Quyền Tổng giám đốc IRRI: Một tương lai khởi sắc cho ngành lúa gạo

Thứ hai - 11/12/2023 02:51 325 0
IRRI sẽ cung cấp những giống lúa thế hệ mới có chỉ số đường huyết thấp, giàu protein, khoáng chất, kẽm, sắt, magie… tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Quyền Tổng giám đốc IRRI: Một tương lai khởi sắc cho ngành lúa gạo

Tiến sĩ Ajay Kohli, Quyền Tổng giám đốc IRRI phát biểu chào mừng Đại hội Lúa gạo quốc tế - IRC 2023

Lúa là cây lương thực quan trọng, là nguồn năng lượng cho đời sống hàng ngày, kiến tạo dòng chảy văn hóa các quốc gia châu Á. Ngành lúa gạo đóng vai trò chủ đạo không chỉ đối với sản xuất lương thực mà còn trong phát triển kinh tế và an ninh quốc gia.

Đại hội Lúa gạo quốc tế lần thứ 6 - IRC 2023 là sự kiện lúa gạo lớn nhất thế giới do IRRI (Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế) và Bộ Nông nghiệp Philippines đồng tổ chức. Đây là diễn đàn toàn cầu cho các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo cùng gặp gỡ, thảo luận về những thách thức, cơ hội của ngành lúa gạo nhằm đảm bảo hệ thống lương thực toàn cầu.

Mạng lưới 1.500 người tham gia, gồm các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp, nông dân cùng hợp tác để chia sẻ, trao đổi về các ý tưởng mới, khám phá các giải pháp và công nghệ tiên tiến cho toàn bộ ngành lúa gạo.

Tại IRC 2023, tiến sĩ Ajay Kohli, Quyền Tổng giám đốc IRRI thông tin rõ thêm vị thế, vai trò của Việt Nam trên bình diện chung ngành lúa gạo toàn cầu.

Thưa ông, sứ mệnh của IRRI (Trung tâm nghiên cứu lúa gạo quốc tế) được thể hiện như thế nào qua việc tổ chức Đại hội Lúa gạo quốc tế - IRC 2023?

Nhiệm vụ cốt yếu của chúng tôi là gắn kết các nhân tố tham gia chuỗi giá trị lúa gạo. Đối với IRRI, chỉ nghiên cứu, tìm giải pháp kỹ thuật thôi là chưa đủ. Chúng tôi nỗ lực kết nối các bên liên quan để “hội tụ, đàm thảo, đối thoại” - đó cũng chính là khẩu hiệu và là mục tiêu chính của IRC 2023.

Tiến sĩ Ajay Kohli: 'IRC 2023 là nền tảng kết nối các nhân tố trong chuỗi giá trị lúa gạo'.

Tiến sĩ Ajay Kohli: "IRC 2023 là nền tảng kết nối các nhân tố trong chuỗi giá trị lúa gạo"

Hơn bao giờ hết, nhờ phát triển khoa học công nghệ, các lĩnh vực ngày càng tiến bộ, chuyên sâu và phân nhánh. Ví dụ, chuyển đổi số lĩnh vực nông học ngày càng được đẩy mạnh. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) được áp dụng ngày càng nhiều.

Nếu các ngành này tiếp tục phát triển riêng rẽ, thì chúng ta cần phải gắn kết các chuyên gia, viện trường lại với nhau. Vì vậy, Đại hội là nền tảng tổng hợp nhằm bổ sung kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực, tạo ra hệ sinh thái nghiên cứu lúa gạo.

Các đại biểu tham gia đều có chuyên môn cao, tuy vậy, nghiên cứu khoa học vốn là công việc mang tính độc lập. Do đó, IRC 2023 là một sự kiện lý tưởng để hợp tác, tìm kiếm đối tác mới, hoặc củng cố mối quan hệ sẵn có.

Về cơ bản, Đại hội là một “cú hích” giúp ngành lúa gạo vững chắc hơn, để cộng đồng nhà khoa học hiểu nhau, tiếp tục đồng hành với nhau. Đó chính là lý do chúng tôi kết nối mọi người từ các quốc gia, khu vực, lĩnh vực khác nhau trên thế giới.

Các quốc gia phải hết sức cẩn trọng trong nghiên cứu, tăng cường trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau, hướng tới một cộng đồng khoa học lúa gạo toàn cầu.

Các quốc gia phải hết sức cẩn trọng trong nghiên cứu, tăng cường trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau, hướng tới một cộng đồng khoa học lúa gạo toàn cầu

Việt Nam và Ấn Độ đang xuất khẩu 55% tổng lượng gạo trên thị trường thế giới. Vậy ông nghĩ thế nào về vai trò của các quốc gia châu Á đối với hệ thống lương thực toàn cầu?

Đúng là các nước châu Á ngày càng có vai trò quan trọng trong ngành lúa gạo, đặc biệt cần chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với các bạn bè châu Phi. Gần đây, châu Phi có xu hướng sản xuất, tiêu thụ nhiều gạo hơn. Để nói về vai trò của châu Á, chúng ta cần trả lời 2 câu hỏi sâu sắc hơn: Những giống lúa, kiến thức, máy móc kỹ thuật nào nên được chuyển giao từ châu Á sang châu Phi? Và những gì không nên chuyển giao từ châu Á sang châu Phi?

Từ đó, những sai sót mà chúng ta đã gây ra khi phát triển ngành hàng lúa gạo tại châu Á sẽ không bị lặp lại tại châu Phi. Ví dụ, tại Việt Nam, ngành lúa gạo nước bạn gây ra 50% lượng khí thải metan – tức là còn nhiều hơn cả ngành giao thông vận tải. Châu Phi hiện nay chưa có những vấn đề như vậy.

Do đó, việc phát triển lúa gạo ở châu Phi cần phải làm đúng, được tiêu thụ hợp lý và không phát thải quá nhiều khí metan ra môi trường. Nếu không, chúng ta sẽ giảm lượng khí metan ở châu Á nhưng vô hình trung lại làm ô nhiễm châu Phi. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng, bên cạnh tăng cường trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau, hướng tới một cộng đồng khoa học lúa gạo toàn cầu.

Cùng với đó, Ấn Độ và Việt Nam đang xuất khẩu 55% thị trường gạo toàn cầu, điều này sẽ còn tiếp tục trong những năm tới. Cá nhân tôi nghĩ, bất cứ quốc gia nào xuất khẩu, tiêu thụ nhiều gạo đều muốn đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước.

Tôi không phải chuyên gia về dự đoán kinh tế nông nghiệp, không biết trong tương lai cơ cấu xuất khẩu sẽ thay đổi ra sao. Nhưng các nước tiêu thụ gạo lớn như Ấn Độ và Việt Nam đều sẽ muốn tự chủ sản lượng nông sản trong nước.

Người đứng đầu IRRI tin vào một tương lai khởi sắc cho ngành lúa gạo.

Người đứng đầu IRRI tin vào một tương lai khởi sắc cho ngành lúa gạo

Có thể nói, ngành lúa gạo có tương lai khởi sắc và chúng tôi có cơ sở để khẳng định điều đó.

Trước đây, xu thế là giảm tiêu thụ gạo trong nước khi kinh tế phát triển, nhưng bây giờ đã khác. Số liệu cho thấy, ở châu Phi, khi người dân tăng thu nhập và kinh tế đi lên thì họ tiêu thụ gạo nhiều hơn. Cho nên, tương lai không thể nào khác ngoài triển vọng và khởi sắc cho ngành lúa gạo.

Một ví dụ khác, tiêu thụ gạo trong nước cũng không hề giảm khi xuất khẩu tăng cao. Vì vậy, các nước sản xuất gạo lớn sẽ tiếp tục tiêu thụ gạo nhiều.

Điều này khiến tôi nghĩ đến một điểm then chốt.

Đó là, nếu ở châu Phi, lúa gạo gắn liền với an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng nhưng ở châu Á ngành hàng này còn gắn liền với văn hóa. Mỗi ngôi làng đều có một loại gạo đặc trưng, gắn liền với văn hóa, và trở thành di sản của họ. Những điều này cho thấy, tương lai của lúa gạo không thể có gì khác ngoài sự khởi sắc.

Ông đánh giá thế nào khi chúng ta có thể tối ưu hóa và tiêu chuẩn hóa chuỗi cung ứng, điều đó liệu có đem lại lợi ích cho người tiêu dùng gạo lẫn nông dân?

Trước hết, sứ mệnh của IRRI là làm thế nào để những người nông dân sản xuất nhỏ có thể hưởng lợi từ các hoạt động, các nghiên cứu của chúng tôi. Càng nhiều khía cạnh khác nhau của các lĩnh vực khác nhau liên quan đến lúa gạo được chuẩn hóa và tối ưu thì càng tốt cho người tiêu dùng, nhà sản xuất, nông dân, thương nhân và tất cả mọi người.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta bỏ qua sự đa dạng của các giống lúa vì rõ ràng, mỗi khu vực sinh thái khác nhau cần có một loại giống lúa khác nhau. Liên quan vấn đề này, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ không thể tạo ra được một ngành hàng lúa gạo độc canh quá lớn.

Tất nhiên, trước đây sẽ có những mô hình độc canh lúa nhưng xu hướng của tương lai đó là xen canh với các loại đậu, rau thậm chí là kết hợp với nuôi cá, nuôi tôm. Ở Ấn Độ, đặc biệt là các khu vực phía Nam, nông dân còn nuôi ếch trong ruộng lúa và ếch lại trở thành một mặt hàng xuất khẩu giá trị cao.

Với những mô hình xen canh này, chúng ta có thể không cần phải quá lo lắng về vấn đề độc canh.

Rõ ràng, lúa gạo là một cây trồng chủ lực và khi được cải thiện về mặt dinh dưỡng cũng như năng suất, nó sẽ giúp hình thành nên những người nông dân khỏe mạnh, người tiêu dùng khỏe mạnh và một quốc gia khỏe mạnh.

Quyền Tổng giám đốc IRRI: 'Chúng tôi rất may mắn được làm việc với Việt Nam và trở thành một phần của quá trình chuyển đổi ngành hàng lúa gạo của các bạn'.

Quyền Tổng giám đốc IRRI: "Chúng tôi rất may mắn được làm việc với Việt Nam và trở thành một phần của quá trình chuyển đổi ngành hàng lúa gạo của các bạn"

Quay trở lại với IRC 2023, Việt Nam có hơn 40 đại biểu tham gia đại hội, vậy ông đánh giá thế nào về vai trò của chúng tôi đối với hệ thống lương thực toàn cầu?

Tôi có thể khẳng định, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực toàn cầu và đặc biệt là an ninh lương thực khu vực. Các bạn đã phát triển từ chỗ thiếu lương thực đến đủ ăn và sau đó trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Chúng tôi - IRRI, rất may mắn được làm việc với Việt Nam, với nhiều bộ, ngành khác nhau của các bạn và tất nhiên là trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trở thành một phần của quá trình chuyển đổi trong ngành hàng lúa gạo của các bạn.

IRRI tự hào vì đã có một số đóng góp cho Việt Nam và mặt khác, các cơ quan chức năng của nước bạn cũng đã đưa ra được nhiều mô hình hiệu quả. Sự chuyên tâm, chuyên cần của ngành lúa gạo Việt Nam đã biến nguồn đầu tư nhỏ được nhân rộng thành mô hình lớn.

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam có một vai trò quan trọng với hệ thống lương thực toàn cầu vì quốc gia của các bạn có đầy đủ các bên liên quan cho một chuỗi cung ứng, từ người nông dân đến các cơ sở chế biến và hệ thống kinh doanh.

Hiện nay, Việt Nam đang có những nỗ lực để đảm bảo toàn bộ hoạt động sản xuất lúa gạo sẽ thân thiện với môi trường, phát thải thấp, đây là một dấu hiệu rất tích cực. Quả thực, Việt Nam đã và đang đưa ra được những mô hình rất hợp lý và chúng tôi rất vui khi được hợp tác với các bạn.

Với lịch sử hợp tác lên đến 60 năm giữa IRRI và Việt Nam, ông có thể chia sẻ về tương lai của mối quan hệ này, đặc biệt là khi Việt Nam đã sẵn sàng cho việc phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp?

Trước hết, IRRI sẽ cung cấp những giống lúa thế hệ mới trong bối cảnh những quốc gia như Việt Nam đã có những sáng kiến và đưa ra được các mô hình thành công ở mức độ toàn cầu.

Chúng tôi đang xem xét nghiên cứu ra những loại gạo mới, không chỉ là thực phẩm chính cung cấp năng lượng mà còn là một loại đồ ăn bổ dưỡng. Ai cũng ăn cơm, vì thế, chúng ta có thể nghiên cứu ra những giống gạo giàu dinh dưỡng hơn, từ đó có thể giúp người dân khỏe mạnh hơn. Những công dân khỏe mạnh sẽ tạo ra lực lượng lao động hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế phát triển tốt hơn và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Lô mẫu gạo đầu tiên có chỉ số đường huyết cực thấp được trình lên Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại lễ khai mạc Đại hội Lúa gạo Quốc tế 2023.

Lô mẫu gạo đầu tiên có chỉ số đường huyết cực thấp được trình lên Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại lễ khai mạc Đại hội Lúa gạo Quốc tế 2023

Tính đến thời điểm hiện nay, có nhiều cách để bổ sung dinh dưỡng cho gạo, ví dụ như sản phẩm đã được giới thiệu trong buổi khai mạc IRC 2023. IRRI đã giới thiệu loại gạo có chỉ số đường huyết (GI - Glycemic Index) cực thấp. Loại gạo này rất tốt cho người mắc bệnh tiểu đường, tiền tiểu đường hoặc béo phì.

Nghiên cứu này ra đời trong bối cảnh người dân châu Á rất không thích việc phải nghe bác sỹ khuyên cắt cơm hoặc giảm cơm trong mỗi bữa ăn, vì đây là món ăn chính của họ từ khi sinh ra.

Với chỉ số đường huyết cực thấp, nó giúp người sử dụng kiểm soát và giảm được lượng đường trong máu so với ăn cơm từ các loại gạo thông thường.

Cụ thể, chỉ số đường trong máu của người ăn loại gạo đặc biệt này sẽ tăng rất chậm, ít nhất là 1,5 giờ sau khi ăn mới tăng và không tăng đến mức như sử dụng gạo thông thường.

IRRI cam kết chuyển giao phương pháp nghiên cứu giống lúa cải tiến tới các quốc gia Đông Nam Á.

IRRI cam kết chuyển giao phương pháp nghiên cứu giống lúa cải tiến tới các quốc gia Đông Nam Á

Ngoài việc tìm ra giống gạo có chỉ số đường huyết thấp, các nhà khoa học cũng đang tìm cách bổ sung đạm, khoáng chất, kẽm, sắt, magie,... vào gạo. Đó cũng là những điều mà chúng tôi có thể cung cấp cho Việt Nam và với những thành công trước đấy, hứa hẹn Việt Nam sẽ lại thành công trong sản xuất lúa gạo dinh dưỡng.

Câu hỏi cuối cùng, ông kỳ vọng gì về Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam2023?

Hiện nay, chúng tôi đang ở giai đoạn học hỏi từ Việt Nam về phương pháp quản lý các vấn đề khác nhau của hoạt động sản xuất lúa gạo cho đến khi xuất khẩu.

Chúng tôi học hỏi và dự kiến sẽ chuyển giao những phương pháp này đến các quốc gia khác, nơi cũng đang muốn trở thành đất nước xuất khẩu gạo, ví dụ như Lào hay Campuchia, như bạn đã chứng kiến tại IRC 2023.

Lễ hội lúa gạo Quốc tế sắp tới của Việt Nam sẽ nêu bật được những thành tựu của các bạn cũng như đưa ra được kết quả trong quá trình hợp tác giữa IRRI với Việt Nam cũng như những mong muốn của các bạn với chúng tôi trong thời gian tới. Ví dụ như gạo dinh dưỡng.

Triển lãm giới thiệu máy móc, thiết bị công nghệ trong lĩnh vực lúa gạo tại IRC 2023.

Triển lãm giới thiệu máy móc, thiết bị công nghệ trong lĩnh vực lúa gạo tại IRC 2023

Với việc Việt Nam là đối tác rất thân thiết và tích cực của IRRI, điều chúng tôi mong đợi là các bạn sẽ tập trung vào các giống lúa mới có tính chất bổ sung dinh dưỡng cũng như thân thiện với môi trường.

Việt Nam đang làm tốt hơn rất nhiều so với các quốc gia trồng lúa khác, đặc biệt là với mục tiêu giảm phát thải khí metan và đưa sản xuất lúa gạo thành ngành hàng thân thiện với môi trường.

Đó là những khía cạnh mà chúng tôi mong muốn được hợp tác, làm việc cùng các bạn. Với công nghệ và nghiên cứu của IRRI, Việt Nam là nơi mở rộng quy mô rất tốt.

Xin cảm ơn ông!

Nhìn lại Đại hội Lúa gạo quốc tế lần thứ 6 - IRC 2023.
Là một diễn đàn về nghiên cứu khoa học, xây dựng chính sách, IRC 2023 tập trung vào 10 nội dung chính:
Nghiên cứu di truyền: Các dự án mang tính đột phá giúp khai thác tiềm năng, giá trị cây lúa, nâng cao năng suất, hàm lượng dinh dưỡng và khả năng chống chịu trước thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.
Nhân giống: Các diễn đàn khoa học thảo luận về nhân giống được dẫn dắt bởi các chuyên gia cấp cao về phát triển giống lúa mới. Các tính trạng được cải thiện của lúa gồm khả năng kháng bệnh, chịu hạn hán, dinh dưỡng cao nhằm giải quyết các yêu cầu ngày càng tăng của hệ thống thực phẩm toàn cầu.
Nông nghiệp bền vững: Cộng đồng khoa học trao đổi, tìm hiểu về các phương pháp canh tác đổi mới. Các phiên thảo luận chuyên sâu làm rõ ứng dụng thực tiễn của các biện pháp khoa học nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm tác động đến môi trường, thúc đẩy tính bền vững của hệ thống sản xuất lúa gạo.
Nông nghiệp số: Đại hội nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong nông nghiệp, trọng tâm là khai thác ứng dụng công nghệ và giải pháp dựa trên dữ liệu. Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa công tác trồng lúa, cải thiện quy trình sản xuất, nâng cao năng suất.
Đổi mới chuỗi giá trị: Các đề tài, phương pháp đổi mới trải dài từ công đoạn sản xuất, chế biến đến phân phối, tiêu dùng. Đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả, giảm lãng phí, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị gạo.
Khả năng chống chịu khí hậu: Trước vấn đề cấp bách của biến đổi khí hậu, các mô hình và kỹ thuật ra đời để giảm thiểu tác động khắc nghiệt của môi trường đối với sản xuất lúa gạo. Ngành lúa gạo hướng tới xây dựng hệ thống thực phẩm linh hoạt, thông minh.
Sinh thái và đa dạng sinh học: Các hội thảo chuyên đề làm rõ mục tiêu sản xuất lúa gạo bền vững và bảo vệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên. Ứng dụng công nghệ bám sát thực tiễn giúp tiết kiệm chi phí cho quá trình trồng lúa, đồng thời giảm tác động đến môi trường.
Dinh dưỡng và sức khỏe: Trưng bày máy móc, kỹ thuật và mô hình nhằm giải quyết thách thức về suy dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, thúc đẩy chế độ ăn uống đa dạng, khoa học.
Công bằng xã hội: Các nghiên cứu cũng đặc biệt chú trọng đến việc thúc đẩy công bằng xã hội. Một số sáng kiến tập trung nâng cao đời sống của cộng đồng yếu thế, phụ nữ, thanh niên.
Tiếp cận thị trường và thương mại: Đại biểu tham gia được khám phá cách xây dựng chính sách công bằng, toàn diện, đảm bảo tính bền vững, khả năng phục hồi. Hướng đi này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan trong hệ thống thực phẩm dựa trên lúa gạo.
Hợp tác: Trên hết, IRC 2023 kêu gọi sự hợp tác đa ngành, đa khu vực; khuyến khích chia sẻ kiến thức và liên kết giữa các nhân tố trong chuỗi giá trị gạo. Tinh thần hợp tác là động lực thúc đẩy sự chuyển đổi của hệ thống thực phẩm dựa trên lúa gạo.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây