Thời gian qua, công tác thông tin về ngộ độc cá nóc đã được các cấp, các ngành chức năng triển khai, tuyên truyền mạnh mẽ. Tuy nhiên, tình trạng khai thác, chế biến, sử dụng, kinh doanh cá nóc vẫn diễn ra tại một số khu vực trên địa bàn của tỉnh Nghệ An nhất là các huyện miền biển. Tại nhiều xã miền biển Nghệ An, cá nóc vẫn được bày bán công khai và được người dân chế biến thành món ăn, bất chấp cảnh báo ngộ độc. Điều này tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.
Cá nóc còn gọi là cá cóc, cá bống biển, cá đùi gà. Trên thế giới bộ cá nóc Tetraodontiformaes có 9 họ, bao gồm trên 400 loài, thuộc 13 giống. Tại Việt Nam cá nóc có gần 70 loài khác nhau, sống ở nước mặn nhiều hơn ở nước ngọt, phân bố dọc bờ biển từ Bắc vào Nam, tập trung nhiều ở ven biển miền Trung. Trong đó có khoảng 30 loài là cá độc. Độc tố Tetrodotoxin có trong cá nóc là chất độc cực mạnh. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, khoảng 10 gram thịt cá nóc chứa độc tố Tetrodotoxin khiến người từ khỏe mạnh rơi vào tình trạng ngộ độc. Khoảng từ 1 - 2mg chất độc Tetrodotoxin gây nên tử vong cho con người nếu không được cấp cứu, chữa trị kịp thời. Độc tố Tetrodotoxin trong cá nóc chỉ giảm một nửa khi đun sôi ở 100 độ C trong 6 giờ và bị phá hủy hoàn toàn khi đun ở 200 độ C trong 10 phút. Vì vậy, cách xử lý, sơ chế và chế biến thông thường (nấu, nướng chín) hay phơi khô, độc tố này chưa bị phá hủy. Đến nay, ngộ độc cá nóc vẫn chưa có thuốc đặc trị. Người bị ngộ độc cá nóc bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng. Vì vậy, để phòng tránh ngộ độc cá nóc, biện pháp hữu hiệu nhất là không ăn bất cứ thực phẩm nào được chế biến từ cá nóc. - Loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt tại bến cá. - Loại bỏ cá nóc lẫn trong cá thường khi phơi khô. - Không làm chả cá nóc, bột cá nóc hoặc các sản phẩm cá nóc khác để bán. - Không ăn cá nóc tươi và các sản phẩm chế biến từ cá nóc.
Ngày 7/11, Sở Y tế Nghệ An có Văn bản số 3799/SYT-NVY “Về việc tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm do cá nóc” gửi Sở Công Thương; Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn; Uỷ ban nhân dân các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai. Theo đó, Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương căn cứ quy định phân công, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm và các quy định liên quan để chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong việc đánh bắt, kinh doanh, tiêu thụ cá nóc. Trong đó, tập trung tuyên truyền về khai thác, thu gom, chế biến, kinh doanh cá nóc và đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền (nếu có). Đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai: Chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ và nhân dân để chủ động phòng ngừa ngộ độc do cá nóc; tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm nói chung và kinh doanh cá nóc nói riêng theo phân công, phân cấp trên địa bàn quản lý. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra; xử trí vụ ngộ độc thực phẩm (nếu có) theo quy định tại Hướng dẫn số 2954/HD-SYT ngày 21/10/2019 của Sở Y tế về việc hướng dẫn triển khai xử trí vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Được biết, văn bản của Sở Y tế ra đời trong bối cảnh hiện nay tại nhiều xã miền biển trong tỉnh, cá nóc vẫn được bày bán công khai ở chợ đầu mối, chợ dân sinh và người dân chế biến thành món ăn, sử dụng khá phổ biến trong bữa ăn hằng ngày... bất chấp cảnh báo ngộ độc do ăn phải cá nóc. Ngày 29/11/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Công văn số 2243-CV/BTGTU đề nghị Thường trực, Ban Tuyên giáo (tuyên huấn) các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm tăng cường tuyên truyền phòng, chống ngộ độc do cá nóc. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đề nghị: Cấp uỷ, chính quyền các cấp, các cơ quan đơn vị chức năng, người đứng đầu địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc phòng, chống ngộ độc do cá nóc; quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của các ngành chức năng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và phòng, chống ngộ độc do cá nóc. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm nói chung và phòng, chống ngộ độc do cá nóc nói riêng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao hiểu biết, nhận thức của ngư dân và người dân đối với sự nguy hại của cá nóc đối với sức khỏe và tính mạng để mọi người dân nêu cao ý thức tự giác không đánh bắt, thu gom, vận chuyển, mua bán, chế biến, tiêu dùng cá nóc. Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương kiểm tra, giám sát tại các cảng cá, chợ, các điểm bán cá trên địa bàn tỉnh theo phân công, phân cấp quản lý để phát hiện và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất có hành vi kinh doanh cá nóc trái quy định của pháp luật. Yêu cầu ngư dân không đánh bắt cá nóc; các cơ sở kinh doanh hải sản cam kết không mua bán, chế biến hoặc tiêu thụ cá nóc; đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi đánh bắt, chế biến, thu mua, buôn bán cá nóc làm thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay “nói không với cá nóc”. Cung cấp thông tin cụ thể về các loại cá nóc có độc, triệu chứng khi bị ngộ độc và hướng dẫn sơ cứu ban đầu trong trường hợp ngộ độc; đảm bảo các cơ sở y tế sẵn sàng tiếp nhận và xử lý kịp thời các trường hợp ngộ độc do cá nóc, đồng thời báo cáo ngay với cơ quan chức năng để xử lý nguồn gốc thực phẩm gây ngộ độc. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh thông tin, tuyên truyền, vận động rộng rãi trong đoàn viên, hội viên, nhân dân, đặc biệt là ngư dân và các hộ kinh doanh hải sản không đánh bắt, chế biến, buôn bán hoặc sử dụng cá nóc làm thực phẩm. Huy động các đoàn thể tham gia tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về nguy cơ ngộ độc cá nóc bằng các hình thức như: Qua các đội thanh niên tình nguyện; tổ nhóm; mạng xã hội; hội nghị; tập huấn; treo các biển có nội dung cấm mua bán, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ cá nóc ngay tại các vùng biển, tại các nơi tiêu thụ hải sản, chợ đầu mối, chợ dân sinh... phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai công tác kiểm tra, giám sát mọi hành vi thu gom, vận chuyển, bảo quản, chế biến, tiêu thụ cá nóc. Ban Tuyên giáo (tuyên huấn) các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc tham mưu cho cấp ủy trong chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống ngộ độc do cá nóc; chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân không lưu thông, chế biến, kinh doanh, sử dụng cá nóc làm thực phẩm... Thông tin, tuyên truyền qua các hội nghị của ngành tuyên giáo như hội nghị báo cáo viên, câu lạc bộ thời sự, tập huấn; kịp thời cung cấp các thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông về công tác phòng, chống ngộ độc do cá nóc nhất là ở vùng biển; quan tâm nắm bắt thông tin, dư luận xã hội kịp thời định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp có liên quan; đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc, tin giả về công tác phòng, chống ngộ độc do cá nóc. Các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương đóng trên địa bàn tăng cường các tin, bài tuyên truyền về các nguy cơ ngộ độc nghiêm trọng do sử dụng cá nóc; nghiêm cấm các hành vi lưu thông, chế biến, kinh doanh cá nóc và các sản phẩm từ cá nóc dưới mọi hình thức trên thị trường; khuyến cáo người dân không sử dụng cá nóc làm thực phẩm. Để đề phòng ngộ độc cá nóc, cách tốt nhất là hãy “nói không với cá nóc”.