Cây đàn hương: cây đa tác dụng cho giá trị kinh tế cao

Thứ hai - 05/09/2022 20:17 10.595 0
Cây đàn hương có tên khoa học Santalum album L, họ Đàn hương (Santalaceae). Đây là loài cây gỗ cao 10 - 15 m, với đặc tính sinh học quan trọng nhất là có rễ cái ký sinh trên cây chủ, rễ con bám chặt vào rễ cái cây chủ bằng các giác mút, hút dinh dưỡng từ cây ký chủ để sinh trưởng và phát triển nên còn gọi đàn hương là cây gỗ bán ký sinh. Lá nguyên, dầy, mọc đối, hình trứng hoặc hình mũi mác. Hoa mẫu 4, cụm hoa mọc thành chùm, lúc đầu màu vàng rơm, sau màu đỏ thẫm. Quả hạch hình cầu, khi chín màu đen, thịt nhiều nhựa. Ra hoa vào tháng 5 - 6, đậu quả vào tháng 7 - 9. Đàn hương là cây dễ tính, phổ thích nghi rộng, yêu cầu điều kiện sinh thái không quá khắt khe.
Cây giống đàn hương
Cây giống đàn hương
Đàn hương có nguồn gốc ở Đông Timor, phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam), Indonesia. Ở Việt Nam cây mọc hoang ở vùng núi Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Bộ phận dùng là lõi của cây gỗ, thu hoạch vào mùa thu. Gỗ màu vàng nhạt, mùi thơm ngát, dùng dưới dạng khúc gỗ hoặc gỗ bào. 
Điều kiện khí hậu: Nhiệt độ: Đàn hương là cây nhiệt đới, á nhiệt đới, phổ nhiệt độ thích hợp từ 23 - 35 độ C. Nhiệt độ thấp hơn 13 độ C cây tạm ngừng sinh trưởng, chồi ngọn chuyển sang ngủ nghỉ. Ở những nơi không có sương giá mùa đông, đàn hương có thể tạm thời chịu được nhiệt 0 độ C, nhưng khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C lá bị rét hại, thời gian lạnh giá càng kéo dài rét hại càng lớn. Nếu nhiệt độ xuống - 3 độ C đến - 5 độ C đàn hương có thể chưa chết rét, có thể do thời gian giá rét ngắn và nhờ cây ký sinh bảo vệ giúp cành lá không bị rét hại. Nhiệt độ cực trị dưới - 10 độ C và thời gian rét liên tục là hai yếu tố chủ yếu hạn chế sinh trưởng của đàn hương.
Vì vậy, vùng thích nghi phát triển đàn hương là vùng có nhiệt độ tối thấp, bình quân nhiều năm không thấp hơn 0 độ C, tích ôn nhiệt độ bình quân ngày ≥ 10 độ C, đạt 6.000 độ C, đảm bảo thỏa mãn điều kiện nhiệt độ trồng đàn hương.
Kỹ thuật trồng, chăm sóc: Cây đàn hương tuy đòi hỏi kỹ thuật trồng không phức tạp, nhưng có yêu cầu đặc thù về cây ký chủ, cần bố trí phù hợp. Đây cũng là cây trồng dài ngày sau khoảng 6 - 7 năm trở lên, giá rất đắt. Vì vậy, nên trồng đàn hương phân tán trong các hộ gia đình, mỗi hộ trồng vài chục cây, trồng xen trong vườn cam, quýt, cây ăn quả để thuận tiện cho việc chăm sóc và bảo vệ, làm giàu cho từng hộ gia đình. Cây đàn hương phát triển tốt, có thể tạo lõi gỗ nhanh chỉ sau 3 năm.
            Theo tài liệu cho rằng, phải từ 10 năm trở lên cây mới trưởng thành, chiều cao mới đạt 12-15m, chu vi gốc khoảng 0,9 - 2,4m. Đặc thù của cây đàn hương là sống ký sinh, rễ bám chặt vào rễ cây chủ hút dinh dưỡng để sinh trưởng, phát triển…Đàn hương là cây gỗ bán ký sinh nên có thể trồng xen canh, cây dễ trồng, ít phải chăm sóc, mật độ trồng 1.000 - 1.500 cây/ha, lõi thu được 30 kg/cây, có giá bán 500 -1.000 USD/kg, tùy thời điểm.
            Về đặc tính tự nhiên: cây xanh lá quanh năm giúp bảo vệ môi trường; chịu hạn thuộc hàng “vô địch”, chỉ cần một lần bón phân hữu cơ dưới hố khi trồng, sau đó “bỏ mặc” gần như không cần tưới tắm; cây kỵ các loại chất hóa học, suốt vòng đời nói không với hóa chất độc hại.

Thời gian thu hoạch: Từ tháng thứ 6: có thể thu hoạch búp, lá, từ năm thứ 3 cho thu hoạch quả, từ 12-13 năm cho thu hoạch gỗ. Cây đàn hương là cây lấy gỗ nên để càng lâu năm thì càng quý, với những cây lấy hạt từ cây bố mẹ đủ tiêu chuẩn, có tuổi đời dưới 10 năm thì nguy cơ bị dịch bệnh hoặc không có lõi gỗ rất cao.

Về giá trị Kinh tế: Giá trị kinh tế của cây đàn hương được sử dụng vào nhiều mục đích, như sản xuất dược liệu, tinh dầu, hàng mỹ nghệ cao cấp, hàng nội thất, đồ thờ cúng trong gia đình và trong các đền chùa. Hơn nữa cây đàn hương còn sản xuất rượu đàn hương, nước uống đàn hương … Tinh dầu của loài cây này được ví như “giọt vàng” với giá khoảng 4.500USD/kg. Giá thị trường thế giới hiện nay khoảng từ 200 usd đến 300 usd/kg lõi gỗ (tuỳ chất lượng). Như vậy, mỗi cây đem lại 20kg lõi gỗ với giá bán tại vườn là 1.000.000 đồng/kg, giá bán lá đàn hương trên thị trường dao động từ 200-250 nghìn đồng/kg,

            Trồng cây đàn hương rủi ro thấp vì nó là cây trồng xen canh, người nông dân đang có vườn cam, vườn bưởi, vườn gỗ sưa,… có thể trồng xen cây đàn hương vào và vẫn có nguồn thu từ cả hai loại cây trồng. Cây đàn hương cũng rất tốt cho môi trường vì nó là cây xanh quanh năm và nó cho lượng oxy gấp 6 lần các cây khác.

Từ lá, hạt, lõi gỗ đều có thể sử dụng trong ngành mỹ phẩm, y dược và tâm linh: Tinh dầu Gỗ đàn hương dùng để sản xuất nước hoa cao cấp, làm dược liệu, Dầu hạt đàn hương để sản xuất kem chống lão hoá da, Búp và lá đàn hương có thể làm trà giúp an thần, ổn định huyết áp,..

Cây đàn hương trắng mang lại giá trị sử dụng và kinh tế cao hơn so với các giống đàn hương khác . Khi thu hoạch cây đàn hương người ta nhổ cả cây , lấy cả gốc, cành, lá, rác gỗ đem về chế biến và sử dụng. Cây đàn hương là loại cây trồng quý cho giá trị kinh tế cao và là cây đa tác dụng, vừa lấy gỗ, vừa làm dược liệu, phục vụ ngành mỹ phẩm cao cấp... Giá trị sản phẩm chính của cây đàn hương là tinh dầu và lõi gỗ.
Lõi gỗ: được dùng để sản xuất ra các mặt hàng có giá tri cao, như hàng đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gia dụng cao cấp, trang trí nội thất, dùng chiết suất tinh dầu, chất dẫn suất nước hoa …
Rễ cây: một số nghiên cứu cho rằng rễ cây đàn hương là thành phần chứa 60-70 % lượng tinh dầu trên cây đàn hương chính vì vậy rễ đàn hương người ta dùng để sử dụng chủ yếu làm chế suất tinh dầu, hoặc nghiền lấy bột sử dụng trong ngành mỹ phẩm để làm đẹp, chăm sóc da ... Dùng để chiết xuất tinh dầu. Cứ 100 kg rễ Đàn hương sẽ chiết xuất được khoảng 4 kg tinh dầu.
Lá cây: ngoài những tác dụng làm đẹp, chăm sóc da, chế xuất nước hoa người ta còn biết đến lá cây đàn hương dùng để sản xuất trà sạch chất lượng cao. Dùng làm trà cao cấp để lọc chất độc trong máu, giúp hỗ trợ huyết áp đối với bệnh nhân huyết áp cao. Giúp ngủ ngon, giải tỏa cơn say rượu.
Hạt: có tác dụng để nhân giống, chiết xuất tinh dầu, sản xuất rượu… Cứ 3 kg hạt đàn hương cho 1 kg tinh dầu. Ép dầu hạt dùng trong dược liệu hoặc Mỹ phẩm, có thể rang lên và sử dụng như các loại hạt hoặc nghiền nhỏ rắc trên các món ăn để tăng thêm hương vị và dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày.
            Về giá trị dược liệu: Theo đông y, gỗ đàn hương vị cay, mùi thơm tính ấm (ôn). Ly khí, ôn trung, hòa vị, chỉ thống. Chữa các chứng đau bụng vùng dạ dày, bụng dưới, đái buốt do viêm đường tiết liệu, thổ huyết, nấc, ho có đờm lâu khỏi, chữa phong thấp đau nhức xương, kinh giảm, thuốc điều khí chữa đau tim... Theo tây y, gỗ đàn hương có tác dụngsinh lý chủ yếu là sát trùng đường niệu - sinh dục. Cây gỗ đàn có hương vị cay và mùi thơm tính ấm (ôn).Trong đó li khí, ôn trung, hòa vị, chỉ thống. Cây đàn hương có tác dụng chữa các chứng đau bụng vùng dạ dày, bụng dưới, đái buốt do viêm đường tiết liệu, thổ huyết, nấc, ho có đờm lâu khỏi và chữa phong thấp đau nhức xương.


 
 

[1]Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên
[2] Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm.

Tác giả bài viết: Quang Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây