“Vua phát triển”  với 4.000 dự án nâng tầm gạo Thái Lan

Thứ hai - 11/12/2023 18:28 445 0
Động lực phát triển nông nghiệp ở Thái Lan xuất phát từ một nhà bảo trợ hoàng gia - nhà kiến thiết có tầm nhìn cho sự thịnh vượng của ngành lúa gạo quốc gia.
“Vua phát triển”  với 4.000 dự án nâng tầm gạo Thái Lan

Vua Bhumibol Adulyadej năm 2006

Vị “Vua Phát triển” của Thái Lan

Vua Bhumibol Adulyadej (còn được biết đến là Rama IX), đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của mình với sự phát triển của ngành lúa gạo Thái Lan thông qua hơn 4.000 dự án, sáng kiến khoa học. Triều đại của nhà vua kéo dài từ năm 1946 cho đến khi ông băng hà và năm 2016. Nổi bật trong đó là những cam kết cải thiện đời sống cho người dân Thái Lan, đặc biệt là nông dân và người sống ở nông thôn.

Những đóng góp của ông đã vượt ra khỏi biên giới Thái Lan, đem đến cho Vua Bhumibol Adulyadej những giải thưởng danh giá: Giải Ramon Magsaysay, hay danh hiệu “Vua Phát triển” của Liên hợp quốc dành cho ông. Đây là những bằng chứng, thể hiện sự công nhận mang tính toàn cầu của những đóng góp đặc biệt của vị vua này đối với công tác xóa đói giảm nghèo của quốc gia Đông Nam Á này.

Là một nhà nông học, Vua Bhumibol đóng góp vào ngành lúa gạo cũng như cải thiện chất lượng nước ở Thái Lan xuất phát từ góc độ nghiên cứu. Những cải cách của nhà vua, như gieo hạt trên không hay sục khí nổi đều được cấp bằng sáng chế. Trong thời gian trị vì, ông dành sự quan tâm đặc biệt đến công việc nghiên cứu lúa gạo của giới khoa học Thái Lan và quốc tế. Nhà vua thường xuyên động viên người nông dân, xóa đi những bi quan của họ đối với tương lai ngành hàng lúa gạo.

Vào những năm 2000, ông nói với người dân của mình: “Khi ai đó nói trồng lúa là việc nhỏ, thu nhập thấp, hãy nghĩ khác đi: nếu chúng ta không trồng lúa, thì cuối cùng sẽ phải nhập khẩu từ một quốc gia khác. Ví dụ, nếu mua gạo từ Việt Nam, không những chúng ta phải chịu chi phí vận chuyển mà còn không mang lại lợi nhuận cho ngành nông nghiệp của đất nước.

Thái Lan phải trồng lúa, vì trong 20 năm nữa, có thể chúng ta sẽ có 80 triệu người. Nếu không đủ lương thực, có thể sẽ có sự bất đồng giữa người Thái với nhau. Cho dù chất lượng gạo Thái Lan có thấp hơn các nước khác, chúng ta vẫn phải trồng lúa. Tôi chẳng quan tâm nếu ai đó cho rằng những điều tôi nói đây là ngốc nghếch. Hãy trồng lúa ở bất cứ nơi nào có thể. Người Thái ăn cơm, ba bữa mỗi ngày. Người Thái không ăn bánh mì, đó chỉ là đồ ăn vặt mà thôi”.

Hình ảnh nhà vua cúi người gặt lúa đã trở thành biểu tượng của nền nông nghiệp Thái Lan.

Hình ảnh nhà vua cúi người gặt lúa đã trở thành biểu tượng của nền nông nghiệp Thái Lan

Nông dân là gốc rễ của đất nước

Quay lại lịch sử, khi Thái Lan đang trong quá trình phục hồi sau Thế chiến II và thoát khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản, bệnh tật, đói nghèo phổ biến khắp nơi. Vào ngày 9/6/1946, hoàng tử Bhumibol bước lên ngai vàng ở tuổi 19. Vài năm sau, nhà vua Rama IX đã cho ra mắt các dự án hoàng gia. Tính thực tiễn là đặc điểm nổi bật trong các sáng chế của nhà vua.

Vua Bhumibol đưa ra triết lý kinh tế tự cung - tự cấp nhằm đem những giải pháp hữu hiệu, mang lại lợi ích cho người nông dân, đặc biệt là nông hộ nhỏ. Triết lý lấy người nông dân làm gốc vì theo nhà vua, việc phát triển đất nước phải tiến hành theo từng giai đoạn. Quốc gia có khả năng tự cung - tự cấp khi đại đa số người dân, từng vùng lãnh thổ có khả năng tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Lý thuyết kinh tế này lấy áp dụng giải pháp khoa học, công nghệ làm trọng tâm. Nhà vua còn đưa ra sáng kiến về hệ thống canh tác đa dạng, giúp đưa năng suất lúa lên mức kỷ lục, hỗ trợ nông dân Thái Lan vượt qua những khó khăn kinh tế, đặc biệt là sau khủng hoảng tài chính Thái Lan năm 1997.

Sau khi được chuẩn hóa, nguyên tắc kinh tế tự cung - tự cấp lần đầu được áp dụng tại vùng khô cằn miền Đông Bắc Thái Lan. Dự án mang tên “Ban Daen Samakkhee” là minh chứng cụ thể cho việc áp dụng triết lý kinh tế của ông trong việc khắc phục khó khăn để phát triển trồng lúa.

Để giải quyết vấn đề thiếu nước, người dân tham gia sáng kiến khoa học của nhà vua đã đào ao để trữ nước, cấp nước trong suốt mùa trồng trọt, giúp năng suất lúa tăng 70%. Nước đọng lại sau khi gặt lúa lại được sử dụng trồng rau, cây ăn quả. Nông dân từ nghèo khó đã có khả năng tự chủ lương thực quanh năm; những năm được mùa có thể bán lúa, tăng thu nhập.

Thành công này khẳng định triết lý của nhà vua khi nhấn mạnh khả năng tự lực, sử dụng tài nguyên một cách bền vững và đảm bảo phúc lợi cộng đồng. Dự án “Ban Daen Samakkhee” còn cho thấy cách đảm bảo sự hài hòa giữa nhu cầu của cộng đồng với đặc điểm môi trường.

Triết lý kinh tế tự cung - tự cấp của Vua Bhumibol đã giúp Thái Lan vượt qua khủng hoảng tài chính năm 1997.

Triết lý kinh tế tự cung - tự cấp của Vua Bhumibol đã giúp Thái Lan vượt qua khủng hoảng tài chính năm 1997

Nhận ra khả năng ứng dụng rộng rãi của triết lý mới, Bộ Nội vụ Thái Lan đã lồng ghép khái niệm này vào các chương trình quốc gia về phát triển cộng đồng từ năm 2005. Các chương trình này nhằm cắt giảm chi tiêu nội địa, tăng thu nhập thông qua các doanh nghiệp địa phương, khuyến khích tiết kiệm, thúc đẩy vai trò của lãnh đạo địa phương và tăng cường bảo vệ môi trường.

Triết lý của Vua Bhumibol có thể xem là cách tiếp cận phát triển từ dưới lên, củng cố cộng đồng bằng cách giảm chi phí và tăng cường an ninh lương thực, giúp nông dân Thái Lan tăng thu nhập thông qua việc sử dụng các nguồn lực tại địa phương.

Ngân hàng lúa gạo, nhà bảo trợ hoàng gia

Không dừng lại ở đó, ảnh hưởng của Vua Bhumibol đối với ngành lúa gạo Thái Lan còn rất lớn. Nhà vua đã đứng ra thành lập ngân hàng lúa gạo cho nông dân, sát sao theo dõi quá trình nghiên cứu độ phì của đất nhằm nâng cao hiệu quả trồng lúa.

Ngân hàng lúa gạo đầu tiên được nhà vua khởi xướng hồi năm 1970, tại làng miền núi Ban Pa Pae, nơi cư trú của bộ tộc Le Wuea, vốn có thói quen luân canh, phá rừng làm rẫy. Trồng lúa là thách thức với họ. Những năm hạn hán 1956-1965, họ trồng lúa một cách chật vật, không đủ lương thực, phải mua lúa về trộn với các loại hạt khác để ăn.

Khi đó, nhà nhân chủng học người Mỹ, Giáo sư Peter Kunstadter đã báo cáo hoàn cảnh khó khăn của bộ tộc này với Hoàng tử Bhisadej Rajani, một người bạn thân của Vua Bhumibol, cũng là người đứng đầu Dự án Hoàng gia về phát triển các bộ tộc sống trên núi.

Năm 1970, nhà vua và hoàng hậu đã đến thăm Ban Pa Pae, trực tiếp đưa ra những lời khuyên để người dân bảo vệ những cánh rừng còn lại, đặc biệt là trên đỉnh núi để có thể tái tạo nguồn nước tự nhiên. Vua Bhumibol cũng đề nghị thành lập một ngân hàng gạo với khoản đầu tư ban đầu là 20.000 bạt.

Ngân hàng gạo Hoàng gia Thái Lan đầu tiên ở Ban Pa Pae.

Ngân hàng gạo Hoàng gia Thái Lan đầu tiên ở Ban Pa Pae

Ngân hàng này sẽ cho dân làng vay gạo để tạo điều kiện cho người dân thực hành canh tác bền vững. Sau đó, Hoàng gia Thái Lan đã mời các nhà nông học đến để dạy dân làng cách cải thiện chất lượng đất, loại bỏ tập quán luân canh, phá rừng làm rẫy. Từ đó, người dân Le Wuae đã đa dạng hóa cây trồng, học cách trồng nhiều loại rau và trái cây khác nhau để bán cho dự án của hoàng gia.

Qua những lời khuyên của nhà vua, dân làng đã hiểu được mối liên hệ mật thiết giữa rừng, nước và ruộng lúa. Theo hướng dẫn của ông, họ bảo tồn rừng như một nguồn cung nước chính, giảm được tình trạng khô hạn. Dân làng đã tự cung cấp, trồng lúa và đa dạng hóa các loại cây trồng, nuôi thêm lợn, gà, cá và có thu nhập thường xuyên, giảm chi phí mua lương thực.

Bên cạnh các giải pháp trực tiếp, Vua Bhumibol cũng rất ủng hộ các nỗ lực nghiên cứu và phát triển trong nông nghiệp, trong đó bao gồm nghiên cứu giống lúa. Ông ủng hộ việc phát triển các giống lúa năng suất cao và kháng bệnh để cải thiện năng suất của những cánh đồng lúa trên khắp Thái Lan. Những nghiên cứu này, dưới sự hướng dẫn của Vua Bhumibol, góp phần không nhỏ vào những tiến bộ của ngành lúa gạo Thái Lan.

Ngoài ra, cũng phải kể đến những thành công của Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hoàng gia Pikun Thong trong các dự án giảm chua cho đất, phát triển xen canh và quản lý nước từ năm 1982. Dựa trên triết lý kinh tế tự cung - tự cấp, các cán bộ của trung tâm phát triển nhiều mô hình, công cụ kinh tế, giúp hàng nghìn hộ nông dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hoàng gia Pikun Thong.

Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hoàng gia Pikun Thong

Vua Bhumibol đặc biệt quan tâm đến quản lý nước, bằng chứng là việc bảo vệ các hồ chứa và hệ thống thủy lợi, từ đó giúp ổn định và nâng cao năng suất lúa ở nhiều vùng khác nhau của Thái Lan.

Sự hỗ trợ của ông dành cho các hợp tác xã cũng mang lại quyền quyết định cho các cộng đồng nông nghiệp, đem lại sức mạnh tập thể, đẩy mạnh khả năng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội học tập, từ đó củng cố chuỗi giá trị của lúa gạo Thái Lan.

Di sản của Vua Bhumibol Adulyadej với sự phát triển của ngành lúa gạo Thái Lan là những giải pháp đổi mới, những thành quả thiết thực và sự hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ giữa rừng, nước và lúa. Ảnh hưởng lâu dài của ông không chỉ tạo tiếng vang trong hoạt động nông nghiệp mà còn trong khả năng phục hồi và tự cung tự cấp của các cộng đồng nông dân ở Thái Lan.
Sự lãnh đạo có tầm nhìn của nhà vua đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tiến trình phát triển của nền nông nghiệp Thái Lan và còn định hình được một phương pháp trồng lúa quốc gia, duy trì cho nhiều thế hệ mai sau.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây