Áp lực khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Thứ hai - 09/10/2023 05:38 899 0
Quy mô nhỏ lẻ, trình độ sản xuất và năng lực vận hành hạn chế là những rào cản tạo ra khó khăn trong triển khai bán hàng của doanh nghiệp, hợp tác xã tại các địa phương trên nền tảng số. Đi liền đó là hạ tầng cơ sở logistics, chi phí vận chuyển giao hàng chiếm tỷ trọng khá lớn, từ 20-30%, thậm chí có khi tới 40% cũng đang tạo áp lực không nhỏ trong việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Áp lực khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Ap luc khi dua nong san len san thuong mai dien tu hinh anh 1

Buổi livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Ông Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) cho biết, thời gian qua, các hợp tác xã tập trung sản xuất, cố gắng tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng mà chưa thực sự đầu tư nhân lực cho việc phát triển mảng thương mại điện tử. Trong khi đó, đây là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ bởi một bộ phận người tiêu dùng trẻ nhưng vẫn còn một khoảng cách tương đối lớn đối với người cao tuổi chưa bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ.
“Sự cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn về quy mô, vốn… nên các hợp tác xã chưa biết cách đầu tư nhân lực, xây dựng các chiến dịch marketing, quảng cáo từ đó rất cần hỗ trợ một cách bài bản”, ông Vũ Quang Phong bày tỏ.
Theo ông Vũ Quang Phong, các hợp tác xã và bà con nông dân cần có một tư duy đổi mới để có thể tận dụng được hết mức các lợi ích của thương mại điện tử. Bởi, kinh doanh qua sàn thương mại điện tử không chỉ dừng lại ở thu hoạch và bán mà cần có sự đầu tư vào khâu đóng gói, hậu cần, vận chuyển hay làm hình ảnh quảng bá để cải tiến cách làm và phát triển sản xuất kinh doanh một cách tối ưu.

Ap luc khi dua nong san len san thuong mai dien tu hinh anh 2

Anh Vũ Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh) hướng dẫn khách hàng quét mã QR code để kiểm tra thông tin sản phẩm tinh bột củ sen của công ty. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Công nghệ số (Bộ Công Thương) nhận định, tuy không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến, nhưng thực tế, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân vẫn còn rất nhỏ lẻ, khiêm tốn.
Những khó khăn đến từ nhận thức và nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế đối với phương thức kinh doanh này. Hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản còn thiếu nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing,...
Bên cạnh đó, việc đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các gian hàng thương mại điện tử là việc doanh nghiệp có thể làm. Dù vậy, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải được hướng dẫn và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và thực hiện quy trình đóng gói, bảo quản sản phẩm, hay cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng.

Ap luc khi dua nong san len san thuong mai dien tu hinh anh 3

Anh Lương Xuân Bắc (xã Trực Hưng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) bán các sản phẩm nông nghiệp của gia đình qua sàn thương mại điện tử Postmart. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Là một trong những tỉnh, thành có chỉ số thương mại điện tử cao, sàn giao dịch công nghệ Cần Thơ đã và đang trở thành một trong những kênh thông tin hữu ích cho việc tìm kiếm, chào bán sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.
Đặc biệt, thành phố đã hỗ trợ, hướng dẫn hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào các sàn giao dịch trực tuyến như Tiki, Lazada, Voso, Sendo, Shopee, Postmart.vn,… thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ dân nhằm đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Ðến nay, rất nhiều sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Cần Thơ đã được hỗ trợ, hướng dẫn lên sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Shopee, Voso, Postmart. Tuy nhiên, theo đại diện các hợp tác xã, với nguồn nông sản quy mô lớn, hợp tác xã đang cung cấp cho thương lái, hệ thống phân phối, nhưng không biết sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và liệu các sàn có phương pháp hỗ trợ để hợp tác xã tận dụng được cơ sở vật chất hiện có.

Ap luc khi dua nong san len san thuong mai dien tu hinh anh 4

Anh Lương Xuân Bắc (xã Trực Hưng, huyện Trực Ninh) hướng dẫn khách hàng quét mã QR code để kiểm tra thông tin sản phẩm trứng gà của gia đình. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Đại diện Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ cho biết, trước nay, việc kết nối, tiêu thụ hàng hóa giữa các nhà sản xuất, nông dân với các nhà sản xuất, thương nhân phân phối chỉ diễn ra theo phương thức truyền thống. Hơn nữa, hầu hết các hợp tác xã chỉ sản xuất, nuôi trồng chủ yếu nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết để tạo nên sản phẩm chủ lực. Chính những rào cản kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn sản phẩm đã khiến cho việc liên kết, kết nối tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, đại diện một số hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, dù đã đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử nhưng do kinh doanh ở quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn hẹp nên việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai ứng dụng thương mại điện tử của các hợp tác xã chưa được như mong muốn.

Đáng lưu ý, nông sản của các hợp tác xã này hều hết là thực phẩm hàng ngày nên được nhiều đơn vị bày bán nên khó cạnh tranh. Vì thế, hàng hóa của hợp tác xã trưng bày trên sàn thương mại điện tử chủ yếu để khách hàng tìm hiểu sản phẩm và so sánh giá cả. Mặt khác, phần lớn thành viên của các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp ở độ tuổi 40-50, thậm chí là người khuyết tật nên khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn chưa phổ biến.

Ap luc khi dua nong san len san thuong mai dien tu hinh anh 5

Các sản phẩm OCOP được bán trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Ninh Thuận tại địa chỉ: https://sanphamninhthuan.vn. Ảnh: TTXVN

Không những thế, tại những bước đầu triển khai, các hợp tác xã cũng gặp phải một số vướng mắc như thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn am hiểu về thương mại điện tử nên xảy ra tình trạng đưa nông sản lên sàn nhưng việc duy trì các gian hàng ảo và tiếp cận khách hàng vẫn còn chưa hiệu quả.
Để gỡ khó cho nông sản Việt khi tham gia sàn thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai hợp tác chặt chẽ với các sàn thương mại điện tử Shopee, Voso, Tiki, Lazada, kết nối đối tác với doanh nghiệp để thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn phối hợp với các tỉnh, địa phương cũng như sàn thương mại điện tử đào tạo các hợp tác xã, hộ kinh doanh làm chủ được công nghệ, thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh để thích ứng với xu hướng thương mại mới.

Ap luc khi dua nong san len san thuong mai dien tu hinh anh 6

Sản phẩm của Hợp tác xã nuôi trồng nấm Đông Trùng Hạ Thảo Kon Tum được đưa lên các sàn thương mại điện tử, giúp tăng doanh số từ 200 - 300%. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Cùng đó là các chương trình đào tạo mở gian hàng, vận hành thực hiện các đơn hàng, quản lý logistics, quản lý chất lượng sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử lớn được tổ chức một cách bài bản.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các Chương trình kết nối thương mại điện tử kết hợp đào tạo, tập huấn thương mại điện tử tại một số tỉnh, thành phố. Đặc biệt, đẩy mạnh kết nối theo vùng, thúc đẩy liên kết vùng để tiêu thụ nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương qua phương thức thương mại điện tử.
Với lợi thế của thương mại điện tử giúp vận hành tiêu thụ hàng hoá khắp các tỉnh, thành phố thông qua hệ thống chuyển phát thương mại điện tử, các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương đã được đẩy mạnh tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố. Tới đây, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác/Sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba, JD, Sea Group … để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thông qua các chương trình hợp tác này, các sản phẩm đặc sản Việt Nam như nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng,… vốn là các sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với phương thức phân phối qua thương mại điện tử.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành (sanviet.vn), kết nối và tạo nền tảng hỗ trợ cho cả người bán, người mua và các nền tảng số trong việc cung cấp hàng hoá, kết nối dịch vụ, tạo điều kiện phát triển thị trường thương mại điện tử một cách cạnh tranh, minh bạch. Qua đó, từng bước xây dựng Cơ sở dữ liệu bán lẻ trực tuyến tập trung xuyên suốt từ trung ương đến địa phương và giúp người tiêu dùng cuối cùng mua được sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây