Cần tăng cường sản xuất lúa thân thiện với môi trường

Thứ tư - 09/08/2023 06:57 696 0
Việt Nam là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn. Sản xuất lúa gạo không chỉ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn tạo ra sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội, đưa nước ta từ một nước nghèo thiếu lương thực trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Trong những năm gần đây, sự tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất lúa gạo ở nước ta như mất diện tích sản xuất, mất mùa, sâu bệnh, giảm năng suất, hiệu quả kinh tế...Đây là lĩnh vực chịu hậu quả nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra nhưng cũng chính là một trong những nguyên nhân làm gia tăng phát thải khí nhà kính, gây ra biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia, nông nghiệp là một trong những tác nhân gây nên biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm hơn 18% tổng lượng khí phát thải và trong tổng lượng khí phát thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp thì sản xuất lúa chiếm gần 50%. Có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, bao gồm sử dụng nước kém hiệu quả, mật độ gieo cấy cao, lạm dụng và sử dụng không đúng cách thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, đốt rơm rạ sau thu hoạch…Để thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, giảm lượng khí phát thải nhà kính, tạo ra các sản phẩm gạo chất lượng và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, bền vững thì cần tăng cường sản xuất lúa thân thiện với môi trường.
Để canh tác lúa thân thiện với môi trường, người dân cần áp dụng chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ môi trường như:
  • Biện pháp về giống: Cần lựa chọn những giống có khả năng chống chịu, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương. Sử dụng giống theo cơ cấu trong đề án sản xuất của Sở nông nghiệp & phát triển nông thôn và ngành nông nghiệp của các địa phương. Để rút ngắn thời gian cây lúa ở trên đồng ruộng để giảm sự phát thải các khí nhà kính ra môi trường cần ưu tiên lựa chọn các giống lúa ngắn ngày.
  • Biện pháp về nước tưới: Cây lúa rất cần nước để sinh trưởng và phát triển nhưng không phải trong suốt quá trình trồng, ruộng lúa luôn luôn phải ngập nước mà cần phải có những lúc để ruộng khô nứt nẻ chân chim để cho bộ rễ lúa được thông thoáng, rễ lúa sẽ phát triển mạnh, khỏe hơn. Vì vậy, để hạn chế đất trồng lúa ngập nước lâu, tích lũy khí độc và tiết kiệm nước tưới chúng ta cần áp dụng biện pháp tưới ướt khô xen kẽ.
  • Biện pháp về phân bón: Việc lạm dụng và sử dụng phân bón hóa học không đúng cách chính là một trong những nguyên nhân gây ra tồn dư hóa chất trong đất, gây ảnh hưởng tới môi trường và gia tăng lượng phát thải khí nhà kính. Vì vậy, cần sử dụng phân bón cân đối hợp lý, áp dụng đúng nguyên tắc sử dụng, bón đúng thời điểm cây lúa cần; tăng cường bón phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, áp dụng bón phân NPK khép kín để giảm bớt tỷ lệ bốc hơi phân và tăng hàm lượng dinh dưỡng cho đất.
- Biện pháp phòng trừ sâu bệnh: Để hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sâu bệnh hại và đảm bảo công tác phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao. Cần áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM như: Thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện các đối tượng sâu, bệnh hại. Khi có các đối tượng gây hại trên ruộng lúa với mật độ còn ít cần ưu tiên sử dụng biện pháp thủ công như: bắt bằng tay, ngắt ổ trứng, bẫy đèn bắt bướm, đào hang bắt chuột…Khi mật độ gây hại cao nếu phải sử dụng đến thuốc BVTV thì ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc vi sinh, thảo mộc. Khi thật cần thiết thì mới sử dụng thuốc hoá học. Các loại thuốc hóa học được sử dụng phải nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sử dụng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, ưu tiên dùng các loại thuốc có phổ tác động hẹp hay còn gọi là thuốc có tác động chọn lọc, sử dụng thuốc an toàn với thiên địch. Sau khi sử dụng thuốc BVTV cần phải thu gom chai lọ, bao bì bỏ và tiêu hủy đúng cách, đúng nơi quy định, không được vứt bừa bãi trên đồng ruộng.
- Biện pháp xử lý sau thu hoạch: Việc bà con nông dân đốt rơm rạ đã trở thành một thói quen sau mỗi vụ thu hoạch. Nhiều bà con vẫn còn suy nghĩ đây là cách xử lý rơm rạ đỡ tốn công, lại tiêu diệt được mầm mống dịch hại và tro thu được sau khi đốt rơm rạ sẽ cung cấp dinh dưỡng cho đất. Nhưng thực tế, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, đốt nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng. Đồng thời tiêu diệt các loại côn trùng có ích, làm mất cân bằng sinh thái, làm tăng nguy cơ bùng phát sâu bệnh trên đồng ruộng. Ngoài ra, quá trình đốt rơm rạ sẽ tạo ra một lượng lớn các khí C02, CH4, CO…làm tăng lượng khí thải nhà kính, gây ra biến đổi khí hậu. Vì vậy thay vì đốt rơm rạ bà con có thể sử dụng rơm rạ để trồng nấm, tấp ủ cho cây trồng hay dùng để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng rất tốt.
Việc áp dụng tốt quy trình kỹ thuật sản xuất lúa thân thiện với môi trường sẽ mang lại cho bà con rất nhiều lợi ích như : Tiết kiệm chi phí đầu vào, năng suất lúa cao ổn định, tăng hiệu quả đầu tư, tăng giá bán, tăng thu nhập; Giảm rủi ro cho nông dân về lúa đổ ngã và bùng phát dịch bệnh hại lúa; Người sản xuất sẽ ít bị độc hại của thuốc trừ cỏ, trừ sâu bệnh; tạo ra gạo chất lượng cao, ít dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và đạm vô cơ; Bảo vệ môi trường, đất đai, nguồn nước và sức khỏe con người, hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững.

 

Tác giả bài viết: PV - Nguồn: Trung tâm Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây