PHÁT TRIỂN CÁC ĐẶC SẢN, SẢN PHẨM TRUYỀN THỐNG NGHỆ AN – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Chủ nhật - 12/12/2021 22:04 1.444 0
Hiện nay, “đặc sản” là thuật ngữ mà trên thế giới và tại Việt Nam chưa có một quy định hay định nghĩa nào thật sự chính xác và bao hàm hết được các ý nghĩa. Theo cách hiểu được công nhận khá rộng rãi hiện nay, “Đặc sản” là tên gọi chỉ chung về những sản vật, sản phẩm, hàng hóa (thường là nông sản) mang tính đặc thù hoặc có nhiều điểm đặc biệt, riêng có mà xuất xứ từ những vùng, miền, địa phương và tạo nên những nét đặc trưng của một vùng, miền hay một địa phương nào đó. Khái niệm đặc sản cũng không nhất thiết chỉ về những sản phẩm, sản vật được ra đời đầu tiên tại vùng, miền hay địa phương nhưng nó mang tính chất thông dụng, phổ biến tại địa phương hay có chất lượng cao hơn hẳn những sản phẩm cùng loại và được nhân dân địa phương coi như sản phẩm truyền thống của địa phương mình.
Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, tỉnh Nghệ An có tài nguyên thiên nhiên phong phú, tính đa sạng sinh học rất cao, có nền văn hóa lâu đời và có đặc điểm khí hậu thời tiết khác biệt với nét nổi bật là chịu ảnh hưởng lớn của gió Phơn Tây Nam hay còn gọi là gió Lào. Vì lẽ đó, rất nhiều đặc sản, sản phẩm truyền thống đã ra đời và phát triển từ nhiều đời nay, tập trung chủ yếu là sản phẩm từ nông nghiệp, sản phẩm được khai thác từ tự nhiên và sản phẩm do người xưa tự chế biến và truyền lại, nhiều sản phẩm đã trở thành hàng hóa có thương hiệu trong và ngoài nước. Có thể điểm qua một số đặc sản Nghệ An như: Cam Xã Đoài; Nhút Thanh Chương; Tương Nam Đàn; Cháo (súp) lươn Vinh; Bánh khô Đô Lương; Bánh mướp Diễn Châu; Chè Gay Anh Sơn; Mực nhảy Cửa Lò - Diễn Châu; Giò me Nam Nghĩa - Nam Đàn; Cá mát Sông Giăng; Nước mắm Vạn Phần, …
II. Thực trạng phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống của tỉnh Nghệ An hiện nay.
1. Thực trang chung
Nghệ An là địa phương may mắn có rất nhiều đặc sản, sản phẩm truyền thống phong phú và đặc sắc, được thị trường trong và ngoài tỉnh quan tâm, ưa thích. Về cơ bản có thể phân thành các nhóm khác nhau như sau:
(1). Nhóm cây đặc sản: Cam Xã Đoài, Gạo Nếp rồng, Măng loi Tân Kỳ, Trám đen Thanh Chương (Canarium Tramdeum), Sâm Puxailaileng (Araliaceae); Trà Hoa vàng (Kim hoa Trà), chè Tuyết san Kỳ Sơn, Quế Quỳ, sâm Thổ hào…
(2). Nhóm con đặc sản: Cá mát Sông Giăng, cá ngạnh Sông Lam, vịt Bầu Quỳ, gà H’Mông (gà ác Kỳ Sơn), lợn Xao Va, cá Lăng, cá Chình, mực nháy Cửa Lò, cá ngạnh Sông Lam, Ngan trâu…
(3). Nhóm sản phẩm ẩm thực truyền thống (đã được chế biến): Nước mắm Vạn Phần, nước mắm Cửa Hội, Cháo (Súp) lươn Nghệ An, Nhút Thanh Chương, Tương Nam Đàn, bánh đa Đô Lương, Chịt Xồm (Món thịt chua của người Thái), dò me Nam Đàn, Tôm nõn Diễn Châu, mực khô Quỳnh Lưu, cá thu nướng, tinh bột nghệ, rượu Mú từn, rượu men lá Con Cuông, rượu Làng Quỳnh, chè Tuyết san, chè đen Anh Sơn, bò giằng Quỳ Châu,…
(4). Nhóm khác: Sản phẩm Thổ cẩm, sản phẩm mây tren đan bản Diềm Con Cuông, mây tre đan xã Phúc Thành, Yên Thành, mây tren đan Đức Phong, mây tre đan Quỳnh Diễn, Quỳnh Lưu….
Theo số liệu thống kê, đến nay đã xác định trên địa bàn Nghệ An có 159 sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương có thể phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Trong số này, có 84 sản phẩm chế biến và 75 sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Nghệ An có hơn 150 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận; 690 hợp tác xã và hơn 8.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang hoạt động với nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại;
Đến hết  4/2021 Nghệ An đã có 1.328 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 1.252 nhãn hiệu, 56 kiểu dáng, 12 giải pháp hữu ích và 8 sáng chế (riêng năm 2021 có 54 bằng, trong đó có 48 nhãn hiệu, 4 kiểu dáng, 2 giải pháp hữu ích). Ngoài 2 đối tượng được cấp văn bằng Chỉ dẫn địa lý [1]và 8 nhãn hiệu chứng nhận[2] thì đến 30/11/2020 Nghệ An đã có 31 đối tượng được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể[3]. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm được bảo hộ vẫn vẫn là con số còn rất nhỏ so với 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Ngoài ra còn có hàng chục nhãn hiệu thông thường khác do doanh nghiệp, HTX hoặc hộ gia đình, cá nhân đăng ký bảo hộ (TH; Tương Nam Đàn; Vịt bầu Quỳ; Gạo Xứ Nghệ; Cam Kỳ Yến; nước mắm Cương Ngần; Trám đen Thanh Chương (Công ty Trọng Anh); Rượu Mú từn; Rượu men lá Lê Đông…

Một số logo các sản phẩm đặc sản được bảo hộ kiểu giáng công nghiệp:
                          
Logo NHCN “Dê Tân Kỳ” NHCN “Rượu men lá Con Cuông
 
NHTT “Chè Gay”
                                 
NHTT “Rượu nếp truyền thống Hưng Tân”        Thiết kế bao bì Trám đen Thanh Chương
Các nhãn hiệu đã được bảo hộ và đang đăng kí bảo hộ đều là những sản phẩm đặc sản, hoặc sản phẩm truyền thống của các địa phương, như nước mắm, hải sản, rau củ quả, rượu, mật ong, tinh bột nghệ, hương trầm …. Một số sản phẩm đặc sắc đã được công nhận như: nước mắm Cửa Hội là đặc sản được sản xuất bằng truyền thống được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, gián tem truy xuất nguồn gốc; Nước mắm Vạn Phần được sản xuất theo công nông nghiệp, được tặng Huy chương Vàng hàng Việt Nam chất lượng cao, Top 300 sản phẩm hàng đầu Việt Nam do người tiêu dùng bình chọn; Tôm nõn Diễn Châu được Cục Sở hưu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể; mực khô Quỳnh Lưu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu; Cam Vinh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Vinh cho sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An"; gà Thanh Chương được công nhận “nhãn hiệu tập thể gà Thanh Chương”; tương Nam Đàn được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp “Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa”; ổi Nghĩa Đàn, được Cục quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy sản cấp Giấy chứng nhận VietGap… Danh tiếng của các sản phẩm đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh khen ngợi.
Có thể đánh giá rằng, giai đoạn vừa qua tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ các dự án xây dựng thương hiệu đầy đủ toàn diện từ khâu quy hoạch vùng sản xuất tập trung (vùng nguyên liệu), xây dựng và chuyển giao kỹ thuật sản xuất; xác lập quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem, nhãn, bao bì sản phẩm; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường. Các sản phẩm hàng hóa đã có nhãn mác, bao bì đẹp, bước đầu tạo lòng tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Điều đó khẳng định cách làm và hướng đi đúng đắn của ngành KH&CN đóng góp vào kết quả chung của cả tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, Nghệ An là một trong những địa phương đi đầu trong việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hay nói cách khác Nghệ An là địa phương thúc đẩy khá mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp từ các sản phẩm đặc sản, truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Do đó, nhìn chung, các đặc sản, sản phẩm truyền thống trên địa bàn Nghệ An khi được đầu tư phát triển thương hiệu đều mang lại hiệu quả cao, sản phẩm được thị trường chấp nhận, giá bán tăng và ổn định từ 10 - 30% so với khi chưa xây dựng thương hiệu (điển hình như: gà Thanh Chương đã tiêu thụ trên 70.000 kg với doanh thu trên 7,5 tỷ đồng/năm, tăng lợi nhuận lên từ 15 - 20%; hương trầm Quỳ Châu đạt trên 64 triệu que với doanh thu gần 30 tỷ đồng, tăng lợi nhuận 20 - 25%; doanh thu từ các sản phẩm chế biến từ quả trám đen trong năm đầu tiên đạt gần 1,0 tỷ, năm thứ 2 trên 2,0 tỷ đồng, lợi nhuận 25 - 30%; doanh thu từ các sản phẩm của trà hoa vàng Quế Phong đạt trên 2,0 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trên 30%). Nhiều sản phẩm đã tìm được chỗ đứng tại các hệ thống phân phối, bán lẻ lớn như Siêu thị BigC, chuỗi cửa hàng Vinmart, Metro,... và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Sở KH&CN cũng đã hỗ trợ triển khai nhiều đề tài, dự án KH&CN tập trung vào các khâu còn thiếu và yếu nhằm nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa các sản phẩm đặc sản, truyền thống tại Nghệ An như: khâu sản xuất giống; phát triển vùng nguyên liệu; đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp. Cụ thể, giai đoạn vừa qua đã triển khai hơn 10 đề tài, dự án để sản xuất (nuôi, trồng), chế biến và phát triển sảm phẩm (2 dự án cho quả trám đen, 2 dự án cho cây rễ hương, 1 dự án cho cây trà hoa vàng, 1 dự án cho xoài bản địa Tương Dương, 1 dự án cho hồng Nam Đàn, 1 dự án cho bưởi hồng Quang Tiến, 2 dự án phát triển gà Thanh Chương,...); 22 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống (thuộc Nhiệm vụ quản lý hoạt động KH&CN các huyện hàng năm) và 9 dự án KH&CN để xây dựng nhãn hiệu,  quản lý, khai thác và phát triển thương hiệu của các sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương; Tổ chức trên 50 lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ, quản lý chất lượng sản phẩm.
2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân:
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống của tỉnh Nghệ An vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của tỉnh. Cụ thể:
- Chất lượng các sản phẩm từng bước được nâng cao nhưng nhìn chung chưa đồng đều; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc chưa được quan tâm thích đáng; bao bì, mẫu mã sản phẩm chưa thật sự đặc sắc; các kênh quảng bá xúc tiến thương mại, phân phối sản phẩm còn hạn chế, chưa tận dụng hết lợi thế của thương mại điện tử,….
- Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các đặc sản, sản phẩm truyền thống này còn ở mức rất hạn chế; quá trình quản lý và khai thác chưa thực sự hiệu quả, có trường hợp xảy ra tranh chấp hoặc vi phạm nhãn hiệu: Theo khảo sát, đánh giá của Sở KH&CN Nghệ An, số nhãn hiệu đã xây dựng, đăng kí và bảo hộ quá ít, chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số hàng hóa. Đến năm 2020, trong số các nhãn hiệu đã được bảo hộ thì chỉ có 03 nhãn hiệu được đánh giá là phát triển tốt (Cam Vinh; Hải Giang1; Gà Thanh Chương); 09 nhãn hiệu phát triển tương đối tốt (Khối 6 Nghi Tân; Chè Nghệ An; Dứa Quỳnh Lưu; Susu Quỳnh Liên; Khối 7 Nghi Thủy; Cá thu nướng Cửa Lò; Mực khô Quỳnh Lưu; Tôm nõn Diễn Châu; Trám Thanh Chương); Còn lại nhiều nhãn hiệu phát triển chưa tốt, thậm chí có tranh chấp như: nhãn hiệu “Tương Nam Đàn” là sản phẩm truyền thống lâu đời, có danh tiếng của huyện Nam Đàn, nhưng đã được Công ty CP hải sản Cửa Hội đăng kí nhãn hiệu thông thường từ lâu, huyện Nam Đàn sau khi thương thảo không thành đã buộc phải sử dụng nhãn hiệu “Tương Sa Nam” cho sản phẩm của mình; một số sản phẩm cũng bị vi phạm nhãn hiệu như Ngói Cừa; Cam Vinh; Hương trầm Quỳ Châu… Bên cạnh đó, còn rất nhiều sản phẩm truyền thống ở quy mô nhỏ (hộ dân cư, cụm gia đình, thôn xóm, làng xã…) có tiềm năng nhưng chưa được quan tâm đăng ký và xây dựng thương hiệu.
- Chưa có những sản phẩm thật sự nổi bật ở tầm quốc gia cả về giá trị lẫn tiềm năng thương mại: Một số đặc sản Nghệ An đã nổi tiếng khắp cả nước trong nhiều năm như cam Vinh, cháo (súp) lươn,… . Tuy nhiên, xét về góc độ thương hiệu và giá trị kinh tế mang lại cho người sản xuất thì những sản phẩm này chưa so sánh được với các sản phẩm cùng loại như bún bò Huế, phở Nam Định hoặc cam Cao Phong (về giá trị thương mại).
- Nhận thức của các cấp chính quyền và người dân đã được nâng lên nhưng chưa đồng bộ: Mặc dù trong thời gian qua việc phát triển sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương đã được nâng lên một bậc ở các cấp chính quyền và người dân, tuy nhiên nhìn chung còn hạn chế và chưa đồng bộ. Đặc biệt là việc lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng kinh tế cao, dễ thu hút người dân tham gia để tập trung đầu tư phát triển trở thành sản phẩm chủ lực mang thương hiệu địa phương còn hạn chế; nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển các sản phẩm này cũng rất hạn chế ở tất cả các khâu: sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm…
- Năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi sản xuất còn hạn chế, cả ở các khâu (từ sản xuất; xây dựng thương hiệu; quảng bá xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm): Do đó, một số sản phẩm chất lượng rất tốt nhưng khả năng thương mại hóa hạn chế, sản lượng tiêu thụ hàng năm thấp (như các sản phẩm từ lươn, cá thu nướng Cửa Lò, Trám Thanh Chương…); một số sản phẩm không dự báo được thị trường nên có thời điểm rơi vào tình trạng được mùa rớt giá (cam Vinh…); Một số sản phẩm chưa được đầu tư mạnh để phát triển thành hàng hóa như nhóm các sản phẩm từ dược liệu như: Sâm puxalaileng, sâm thổ hào...
3. Đề xuất một số giải pháp phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống Nghệ An.
- Phát triển thương hiệu gắn với khắc phục điểm yếu của chuỗi giá trị:
Một điểm yếu của nông sản Nghệ An là đa số người dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo phương thức truyền thống, khả năng và nhu cầu đóng gói, ghi nhãn còn hạn chế, không thể phát triển kênh thương mại riêng, trong khi đó sự kết nối giữa hộ sản xuất và doanh nghiệp thì chưa nhiều hoặc theo phương thức đứt đoạn. Thực tế này đã và đang làm cho việc sử dụng thương hiệu cộng đồng rất hạn chế, nguyên nhân không phải là do các quy định quản lý mà là do cấu trúc về chuỗi giá trị, đặc biệt là đặc điểm sản xuất của sản phẩm.
Do đó, cần lấy doanh nghiệp làm cơ sở để xây dựng và hình thành chuỗi giá trị trong phát triển thương hiệu cộng đồng là giải pháp rất quan trọng và phù hợp trong điều kiện hiện nay. Cần xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ thông qua doanh nghiệp và dựa vào doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, thị trường sản phẩm mang thương hiệu cộng đồng.
- Tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức tập thể (Hội, HTX, tổ hợp tác):
Nhìn chung, vai trò hoạt động của các Hiệp hội, hợp tác xã của người sản xuất tại Nghệ An vẫn còn yếu, hay bị tác động bởi các yếu tố trong hoạt động quản lý nhà nước. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ hợp lý từ nhà nước nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tập thể nhằm đảm bảo cân bằng về sự tham gia của các tác nhân trong chuỗi sản xuất, đảm bảo tiếng nói của người sản xuất nhỏ, giải quyết những xung đột và nâng cao năng lực trong phát triển thị trường sản phẩm mang thương hiệu cộng đồng.
- Nâng cao vai trò của nhà nước trong kiểm soát thị trường:
Việc vi phạm sở hữu trí tuệ, nhãn mác, thông tin không minh bạch về chất lượng sản phẩm trên thị trường hiện nay đang cản trở quá trình thương mại sản phẩm và sẽ làm giảm hiệu quả của thương hiệu cộng đồng. Các nhà phân phối chưa thực sự bị kiểm soát về việc vi phạm nhãn mác, quản lí chất lượng, thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, do đó, còn lẫn lộn giữa những sản xuất có nguồn gốc rõ ràng và sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Các cơ quan chủ sở hữu, quản lý nhãn hiệu cộng đồng cần đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát sử dụng nhãn hiệu trên thị trường. Sở hữu trí tuệ là lĩnh vực mới vì vậy các cơ quan sở hữu, quản lý nhãn hiệu cần tiếp tục các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, giới thiệu nội dung về quản lý, sử dụng nhãn hiệu này đến người sản xuất, kinh doanh, các tổ chức tập thể.
- Hỗ trợ xây dựng hệ thống truy suất nguồn gốc QrCode:
Các đặc sản, sản phẩm truyền thổng được biết đến dựa trên đặc tính đặc thù của sản phẩm gắn với vùng địa lý cụ thể. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện nay đang thiếu thông tin về sản phẩm, chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống truy suất nguồn gốc là hết sức cần thiết giúp cho người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin sản phẩm đến từng hộ, từng HTX sản xuất.
- Đẩy mạnh phát triển Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm – OCOP, gắn với thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn:
Chương trình OCOP là chương trình phát triển sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống địa phương trên quy mô toàn quốc rất hiệu quả, đã xây dựng được thương hiệu riêng, nhiều tỉnh,thành triển khai thành công, là kênh phân phối rất hiệu quả cho nhóm sản phẩm đặc sản. Các đặc sản, sản phẩm truyền thống khi tham gia chương trình OCOP sẽ được nâng cấp ở các khâu khác nhau, cả về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; VSATTP; bao bì nhãn mác; quảng bá xúc tiến thương mại… Do đó hiệu quả kinh tế mang lại nâng cao. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp sẽ là một hướng đi mới, tích cực và hiệu quả trong việc sớm nâng cấp các sản phẩm đặc sản, truyền thống trên địa bàn tỉnh Nghệ An và có thể tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước thông qua nhiều kênh phân phối phi truyền thống rất hiệu quả. Từ đó góp phần phát triển mạnh mẽ các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống tại tỉnh Nghệ An./.
 
 

[1] Chỉ dẫn địa lý "Vinh" cho cam quả  trên địa bàn 73 xã trong 10 huyện, thị xã và Chỉ dẫn địa lý "Kỳ Sơn" cho sản phẩm gừng củ
[2] "Vạn Phần" cho sản phẩm nước mắm, "Dê Tân Kỳ" cho sản phẩm thịt dê của huyện Tân Kỳ, “Quỳnh Lưu” cho sản phẩm Nhung hươu, “Phủ Diễn” cho gà Diễn Châu, “Quế Phong” cho chanh leo huyện Quế Phong, “Hoàng Mai” cho sản phẩm Hải sản, “Anh Sơn” cho sản phẩm rau an toàn; “Quỳnh Dị” cho sản phẩm nước mắm.
[3] "Ngói Cừa; Làng nghề Phú Lợi; Hương trầm Quỳ Châu; Hội Láng Nghề Chế Biến Hải Sản; Hải Giang 1 TX Cửa Lò; Làng Nghề Vĩnh Đức VĐ; Chè - Tea Nghệ An (Hai lần), Rượu Hưng Châu Tân An Nước Mắm Truyền Thống; Gà Thanh Chương; Dứa Quỳnh Lưu; Su su Quỳnh Liên; Hội Làng Nghề Chế Biến Hải Sản; Cá thu nướng Cửa Lò; Mực khô Quỳnh Lưu; Tôm nõn Diễn Châu; Mật mía Làng Găng; Bơ Nghĩa Đàn; Mật ong Tây Hiếu; Rượu nếp Truyền thống Hưng Tây; Bánh cốm Đông Thuận; Bưởi hồng Quang Tiến, Tinh bột Thái Hòa, Hành tăm Nghi Lâm, Bột sắn dây Nam Đàn, Cốm Nghi Trung, Bò Giàng Tương Dương, Cam Con Cuông,  Rượu nếp Hưng Tân, Miến gạo bánh đa Quy Chính

Tác giả bài viết: Hoàng Nghĩa Nhạc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây