Chất thải rắn sinh hoạt: Từ thực trạng chọn công nghệ
Thứ năm - 06/07/2023 00:416700
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế, đô thị hoá và dân số đã dẫn đến việc số lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh nhanh chóng, đòi hỏi cần có những công nghệ xử lý phù hợp, hiệu quả.
CTRSH tăng 12% mỗi năm Trên phạm vi toàn quốc Theo số liệu thống kê được trong các năm 2015 đến 2020, tổng lượng CTRSH phát sinh trên toàn quốc là 37.682 tấn/ngày (năm 2015), 41.224 tấn/ngày (năm 2020), tăng trung bình 10% mỗi năm. Năm 2021, khối lượng CTRSH đô thị phát sinh khoảng 52.000 tấn/ngày. Chỉ tính riêng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, khối lượng CTRSH phát sinh là 6.420 tấn/ngày và 6.739 tấn/ngày. Theo tính toán mức gia tăng của giai đoạn từ 2015 – 2020 đạt trung bình 12% mỗi năm. Phạm vi đô thị Qua báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020 cho thấy, tổng khối lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị trong cả nước là 35.624 tấn/ngày (13.002.592 tấn/năm), chiếm khoảng 55% tổng khối lượng CTRSH phát sinh của cả nước, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có khối lượng CTRSH đô thị phát sinh lớn nhất. Chất thải vô cơ ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong CTRSH
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia công bố năm 2020 cho thấy, phân tích thành phần trong chất thải chỉ ra sự thay đổi lối sống của cư dân đô thị, nếu trước đây, chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học trong chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình chiếm tỷ lệ cao từ 80-96% thì đến năm 2017 giảm xuống còn 50-70%; thành phần giấy và kim loại trong chất thải rắn sinh hoạt thay đổi tuỳ thuộc vào nguồn phát sinh và có xu hướng tăng dần… Bên cạnh đó, nhiều thành phần khó xử lý và khó tái chế như vải, da, cao su có tỷ lệ thấp thì nay có chiều hướng tăng qua các năm. Ngoài ra, sự gia tăng chất thải nhựa trong thành phần chất thải rắn sinh hoạt là một trong những vấn nạn đối với xử lý CTRSH của Việt Nam. Số liệu thống kê thành phần chất thải rắn sinh hoạt của Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2009-2017 cho thấy thành phần thực phẩm của hộ gia đình chiếm tỷ lệ cao hơn các thành phần khác và thay đổi theo chiều hướng giảm dần từ 74,3% xuống 59,2%. Trong khi đó, thành phần nhựa tăng từ 5,5% lên 13,9%. Điều này phù hợp với xu hướng tăng tỷ lệ tiêu thụ nhựa trên đầu người của Việt Nam từ 33kg/năm 2010 lên 41kg/năm 2015 vì sự tiện ích và giá thành rẻ của các sản phẩm nhựa. Tuy nhiên, do giá trị kinh tế thấp nên một số loại nhựa thải không được thu mua, tồn tại từ 16-16,4% trong các bãi chôn lấp, 13,7% trong nhà máy compost. Cần lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp
Bãi chôn lấp rác Nam Sơn và Nhà máy đốt rác phát điện thời điểm đang xây dựng. Ảnh: Phan Hoà Theo nghiên cứu “Giảm thiểu chất thải tại Việt Nam” của PRX-Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, đã có nhiều phương pháp, công nghệ xử lý CTRSH do các đơn vị trong nước và trên thế giới áp dụng tại Việt Nam, với năng lực, hiệu quả xử lý ngày càng được nâng cao, qua đó làm tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng giảm. Hiện cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm: 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền sản xuất compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Có thể thấy những năm gần đây công nghệ xử lý CTRSH ở Việt Nam được lựa chọn và áp dụng tập trung chủ yếu các công nghệ như: Chôn lấp; đốt thu hồi năng lượng; tái chế thành phân hữu cơ vi sinh và một số công nghệ xử lý CTR khác.Công nghệ xử lý bằng chôn lấp được phần lớn các địa phương, nhất là vùng đồng bằng áp dụng. Vì công nghệ này đơn giản, dễ vận hành; giá thành đầu tư và chi phí vận hành thấp nhất so với các công nghệ khác, có thể xử lý được nhiều loại CTR khác nhau. Ở Việt Nam, 71% khối lượng CTRSH được xử lý bằng chôn lấp, 13% được đốt. Tại Hà Nội, tỷ lệ chôn lấp là 88%, đốt rác chiếm 2,7%. Phần còn lại được ủ phân compost hoặc vứt bỏ trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên việc chôn lấp chưa đạt yêu cầu vệ sinh môi trường hoặc được xem là hợp vệ sinh thì vấn đề xử lý nước rỉ từ các vết rách, mối nối phát sinh trong quá trình thi công cũng là vấn đề đáng quan tâm. Phương pháp này chiếm nhiều diện tích đất, không phù hợp với hướng đô thị hóa hiện nay. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 80% các bãi chôn lấp hiện nay không hợp vệ sinh: không kiểm soát được nước rỉ rác, phát tán các khí gây ô nhiễm…Bên cạnh đó, nhiều bãi chôn lấp đã đạt đến giới hạn và cần thực hiện các dự án mở rộng kéo theo nhiều vấn đề như thu hồi đất, đến bù, thực hiện các biện pháp hạn chế ô nhiễm… Nghiên cứu của PRX-Việt Nam nhận định: Trong những năm tới, trọng tâm của công nghệ xử lý CTRSH sẽ là các công nghệ cho phép chuyển hoá năng lượng. Các dự án thí điểm đang được thực hiện trên khắp cả nước. Một trong những nhà máy đầu tiên được xây dựng tại Cần Thơ (2018) với công suất 400 tấn/ngày. Hà Nội hiện đang hoàn thiện nhà máy đốt rác phát điện lớn nhất tại Nam Sơn với công suất 4.000 tấn/ngày. Nhưng dù có thu hồi được năng lượng thì đốt rác vẫn là một công nghệ gây ô nhiễm. Vấn đề của chôn lấp và đốt rác nằm ở sự ô nhiễm mà chúng tạo ra. Vì vậy cần lựa chọn được công nghệ phù hợp, đảm bảo việc xử lý CTRSH được thực hiện một cách hiệu quả, an toàn và bảo vệ môi trường.