Nông – Lộ Phơi : Giải pháp tiết kiệm nước

Chủ nhật - 29/11/2020 21:22 1.209 0
Thời điểm hiện nay, trên các hồ đập của tỉnh Nghệ An đều ở trong tình trạng phải sử dụng nước tiết kiệm nhằm đảm bảo đủ lượng nước cung cấp cho cả vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu. Khu vực các huyện phía Bắc lẫn phía Nam của tỉnh Nghệ An cũng không nằm ngoài tình trạng thiếu nước chung ấy. Để tiết kiệm nước trong sản xuất, các đơn vị cung cấp nước tưới đã đưa ra nhiều phương án tối ưu.
Cây lúa là loài thực vật có nhu cầu sử dụng nước khá lớn, vì vậy, việc điều tiết nước là rất quan trọng. Trong các lòng hồ đập hiện nay, do lượng nước trữ không nhiều, điều kiện thời tiết bất thường, lượng mưa ít nên không tránh khỏi việc mức nước đang cạn dần. Số liệu đo được đầu tháng 1/ 2015 tại một số hồ đập như  hồ Vực Mấu 56 triệu m3 chỉ đạt 89,74 % so với dung tích thiết kế, tại hồ Khe Đá là 12,7 triệu m3 đạt 79,57 % dung tích thiết kế. Một số hồ đập mực nước trữ chưa đến 50% dung tích thiết kế như hồ Khe Gỗ (38,6%), hồ Lách Bưởi (37,36%)...Theo dự báo của trung tâm khí tượng quốc gia cho biết năm nay sẽ là một năm có khả năng hạn hán kéo dài và ảnh hưởng lớn tới đời sống cũng như sản xuất của bà con nông dân. Chính vì thế, ngành nông nghiệp cũng như các đơn vị cung ứng nguồn nước tưới cho sản xuất đã và đang tiến hành các biện pháp cung cấp nước cho vụ Đông xuân đạt năng suất cao đồng thời  lại vừa bảo đảm đủ nước phục vụ cho sản xuất lúa Hè Thu trong thời gian tới. Công ty TNHH 1 thành viên thuỷ lợi Bắc phục vụ nước  tưới cho 66.000 ha tại các  huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh  Lưu -  địa bàn sản xuất lúa lớn nhất của tỉnh.  Ông  Lê Văn Cường – Phó giám đốc công ty thuỷ lợi Bắc cho biết “Việc duy trì nước thường xuyên trong ruộng lúa là tác nhân để sâu bệnh phát triển, trong khi đó, một số hồ không có mưa, dung tích nước không bằng các năm trước nên chúng tôi khuyến cáo sử dụng phương pháp Nông - Lộ - Phơi để giảm sâu bệnh hại, tăng năng suất, chất lượng, cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu để tiết kiệm nước tưới trong tình hình hiện nay. Đồng thời, công ty cũng áp dụng các biện pháp như bố trí tưới luân phiên, tiết kiệm để đưa nước vào các vùng cao cưỡng đảm bảo phân bổ đều về các địa phương do công ty quản lý. Theo chúng tôi được biết, mô hình “nông, lộ, phơi” là sau khi làm đất tháo cạn nước để gieo sạ, tiếp tục để khô 5-7 ngày, sau đó cho nước vào và tăng dần theo chiều cao của lúa để hạn chế cỏ dại. Đối với lúa cấy, khi cấy xong cho nước vào 3- 5 cm để lúa nhanh hồi phục. Khi lúa kết thúc đẻ nhánh thì tháo cạn nước để khống chế lúa đẻ nhánh và để bộ rễ ăn sâu hút tốt hơn các chất dinh dưỡng trong đất. Sau đó cho nước vào bình thường để lúa sinh trưởng và phát triển. Khi lúa bắt đầu chín đỏ đuôi cần rút dần nước cho đến khi lúa chín thì ruộng khô nước để dễ thu hoạch.
Cùng với các biện pháp hướng dẫn và chỉ đạo chủ động trong việc điều tiết nước, công ty đã kết hợp với bà con nông dân địa phương  tiến hành các biện pháp nhằm đảm bảo dòng chảy thông suốt như : Ra quân làm thuỷ lợi nạo vét kênh mương, dọn cỏ, phát quang bờ mương, thường xuyên kiểm tra, khơi thông hệ thống cống, kênh dẫn nước. Ngoài ra, để đảm bảo đủ nước cho sản xuất, các ngành chức năng khuyến cáo bà con nông dân nên sử dụng nước tiết kiệm, chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp... Đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, sửa chữa các đoạn kênh mương bị hư hại, góp phần giảm thất thoát nước, tiết kiệm nguồn nước đảm bảo tưới tiêu phục vụ cho bà con nông dân yên tâm sản xuất./.

Tác giả bài viết: Phương Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây