Cách mạng Tháng Tám cổ vũ chúng ta đi tới!

Thứ hai - 22/08/2022 04:16 399 0
Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đề cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hình ảnh những ngày Tháng Tám lịch sử ở Hà Nội... (Ảnh: hochiminh.vn)
Hình ảnh những ngày Tháng Tám lịch sử ở Hà Nội... (Ảnh: hochiminh.vn)
 
Ngày 19/8/1945, khi Đảng ta mới tròn 15 tuổi, chưa có đến 5.000 đảng viên nhưng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất, đưa dân tộc ta vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền.
Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2/9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mau lẹ do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Đảng; là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng có phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt; nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Nguyên nhân thứ hai rất quan trọng là do tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta, không chịu sống mãi kiếp nô lệ của người dân mất nước; một lòng đi theo Đảng và được Đảng lãnh đạo qua các cuộc tổng diễn tập, đã quyết vùng lên giành độc lập cho dân tộc. Cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945 là thành tựu tuyệt vời của tinh thần, ý chí, trí tuệ con người Việt Nam. Tinh thần, trí tuệ ấy xuất hiện từ buổi đầu lịch sử dân tộc, đã được nâng lên một tầm cao mới sau 15 năm đấu tranh quật cường dưới dự lãnh đạo của Đảng. Trải qua 15 năm đấu tranh cực kỳ gian khổ và anh dũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có biết bao đồng bào, chiến sĩ đã không hề tiếc máu xương, hy sinh oanh liệt vì mục tiêu độc lập dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công cũng do được tiến hành trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định khi mà chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật đã bị đánh bại, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và của các lực lượng tiến bộ trên thế giới phát triển mạnh.
Cách mạng Tháng Tám thành công có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng. Đó là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta sống dưới ách kìm kẹp của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác-Lênin tại một nước thuộc địa ở châu Á. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với xu thế của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức, thống trị. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội.
Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước, ký tên là Nguyễn Ái Quốc, được truyền đi khắp nơi trước cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công. (Ảnh: hochiminh.vn) 
Kỷ niệm 77 năm cuộc Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đi vào cuộc sống trên từng lĩnh vực trọng yếu cơ bản. Niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước tăng lên trong các tầng lớp nhân dân. Song, chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng đan xen với những thách thức, khó khăn. Tình hình thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước những trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế; chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Cuộc xung đột quân sự Nga – Ucraina chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và ngày càng mở rộng với sự tham gia gián tiếp của các nước NATO. Khủng hoảng năng lượng và lương thực góp phần làm cho khủng hoảng kinh tế toàn cầu thêm gay gắt.
Ở trong nước, sau 36 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện có hiệu quả hai chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định:“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Song, bên cạnh những thành tựu toàn diện đã đạt được thì những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn, nếu nền kinh tế nước ta không phát triển nhanh hơn sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” vẫn là thách thức lớn…
Phát huy hào khí của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên những nội dung chủ yếu sau:
Một là, công tác Tuyên giáo tiếp tục tuyên truyền khát vọng vươn lên mãnh liệt và ý chí, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân ta lập nên những kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng từ hàng ngàn năm của dân tộc ta. Tiếp tục tuyên truyền có hệ thống tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” với nhiều hình thức sáng tạo để định hướng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc và tăng thêm niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay như Tổng Bí thư đã khẳng định: “Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội”. Tăng cường tuyên truyền để giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay đang ảnh hưởng đến tư tưởng, tính mạng, sức khỏe của các tầng lớp nhân dân. Đó là: An toàn thông tin mạng; An toàn thông tin dịch bệnh; An toàn giao thông; An toàn môi trường và An toàn vệ sinh thực phẩm (gọi tắt là tuyên truyền 5A). Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” để kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo của Đảng ta.
Hai là, thực hiện hiệu quả phương châm của Đảng “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và xây dựng quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”. Trên tình thần đó, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Trung ương 5 khóa XII về “Hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tiếp tục đà tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2022 để nỗ lực phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm lên 6,7-6,8% và bảo đảm đời sống an sinh xã hội cho các tầng lớp nhân dân.
Ba là, không ngừng đẩy mạnh công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó có xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII để làm cho Đảng ta nâng cao sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đặc biệt, tiếp tục tiến hành công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên tinh thần của Tổng Bí thư: “Không ngừng nghỉ”, “Không ngoại lệ” và “bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật” vì “tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tồn vong của chế độ”. Công tác xây dựng Đảng cần tiến hành dân chủ, rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trong Đảng để khắc phục tình trạng cục bộ, địa phương chủ nghĩa, “lợi ích nhóm”, nhất là những mặt tiêu cực của cơ chế thị trường hiện nay. Muốn vậy, phải thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: “Điều quan trọng, có ý nghĩa quyết định là: Nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn, và phương pháp phải đúng; góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình thực sự có hiệu quả, cụ thể”.
Trước tình hình mới của đất nước, hơn lúc nào hết, phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đề cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
.

Tác giả bài viết: TS. Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng, Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW; nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW;Theo Báo Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây