Ứng dụng tiến bộ KH-CN nhân giống và trồng thử nghiệm cây bơ trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn
Chủ nhật - 12/07/2020 23:274020
Ở Nghệ An, những năm gần đây, cây bơ được trồng nhiều ở huyện Nghĩa Đàn (47,5ha), trở thành một loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân, đạt 150-200 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, ở Việt Nam nói chung, huyện Nghĩa Đàn nói riêng, việc quy hoạch phát triển cây bơ còn chưa được chú trọng. Diện tích chủ yếu được trồng ở dạng phân tán trong các vườn tạp, vườn cà phê, chè..., chưa có bộ giống phù hợp cho từng tiểu vùng sinh thái. Mặt khác, cây bơ chủ yếu trồng bằng hạt, không chọn kỹ, hơn nữa bơ là cây đa phôi, thụ phấn chéo, đời con phân ly mạnh nên các giống bơ hiện nay rất đa dạng với nhiều kiểu hình và chất lượng không đồng đều. Bên cạnh đó, quá trình đầu tư chăm sóc kém, thiếu kiến thức về chăm sóc nên cây bị thoái hóa nhanh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và giá bán, từ đó làm ảnh hưởng đến tâm lý người trồng bơ Để giải quyết những vấn đề trên, ngoài việc tuyển chọn những cây bơ đầu dòng từ các cây bơ bản địa ưu tú để khai thác nguồn vật liệu nhân giống, việc xây dựng vườn ươm giống đạt chuẩn tại chỗ và xây dựng mô hình trồng thâm canh cây bơ được áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất là rất cần thiết. Hơn nữa, việc làm này còn góp phần giúp chính quyền và người dân sở tại có thêm định hướng và lựa chọn thêm đối tượng cây trồng mới để đưa vào sản xuất trong khi một số loại cây ăn quả có múi đang phát triển ồ ạt và có thể gây mất cân đối cung cầu trên thị trường. UBND huyện Nghĩa Đàn đã triển khai dự án: “Ứng dụng tiến bộ KH-CN nhân giống và trồng thử nghiệm cây bơ (Pesea Americana Mills) trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn” được triển khai thực hiện.
Sản phẩm bơ Nghĩa Đàn đang được tiêu thu mạnh ở thị trường trong tỉnh
Mô hình được triển khai tại 3 hộ dân thuộc xã Nghĩa Bình làm địa điểm triển khai mô hình trồng thử nghiệm bơ (mỗi hộ trồng 2,0-3,0ha, chủ yếu là thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp cây ăn quả 1.5) . Dự án đã đầu tư xây dựng khu nhân giống bơ 1.500m2 với công suất 20.000 cây giống/năm. Trong 2 năm thực hiện (2017-2018), thực hiện 10 lần ghép, tổng số cây đã ghép là 13.158 cây, số cây bật mầm là 10.625 cây, tỷ lệ ghép sống đạt trung bình 81,27%. Tuy nhiên, lần đầu ghép 4.000 cây gốc ghép mua từ miền Nam nên tỷ lệ số cây bật mầm chỉ đạt 72,5%, nguyên nhân do quá trình vận chuyển cây xa, thay đổi môi trường sống, điều kiện chăm sóc nên cây cần phải có thời gian để phục hồi, hơn nữa là lần đầu ghép nên chưa nắm bắt được kỹ thuật, kinh nghiệm. Ở các lần ghép sau, do đã rút kinh nghiệm từ lần trước về lựa chọn mắt ghép phù hợp, nên tỷ lệ ghép sống tăng lên đáng kể, đạt 86,8%. Cây bơ sau khi ghép sống và được chăm sóc trong vườn ươm đều sinh trưởng tốt. Trong 2 vụ đã ghép được 10.698 cây bơ, trong đó xuất vườn là 9.211 cây (đạt tỷ lệ 95,7%). Qua theo dõi tại vườn ươm có xuất hiện bệnh đốm lá, thán thư gây hại trên cây con nhưng ở mức độ hại nhẹ, chỉ xuất hiện rải rác, gây hại không đáng kể, do vậy không ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh trưởng của cây con. Tình hình sinh trưởng, phát triển lộc tại mô hình trồng thử nghiệm bơ trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn thì hiệu quả của cây bơ ghép cao hơn nhiều. Bơ là cây trồng sinh trưởng, phát triển khỏe, ít sâu bệnh nên việc đầu tư giống, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cho cây không nhiều so với các cây ăn quả khác như cam, bưởi... Tuổi thọ của cây bơ ghép rất cao, có thể kéo dài từ 20-25 năm nên việc khấu hao đầu tư cơ bản rất ít. Sau khi kết thúc chu kỳ thu hoạch quả, có thể tận dụng thân cành cây bơ để bán gỗ, củi, nguồn thu này có thể bù đắp hoàn toàn chi phí đầu tư ban đầu. Giá bán quả bơ trên thị trường trong những năm gần đây rất ổn định nên hiệu quả đem lại từ cây bơ là rất lớn.
Sau 2 năm thực hiện dự án, hiện nay, cây bơ ở các mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt. Phát triển cây bơ là chiến lược trọng điểm của hợp tác xã trong thời gian tới. Để mở rộng mô hình, huyện Nghĩa Đàn sẽ đưa vào các đề án sản xuất nông nghiệp trồng đối tượng cây bơ, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 26/7/2017 trong đó hỗ trợ xây dựng 2 mô hình cây bơ/năm. UBND huyện đã xây dựng thành công thương hiệu “Bơ Nghĩa Đàn”. Đây là tiền đề để bà con nông dân huyện Nghĩa Đàn nói riêng cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung có thêm cơ hội, điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất bơ hàng hóa trong thời gian tới; góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng chất lượng, hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị; nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2778/QĐ-UBND ngày 04/7/2018 về việc phê duyệt đề án phát triển cây bơ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2025, trong đó tập trung phát triển tại Nghĩa Đàn là 553ha, chiếm 52,6% diện tích bơ của tỉnh. Dự án nhân giống và trồng thử nghiệm cây bơ thành công, là địa chỉ tin cậy để cung cấp giống cây bơ đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng cho người dân. Dự án góp phần nâng cao khả năng tiếp cận, tính nhạy bén trong ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp của người dân địa phương; Bảo vệ được nguồn gen quý, tạo ra một số lượng cây giống và tạo ra các vườn, rừng cây trồng bản địa; Nâng cao kiến thức và phương pháp tiếp cận khoa học và công nghệ của các cán bộ tham gia dự án, tạo đà cho việc tiếp cận và ứng dụng những công nghệ phức tạp hơn; Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao hiệu quả trên 1 diện tích đất trồng trọt; Thu hút và tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp./.