinh (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) hoàn thành, đưa vào sử dụng. Từ khi có ngôi nhà này, người dân vùng rốn lũ Phan Chu Trinh vui như hội.
Người già, thanh niên, trẻ nhỏ… nô nức về đây để học tiếng Anh, đọc sách, vào mạng internet mở mang kiến thức và vui chơi, thể dục, thể thao. Đặc biệt, vào mùa hè, đây là nơi để học sinh rời xa điện thoại, máy tính bảng để học hỏi, mở mang kiến thức và đắm mình với những trò chơi dân gian hữu ích.
Đang chơi bóng chuyền hơi, cụ Phan Văn Chương (64 tuổi, thôn Phan Chu Trinh) vui vẻ nói: “Chưa bao giờ tôi thấy NVH hữu ích như bây giờ. Tôi có sân chơi, 3 đứa cháu có chỗ học và chơi, có không gian vận động. Bố mẹ các cháu cũng tham gia các câu lạc bộ dân vũ, dân ca ví dặm. Với cách sắp xếp, bố trí như thế này ngôi nhà đã phát huy được tác dụng đúng như tên gọi của nó, NVH cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”.
Từ tháng 10/2021 đến nay, “Ngôi nhà trí tuệ” tại thôn Phan Chu Trinh đã thành lập được 6 câu lạc bộ văn hóa - thể thao. “Từ ngày có “Ngôi nhà trí tuệ”, các câu lạc bộ hoạt động thường xuyên, việc tổ chức các hoạt động của thôn thực sự nề nếp, sôi nổi, bổ ích và hiệu quả rõ nét. Thu hút hàng trăm thành viên và nhân dân tham gia. Tạo sự gắn bó, đoàn kết” - ông Võ Tá Thọ - Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Phan Chu Trinh cho biết.
Cán bộ thôn Phan Chu Trinh cho hay, kinh phí để xây dựng “Ngôi nhà trí tuệ” của thôn là 490 triệu đồng. Trong đó, cấp trên hỗ trợ 200 triệu đồng, ngân sách xã 30 triệu đồng, nhân dân đóng góp 125 triệu đồng, nguồn xã hội hóa 135 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Thái Ngọc Hải chia sẻ: Mục tiêu nhất quán của các “Ngôi nhà trí tuệ” là thúc đẩy việc chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết và lan tỏa lòng nhân ái một cách sâu rộng trong cộng đồng. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa của đông đảo nhân dân, nơi xây dựng và phát triển những cộng đồng học tập nhằm chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, những cộng đồng dân cư sống nhân ái, thương yêu nhau, gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Những tưởng, “Ngôi nhà trí tuệ” chỉ tích hợp trên NVH cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ. Thế nhưng, với những giá trị thực tiễn thực sự bổ ích, nhiều địa phương đã tìm hiểu và quyết định đưa mô hình đến cho dân cư của mình.
Làm “sống dậy” nhà văn hóa cũ: Khoảng 3 tháng trở lại đây, NVH tổ dân phố 3, thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) nhộn nhịp lạ thường. Ngày nào cũng thế, tâm điểm hoạt động của người dân vùng sơn cước này đều xoay quanh NVH bởi các tầng lớp nhân dân đang xây dựng mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” trên nền NVH cũ của tổ.
Niềm vui, sự phấn khởi hiện diện trên mỗi khuôn mặt người dân tổ dân phố 3, thị trấn Phố Châu. Ông Nguyễn Văn Vượng (sinh năm 1952) không giấu được sự vui mừng, nở nụ cười rạng rỡ khi chia sẻ với chúng tôi về việc “thay áo” cho “ngôi nhà chung” của tổ dân phố.
“NVH này nhân dân chung tay xây dựng và đưa vào sử dụng cách đây 2 năm nhưng mỗi năm chỉ mở cửa hội họp khoảng 20 lần, còn lại đóng cửa im lìm. Kể từ khi thực hiện mô hình Ngôi nhà trí tuệ, NVH tổ chúng tôi thay đổi hoàn toàn. Từ người già đến trẻ,… đều quây quần bên nhau để vui chơi, thể dục, thể thao, học tập, mở mang kiến thức. Không chỉ tôi mà cả tổ đều rất hoan nghênh mô hình này” - ông Vượng vừa nói vừa hướng đôi mắt ra ngắm những đứa trẻ trong tổ vui đùa ngoài sân.
Ở vùng đô thị chật chội, thiếu không gian vui chơi như tổ dân phố 3 thị trấn Phố Châu thì việc thực hiện mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” là giải pháp tháo gỡ được những vấn đề cấp bách về thiếu địa điểm vui chơi, giải trí. Đặc biệt là gắn kết tình làng nghĩa xóm. “Xuất phát từ nguyện vọng người dân, trước mắt, chúng tôi phấn đấu xây dựng mỗi xã, thị trấn một mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”. Sau này, dần dần sẽ phủ sóng mô hình này đến từng khu dân cư để thay đổi nếp sinh hoạt buồn tẻ ở các NVH” - ông Nguyễn Thành Đồng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn khẳng định.
Theo Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, sau hơn 1 năm triển khai, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 28 mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tại các NVH cộng đồng tránh bão lũ và NVH thôn đi vào hoạt động. Tổng nguồn lực huy động để thực hiện 28 mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” khoảng 10 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa trên 60%.
Tại các “Ngôi nhà trí tuệ” trong toàn tỉnh đã thành lập hơn 120 câu lạc bộ, đa dạng về loại hình theo nhu cầu, sở thích, độ tuổi và giới tính trong các tầng lớp nhân dân. Về cơ bản, các địa phương vừa tăng cường củng cố, nâng cấp, phát triển các loại hình sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao sẵn có, đồng thời chú trọng việc hình thành mới các câu lạc bộ như: đọc sách, tiếng Anh, kỹ năng sống,...
Năm 2022, các địa phương trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đăng ký triển khai 43 mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”, trong đó, 10 mô hình tại NVH cộng đồng tránh trú bão, lũ; 15 mô hình do địa phương đăng kí xây mới và 18 mô hình do cấp huyện chủ trì xây mới.
Hầu hết “Ngôi nhà trí tuệ” ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đều dành không gian để lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa 
Bài 4 (bài cuối): Ngôi nhà trí tuệ cần vượt ra khỏi 'không gian của Hà Tĩnh'

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây