Hiệu quả mô hình nuôi vịt star 53 ở huyện Nam Đàn

Thứ năm - 11/03/2021 04:37 634 0
Nam Đàn là một trong 21 huyện thành thị của tỉnh đang được quy hoạch thành trung tâm du lịch Quốc gia, là huyện nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển hài hoà và bền vững. Là vùng phát triển kinh tế tổng hợp với các thế mạnh về du lịch, công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp trang trại... gắn với trục kinh tế chủ đạo Quốc lộ 46 nối thành phố Vinh với Cửa khẩu Thanh Thủy và dọc hai bên bờ sông Lam.
Bên cạnh đó, huyện đã tăng cường thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao gắn với du lịch, sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật cao; đào tạo ngoại ngữ cơ bản cho người dân để có thể phục vụ phát triển du lịch cộng đồng thời kỳ hội nhập; kết hợp với các doanh nghiệp đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng du lịch cho lao động tại chỗ; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng các nhà đầu tư để phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà cao hơn nữa. Cùng với vịêc phát triển kinh tế - xã hội, Nam Đàn là huyện có thế mạnh phát triển lĩnh vực chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gia cầm với tổng đàn gia cầm trên 1.342.471 con, gà chiếm 1.161.935 con, vịt 150.636 con và gia cầm khác 59.900 con. Những năm gần đây trên địa bàn huyện cũng như xã, nghề chăn nuôi gia cầm nói chung và nuôi vịt nói riêng là một nghề truyền thống và được xem là một trong những nghề chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong chăn nuôi. Hiện nay nghề chăn nuôi vịt đem lại hiệu quả kinh tế cao và cho nguồn thu nhập đáng kể mà vốn đầu tư ít, thời gian quay vòng nhanh,....
Tuy nhiên gần đây diễn biến thời tiết khá phức tạp, do tập quán chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, chăn thả tự do, thiếu kiến thức về quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc, vệ sinh, phòng bệnh cho vịt nên dịch bệnh vẫn còn xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Vì vậy, muốn phát triển quy mô chăn nuôi vịt cần phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới(như đưa giống mới, tiêm phòng đầy đủ,...) để phù hợp với từng vùng, miền nhằm hạn chế dịch bệnh xẩy ra, cho hiệu quả kinh tế cao.

Xuất phát từ những thực tiễn đó năm 2020, Trung tâm khuyến nông Nghệ An thực hiện mô hình "Chăn nuôi vịt siêu thịt"  được triển khai tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn,  với quy mô 800 con, 2 hộ tham gia, giống vịt đựơc sử dụng là giống mới (vịt Star 53). Trước khi đưa vịt về nuôi, các hộ được tập huấn về kỹ thuật từ khâu làm chuồng có hố xử lý phân, rác thải,…đến khâu vệ sinh phòng bệnh: Như yêu cầu chuồng cách xa nhà ở, cuối hướng gió, trước và trong quá trình nuôi đã tẩy uế chuồng nuôi bằng benkocid, vôi bột,... thường xuyên vệ sinh máng ăn máng uống sạch sẽ. Nuôi với phương thức bán chăn thả, khoanh vùng khu vực nuôi, không nuôi chung với các đối tượng nuôi khác trong cùng khu vực nuôi, định kỳ thu gom rác thải, quét dọn sạch sẽ và rắc vôi bột khử trùng, đặc biệt các hộ có sử dụng các chế phẩm men vi sinh để khử mùi hôi của phân vịt thải raTrong quá trình nuôi, các hộ nuôi đã biết sử dụng  hóa chất benkozid hoặc vôi bột để tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng sức đề kháng cho đàn vịt, giảm thiểu lây lan dịch bệnh.  Mô hình được thực hiện 3 tháng, trước khi triển khai thực hiện mô hình Trung tâm Khuyến nông tổ chức khảo sát họp chọn điểm, họp dân chọn hộ thông qua nội dung kế hoạch triển khai mô hình. Tham gia mô hình  người dân được hỗ trợ  50% (giống và vật tư thức ăn, thuốc thú y, dung dịch hóa chất sát trùng, vắc xin phòng bệnh), có cán bộ kỹ thuật chuyên môn phù hợp yêu cầu của mô hình, có kinh nghiệm trong chỉ đạo cơ sở. Đặc biệt, có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo xã Khánh Sơn và sự phối hợp nhiệt tình của các ban ngành cấp đã trực tiếp phối hợp chỉ đạo mô hình. Các hộ  dân tham gia mô hình đồng tình hưởng ứng, có nhân lực lao động và có tinh thần trách nhiệm cao trong việc chăm sóc mô hình, có nguồn kinh phí đối ứng đầy đủ kịp thời. Con giống được cấp đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật; con giống khỏe mạnh, không dịch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, có giấy kiểm dịch chất lượng con giống. Đây là giống vịt mới, giai đoạn đầu mới thả, các hộ còn nhiều bỡ ngỡ trong quá trình nuôi, cùng lúc đó gặp thời tiết giao mùa ngày nắng đêm lạnh ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của đàn vịt. Với sự quan tâm hướng dẫn chỉ đạo tận tình và theo dõi sâu sát của cán bộ phụ trách kỹ thuật nên các hộ đã thực hiện tốt quy trình kỹ thuật như: thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ, phun dung dịch hóa chất sát trùng theo định kỳ 3- 4 lần/tháng, … Công tác phòng bệnh luôn được chú trọng và tuân thủ nghiêm ngặt lịch phòng bệnh cho vịt. Vì vậy, trong quá trình nuôi đến xuất chuồng đàn vịt không bị nhiễm các bệnh nguy hiểm như bệnh viêm gan, bệnh cúm gia cầm, bệnh dịch tả,… Tuy nhiên, đây là giống vịt mới, giai đoạn đầu( vịt lúc 1 ngày tuổi đến 21 ngày tuổi) mới thả gặp thời tiết giao mùa, đàn vịt chưa thích nghi kịp với điều kiện khí hậu bản địa nên vịt ăn ít, sức đề kháng giảm, sinh ra bệnh phó thương hàn và tỷ lệ nhiễm bệnh 10 - 12 %; bệnh E.coli: 7 %. Đồng thời, trình độ dân trí còn hạn chế, người dân chưa quen nuôi với quy mô lớn nên các hộ tham gia mô hình còn lúng túng trong việc áp dụng quy trình nuôi. Nhưng, được sự hướng dẫn của cán bộ chỉ đạo kỹ thuật trung tâm cùng các hộ dân đã điều trị, chăm sóc kịp thời nên đàn vịt sinh trưởng phát triển bình thường, tình hình dịch bệnh cũng giảm thiểu ở mức tối đa so với phương pháp nuôi truyền thống .  Sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ nuôi sống đạt 93 %, trọng lượng xuất chuồng đạt 3,5 kg/con, giá bán 55.000đ/kg, tổng thu 143.220.000 đ, lãi thu được 17.720.000 đ.
Vậy, đây là dạng mô hình hoàn toàn phù hợp với điều kiện chăn nuôi cho các hộ gia đình vùng hữu ngạn Sông Lam thuộc khu vực phía nam của huyện, giúp các hộ có kiến thức chăn nuôi, tiếp cận khoa học kỹ thuật mới đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường nhằm nâng cao số lượng đàn, năng suất và chất lượng sản phẩm thịt, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Đồng thời, mô hình sẽ tạo tác động làm thay đổi dần tập quán chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ của người dân sang chăn nuôi quy mô lớn, hạn chế tối đa dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi dưỡng, nâng cao hiệu quả. Mô hình sẽ góp phần cho chính quyền địa phương trong việc định hướng về tổ chức chăn nuôi nông hộ để bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững. Kết quả đạt được của mô hình sẽ tuyên truyền, khuyến cáo cho nông dân trong và ngoài vùng học tập, áp dụng nhân rộng mô hình.

Tác giả bài viết: Khánh Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây