Các làng đào ở Nghệ An tất bật chăm sóc cây, phục vụ Tết

Thứ bảy - 18/11/2023 02:48 182 0
Chỉ còn 2,5 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Để có những cành đào, chậu đào có nụ to, hoa đẹp, nở đúng dịp Tết, những ngày này, người trồng đào đang tất bật các công đoạn chăm sóc, thúc, hãm đào
Các làng đào ở Nghệ An tất bật chăm sóc cây, phục vụ Tết

Những vườn đào thế ở xã Nghi Liên đã được đào chắn, bó rễ, đến tháng Chạp sẽ chuyển sang thuần chậu. Ảnh: T.P

Có kinh nghiệm trồng đào hơn 30 năm nay, ông Phan Tất Giáp (xã Kim Thành, huyện Yên Thành) nắm rõ cung thời gian tuốt lá để đào ra hoa đúng dịp Tết. Ông Giáp cho biết: “Đào phai thì tuốt trước 70 ngày, đào bích thì tuốt trước Tết 60 ngày. Đó là công thức chung, song thời tiết mỗi năm một khác nên phải căn cứ vào tình hình thực tế để căn chỉnh phù hợp. Như năm nay, rét muộn nên việc tuốt lá cũng muộn hơn.

Dự kiến, đến cuối tháng 10 âm lịch này mới “xuống lá” cho đào. Hiện chúng tôi đang tập trung tỉa bớt lá già, loại bỏ cành khô và chăm sóc. Gia đình tôi trồng đào phai bản địa, chặt bán cành nên hiện bắt đầu tuốt lá ở những cành non để nuôi mắt. Đồng thời, hoàn thành việc bón thúc đợt cuối để cây nuôi mắt, nuôi nụ”.

bna_ghép 2.jpg

Hiện các nhà vườn trồng đào thế đang tập trung đảo đào, bó rễ. Ảnh: T.P

Cũng theo kinh nghiệm của ông Giáp, việc tuốt lá trên từng cây đào cũng khác nhau tuỳ vào độ tuổi của đào; trên từng cây cũng phải tuốt cành non, yếu trước, cành già, khoẻ tỉa sau. Vì cành dài non thường ra hoa muộn hơn cành ngắn già.

Năm nay, dự báo thời tiết rét muộn và nhiệt độ cũng nhỉnh hơn các năm trước, do đó, các nhà vườn đã có phương án để hãm đào nở sớm. Anh Nguyễn Trọng Tiến, một hộ trồng đào thế ở xã Kim Thành (Yên Thành) cho biết: “Thời điểm này, những người trồng đào đã bắt đầu nhộn việc. Từ việc xác định tuổi đào, căn cứ thời tiết để quyết định xuống lá đúng thời điểm. Nếu các năm trước thì từ tháng 7, tháng 8 đã thực hiện đảo đào và khoanh vỏ để hoa nở kịp Tết. Tuy nhiên, năm nay, lịch nhuận, rét muộn, trời ấm nên đến đầu tháng 9 âm mới đảo đào và giữa tháng 10 âm lịch mới khoanh vỏ”.

bna_Tiến.jpg

Anh Tiến cho biết, việc "thiến" đào năm nay cũng thực hiện muộn hơn các năm trước do thời tiết rét muộn, mùa Đông cũng ấm hơn. Ảnh: T.P

Năm nay, anh Nguyễn Văn Thắng (xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương) nhận chăm sóc 50 gốc đào cho khách và chăm 100 cây đào phai sang tuổi thứ 2 bán ra thị trường Tết. Đến đầu tháng 9 âm lịch, anh Thắng đã thuê người đảo đào bằng cách đào bầu cách gốc 20 - 25 cm, sâu 20 – 25 cm (tùy theo kích cỡ của cây), sau đó, chắn rễ và lấp lại đất.

Anh Thắng cho biết: “Mục đích của việc đánh bầu hãm rễ là để cây đào ổn định bộ rễ, khi đánh vào chậu thuần dưỡng thì không bị yếu cây, ra nhiều nụ, hoa nở đúng Tết và độ bền cao. Có nhiều cây, sau khi đánh bầu thì tuốt lá, chuyển vào chậu để thuần luôn; có những cây dưỡng tại vườn thì chưa tuốt lá”.

bna_cỏ.jpg

Những vườn đào non, yếu được bón thúc đợt cuối và tuốt lá sớm. Ảnh: T.P

Riêng với đào chặt cành, hiện nay, công đoạn chủ yếu là tỉa bớt cành thừa, cành khô, tạo vòm. “Khoảng 15-20 ngày nữa mới tuốt lá. Việc tuốt lá cũng không đơn giản, phải quan sát, phải nắm được độ khoẻ, yếu của cây. Nói chung, từ nay đến Tết, những người chăm đào, trồng đào như chúng tôi bắt đầu vào vụ, làm từ sáng tới tối không hết việc”, anh Thắng cho biết thêm.

Quãng này, những nhà vườn trồng, chăm sóc đào ở xã Nghi Liên, Nghi Đức (TP. Vinh), Nghi Hương (thị xã Cửa Lò), trồng đào phai ở xã Nam Anh, Nam Xuân, Nam Nghĩa, Nam Thái, Nam Hưng (Nam Đàn) cũng đang khẩn trương vào vụ chăm sóc đào Tết. Trên các vườn đồi, vườn nhà, ngoài lao động chính trong gia đình, nhiều vườn còn phải thuê thêm nhân công đánh bầu, hãm rễ và tỉa cành, tuốt lá già.

bna_đào thế.jpg

Nhiều vườn đào đã được các thương lái đến xem, hỏi giá. Ảnh: T.P

Anh Lê Thanh Hùng, cán bộ nông nghiệp xã Nam Xuân cho biết: “Chăm sóc đào là việc phải làm quanh năm, từ sau Rằm tháng Giêng đến Tết. Song, tất bật nhất là từ tháng 10 đến hết tháng Chạp. Đây là quãng thời gian quyết định đào có nhiều búp, nụ hay không, có ra hoa đúng tết hay không đều do khâu chăm sóc có đúng kỹ thuật không, cách hãm, thúc thế nào,…”.

Nghề trồng đào đã gắn bó với người dân nhiều vùng quê ở Nghệ An, cây đào không chỉ là cây chủ lực cho kinh tế vườn hộ mà còn là thương hiệu cho nhiều địa phương trong tỉnh. Những năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường nhưng với kinh nghiệm trồng, chăm sóc đào lâu năm, cây đào phai Nghệ An vẫn phát triển tốt. Mặc dù mới tháng 10 âm lịch nhưng thương lái nhiều nơi đã đến thăm vườn, khảo sát giá đào, chuẩn bị cung ứng thị trường Tết.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây