Giải pháp nâng cao chất lượng đàn bò thịt Nghệ An hiện nay
Chủ nhật - 05/03/2023 22:014410
Nghệ An là một trong những tỉnh có tổng đàn bò nhiều nhất cả nước, với tổng đàn hiện tại có 502.926 con, trong đó đàn bò nuôi lấy thịt 427.882 con, nuôi lấy sữa 75.043 con, Ngoại trừ số lượng bò nuôi lấy sữa ra, bò nuôi lấy thịt thân hình nhỏ bé, trọng lượng xuất chuồng thấp.
Mặc dù Nghệ An là tỉnh sớm thực hiện chủ trương thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò đực sind lai với đàn bò vàng Nghệ An từ những năm 1982 lại nay. Tính đến hôm nay vừa tròn 40 năm tổng đàn bò, bê lai có khoảng 280.000 con chiếm tỉ lệ 65,5% tổng cả đàn bò thịt hiện có. Bình quân chung trọng lượng bò xuất chuồng đạt từ 160 – 180 kg/con. Trong đó bò lai đạt từ 200 – 220 kg/con, bò vàng thuần không lai đạt từ 130 – 140 kg/con, bình quân chung đạt từ 160 – 180 kg/con. Nếu không có giải pháp tích cực và cụ thể để cải tạo, nâng cấp chất lượng đàn bò thịt Nghệ An thì chúng ta sẽ đánh mất đi một tiềm năng từ nguồn hàng hóa lớn, chất lượng cao từ con bò vàng xứ Nghệ. Chất lượng đàn bò thịt thấp: Một trong những biện pháp để cải tạo và nâng cấp chất lượng đàn bò thịt hiện nay không riêng gì ở Nghệ An mà cả nước đều phải thực hiện, đó là thực hiện tốt và đồng loạt chủ trương thụ tinh nhân tạo hoặc phối giống trực tiếp giữa các giống bò đực ngoại có ngoại hình tốt, trọng lượng cơ thể lớn, chất lượng thịt tốt, phù hợp với mục đích kiêm dụng vừa nuôi lấy thịt, vừa nuôi lấy sữa và vừa nuôi làm sức kéo. Chủ trương thụ tinh nhân tạo giữa giống bò sind với bò vàng Nghệ An bắt đầu từ năm 1982, đến nay đã qua 40 năm. Nhưng số lượng đàn bò thực sự được lai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo giữa giống bò sind với giống bò vàng Nghệ An để có con lai là F1 được bao nhiêu ? Không có con số nào được thống kê và trả lời chính xác, mà chỉ biết rằng, phần lớn đàn bò ở vùng đồng bằng và ven biển đều được bà con nông dân tiến hành thụ tinh nhân tạo bằng tinh của con bò đực sind thuần chủng để tạo ra con bê lai sind F1. Con bê lai này khi trưởng thành sẽ có trọng lượng từ 220 – 250 kg/con, chất lượng thịt ngon, tỉ lệ thịt xẻ thu được đạt trên dưới 50%, dễ nuôi, chịu nóng và rét rất tốt, rất phù hợp với tập quán chăn dắt ở Nghệ An. Còn ở các huyện miền núi có tổng đàn bò chiếm trên 65% tổng đàn cả tỉnh. Nhưng, thực tế việc thụ tinh nhân tạo giữa giống bò sind và bò vàng bản địa không diễn ra đúng như chủ trương của tỉnh và của ngành chăn nuôi về việc cải tạo và nâng cấp chất lượng đàn bò Nghệ An. Đó là đàn bò cái Nghệ An khi có nhu cầu thụ thai phải được phối giống bằng tinh trùng đực của giống bò sind thuần chủng bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo do các trạm giống chăn nuôi ở các huyện phục vụ dưới hình thức dịch vụ. Nhưng, thực tế không ít hộ chăn nuôi và một số trang trại chăn nuôi bò thịt thực hiện một cách tùy tiện, điển hình nhất hiện nay là có không ít những con bò cái lần đầu được thụ tinh nhân tạo đẻ ra con bò lai F1, sau đó chính con bê lai F1, nếu là bê đực thì không ít gia đình và chủ trang trại chăn nuôi giữ lại nuôi và trở thành con bò đực để nhân phối giống cho nhiều bò cái ở đây. Cứ như thế đời này nối tiếp đời sau, tình trạng nhân phối giống đồng huyết thống cứ tiếp diễn và đây chính là nguyên nhân chủ yếu đã làm hạn chế rất nhiều đến chất lượng đàn bò hiện nay ở tỉnh ta. Ngoài ra, chế độ chăm sóc từ chuồng trại nuôi không đảm bảo đến thức ăn xanh, thức ăn tinh cho đàn bò lai nuôi lấy thịt không đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày, không hơn gì bò vàng ta (bò cỏ), nên khả năng phát triển ưu thế lai của con bò lai con bị hạn chế. Trước hết có thể thấy được, đó là trọng lượng con bò lai trưởng thành xuất chuồng ở tỉnh ta chỉ ở mức ừ 160 – 180 kg/con, bằng 60 – 65% trọng lượng thực chất con bò lai sind F1 được chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Cần thực hiện đồng thời nhiều biện pháp: Việc cải tạo và nâng cấp chất lượng đàn bò Nghệ An cần được tiến hành đồng thời nhiều biện pháp trong một thời gian dài mới đem lại hiệu quả tốt. Năm 2021, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định số 4222/QĐ-UBND ngày 9 tháng 11 năm 2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 – 2030. Trong quyết định này, nhiệm vụ chăn nuôi bò thịt ghi rõ: Đến năm 2030, tổng đàn bò thịt 465.000 con, tỉ lệ bò lai khoảng 80%, trọng lượng bò xuất chuồng đạt bình quân 200 – 220 kg/con, tăng hơn so với hiện nay từ 40 – 60 kg/con. Để đạt được mục tiêu như dự án đề ra không dễ dàng, nếu không khắc phục được những yếu điểm và thiếu sót trong quá trình dài trước đây khi thực hiện dự án cải tạo và nâng cấp chất lượng đàn bò thịt Nghệ An bằng chương trình sind hóa đàn bò thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo cho cả đàn bò Nghệ An. Từ đó, để nâng cao chất lượng đàn bò thịt Nghệ An chúng ta cần thực hiện đồng thời nhiều biện pháp: Một: Hàng năm tổ chức bình tuyển, chọn lọc và loại thải nhứng con bò cái giống đã già yếu, thân hình nhỏ bé, gầy còm, bệnh tật v.v…. chỉ giữ lại những con bò cái tốt để tạo đàn cái nền đủ tiêu chuẩn làm giống. Sau đó, cứ mỗi khi có con bò cái nào đến chu kỳ phối giống liên hệ với trạm giống chăn nuôi ở huyện hoặc trạm giống chăn nuôi khu vực (vùng) ở đó sẽ có cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp thụ tinh nhân tạo cho những con bò đó. Hai: Những giống bò tốt cần được phối giống với đàn bò vàng Nghệ An để cải tạo và nâng cấp chất lượng đàn bò thịt hiện nay. Giống bò Red Sind có nguồn gốc từ Pakistan được đưa vào Nghệ An để thực hiện chương trình sind hóa đàn bò, tạo con lai làm nền cho chương trình bò sữa, bò thịt. Giống bò này rất thích hợp với môi trường chăn nuôi và khí hậu Việt Nam. Trọng lượng trung bình của con đực đạt từ 370 – 450 kg/con, con lai từ trên dưới 300 kg/con, tỉ lệ thịt xẻ đạt 48 – 50%. Giống bò Brahman là giống bò thịt nhiệt đới được nhập từ Australia và cả ở Mỹ về. Giống bò này có lông màu đa dạng: trắng xám, nâu, vàng đỏ… Trọng lượng bò đực đạt từ 680 – 900 kg/con, tỉ lệ thịt xẻ 55 – 58%. Lấy tinh của giống bò Brahman thuần lai với bò cái lai sind để tạo ra con lai chuyên dụng thịt rất tốt. Giống bò sahiwal, giống bò này có nguồn gốc từ Pakistan, thể hình cân đối, lông có màu cánh gián. Bò đực trưởng thành có trọng lượng từ 470 – 520kg/con, tỉ lệ thịt xẻ đạt từ 51 – 55%. Rất phù hợp với môi trường chăn nuôi và khí hậu Nghệ An. Giống bò BBB (Blanc – Bleu – Belge), gọi tắt là giống bò 3B. Giống bò này có nguồn gốc từ Bỉ được nhập vào Việt Nam từ những năm 1996 – 2000 là giống bò chuyên thịt. Trọng lượng con đực trưởng thành đạt từ 1.100 – 1.200 kg/con, tỉ lệ thịt xẻ đạt 66 – 68%. Hiện nay giống bò 3B chủ yếu để thực hiện chương trình tạo con lai giữa bò đực 3B với bò cái Zebu hoặc bò cái nền lai sind để nuôi lấy thịt. Hiện tại đàn bò ở Nghệ An chủ yếu được lai sind, gần đây đã có 16/21 huyện, thành thị mở rộng chăn nuôi giống bò lai 3B. Tại xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, toàn xã có 200 hộ nuôi 250 con bò lai giữa giống bò 3B với bò cái lai sind cho thu nhập cao. Tại huyện Thanh Chương, ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: giống bò lai 3B nuôi ở các xã Ngọc Sơn, Thanh Ngọc và nhiều xã khác đến cho kết quả rất tốt, người chăn nuôi rất thích. UBND huyện đã có chủ trương mở rộng chăn nuôi giống bò này. Ba: Tiếp tục tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, chủ các trang trại chăn nuôi bò thịt tuyệt đối không để bò đực nội tự phối giống vời bò cái nội đồng huyết thống sẽ làm cho cả đàn bò giảm dần sức sống, trọng lượng và chất lượng thịt. Bốn: Đổi mới phương thức chăn nuôi từ thả rông sang bán chăn thả và chăn thả có kiểm soát, nhất là các huyện miền núi, khuyến khích và mở rộng hình thức chăn nuôi trang trại tập trung quy mô vừa đến quy mô lớn. Đồng thời khuyến khích ứng dụng, phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn theo quy trình chăn nuôi 4F (Feed – Farm – Food – Fertilizer: Thức ăn – Trang trại – Thực phẩm – Phân bón hữu cơ) để phát triển bền vững, kéo dài chuỗi giá trị chăn nuôi và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Năm: Dành một phần diện tích đất trồng trọt để trồng cỏ, trồng ngô sinh khối và cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Đồng thời áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản (ủ chua, lên men, sấy khô, thủy phấn) để nâng cao giá trị dinh dưỡng, giá trị sử dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi như chế biến bã men bia, bã sắn, bã dứa, bà mía, rơm rạ, cỏ khô và các sản phẩm phụ của thủy sản… làm thức ăn cho chăn nuôi bò. Sáu: Thường xuyên chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn bò bằng các việc làm như: Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, giữ ấm tốt trong mùa đông, định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại 1 lần/tuần. Đề phòng các bệnh dễ xẩy ra ở đàn bò, như: hô hấp, cước chân, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục… Bảy: Cần đầu tư mạnh vào việc xây dựng các cơ sở giết mổ và chế biến thịt gia súc, tập trung để phục vụ nhu cầu trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Đây là một việc làm rất cần thiết đối với Nghệ An để nhằm tháo gỡ, giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi và là biện pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển đàn bò Nghệ An ngày càng nhiều, người chăn nuôi ngày càng có thu nhập cao. Tám: Thực hiện tốt chính sách tài chính, tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015. Các tổ chức tín dụng cần tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục cho vay theo hướng đơn giản cho khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ chăn nuôi.
Trang trại chăn nuôi bò thịt tại xã Đông Hiếu – Thị xã Thái Hòa