Chung tay vì tương lai trẻ em gái

Thứ năm - 24/10/2024 04:32 79 0
“Tầm nhìn cho tương lai trẻ em gái” là chủ đề của Ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2024. Đặt trong bối cảnh hiện nay, việc quan tâm, chăm sóc trẻ em gái càng cần phải được chú trọng khi tình trạng trọng nam khinh nữ, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, bất bình đẳng giới... vẫn đang tồn tại và để lại những hệ lụy lâu dài.
Chung tay vì tương lai trẻ em gái
Những trường hợp sinh con khi chưa đủ 18 tuổi ở xã Nghĩa Thọ (Nghĩa Đàn) không phải hiếm. Gần đây nhất, cô bé Nguyễn Thị Đ. mới sinh năm 2010 nhưng đã sinh con dù chưa có chồng.
Là viên chức dân số xã, chị Lê Thị Ngọc Phương chia sẻ rằng, rất buồn lòng khi gặp những cô bé mới bằng tuổi con gái mình, “chưa biết gì” những đã phải làm mẹ đơn thân. "Hôm mẹ cháu đưa con đến trạm y tế, cái thai đã lớn. Chúng tôi đã khuyên gia đình để cháu sinh con vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau khi cháu sinh xong, cháu cũng được tư vấn cần đặt vòng sớm để không bị lỡ một lần nữa", chị Phương kể lại.
Dân số xã Nghĩa Thọ phần lớn là đồng bào Thổ. Những năm qua, dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhưng hàng năm tình trạng tảo hôn, lấy chồng sớm hoặc sinh con khi đang ở tuổi vị thành niên vẫn còn xảy ra.
Những trường hợp này, phần lớn là bố mẹ đi làm ăn xa, con để lại cho ông bà nên không có người chăm sóc, bảo ban, dẫn đến quan hệ tình dục sớm, thiếu an toàn khi quan hệ tình dục. Khi sự việc vỡ lở thì đã muộn.
Mang thai và sinh con sớm khi chưa đủ tuổi trưởng thành đã để lại nhiều hệ lụy. Nhưng thực tế này vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh khiến nhiều cô bé đang độ tuổi học trò phải nghỉ học để bắt đầu cuộc sống làm mẹ, làm vợ.

Ở lứa tuổi vị thành niên, khi mang thai, sinh đẻ sẽ gặp nhiều khó khăn và áp lực, có rất nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi. Mặt khác, khi mang thai ngoài ý muốn, trẻ vị thành niên có xu hướng tìm đến những địa chỉ, dịch vụ phá thai không an toàn để bỏ thai, từ đó gây ra những biến chứng nặng nề...
Ngoài ra, nếu những đứa trẻ được sinh ra khi người mẹ còn quá trẻ thì tỷ lệ trẻ có nguy cơ bất thường cao như sinh non, trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng. Điều đó, khiến đứa trẻ lớn lên sẽ hay bị ốm đau, bệnh tật khiến chi phí khám, chữa bệnh nhiều hơn.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Hồng – Phó trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An
Cũng theo bác sĩ Hồng, nguyên nhân trẻ vị thành niên mang thai, sinh con ngày càng gia tăng là do những trẻ này thiếu tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính.
Tại Nghệ An, dù hàng năm đều có các buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe cho vị thành niên, thanh niên, nhưng do kinh phí hạn chế, các hoạt động chủ yếu chỉ tập trung vào một số trường học. Các hoạt động truyền thông chỉ mang tính đơn lẻ, chưa tạo thành một hệ thống xuyên suốt tại các cấp cơ sở.
Ngoài những vấn đề trên, do ảnh hưởng của nền văn hóa châu Á và tư tưởng trọng nam khinh nữ, tâm lý ưa thích và mong muốn có con trai để "sau này về già có chỗ dựa"; có đứa để "nối dõi tông đường”… nên tình trạng bất bình đẳng giới vẫn đang tồn tại trong nhiều gia đình, trong nhiều dòng họ ở Nghệ An.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, là “hồi chuông báo động” với công tác dân số hiện nay. Theo thống kê, nếu như tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái thì tỷ số giới tính khi sinh của Nghệ An là 116,33 bé trai/100 bé gái - cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Xóa bỏ định kiến giới
 “Tầm nhìn cho tương lai trẻ em gái” là chủ đề của Ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2024. Mỗi năm, Ngày Quốc tế trẻ em gái được tổ chức 1 lần nhằm tạo cơ hội được đấu tranh, vươn lên và nâng cao nhận thức cho trẻ em gái. Đồng thời, đây là dịp cả thế giới dành sự quan tâm đến những vấn đề về phân biệt đối xử, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Kỷ niệm Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay, học sinh Trường THCS Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) đã gửi đến nhiều thông điệp ý nghĩa thông qua các hoạt cảnh, tiểu phẩm hoặc các bài thuyết trình do chính các trẻ em gái thực hiện.

Tặng quà cho các học sinh gái chăm ngoan, học giỏi tại Chương trình truyền thông "Hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái". Ảnh: Mỹ Hà
Tham gia tiểu phẩm “10 cô gái ngã ba Đồng Lộc”, học sinh Hà Anh cho biết: "Em rất khâm phục các thế hệ đi trước. Khi đó dù chiến tranh, gian khổ nhưng các bà, các mẹ vẫn dám đứng lên đấu tranh vì ước mơ được độc lập nước nhà. Qua đó, chúng em cũng muốn nói rằng, dù trong hoàn cảnh nào thì các bạn gái hay đứng lên, viết lên những ước mơ của mình.
Trong khi đó, với vở kịch “Vươn tới ước mơ”, các học sinh gửi đến câu chuyện đáng suy ngẫm về một gia đình “trọng nam khinh nữ”, con gái không được quan tâm, tôn trọng dù so với nam giới các em vẫn giỏi giang, đạt được thành tích cao trong học tập".
Đại diện lãnh đạo đơn vị đồng tổ chức chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái, ông Hoàng Đình Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ chia sẻ: "Những câu chuyện mà học sinh đem đến rất ý nghĩa. Hiện nay, vì định kiến, nhiều gia đình vẫn cố sinh con trai dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, rất nhiều gia đình sinh con gái phụng dưỡng cha mẹ, ông bà tốt hơn cả con trai, thậm chí phụ nữ còn là trụ cột trong gia đình. Vì vậy, các em xứng đáng được trao cơ hội nhiều hơn, bình đẳng hơn trong tất cả các lĩnh vực như giáo dục, y tế, dinh dưỡng, hay bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và xóa bỏ nạn tảo hôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số".
Cũng với ý nghĩa trên, Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay được ngành Dân số Nghệ An triển khai với nhiều hoạt động thiết thực. Đây còn là dịp để xã hội dành sự quan tâm đến những vấn đề về phân biệt đối xử, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Ông Hoàng Đình Tùng – Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: "Trong những năm gần đây, vai trò và vị trí của trẻ em gái ngày càng được khẳng định trong xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền văn hóa châu Á và tư tưởng trọng nam khinh nữ nên so với nam giới, phụ nữ và có cả trẻ em gái đang có những thiệt thòi. Điều dễ nhận thấy nhất đó chính là tình trạng bất bình đẳng giới, là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, bạo lực gia đình".
 

Tác giả bài viết: Mỹ Hà - TN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây