SỬ DỤNG ĐÚNG VÀ CHỈ NÊN SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT KHI CẦN THIẾT

Thứ năm - 18/11/2021 23:35 1.566 0
Những con số đáng sợ
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hay còn gọi là thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng và thuốc diệt cỏ dại là những hàng hóa đặc biệt kinh doanh có điều kiện. Vì vậy nhà nước thống nhất quản lý, sản xuất, xuất nhập khẩu, bảo quản, dự trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng phải đảm bảo đúng quy trình, đúng quy định pháp luật.
Tất cả thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ dại là những loại hóa chất rất độc hại. Nếu không quản lý tốt, sử dụng không đúng quy trình kỹ thuật sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho sức khỏe con người, cho môi trường sống và hậu quả đó sẽ kéo dài nhiều năm, nếu không xử lý kịp thời.
Nhưng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay không thể không sử dụng thuốc BVTV và thuốc cỏ dại. Theo tổ chức Lương nông thế giới, ước tính hàng năm có gần 50% sản lượng lương thực bị mất do sâu bệnh và cỏ dại gây hại, nếu không có thuốc BVTV và thuốc diệt cỏ dại.
Tại Việt Nam 24,5 triệu hộ nông dân đang phụ thuộc nhiều và các biện pháp BVTV để ngăn ngừa dịch hại và áp lực cỏ dại gây hại cây trồng, làm giảm năng suất và sản lượng thu hoạch. Hàng năm cả nước đã bỏ ra không dưới 770 triệu USD để nhập khẩu 100.000 tấn các loại thuốc BVTV với 4.100 chủng loại khác nhau và 90% số thuốc đó được nhập từ Trung Quốc về. Trong khi đó tại Trung Quốc chỉ cho phép sử dụng 630 loại thuốc BVTV (chỉ bằng 15% Việt Nam). Con số 100.000 tấn thuốc BVTV các loại hàng năm được nhập vào nước ta là con số được cấp phép nhập khẩu chính ngạch. Còn lại số thực nhập được thông quan qua đường tiểu ngạch và cả thuốc nhập lậu qua biên giới không kiểm soát được chưa biết sẽ là bao nhiêu tấn nữa ?
Riêng tại Nghệ An hàng năm gieo trồng trên 300.000 ha cây trồng các loại. Trong đó riêng cây lúa từ 186.000 - 190.000 ha, sau cây lúa là cây ngô 50.000 ha, cây lạc 23.000 ha, cây mía 27.000 ha, rau đậu các loại 100.000 ha và nhiều loại cây trồng khác nữa… Diện tích gieo trồng càng nhiều cây trồng thì sử dụng càng nhiều thuốc BVTV, thuốc trử cỏ dại. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh đã sử dụng từ 350 - 400 tấn thuốc BVTV các loại, năm cao nhất lên đến 500 tấn như năm 2015 do sâu cuốn lá nhỏ và rầy nâu phá hoại mạnh trên diện tích 80.000 ha lúa hè thu và mùa sớm.
Những con số nói trên, có thể nói chung ta đang tự đầu độc chính mình.
Cụ thể tại hội trường Quốc hội, trong phiên họp vừa qua khi thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 và kế hoạch thực hiện giai đoạn 2017 - 2020" có một con số do đoàn giám sát chuyên đề về an toàn thực phẩm công bố tại hội trường Quốc hội: "Mỗi năm cả nước có khoảng 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới. Trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn".
Còn theo hiệp hội ung thư thế giới, hàng năm có khoảng 35% ca mắc ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn mà chủ yếu là do sử dụng thuốc BVTV gây ra.
Thực trạng kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV hiện nay:
Việc quản lý kinh doanh thuốc BVTV còn rất lỏng lẻo. Theo số liệu của Chi cục trồng trọt và BVTV của Tỉnh, hiện toàn tỉnh đang có trên 588 tổ chức và cá nhân kinh doanh thuốc BVTV được cấp chứng chỉ hành nghề. Bình quân mỗi huyện, thành thị có 28 điểm buôn bán thuốc BVTV là quá nhiều. Đó là chưa kể còn có bao nhiêu tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV mang tính chất thời vụ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.
Tình trạng buôn bán thuốc BVTV lan tràn như hiện nay thực sự chưa được ngăn chặn. Con số 588 tổ chức, cá nhân có kinh doanh, mua bán thuốc BVTV nói trên là chưa đúng. Đơn cử một huyện nhỏ như huyện Anh Sơn, diện tích sản xuất nông nghiệp không nhiều so với hầu hết các huyện trong tỉnh mà đã có hơn 60 tổ chức và cá nhân buôn bán các loại thuốc BVTV và thuốc trừ cỏ dại. Đến huyện Diễn Châu là địa phương gieo trồng nhiều cả về diện tích và nhiều chủng loại cây trồng khác nhau (lúa, ngô, khoai, lạc, rau, đậu, vừng… quanh năm) đã có gần 100 tổ chức và cá nhân kinh doanh, mua, bán đủ loại thuốc BVTV và thuốc trừ cỏ dại. Chỉ cần đến khu vực các xã Diễn Kỷ, Diễn Hồng, Diễn Xuân… đã có hàng chục quán hàng, ki ốt buôn bán đầy đủ các loại thuốc BVTV, bán buôn có, bán lẻ có, mua nhiều thì giá rẻ, mua ít giá cao hơn.
Còn việc sử dụng thuốc BVTV thì sao ? Theo Chi cục trồng trọt và BVTV của tỉnh cho biết, hàng năm, hàng vụ Chi cục có triển khai tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV cho cán bộ các HTX NN. Nội dung tập huấn làm cho cán bộ kỹ thuật của các HTX NN biết cách hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc phòng chống sâu bệnh hại cây trồng theo 4 đúng: Đúng thuốc, đúng nồng độ và đúng liều lượng, phun đúng lúc và phun đúng kỹ thuật. Nhưng trong thực tế người trực tiếp sử dụng thuốc BVTV là bà con nông dân rất ít được tham gia các lớp tập huấn đó, thậm chí có sâu hay bệnh hại cây trồng là đi mua thuốc ở các ki ốt, các hàng quán và thông qua người bán thuốc để hỏi nên mua loại thuốc gì để phun. Vì vậy mới có tình trạng phun nhiều thuốc, phun nhiều lần mà sâu không chết, bệnh cây trồng không thôi. Vì vậy mới có chuyện mua thuốc trừ sâu phun cho trừ bệnh và ngược lại hoặc thuốc để trừ bệnh đạo ôn lại mua thuốc trừ bệnh bạc lá và lại phun không đúng lúc, phun không đủ liều lượng nên không có hiệu quả.
Điển hình nhất vụ cam vừa qua ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp theo kết quả điều tra sơ bộ cho thấy: Bình quân một vườn cam từ khi ra quả đến thu hoạch đã phun thuốc BVTV đến ít nhất 23 lần. Thậm chí có những cây cam quả trơ đi do số lần phun thuốc quá nhiều. Đây là hậu quả của việc sử dụng thuốc phun tùy tiện. Chẳng phải đi đâu xa, chỉ cần ra khu vực ngoại ô thành phố Vinh mà xem một số vườn rau trồng không có nhà lưới hoặc có cho có để gọi là trồng rau trong nhà lưới để ngăn bướm vào đẻ trứng gây sâu bệnh… ở những vườn rau này bình quân 1 tuần phun ít nhất 1 lần thuốc trừ sâu. Bởi thế mới có chuyện "Rau 2 luống", luống cho nhà ăn, luống bán ra thị trường cho thiên hạ ăn.
Việc quản lý và sử dụng thuốc BVTV như hiện nay thật sự đang bị buông lỏng, vừa làm tăng chi phí sản xuất quá lớn, gây lãng phí và làm giảm hiệu quả sản xuất. Vừa gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người, nhất là các loại bệnh do nhiễm phải các hóa chất từ thuốc trừ sâu bệnh mà ra, đó là ung thư, thần kinh, dị tật, lở loét v.v…
Đâu là những hạn chế khi sử dụng thuốc BVTV:
Sử dụng thuốc BVTV quá liều lượng khuyến cáo, sử dụng sai mục đích, hiểu biết và trách nhiệm xã hội của người sử dụng thuốc BVTV còn rất hạn chế… là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng thuốc của sâu bệnh, làm giảm hiệu lực của thuốc và có thể gây ra tình trạng vượt mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) trên nông sản. Mức dư lượng tối đa cho phép (Maximum Residue Limit - MRL) là mức đánh dấu giới hạn thuốc BVTV được phép có trong các loại thực phẩm vì được xác định riêng cho từng loại chất, từng cây trồng và theo tiêu chuẩn của mỗi quốc gia. Thực chất MRL là các tiêu chuẩn thương mại mà các quốc gia nhập khẩu nông sản xây dựng ra và được sử dụng nhà là một biện pháp để kiểm tra việc tuân thủ các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (Good Agricultural Pracices - CAP) của nông dân các nước xuất khẩu nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường chứ không phải là chỉ tiêu để đánh giá về an toàn thực phẩm. Trong một số trường hợp MRL còn được các nước nhập khẩu sử dụng như là một hàng rào kỹ thuật để kiểm soát dòng hàng hóa nông sản nhập khẩu.
Vì vậy dư lượng thuốc BVTV khi vượt quá mức cho phép tối đa theo quy định của một nước nhập khẩu không đồng nghĩa với nông sản an toàn.
Chỉ nên sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết:
Sử dụng nhiều, sử dụng không đúng thuốc BVTV sẽ gây ra nguy hại cho sức khỏe con người, cho mọi sinh vật và làm ô nhiễm môi trường. Nhưng không thể không sử dụng vì mục tiêu bảo vệ cây trồng, bảo vệ kết quả sản xuất. Trước hết về mặt quản lý nhà nước, ở TW là Bộ NN & PTNT nói chung và Cục BVTV nói riêng, ở tỉnh Sở NN & PTNT và Chi cục trồng trọt - BVTV nói riêng là đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành cần ban hành nhiều thông tư hướng dẫn thật cụ thể có liên quan đến vấn đề đăng ký, quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV. Đặc biệt cần quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện được phép sản xuất, kinh doanh các loại thuốc BVTV để tránh tình trạng kinh doanh, buôn bán tràn lan thuốc BVTV như hiện nay.
Một trong những biện pháp quan trọng về quản lý kỹ thuật thuốc BVTV hiện nay, đó là tăng cường công tác thanh tra việc sử dụng thuốc nhằm bảo đảm sử dụng thuốc có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả theo đúng khuyến cao của nhà sản xuất, của cán bộ kỹ thuật. Tình trạng sử dụng thuốc lẫn lộn giữa trừ sâu trừ bệnh, sử dụng thuốc không đúng đối tượng sâu hoặc bệnh cần phải tiêu diệt, sử dụng thuốc tùy tiện về liều lượng sử dụng và kỹ thuật pha chế; sử dụng thuốc không đúng thời điểm cần sử dụng, phun nhiều lần mà hiệu quả không cao, gây tốn kém và kháng thuốc v.v…
Vì vậy phải hết sức chú trọng công tác huấn luyện về quản lý, về kinh doanh và về sử dụng thuốc BVTV cho nông dân, cho các đại lý nhằm nâng cao trình độ cũng như nhận thức của người sử dụng và người kinh doanh thuốc BVTV.
Các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành BVTV và các cơ quan làm công tác khuyến nông cần tập huấn hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc chữa trị đúng loại sâu bệnh, thời điểm chữa trị, liều lượng thuốc sử dụng và chỉ sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết.
 

Tác giả bài viết: Trí Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây