Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030

Chủ nhật - 23/04/2023 09:37 888 0
Sáng 20/4, ngay sau Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có các đồng chí lãnh đạo Sở, ngành liên quan.
Báo cáo tóm tắt về tình hình triển khai công tác quy hoạch, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết: Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, tiến độ quy hoạch đã được đẩy nhanh hơn, chất lượng quy hoạch từng bước được nâng cao hơn. Đặc biệt, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình không gian phát triển dài hạn của đất nước; là cơ sở để các ngành, các vùng, các địa phương triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
Nội dung quy hoạch thời kỳ 2021-2030 ngày càng chú trọng hơn về tính đa ngành, lĩnh vực, sự liên kết liên ngành, liên tỉnh và đã áp dụng công nghệ mới, tiên tiến vào công tác quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác quy hoạch trong giai đoạn tới.
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cũng đã nêu lên một số vấn đề còn vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh.
Đề xuất cho phép các địa phương tổ chức thực hiện Quy hoạch sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
 
Thống nhất cao với nội dung báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, đến thời điểm này, Nghệ An đã cơ bản hoàn thiện Quy hoạch tỉnh và đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định, thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; tới đây sẽ trình HĐND tỉnh thông qua, tiếp đến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chia sẻ về cách làm để đáp ứng tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho hay tỉnh thực hiện theo nguyên tắc “đồng thời”  cùng với việc chờ Hội đồng thẩm định thông qua, tỉnh đã gửi toàn bộ hồ sơ đã tiếp thu và giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời tiếp tục hoàn thiện để trình HĐND tỉnh thông qua vào đầu tháng 5 tới.
Qua thực tiễn triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh, Nghệ An cũng gặp các khó khăn và vướng mắc đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo, trong đó có vướng mắc liên quan đến chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất theo Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình xây dựng Quy hoạch, tỉnh thực hiện nghiêm Quyết định 326/QĐ-TTg, tuy nhiên chỉ tiêu về phân bổ đất đai như Khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị... của tỉnh Nghệ An còn thấp so với thực tế nhu cầu mở rộng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; cũng như giới hạn về không gian, lãnh thổ trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Do vậy, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Đồng thời cho phép các địa phương lập quy hoạch tỉnh theo hướng mở gồm phương án theo chỉ tiêu đất đai được phân bổ theo Quyết định số 326/QĐ-TTg và phương án khi được các cấp có thẩm quyền điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất để tạo sự chủ động cho các địa phương, tránh việc phải điều chỉnh quy hoạch sau này bởi thủ tục thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch mất khá nhiều thời gian.
Sau khi các quy hoạch được phê duyệt thì khâu tổ chức thực hiện là rất quan trọng. Tuy nhiên theo quy định của Luật Quy hoạch hiện nay thì các địa phương phải xây dựng kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rồi mới được triển khai thực hiện dẫn đến công tác tổ chức triển khai sẽ bị chậm. Do đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Quy hoạch cho phép và giao cho các địa phương tổ chức thực hiện Quy hoạch sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Nghệ An được những địa phương như Thừa Thiên Huế, Đắc Lắk đồng tình.
Tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc triển khai Luật Quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy.
Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng tình, đánh giá cao báo cáo và các ý kiến rất tâm huyết, đầy trách nhiệm và thiết thực, sát thực tiễn của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương phát biểu tại hội nghị. Tuy nhiên, tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch vẫn chưa được như kế hoạch đề ra; chất lượng cần được nâng cao hơn nữa; công tác tư vấn cũng gặp những khó khăn cần khắc phục để bảo đảm chất lượng, sát tình hình của các bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương... Theo Thủ tướng Chính phủ, nguyên nhân cơ bản nhất là còn một số vướng mắc về pháp lý; tác động của dịch bệnh COVID-19 trong những năm qua; trong khi đây là vấn đề lớn, mới, khó, nhạy cảm và chưa có tiền lệ; có nơi, có lúc vẫn chưa thực sự cố gắng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục các hạn chế, yếu kém; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung cao độ chỉ đạo để thực hiện tốt công tác lập quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ theo nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Theo đó, cần khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, trong đó có quy định về kinh phí cho công tác quy hoạch theo hướng có thể sử dụng kinh phí chi thường xuyên.
Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch phù hợp tình hình hiện nay theo trình tự rút gọn, nhanh nhất có thể.
Các Bộ, ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ được phân công. Tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, thống nhất trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện định hướng quy hoạch và thực hiện chính sách liên quan để đảm bảo sự đồng bộ của các cấp quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Đồng thời, bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng Bộ, ngành và địa phương.
Chịu trách nhiệm việc quản lý, thanh quyết toán nguồn vốn tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước; chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn nhà thầu, quản lý hợp đồng đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực của cán bộ trong công tác lập, thẩm định, thực hiện và quản lý quy hoạch; các tỉnh, thành phố lập tổ công tác chuyên trách do Chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo để làm nhiệm vụ này.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ cho ý đối với các quy hoạch, thẩm định quy hoạch, ý kiến rà soát quy hoạch phải đúng thời hạn, không được vin vào lý do “đang xin ý kiến”, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm làm chậm tiến độ phê duyệt Quy hoạch... Các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động xử lý các vấn đề liên quan một cách quyết liệt, tích cực, chủ động, mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương, trong đó ưu tiên hơn với hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với khối lượng công việc nhiều, tính chất phức tạp để giải quyết các vấn đề ách tắc trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác quy hoạch nói riêng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu, hoàn thiện dự thảo kết luận, Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành làm cơ sở để các cơ quan thực hiện.

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây