Chân dung những người cán bộ chống dịch

Thứ hai - 18/04/2022 05:12 511 0
Xác định rõ vị trí của mình trên tuyến đầu chống dịch, những người cán bộ kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An dũng cảm, lặng thầm, chấp nhận những hi sinh để bảo vệ sức khỏe cho người dân, mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội cho địa phương.
Trong những ngày đầu chống dịch COVID-19, để gặp được những y bác sĩ khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An) là rất khó. Bởi họ vẫn luôn trong tình trạng “trên từng cây số”. Các y bác sĩ vừa mới ở huyện này điều tra giám sát trường hợp về từ địa phương có dịch, ít tiếng sau đã có mặt tại khu cách ly lẫy mẫu xét nghiệm, cuối ngày lại ở huyện khác truy tìm F1, F2.
          Nguy cơ dịch xâm nhập lớn. Việc cứ nối việc, ngày cứ nối ngày. Bác sĩ Nguyễn Trọng Di – Phó trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC Nghệ An luôn trong trạng thái “đầu bù tóc rối”, mệt mỏi vì liên tục đi điều tra, giám sát, truy vết ca bệnh. Bác sĩ Di chia sẻ: Một ngày làm việc bắt đầu lúc 6 giờ sáng và thường kết thúc vào 2-3 giờ sáng ngày hôm sau. 15-16 giờ mới ăn cơm trưa, 21-22 giờ mới ăn cơm tối. Anh em quần quật làm, mục đích làm sao để tìm ra những người liên quan f1, f2, f3 đưa về cách ly, xét nghiệm. Những lúc mệt quá tiện đâu ngủ đấy, hồi sức tý lại dậy làm việc tiếp.
          Trong gian đoạn đầu này, mạng lưới phòng chống COVID-19 ở tuyến huyện chưa được đào tạo xong, chưa hình thành nên các đội phản ứng nhanh. Vậy nên, hầu hết hoạt động phòng chống dịch đều do các y bác sĩ CDC Nghệ An đảm đương. Tham gia phòng chống đại dịch, các y bác sĩ vẫn thường quên ăn, quên ngủ, hi sinh một phần riêng tư vì cộng đồng. Bản thân bác sĩ Di đã phải gửi vợ con về nhà bà ngoại nhờ chăm sóc để giữ an toàn cho gia đình, cũng như để toàn tâm toàn ý chống dịch.
          Ở CDC Nghệ An, những cán bộ y bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm cũng vất vả, hi sinh không kém. Lúc này, hoạt động xét nghiệm COVID-19 ở Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn khi mà lượng mẫu lớn, máy xét nghiệm ở CDC Nghệ An công suất nhỏ, thiếu sinh phẩm.v.v... Để đáp ứng yêu cầu, các y, bác sĩ và kỹ thuật viên phải làm ngày, làm đêm không ngừng nghỉ.
          Bác sĩ Bùi Thu Thủy – Trưởng khoa Xét nghiệm, CDC Nghệ An cho hay: Trước kia hay cả bây giờ cũng vậy, cán bộ, kỹ thuật viên phòng căng mình làm ngày, làm đêm cho kịp. Ăn tại khoa, nghỉ tại khoa, mỗi người đều nỗ lực hết sức. Bộ đồ chống dịch, găng tay và khẩu trang đã là vật bất li thân. Mỗi lần lấy mẫu, xét nghiệm dài 8-9 giờ, khi cởi đồ ra thì mồ hôi ướt đầm như tắm. Hơn 1 năm chống dịch, toàn tỉnh Nghệ An đã thực hiện xét nghiệm được gần 36.000 mẫu, là một trong những địa phương thực hiện xét nghiệm nhiều nhất nước. Đó là một kết quả hết sức tự hào nhưng rất ít người có thể biết được sự khó nhọc, áp lực của công việc.
          Phòng chống dịch bệnh nói chung, COVID-19 nói riêng, tại CDC Nghệ An mỗi cán bộ, nhân viên mỗi người một việc và không có việc gì là dễ dàng. Đồng hành cùng đội phản ứng nhanh rà soát, truy vết, xét nghiệm, tiếp xúc các trường hợp có dấu hiệu lâm sàng còn có các cán bộ, nhân viên Khoa Truyền thông. Họ đã, đang và luôn sẵn sàng đi vào khu vực cách ly để bám sát, phản ánh các diễn biến tình hình dịch. Chị Phạm Thị Hoa, Phó Khoa Truyền thông, CDC Nghệ An (do chồng công tác xa) đã có những lúc phải bỏ 2 con nhỏ ở nhà  2- 3 ngày tự chăm sóc lấy nhau để lăn lộn cùng hoạt động chống dịch.
          Chị Hoa chia sẻ: Ngoài việc ghi hình, đưa tin về hoạt động phòng chống dịch. Các cán bộ khoa truyền thông còn phải thường xuyên nắm bắt thông tin dịch bệnh trên mạng xã hội, phản ánh của các cơ quan báo chí, phản ánh của người dân để từ đó kịp thời tham mưu cho lãnh đạo có giải pháp tuyên truyền, truyền thông đúng trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn. Ví dụ như giai đoạn hiện nay, đáp ứng vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội thì cần phải tuyên truyền cho ngươi dân không được chủ quan lơ là với dịch song cũng không quá hoang mang lo sợ mà làm quá đi.
            Phải nói rằng, tất cả các nhân viên bộ phận, vị trí chống dịch đều đã, đang phải hoạt động hết công suất, thực sự vất vả. Điện thoại của giám đốc, phó giám đốc CDC Nghệ An trong năm qua không được phép ở chế độ tắt, không liên lạc được. Những cuộc gọi đến về tin báo, tin nóng cấp thiết về trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân liên tục gọi về. Cán bộ y tế cơ sở, người dân cũng liên tục gọi đến để xin ý kiến tham vấn về phương hướng xử lý tình huống. Và sau mỗi cuộc gọi đến thì sẽ có thêm các cuộc gọi đi để điều hành, chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ như giám sát, xét nghiệm, bảo đảm nguồn lực chống dịch. Theo bác sĩ Phạm Đình Du, Phó Giám đốc CDC Nghệ An: Chưa có ngày nào mà giám đốc, phó giám đốc nhận được ít hơn 100 cuộc gọi. Có những bữa cơm phải đứng lên 7-8 lần nghe điện thoại, đến khi quay lại thì cơm canh cũng nguội lạnh rồi...
          Trong giai đoạn đầu, hoạt động phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Nghệ An hết sức khó khăn, vừa “hành quân, vừa xếp hàng”. Tình trạng thiếu máy, thiếu sinh phẩm xét nghiệm, thiếu nguồn lực, phải bảo đảm nguồn lực, cơ sở vật chất chống dịch đã khiến lãnh đạo tỉnh, ngành y tế, CDC Nghệ An “bạc tóc” vì lo lắng. Phải làm như thế nào để đáp ứng tốt công tác phòng chống dịch, đồng thời phải đảm báo đúng quy định pháp luật; làm sao để triển khai đồng bộ, kịp thời ứng phó các tình huống khẩn cấp... là điều không đơn giản. Áp lực dồn lên những người đứng đầu là rất lớn. Điều này đã khiến họ không có phút nào được phép lơ là và “không có nghỉ phép, không ngày nghỉ, không có ngày Tết”
            Nguy cơ đại dịch COVID-19 cận kề, những cán bộ CDC Nghệ An lâu nay vẫn luôn lăn lộn với công tác phòng chống dịch ở cơ sở đều sớm tự xác định rõ trách nhiệm của mình để tự nguyện lao vào công tác phòng chống. Mỗi y bác sĩ đều xác định rõ tâm thế phải làm tốt công tác điều tra, truy vết, giám sát, cách ly đồng thời lấy mẫu xét nghiệm sớm, không để dịch ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Có thể nói rằng, suốt một năm qua, họ đã không kể ngày đêm, nỗ lực hết sức để làm tốt nhiệm vụ được giao, thể hiện rõ “cái tâm với nghề” và tình cảm, trách nhiệm với cộng đồng. Tiến sĩ Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An cho hay: “Vất vả nhưng chưa một người nào ở Trung tâm kêu ca, cũng như bảo mình không làm được. Tất cả đều nỗ lực, tự giác, đoàn kết, đồng tâm chống dịch”.
          CDC Nghệ An mới chỉ có hơn 1 năm tuổi đời (sau khi sát nhập từ 6 đơn vị y tế dự phòng trong tỉnh) song với sự cố gắng, nỗ lực của tập thể y bác sĩ mà đã thể hiện tốt vai trò, vị trí tuyến đầu trên mặt trận phòng chống dịch bệnh ở địa phương. Bên cạnh phòng chống dịch bệnh, CDC Nghệ An còn đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác như: Kiểm soát bệnh tật; phòng chống bệnh không lây nhiễm; dinh dưỡng; sức khỏe môi trường và y tế trường học; bệnh nghề nghiệp, phòng chống HIV/AIDS; phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng; truyền thông giáo dục sức khỏe; chăm sóc sức khỏe sinh sản...Tất cả công việc lặng thầm đó, không có công việc nào là nhẹ nhàng.
          Những cán bộ y tế ở CDC Nghệ An vẫn lặng thầm ngày đêm thực hiện nhiệm vụ kiểm soát bệnh tật của mình mà không nghĩ đến những thành công, sự tôn vinh sau đó. (Nếu như một y bác sĩ làm việc ở cơ sở điều trị thì kết quả của công việc thường thể hiện ngay sau đó là bệnh nhân sớm hồi phục, ca mổ thành công. Còn kết quả của người làm công tác phòng bệnh chỉ có thể thống kê được sau đó chừng 1 -2 và thậm chí 10-15 năm). Họ vẫn vui vì sự lặng thầm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” đó; vui với cái tâm vì nghề, vì đã mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, bình an cho người dân...để rồi vững bước đi vào vùng dịch/.

Tác giả bài viết: Thanh Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây