Bộ đội Biên phòng Nghệ An tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn khu vực biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia

Thứ bảy - 18/11/2023 04:09 279 0
Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An quản lý, bảo vệ 468,281 km đường biên giới đất liền (có 27 xã thuộc 06 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Quế Phong tiếp giáp với 03 tỉnh: Bô Ly Khăm Xay, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn của nước CHDCND Lào) và 82 km bờ biển (có 34 xã, phường thuộc 05 huyện, thị xã: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Cửa Lò và Hoàng Mai).
Bộ đội Biên phòng Nghệ An tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn khu vực biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia

Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An quản lý, bảo vệ 468,281 km đường biên giới quốc gia, tiếp giáp với 03 tỉnh của nước bạn Lào (Hủa phăn; Xiêng khoảng và Pôlykhamxay); địa bàn quản lý 27 xã, thuộc 6 huyện biên giới (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông. Anh Sơn, Thanh Chương và Quế phong), trong đó 22 xã thuộc thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; địa hình rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn; cơ sở chính trị (thôn, bản) còn nhiều bất cập, nhất là các bản vùng sâu, vùng xã biên giới; trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, nhận thức của đội ngũ cán bộ thôn, bản về triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ; đời sống đồng bào các dân tộc còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao (55%); có thôn, bản còn 100% hộ nghèo. Bên cạnh đó, hoạt động của các loại đối tượng, mua bán, vận chuyển ma túy, mua bán người; di cư tự do, truyên truyền phát triển đạo tin lành trái pháp luật có thời điểm vẫn còn diễn ra khá phức tạp, tác động ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng, xây dựng nền biên phòng toàn dân, phong trào quần chúng nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Keng Đu cùng bà con dân bản làm đường bê tông góp phần xây dựng nông thôn mới tại bản Huồi Phuôn 2, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn.

Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Keng Đu cùng bà con dân bản làm đường bê tông góp phần xây dựng Nông thôn mới tại bản Huồi Phuôn 2, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn (Ảnh: sưu tầm)

Trước tình hình trên, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không chỉ là nhiệm vụ chính trị của Bộ đội biên phòng tỉnh, mà còn thể hiện sâu sắc tình cảm, sự tri ân đối với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới đã cùng vai, sát cánh đồng hành cùng Bộ đội Biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Từ đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình xây dựng đạt được một số kết quả nổi bật:
Thứ nhất, tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở xã, xóm, bản khu vực biên giới vững mạnh, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chương trình xây dựng, góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia quản lý, bảo vệ biên giới: Xuất phát từ thực tiễn hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới còn nhiều yếu kém, Bộ đội biên phòng tỉnh xác định nhiệm vụ xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị chung sức xây dựng, góp phần xây dựng nền biên phòng tòan dân vững mạnh, tham gia quản lý, bảo vệ biên giới.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 01/2016 của Ban chấp hảng Đảng bộ tỉnh Nghệ An về xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016-2020; Thông báo 1002/2005 và 394/2027 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chuyển đảng viên Bộ đội biên phòng về sinh hoạt đảng tạm thời tại các chi bộ thôn, bản yếu kém trên tuyến biên giới phía tây và các chi bộ thôn, xóm vùng giáo yếu kém; Kết luận 68/2020 của Ban bí thư về chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, xã biên giới hải đảo. Hiện nay, Bộ đội biên phòng tỉnh đang triển khai 06 đồng chí đảng viên tham gia cấp ủy, cấp huyện biên giới; 27 đồng chí tham gia cấp ủy cấp xã, giữ chức phó bí thư đảng ủy; 02 đồng chí tham gia hội đồng nhân dân huyện; 24 đồng chí tham gia Hội đồng nhân dân cấp xã và 27 đồng chí tham gia Ủy viên ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp; 84 đảng viên đồn biên phòng chuyển sinh hoạt tạm thời về các chi bộ yếu kém, địa bàn vùng giáo.
Đội ngũ cán bộ tham gia cấp ủy địa phương và đảng viên chuyển sinh hoạt tạm thời đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tham gia phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, tầng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, hiệu lực điều hành của chính quyền và chất lượng hoạt động của các ban, ngành đoàn thể từ xã đến các thôn bản, khối xóm, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới.
Đội ngũ cán bộ tăng cường xã tích cực tham mưu củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy 27 xã biên giới, thường xuyên bổ sung quy chế lãnh đạo, quy chế làm việc, duy trì nền nếp và tầng bước nâng cao chất lượng thực hiện chế độ sinh hoạt, ra nghị quyết, công tác kiểm tra, giám sát, chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đaọ ở các địa phương, duy trì thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp với các đồn biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Ảnh: Hoài Thu

Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Nghệ An tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân (Ảnh: sưu tầm)

Tham mưu củng cố, kiện toàn 215 chi bộ, 164 tổ chức chính trị xã hội khác, kết nạp 412 đảng viên mới từ nguồn tại chỗ của các địa phương, trong đó 03 đảng viên là giáo dân. Từng bước củng cố các chi bộ yếu kém ở địa bàn phức tạp, xung yếu, vùng giáo từ hoạt động kém hiệu quả lên hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ hai, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân ở khu vực biên giới, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh tham gia quản lý, bảo vệ biên giới: Để có thêm nguồn lực giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trong những năm qua Bộ đội biên phòng tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp ban hành các đề án, chương trình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo như: Tham mưu Ủy ban nhân dan tỉnh Nghệ An ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả giúp đỡ các hộ gia đình ở khu vực biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2020 -2025 và những năm tiếp theo”; Đề án xây dựng cơ sở chăn nuội lợn nái địa phương sinh sản cung cấp con giống cho các hộ nông dân nghèo ở khu vực biên giới phía tây Nghệ An giai đoạn 2015 2018 và những năm tiếp theo, kết quả xây dựng 20 mô hình chăn nuôi ở các đồn biên phòng, nay đã cấp trên 1.500 con giống cho 254 hộ nghèo ở khu vực biên giới.

Đồn Biên phòng Nậm Càn trao tặng lợn giống cho các hộ gia đình khó khăn ở xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An (Ảnh: HT)

Đồn Biên phòng Nậm Càn trao tặng lợn giống cho các hộ gia đình khó khăn ở xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An (Ảnh: sưu tầm)

Triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào, chương trình, các cuộc vận động nhằm huy động các nguồn lực giúp nhân dân khu vực biên giới xóa đói giảm nghèo như: Phong trào “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, Bộ đội biên phòng huy động 4.050 ngày công giúp nhân dân  làm mới và tu sửa gần 500km đường giao thông nông thôn; 195,4 km kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất; giúp dân xây mới 35 căn nhà, sửa chữa 39 căn; tặng 270 con bò giống, 148 con dê giống cho các hộ nghèo. Thực hiện Chỉ thị 681 của Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng về việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình trong khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nhgệ An triển khai 522 đảng viên phụ trách 2.387 hộ gia đình trong khu vực biên giới, đội ngũ cán bộ đảng viên đã giúp dân xây dựng 57 mô hình giúp dân phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều mô hình có hiệu quả như: Mô hình chuyển đổi sản xuất từ phát nương làm rẫy sang khai hoang làm ruộng nước ở đồn biên phòng Tam Hợp; mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, dê sinh sản ở đồn biên phòng Nhôn Mai, Na Ngoi; mô hình “Ngôi nhà thiện nguyễn ai cần đến lấy, ai có sẻ chia”, tủ thuốc biên cương; gian hàng không đồng; chia sẻ 50/50; đồng hành cùng nông dân nghèo vv…
Thứ ba, tham gia, phối hợp thực hiện tốt công tác giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở khu vực biên giới, góp phần phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới: Xuất phát từ đặc điểm tình hình nhân dân khu vực biên giới sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế.

Trước tình hình trên, Bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường, con nuôi đồn biên phòng”, nhận đỡ đầu 117 em học sinh nghèo vượt khó, trong đó 16 em học sinh người Lào bản đối diện mỗi tháng 500.000đ/em, nhận nuôi tại đồn biên phòng 18 em học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.
Hàng năm phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các trường học trên địa bàn tuyên truyền, vận động các em trong độ tuổi đến trường, tu sửa trường, lớp học; xóa mù chữ, tài mù, phổ cấp giáo dục tiểu học, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh lớp 9 các trường Trung học cơ sở ở khu vực biên giới, thông qua các em là một tuyên truyền viên cho gia đình, bạn bè, người thân chấp hành nghiêm pháp luật về biên giới quốc gia, nhân dân tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ biên giới.

Phát huy hiệu quả 06 phòng khám quân, dân y kết hợp; 07 y, bác sỹ tăng cường các trạm xá khu vực biên giới; quân y 18 đồng biên phòng tuyến núi; Mô hình “Tủ thuốc biên cương” thường xuyên làm tốt công tác giúp dân khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới. Hàng năm vận động, kêu gọi, phối hợp với các bệnh viện trong và ngoài tỉnh, thành lập các đoàn đến khám cấp thuốc miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới. Hoạt động trên, hình ảnh người Thầy thuốc, Thầy giáo quân quân hàm xanh đã đang để lại dấu ấn tốt đẹp trong đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, Nhân dân tin tưởng, tích cực tham gia với Bộ đội Biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới.

Thứ tư, thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, phục vụ tốt chủ trương phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương: Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt Chủ trương “3 bám, 4 cùng” với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, nắm chắc tình hình nhân dân, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia đấu tranh tố giác các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy, mua bán người, vượt biên trái phép và các vi phạm pháp luật khác, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Tham mưu chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, thành lập được 84 tổ/498 thành viên tự quản đường biên, mốc giới; 716 tổ/3.959 thành viên tự quản an ninh trật tự thôn bản; 62 tổ/423 phương tiện/4.029 thành viên tổ tàu thuyền an toàn, 18 tổ bến bãi an toàn, mọi hoạt động vi phạm liên quan đến đường biên, mốc giới và an ninh thôn bản được quần chúng nhân dân phát hiện, tố giác, giúp BĐBP đấu tranh, ngăn chặn kịp thời giữ vững an ninh trật tự ở địa bàn biên giới, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng.
Tuy nhiên, trong quá trình tham gia thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng, địa bàn khu vực biên giới vẫn là địa bàn khó khăn nhất như: Hệ thống giao thông đi lại khó khăn, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn;  thời tiết; khí hậu thời tiết khắc nghiệt; trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, phong trào toàn dân tham gia xây dựng chương trình nôn thôn mới còn hạn chế,… tác động ảnh hưởng đến triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới.

Bộ đội Biên phòng và cán bộ thôn bản Việt Nam gặp gỡ, trao đổi với đại diện công an và cán bộ địa phương nước bạn Lào về quy chế phối hợp bảo vệ biên giới. Ảnh: Hoài Thu

Bộ đội Biên phòng và cán bộ thôn bản Việt Nam gặp gỡ, trao đổi với đại diện công an và cán bộ địa phương nước bạn Lào về quy chế phối hợp bảo vệ biên giới (Ảnh: sưu tầm)

Để nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới ở địa bàn khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh cần thực hiện tốt các giải pháp như: (i) Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới, rà soát các tiêu chí đạt được, chưa được để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ tư tưởng trong chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chủ động vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới; (ii) Tiếp tục phát huy vai trò của Bộ đội Biên phòng trong tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tham gia giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, áp dụng thành tựu khoa học kỷ thuật, nâng cao năng suất chất lượng cây trồng, vật nuôi, sớm xóa đói, giảm nghèo, hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng Nhân dân có điều kiện tham gia quản lý, bảo vệ biên giới; (iii) Phối hợp chặt chẽ các sở, ban ngành cấp tỉnh lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; triển khai có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động, như: Phong trào “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”; Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”… tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh huy động các nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ nhân dân khu vực biên giới; (iv) Triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, nắm chắc tình hình hoạt động các loại đối tượng; phát động phong trào quần chúng nhân dân đấu tranh phòng, chống, tố giác tội phạm; tích cực tham gia phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

Tác giả bài viết: Đặng Thị Thu Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây