Du lịch nông nghiệp nông thôn góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt

Thứ ba - 03/10/2023 23:13 195 0
Xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn hình thành ở nhiều địa phương đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.
Du lịch nông nghiệp nông thôn góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt

Mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã phát huy giá trị tại nhiều địa phương. Ảnh: Vũ Long

Du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay cả nước có gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn hình thành ở nhiều địa phương đã phát huy hiệu quả. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại nhiều địa phương đã trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.

Đánh giá về vai trò của mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch thông minh, du lịch không phát thải,… áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số.
 

Cần xây dựng những sản phẩm OCOP đặc sắc, không trùng lặp với sản phẩm của các địa phương khác. Ảnh: Vũ Long

Cần xây dựng những sản phẩm OCOP đặc sắc, không trùng lặp với sản phẩm của các địa phương khác. Ảnh: Vũ Long

Theo bà Hồ Kim Liên – Tổng Giám đốc Công ty nước mắm Khải Hoàn, trong hơn 19 năm vừa làm kinh tế nông thôn vừa làm du lịch, doanh nghiệp này chưa tốn một đồng kinh phí làm marketing nhờ phát huy vai trò của mô hình du lịch nông thôn.

“Thương hiệu Khải Hoàn có được hôm nay chính từ khách du lịch. Muốn sản phẩm lan tỏa từ khách du lịch, chất lượng là quan trọng nhất. Sản phẩm chính là câu chuyện văn hóa bản địa nơi vùng miền của mình, vì thế các tỉnh nên có một khu tập trung giới thiệu toàn bộ sản phẩm OCOP - mỗi xã một sản phẩm” - bà Liên nói.

Xây dựng sản phẩm OCOP - cần giảm cạnh tranh không lành mạnh

Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương nhận định, thời gian qua chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền.

Các sản phẩm OCOP đã có vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền, thu hút khách du lịch, phát huy giá trị sản vật của mỗi địa phương.

Tuy nhiên, để xây dựng thành công mô hình du lịch nông thôn có sức lan tỏa rộng, sản vật vùng miền phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, kinh tế, các địa phương cần nhiều giải pháp để các sản phẩm OCOP không bị "na ná nhau".

Bà Phan Yến Ly - Giám đốc Công ty Tư vấn truyền thông và sự kiện Cánh Cam, nhấn mạnh: Xây dựng mô hình nông thôn mới, nâng cao giá trị của các sản phẩm OCOP, để khắc phục sản phẩm du lịch sao chép gây ra sự cạnh tranh giữa các địa phương thì nên có chương trình “Mỗi địa phương một sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn đặc trưng” để giảm sự trùng lặp giữa các sản phẩm, tạo điểm nhấn, tăng sức hút cho địa phương.

“Cần giảm cạnh tranh không lành lạnh, tạo câu chuyện truyền thông mới lạ, tạo tiền đề pháp lý để chính quyền hình thành cơ chế chính sách phù hợp” - bà Phan Yến Ly nhấn mạnh.

Ông Chử Hồng Minh - Phó Tổng Giám đốc Vietravel - Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam, cho biết: Ông đang là Giám đốc Đề án phát triển thương hiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia. Hiện nay, đề án đã chọn được 121 món trên 55 tỉnh/thành, cuối năm 2023 sẽ hoàn thành 1.000 món, đưa dữ liệu các món đặc sản này lên bản đồ trực tuyến.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây