Một vài chia sẻ về vai trò của yếu tố kỹ thuật công nghệ trong phát triển sản phẩm hàng hóa, truyền thống tại địa phương Hà Tĩnh.

Chủ nhật - 12/12/2021 21:52 917 0
Hà Tĩnh là tỉnh giáp ranh với Nghệ An, là “anh em” chung một nôi văn hóa, một đặc sản “khí hậu”, diện tích Hà Tĩnh hiện nay hơn 6.000km2 (gần bằng 1/3 diện tích Nghệ an), dân số gần 1,3 triệu người, có bờ biển dài 137km. Đến nay sau 30 năm tách tỉnh, Hà Tĩnh đã từng bước phát triển kinh tế xã hội, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 4,55%, quy mô nền kinh tế gấp hơn 1,4 lần so với năm 2015; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người tăng từ 39,7 triệu đồng lên 62,1 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng lên 38,8 triệu đồng.
Phát triển sản phẩm hàng hóa là một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi địa phương, đặc biệt trong xu thế hiện nay phát triển sản phẩm hàng hóa từ đặc sản, sản phẩm truyền thống được chú trọng gắn với xây dựng nông thôn mới. Để phát triển đặc sản, sản phầm truyền thống hiện nay có thể kết hợp, ứng dụng nhiều nội dung, trong đó có yếu tố ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Trong khuôn khổ Hội thảo này, chúng tôi xin chia sẻ một vài nội dung liên quan đến ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm hàng hóa, truyền thống địa phương tại Hà Tĩnh.
  1. Phát triển hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm.
+ Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống
Hiện nay, Hà Tĩnh có hơn 100 sản phẩm gắn với đặc sản và truyền thống, trong đó nhiều sản phẩm nổi tiếng như Cu đơ, nước mắm, cam Khe Mây, Bưởi Phúc Trạch, nhung hươu Hương Sơn, Mộc Thái Yên… Mặc dù đã có thương hiệu nhưng để các sản phẩm có chất lượng cao hơn việc ứng dụng khoa học kỹ thuật đã được áp dụng để nâng cao chất lượng, hình thức sản phẩm.
+ Phát huy yếu tố truyền thống bản địa để đầu tư dây chuyền công nghệ, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao chất lượng.
Trên thực tế các làng nghề ở Hà Tĩnh để có sản phẩm truyền thống của mình ra thị trường đều phải chạy đua với sự cạnh tranh công nghệ hiện nay. Tuy nhiên việc ứng dụng kỹ thuật chỉ là phương tiện nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố truyền thống. Ví dụ như làng nghề Thái Yên (xã Thanh Bình Thịnh, Đức Thọ) nổi tiếng với nghề mộc, làng rèn Trung Lương, nghề sản xuất nước mắm kỳ anh, Cu đơ ở thành phố Hà Tĩnh.
Đầu tư công nghệ nhưng luôn gắn với yếu tốt bản địa thì sản phẩm được nâng tầm, đáp ứng được thị trường. Có thể thấy nhiều địa phương tại Hà Tĩnh đang nắm bắt nhanh ví dụ như Nhung hươu là đặc sản của vùng bán sơn địa Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang nhưng trước đây chỉ cắt nhung tươi để bán, sản phẩm khó đến các thị trường trong nước, chưa nói nước ngoài. Nhưng hiện nay từ nhung hương được sản xuất thành nhiều sản phẩm đa dạng như riệu nhung, nhung xay tinh bột, nhung tươi mặt ong… Nhiều nhà máy sản xuất các sản phẩm liên quan đến nhung hươu đã đưa sản phẩm địa phương ra thị trường. Áp dụng khoa học kỹ thuật cũng thấy nhiều trong các sản phẩm địa phương đặc biệt như sản xuất nước mắm ứng dụng năng lượng mặt trời trong chế biến, hay sản xuất kẹo Cu đơ bằng hệ thống máy hỗ trợ như đảo khuấy, đóng gói…
+ Áp dụng khoa học công nghệ để phục tráng, phát triển sản xuất các loại cây con đặc sản địa phương. Đến nay so với cam Vinh thì Hà Tĩnh cũng có Cam khe mây, Bưởi Phúc Trạch, Quýt Kỳ Anh nhưng do thời gian các giống dần thoái hóa, tỉnh đã đầu tư nghiên cứu hỗ trợ địa phương trong phục tráng cây đầu dòng, nâng cao chất lượng sản xuất, quy hoạch vùng…
+ Áp dụng khoa học trong sản xuất các sản phẩm (Hồng Lĩnh, chân vịt, đầu hút cát).
+ Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nâng cao mẫu mã, quảng bá sản phẩm
Ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm thì yếu tố quan trọng khác đối với sản phẩm địa phương đó là hình thức, mẫu mã sản phẩm và công tác quảng bá. Đối với sản phẩm truyền thống thì ít nhiều đã có thương hiệu, nhưng sản phẩm mới thì rất khó trong thị trường. Vì thế việc kết hợp yếu tố địa phương với khoa học để đưa sản phẩm ra thị trường là rất quan trọng.
+ Thứ nhất là mẫu mã, tiện ích theo yêu cầu của thị trường
Từ thiết kế mẫu mã, đến sản phẩm tiện ích cùng với chất lượng là một chuỗi. Chất lượng tốt mẫu mã tốt sẽ rất lợi thế, thực tế Hà Tĩnh đã có nhiều sản phẩm đi vào thị trường tốt. Lấy ví dụ như Cu đơ, ngày xưa nấu gió vào giấy báo, miếng to, nhưng thị hiếu và yêu cầu thị trường ngày càng thay đổi, cu đơ đã có sản phẩm miếng nhỏ, một người ăn, đóng gói chân không sạch sẽ, vệ sinh và đặc biệt có thể đưa lên máy bay ra nước ngoài.
+ Quảng bá, định danh sản phẩm và thương hiệu
Khi có các sản phẩm địa phương tốt thì việc quảng bá vô cùng quan trọng. Một trong những vấn đề trong thời đại 4.0 đó là đăng ký bảo hộ độc quyền và chỉ dẫn địa lý để lan tỏa. Hà Tĩnh đã có 3 sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý là nhung hươu, cu đơ và bưởi Phúc Trạch. Đây là yếu tố quan trọng vừa quảng bá, vừa để đảm bảo thương hiệu về sau tránh tranh chấp (như tương Nam Đàn).
+ Ứng dụng các công nghệ trong quét mã vạch, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, dây chuyền sản xuất.
+ Liên kết với các doanh nghiệp có tiềm năng KHCN, Chuỗi sản phẩm OCop.
  1. Ứng dụng khoa học để phát triển sản phẩm hàng hóa qua chương trình Ocop.
Tại Hà Tĩnh, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Ocop) bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó tạo tiền đề cho các sản phẩm đặc sản cũng như truyền thống ra thị trường gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay Hà Tĩnh đã có 159 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 152 sản phẩm 3 sao, 7 sản phẩm 4 sao.
Theo thực tế Hà Tĩnh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trong Ocop. Thông qua đó khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.
+ Với yêu cầu xét chọn, các sản phẩm Ocop ngoài chất lượng đặc trưng của vùng miền địa phương đó phải đáp ứng được các yếu tố về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ độc quyền nên việc áp dụng khoa học công nghệ là yếu tố nâng tầm sản phẩm. Đây là một ưu thế, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm thông qua ứng dụng KH-CN vào quy trình sản xuất, chế biến.
+ Xác lập quyền sở hữu công nghiệp và đăng ký xác lập bảo hộ tài sản trí tuệ liên quan đến sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý… để quảng bá, tăng doanh số bán hàng cho sản phẩm Ocop. Hầu hết các sản phẩm đều xuất phát từ những sản phẩm địa phương đã tăng về doanh số bán hàng, bình quân tăng gần 40%, có nhiều sản phẩm tăng tăng 2-5 lần như: Nước mắm Phú Khương, nước mắm Luận Nghiệp.... Thông qua Ocop người tiêu dùng đã hiểu, biết và nhận dạng, xác định được sản phẩm OCOP là sản phẩm có chất lượng, thương hiệu nên đã yên tâm lựa chọn, tin dùng. Đây là những kết quả bước đầu rất quan trọng, là nền tảng, bài học cho việc phát triển các sản phẩm địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều sản phẩm trước đây chỉ có trong làng, xã nay đã đi được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước... Người tiêu dùng đã hiểu, biết và nhận dạng, xác định được sản phẩm OCOP là sản phẩm có chất lượng, thương hiệu nên đã yên tâm lựa chọn, tin dùng.
+ Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 tập trung xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP gắn với giám sát-chứng thực của công tác quản lý nhà nước; thúc đẩy hệ thống thương mại điện tử OCOP, hình thành các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng trực tiếp, đặc biệt là với các sản phẩm thủ công, sản phẩm đặc sản của địa phương.
Từ đây cho thấy việc ứng dụng khoa học vào các sản phẩm là vấn đề quan trọng để đưa các đặc sản địa phương, sản phẩm truyền thống thành các sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm Ocop nói riêng.
  1. Một số khó khăn đối với việc ứng dụng khoa học để phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống tại địa phương.
Mặc dù việc ứng dụng khoa học vào phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống tại địa phương là yếu tố “then chốt” để hình thành và đưa sản phẩm vươn ra thị trường, tuy nhiên trên thực tế đã có không ít khó khăn, đó là:
+ Nguồn lực và quy mô đầu tư: Các sản phẩm địa phương thường nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, trong khi đó nếu áp dụng khoa học chỉ ở mức cải tiến kỹ thuật khó khăn trong nguồn lực gây cản trở việc ứng dụng công nghệ.
+ Nhận thức của người sản xuất trong việc ứng dụng khoa học vào sản phẩm chưa cao, bên cạnh đó là thách thức của các sản phẩm địa phương có yếu tố thủ công nếu áp dụng không tốt sẽ làm mất giá trị ban đầu “thương hiệu” vốn có, ngoài ra việc tiếp cận công nghệ cũng là một rào cản đối với người dân, hộ sản xuất kinh doanh về điều kiện (quảng bá sản phẩm, trang website.. ).
+  Chính sách để khuyến khích phát triển các sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương còn thiếu (ngoài Ocop) chưa khích lệ, tạo đòn bẩy cho người dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp.
+ Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như kết nối đầu ra sản phẩm, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng, hợp tác, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.
+ Riêng đối với sản phẩm Ocop, đây là chương trình mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới (làm từ dưới lên theo phương pháp phát triển cộng đồng, phát triển nông thôn nội sinh) nên nhận thức, sự hiểu biết của cán bộ các cấp và cộng đồng, người sản xuất đang còn hạn chế./.

Tác giả bài viết: Thái Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây