Tâm nguyện những nhà khoa học trọn đời gắn bó ruộng đồng

Chủ nhật - 10/12/2023 10:30 558 0
​​​​​​​Trong nghiên cứu khoa học, buộc phải chấp nhận rủi ro, nhưng nghiên cứu theo dự án được đầu tư không có khoản rủi ro. Nhà khoa học không có cơ hội để thử nghiệm, không được sai.
Tâm nguyện những nhà khoa học trọn đời gắn bó ruộng đồng
Lời tòa soạn
Nghiên cứu khoa học là quá trình tìm ra cái mới. Tính rủi ro trong khoa học rất cao. Đối với nghiên cứu lúa gạo ở Việt Nam, các dự án đầu tư ít khi cho phép rủi ro, sai sót. Đây là thách thức đối với nhiều nhà khoa học hiện công tác tại viện, trường trên cả nước.
Trong bối cảnh ngành lúa gạo nước ta đang chuyển đổi mạnh mẽ, thách thức này cần được giải quyết không chỉ ở cấp độ quốc gia, mà cần định hướng toàn diện về hợp tác công-tư, hợp tác quốc tế.
Qua phỏng vấn với các cán bộ nghiên cứu gạo cội về giống lúa Việt Nam từ những ngày đầu tiên, tới những trao đổi chuyên sâu cùng nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, nhóm phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa ra góc nhìn đa dạng về cơ hội thành lập Quỹ Nghiên cứu lúa gạo Quốc gia, cùng tiềm năng phát triển thương hiệu gạo Việt Nam bền vững, chất lượng cao, giàu dinh dưỡng.

Một đời cống hiến cho khoa học lúa gạo

Tuổi đã gần 80, PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm vẫn say mê với nghề, trực tiếp đi thực địa khắp các vùng đồng bằng, miền núi để nghiên cứu, tìm tòi các giống lúa mới.

PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm được biết đến là người bán bản quyền các giống lúa lai nhiều nhất Việt Nam. Ảnh: Việt Cường.

PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm được biết đến là người bán bản quyền các giống lúa lai nhiều nhất Việt Nam. Ảnh: Việt Cường

“Chuyện này hay lắm! Cô đã đọc và viết bài tổng quan về vấn đề này, mong được mọi người quan tâm”.

Giọng nữ nhà khoa học vang lên trong trẻo. Khi tôi hỏi bà về nghiên cứu, chọn tạo giống lúa, cuộc trò chuyện được đẩy nhanh hơn một nhịp. Chỉ trong vài phút, bà đã ‘giảng bài’ về định nghĩa ưu thế lai, thế nào là bất dục đực, quá trình tiêu hóa tinh bột gạo,… Thời gian này, bà bận chuẩn bị gieo lúa cho vụ mùa mới. Tuổi đã gần 80, bà vẫn kiên trì với nghiên cứu giống, phổ biến công nghệ, đóng góp trí tuệ vì an ninh lương thực quốc gia.

Được biết đến là nữ nhà khoa học tiên phong về nghiên cứu lúa gạo, PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm đã có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề. Với lòng say mê nghiên cứu, sớm được tiếp cận khoa học công nghệ lai tạo giống, bà được biết đến là người chuyển giao bản quyền các giống lúa lai nhiều nhất Việt Nam.

Năm 1968, bà Trâm tốt nghiệp đại học và bắt đầu công tác ở Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Chính tại đây, bà đã được giáo sư nông học Lương Định Của đào tạo, truyền đạt không chỉ kiến thức, mà còn cả sự cống hiến say sưa cho lao động khoa học. Được người thầy danh tiếng và tài ba truyền nhiệt huyết, bà đi sâu vào nghiên cứu, cho ra đời nhiều giống lúa như NN-9, NN-10, NN-23, NN-75-6,…

Năm 1985, sau khi hoàn thành chương trình tại Viện Nghiên cứu lúa gạo Liên Xô (cũ), bà chuyển về dạy học tại Trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Năm 1993 mở ra chương mới cho khoa học lúa gạo Việt Nam. Bộ Nông nghiệp & Công nghiệp thực phẩm (tiền thân của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cử 5 người đầu tiên sang Trung Quốc theo học dưới sự hướng dẫn của GS. Viên Long Bình - người được tôn vinh là “cha đẻ lúa lai”. Đây được coi là bước ngoặt trong sự nghiệp khoa học của nhà giáo, nhà khoa học Nguyễn Thị Trâm nói riêng, của ngành lúa gạo Việt Nam nói chung.

PGS.TS. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm (phải) thăm mô hình sản xuất thử giống lúa lai 3 dòng MV2. Ảnh: Nguyễn Mười.

PGS.TS. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm (phải) thăm mô hình sản xuất thử giống lúa lai 3 dòng MV2. Ảnh: Nguyễn Mười.

Bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm từ 40 năm trước, nhà khoa học bày tỏ: “GS. Viên Long Bình đã tổng kết sự thành công trong 8 chữ: Tri thức, Tận lực, Cảm hứng, Cơ hội. Theo ông, cơ hội chỉ đến khi có sự chuẩn bị. Cơ hội cho lúa lai Việt Nam sẽ đến khi chuẩn bị tốt đội ngũ nghiên cứu khoa học có tri thức, tận tâm, say mê; chuẩn bị nguồn vật liệu dồi dào và có chính sách khoa học công nghệ nông nghiệp phù hợp”.

Đối với xu hướng thế giới, bà nhận định, vấn đề nghiên cứu lúa chức năng bây giờ là "rất thức thời”. Năm 2020, bà tổng hợp một loạt tài liệu nghiên cứu sâu về thành phần tinh bột trên thế giới, trọng tâm là tinh bột thực vật, kháng enzyme tiêu hóa. Loại tinh bột này rất tốt cho sức khỏe người dùng, đi qua đường tiêu quá trên đến thẳng đại tràng, được lên men bởi vi khuẩn đường ruột (thay vì lên men ở lưỡi hay ở ruột). Các chất chuyển hóa chậm giúp giảm tiền chất ung thư ruột kết, điều hòa hệ thống chuyển hóa đa lượng, cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần,…

Nhà khoa học nổi tiếng tâm sự: “Bây giờ tuổi già sức yếu rồi, cô chủ yếu hỗ trợ các bạn trẻ nghiên cứu. Nhưng cũng còn nhiều thứ chưa làm được, mới chỉ là ý tưởng thôi. Có nhiều đề tài nghiên cứu hay, giá trị khoa học cao, nhưng còn thiếu kinh phí để mở rộng. Ngày xưa, cô làm nghiên cứu truyền thống; ngày nay, chúng ta có nhiều nguồn lực để phát triển khoa học lúa gạo”.

Tiếp nhận và phát triển công nghệ lúa lai 

Việt Nam là nước tiếp nhận công nghệ lúa lai của Trung Quốc khá sớm. Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Công Tạn là người đầu tiên trực tiếp đưa công nghệ lúa lai về Việt Nam. Đến nay Việt Nam đã làm chủ được công nghệ lúa lai 3 dòng và 2 dòng tạo ra bộ giống lúa lai đưa vào sản xuất trên diện rộng; nhiều nhà chọn tạo giống lúa lai xuất sắc như PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm, PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, PGS.TS Trần Văn Quang, Th.S Dương Thành Tài,...

Việt Nam liên tục tạo ra các giống lúa năng suất cao giúp đảm bảo an ninh lương thực.

Việt Nam liên tục tạo ra các giống lúa năng suất cao giúp đảm bảo an ninh lương thực

Nhìn lại chặng đường gần 30 năm, có thể nói, công tác chọn tạo, nghiên cứu giống tại Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường. Bộ NN-PTNT đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa lai năm 1994 để quản lý mạng lưới nghiên cứu và sản xuất hạt giống.

Các giống lúa lai, thời những năm 90 thế kỷ 20, từng nổi đình đám trên các cánh đồng và đã tạo nên một cuộc cách mạng về năng suất lúa ở miền Bắc.

Vai trò nghiên cứu giống lúa lai cần tiếp tục được chú trọng và đề cao. Trước mắt và nhiều năm sau nữa, Việt Nam cần bộ giống lúa lai chất lượng cao, giàu dinh dưỡng và thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo chắc chắn an ninh lương thực.

Lúa cung cấp lương thực cho hơn một nửa dân số thế giới. Người ta ước tính đến năm 2030 sản lượng lúa của thế giới phải tăng thêm 60% so với sản lượng năm 1995.

Năm 2020 tại Trung Quốc, siêu lúa lai đã đạt 18 tấn/ha, kỳ vọng sẽ tiến sát tới năng suất tiềm năng của cây lúa là 23,2 tấn/ha (theo IRRI Annual Report 1996). Năm 2021 lúa lai đã phủ diện tích tới 16 triệu ha, chiếm 57% tổng diện tích lúa và khoảng 65% tổng sản lượng lúa Trung Quốc (theo The Rice Journal).

Được biết, vài năm trước khi “cha đẻ lúa lai” Viên Long Bình qua đời, ông đã ấp ủ định hướng phát triển lúa lai có khả năng chịu mặn, kháng sâu bệnh cho ĐBSCL. GS Viên Long Bình cũng có ý định phối hợp với các tập đoàn Việt Nam, tuy nhiên vì nhiều lý do mà chưa làm được. GS Viên cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện cơ sở sản xuất, hệ thống canh tác để đáp ứng nhu cầu phát triển lúa lai.

Nghiên cứu khoa học là chặng đường dài, cần sự bền bỉ, say mê.

Nghiên cứu khoa học là chặng đường dài, cần sự bền bỉ, say mê

Tuy nhiên, khoa học lúa gạo Việt Nam hiện nay gặp một vướng mắc về nguồn đầu tư, cơ chế chính sách. Một chuyên gia gắn bó với ngành kể từ những ngày đầu tiên lúa lai về Việt Nam chia sẻ: “Các bước đi đều phải cực kỳ thận trọng trong nghiên cứu. Chọn tạo giống lúa lai không phải đơn giản, mà là cả quá trình dài hơi. Để cho ra được kết quả, buộc phải chấp nhận rủi ro, nhưng nghiên cứu theo dự án được đầu tư không có khoản rủi ro. Do đó, nhà khoa học không có cơ hội để thử nghiệm, không được sai. Nếu không thành công thì không thể bù lại khoản đầu tư”.

Gỡ khó cho nhà khoa học

“Nghiên cứu khoa học cần thận trọng để cho ra kết quả chính xác”. Đó cũng là chia sẻ của hai người đứng đầu Viện Lúa ĐBSCL, TS Trần Ngọc Thạch (Viện trưởng) và TS Nguyễn Thúy Kiều Tiên (Phó viện trưởng).

Tại Đại hội Lúa gạo Quốc tế diễn ra hồi tháng 10-2023 tại Philippine, đã công bố đột phá khoa học về giống lúa có chỉ số đường huyết (GI) cực thấp, đạt 44. IRRI (Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế) phân loại mức GI dưới 45 là cực thấp, 46-55 là thấp, 56-69 là trung bình, trên 70 là cao.

Lô mẫu gạo đầu tiên có chỉ số đường huyết cực thấp được trình lên Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại lễ khai mạc. Đây là nỗ lực đảm bảo sức khỏe người tiểu đường, giảm tình trạng bệnh này trên toàn thế giới.

Lô mẫu gạo đầu tiên có chỉ số đường huyết cực thấp được trình lên Tổng thống Philippines tại lễ khai mạc Đại hội Lúa gạo Quốc tế 2023.

Lô mẫu gạo đầu tiên có chỉ số đường huyết cực thấp được trình lên Tổng thống Philippines tại lễ khai mạc Đại hội Lúa gạo Quốc tế 2023

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL cho biết, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã tìm ra giống lúa có chỉ số đường huyết 46 (mức độ thấp). Đây là giống lúa hạt mềm, chỉ số amino axit cũng thấp nên cơm ăn dễ tiêu, tốt cho người mắc bệnh tiểu đường, tiền tiểu đường hay béo phì. Bên cạnh đó, Viện có đầy đủ chủng loại gạo giàu vi chất dinh dưỡng, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng.

Tuy vậy, do thiếu kinh phí thử nghiệm lâm sàng (thuê người tình nguyện lấy mẫu máu trước và sau khi ăn cơm, đầu tư thiết bị, phân tích), Viện chưa thể công bố chỉ tiêu và đánh giá bài bản các giống lúa này. Bộ giống gạo giàu dinh dưỡng chỉ ở lại phòng thí nghiệm, những giá trị dinh dưỡng không được khai thác hiệu quả.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây