Nâng cao vị thế của khoa học và công nghệ Việt Nam

Thứ tư - 09/08/2023 07:00 257 0
Tính đến năm 2023, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE - TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã tổ chức gần 150 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao và hơn 45 khóa học chuyên đề với gần 10.000 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
Ngày 7/8/2023, tại Trung tâm ICISE, diễn ra Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam (1993-2023) và 10 năm hoạt động của ICISE (2013-2023).
Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ban Chấp hành  Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định; ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; đại diện các sở, ban, ngành có liên quan, cùng hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có GS. Gerard 't Hooft (Đại học Utrecht, Hà Lan, đoạt giải Nobel Vật lý năm 1999); GS. Đàm Thanh Sơn (Đại học Chicago, Mỹ)…
Hội nghị diễn ra từ ngày 6-12/8/2023 với phiên khai mạc vào sáng ngày 7/8/2023, và 31 phiên họp (toàn thể và chuyên đề chuyên sâu) về vật lý thiên văn, vật lý năng lượng cao.
Kết nối thúc đẩy phát triển khoa học và giáo dục bậc cao
Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam do GS. Trần Thanh Vân (Việt kiều Pháp) thành lập tại Pháp năm 1993 nhằm kết nối hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ để đóng góp cho sự phát triển khoa học và giáo dục bậc cao của Việt Nam. Năm 2012, Hội trở thành đối tác chính thức của tổ chức UNESCO.
Tháng 8/2008, GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và phu nhân là GS. Lê Kim Ngọc, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp đến TP. Quy Nhơn gặp lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định để khảo sát triển khai dự án ICISE. Được sự đồng ý và ủng hộ từ Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, cuối năm 2011, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ khởi công xây dựng ICISE. Trung tâm được khánh thành, đưa vào sử dụng từ ngày 12/8/2013.
Tính đến năm 2023, Trung tâm ICISE đã tổ chức gần 150 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao và hơn 45 khóa học chuyên đề với gần 10.000 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia và vũng lãnh thổ tham dự, trong đó có 18 giáo sư Nobel, 2 giáo sư đoạt giải Fields, 2 giáo sư đoạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực thiên văn học), một giáo sư đoạt giải Shaw, một giáo sư đoạt giải Dirac, một giáo sư đoạt giải Kalinga (ONU) và Cino Delduca (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Pháp) và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.
Bên cạnh các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam còn tổ chức các buổi thuyết trình khoa học đại chúng dành cho học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học (tại Quy Nhơn, Huế, Đà Lạt, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), các buổi giao lưu trực tuyến hoặc trực tiếp với các giáo sư đoạt giải Nobel và học sinh, sinh viên ưu tú Việt Nam đoạt giải Olympic quốc tế các môn khoa học Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học và Tin học.
Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã thành lập Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành (IFIRSE) với mục tiêu làm cầu nối khoa học Việt Nam với thế giới, thu hút các nhà khoa học trẻ Việt Nam và nhà khoa học quốc tế về làm việc để phát huy nguồn lực chất xám của hàng nghìn nhà khoa học quốc tế về ICISE mỗi năm.
Hiện IFIRSE đã thành lập 3 nhóm nghiên cứu, gồm: Vật lý lý thuyết (năm 2017), Vật lý Neutrino (2018), Vật lý thiên văn SAGI (2022). Viện IFIRSE đã nhận được sự quan tâm và đồng ý làm thành viên hội đồng khoa học từ các nhà khoa học uy tín trên thế giới, trong đó có GS. Đàm Thanh Sơn. Từ 2017 đến 2020, Viện IFIRSE được tổ chức Nature Index xếp thứ 5 trong TOP 10 cơ sở nghiên cứu khoa học tại Việt Nam dựa trên tiêu chí các công bố khoa học xuất sắc trên các tạp chí khoa học trong 82 tạp chí thuộc danh mục Nature Index lựa chọn trong số hơn 22 000 tạp chí khoa học trên toàn cầu.
 
Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam cùng các nhà khoa học quốc tế cũng đã đề xuất ý tưởng, hỗ trợ UBND tỉnh Bình Định xây dựng, vận hành “Tổ hợp không gian khoa học” tại TP. Quy Nhơn, gồm: Nhà chiếu hình vũ trụ, khu khám phá khoa học và đài quan sát thiên văn phổ thông.
Bộ KH&CN luôn đồng hành, hỗ trợ phát triển
Phát biểu tại Lễ khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao các kết quả Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm đã thực hiện, đóng góp cho tỉnh Bình Định nói riêng và cho cộng đồng khoa học của Việt Nam nói chung trong thời gian qua. Bộ trưởng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến phát triển khoa học cơ bản (KHCB) vì đây là nền tảng, tiền đề cho KH&CN của mỗi quốc gia. KHCB Việt Nam nói chung và ngành Vật lý Việt Nam nói riêng đã có nhiều bước phát triển trong 10 năm qua. Chính phủ Việt Nam đã thành lập Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia nhằm tài trợ cho các lĩnh vực KHCB từ nguồn ngân sách nhà nước. Từ năm 2008 đến nay, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia đã tài trợ hàng nghìn đề tài nghiên cứu cơ bản, giúp tăng số công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam. Từ năm 2017, UNESCO đã công nhận và bảo trợ Trung tâm Vật lý quốc tế thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là Trung tâm khoa học dạng 2, nằm trong mạng lưới các trung tâm khoa học quốc tế của UNESCO.
Khoa học Việt Nam cũng đóng góp cho khoa học thế giới thông qua những sáng kiến thiết thực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Việt Nam là đồng tác giả của Đề án trình Liên hợp quốc kỷ niệm năm 2022 là “Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững”. Sự kiện này có sự đóng góp quan trọng của GS. Trần Thanh Vân và Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam cùng các Bộ: KH&CN, Ngoại giao trong việc trình UNESCO thông qua Đề án và ban hành Nghị quyết trình Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn các nhà khoa học quốc tế có thể đưa ra nhiều gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách, cách thức, lộ trình và những kinh nghiệm quý báu của các nước phát triển cho Việt Nam về phát triển và phát triển bền vững.
 

Tác giả bài viết: PV - Theo Bộ KHCN Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây