Bệnh ký sinh trùng máu ở gia cầm

Thứ tư - 12/04/2023 04:42 719 0
Hiện nay, gia cầm là đối tượng vật nuôi được nhiều gia đình lựa chọn để phát triển kinh tế bởi nó là đối tượng dễ nuôi, phương thức chăn nuôi đa dạng, thời gian sinh trưởng, cho sản phẩm nhanh hơn so với một số đối tượng vật nuôi khác. Tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi gia cầm người chăn nuôi cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định, nhất là vấn đề về dịch bệnh trong đó có bệnh ký sinh trùng máu đang xảy ra khá phổ biến. Để giúp người chăn nuôi hiểu hơn về căn bệnh này chúng tôi xin nêu nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng trị bệnh này như sau:
Trại chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học tại hộ anh Phạm Văn Hiếu – xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp
Trại chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học tại hộ anh Phạm Văn Hiếu – xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp
*Nguyên nhân: Bệnh ký sinh trùng máu ở gia cầm do một loại đơn bào có tên là Leucocytozoone gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua côn trùng chích hút máu như: mạt, mò, muỗi,…Bệnh xảy ra quanh năm, tuy nhiên mùa nóng ẩm, mưa phùn với độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho côn trùng hút máu phát triển mạnh và bệnh ký sinh trùng máu cũng dễ bùng phát và lây lan mạnh hơn so với các mùa khác. Chăn nuôi gia cầm mật độ cao có nguy cơ dễ phát sinh và lây lan bệnh nhiều hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ.
* Triệu chứng:Gia cầm mắc bệnh sốt cao, mắt đỏ hơn bình thường, mào tái nhợt, gà uống nhiều nước nên tiêu chảy phân xanh lẹt như nõn chuối, cuối bãi phân thường có một phần trắng nhầy nhớt. Khi sờ gia cầm bệnh thấy chân và thân thể rất nóng. Gia cầm giảm ăn hoặc bỏ ăn, ngại đi lại, bước đi không vững. Gia cầm ốm gầy sút nhanh, yếu dần và rất khó thở do thiếu máu, nếu gặp độ ẩm cao, chuồng nuôi kín, không thông thoáng thì gia cầm bệnh phải rướn cổ ngáp hít khí; da tái nhợt, mào trắng bệch và chết. lúc đầu gia cầm chết rải rác, sau tăng nhanh, tỷ lệ chết có thể lên đến 80% nếu không can thiệp kịp thời. Ở vịt ngan, ngoài các triệu chứng trên còn có các biểu hiện thần kinh như: bại chân, bại cánh, đi không vững, hay ngã khi xua đuổi,… Ở gia cầm sinh sản còn có biểu hiện tỷ lệ đẻ giảm rõ rệt, khối lượng quả trứng cũng giảm.
*Bệnh tích: Xuất huyết điểm cơ đùi, cơ ngực giống như bệnh Gumboro,Cúm gia cầm. Nhiều trường hợp thấy máu tươi chảy ra từ miệng, mũi. Gan sưng rất to, mềm nhũn, bờ mép gan tù dày lên.  Lách sưng to, xốp, dòn, dễ vỡ. Các thùy thận sưng to, lồi lên, rìa mép xuất huyết. Tim to, mềm nhão. Cắt tiết thấy máu loãng, chậm đông và sau khi cắt tiết mào trắng bệch. Phổi xung huyết nặng, tích nhiều nước vàng đỏ. Ruột non và dạ dày tuyến, dạ dày cơ viêm tăng sinh, dày lên.
*Phòng bệnh: Người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Thường xuyên quan sát và theo dõi sức khỏe đàn gia cầm để kịp thời phát hiện và có giải pháp can thiệp kịp thời. Có biện pháp để tiêu diệt mạt, mò, muỗi,…; tiêu độc khử trùng chuồng nuôi định kỳ 2 tuần 1 lần, dụng cụ chăn nuôi, máng ăn máng uống 1 tuần 1 lầnbằng các thuốc sát trùng như: Benkocid, Omnicide, Han Iodine, Virkon, Povi dine theo hướng dẫn của Nhà sản xuất.
*Điều trị: Khi phát hiện gia cầm mắc bệnh cần sử dụng các loại thuốc đặc trị sau: T.coryzine; Cytovet; Sutrim.…Kết hợp sử dụng  Para-C để hạ sốt theo hướng dẫn của Nhà sản xuất. Tăng cường bổ sung chất điện giải; Vitamin C, B – complex; Super vitamin và giải độc gan, thận để tăng sức đề kháng cho gia cầm trong quá trình điều trị.
Có thể nói, gia cầm là vật nuôi truyền thống được người dân chăn nuôi khá phổ biến trong các nông hộ nhỏ lẻ và cả trang trại. Tuy nhiên, chúng là loài vật nuôi dễ mắc rất nhiều loại bệnh khác nhau; khi mắc bệnh khả năng lây lan nhanh và thường có tỷ lệ chết cao. Chính vì vậy, người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng việc sử dụng vắc xin để phòng các bệnh truyền nhiễm, đồng thời có các giải pháp để hạn chế tối đa nguy cơ mắc các bệnh khác, trong đó có bệnh ký sinh trùng máu nhằm bảo vệ tốt đàn gia cầm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và chăn nuôi bền vững./.


 

Tác giả bài viết: Văn Thắng – Trung tâm Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây