Mô hình liên kết khoai tây vụ đông xuân ở Diễn Châu cho hiệu quả kinh tế cao

Thứ năm - 11/03/2021 04:40 521 0
Những ngày này, nông dân Nghệ An đang bước vào thu hoạch đại trà khoai tây. Trong khi giá nhiều mặt hàng nông sản khác trên địa bàn tỉnh rớt giá thê thảm khiến nông dân điêu đứng, nhổ bỏ cho bò ăn hoặc mang ra sông đổ thì khoai tây năm nay lại được mùa, được giá, thương lái về tận ruộng thu mua nên bà con nông dân vô cùng phấn khởi, vui mừng.
Cánh đồng 20 ha của xã Diễn Phong những ngày này đông đúc nhộn nhịp hơn bình thường, bởi những người nông dân đang khẩn trương thu hoạch khoai tây để kịp đóng hàng, giao cho doanh nghiệp. Bà con đang cặm cụi bới khoai, lựa khoai cho vào những bao lớn chuẩn bị đưa lên bàn cân và chuyển lên xe tải.
Vụ đông xuân 2020, 2021 toàn huyện Diễn Châu trồng gần 70 ha khoai tây tại các xã: Diễn Phong, Diễn Trung và Diễn Hải, Diễn Hoàng và đều được liên kết bao tiêu sản phẩm. Sau 4 tháng gieo trồng, bà con nông dân đã bắt đầu tiến hành thu hoạch đại trà khoai tây, năng suất đạt rất cao từ 1,3- 1,5 tấn/sào, chất lượng khoai tây đạt tiêu chuẩn, củ to đồng đều.
"Khoai tây là cây trồng có ưu thế về mùa vụ, ít cạnh tranh với các loại cây trồng khác.  Hơn nữa dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, lại phù hợp thổ nhưỡng. Hiện nay nhờ tạo sự liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp nên toàn bộ khoai tây được thu mua ổn định. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình trồng khoai tây liên doanh trong vụ đông và đông xuân để góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp" - ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN&PTNT Diễn Châu khẳng định.
Ông Tạ Quang Sáng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An cho biết: “Để có được mùa vụ khoai tây được mùa được giá như năm nay, Trung tâm đã liên kết với huyện Diễn Châu triển khai thực hiện mô hình liên kết phát triển sản xuất khoai tây gắn với liên kết tiêu thụ từ nguồn giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh. Dưới sự hỗ trợ của Viện sinh học nông nghiệp, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN trong quá trình triển khai mô hình được các chuyên gia theo dõi và đánh giá sát sao từ khâu chọn giống cho đến quá trình chăm sóc nên khoai tây cho năng suất rất cao. Mặt khác, việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với công ty lớn như Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina khi bà con thu hoạch đã giúp bình ổn được giá cả không bị rớt giá như những mặt hàng nông sản khác".
Từ kết quả đạt được, có thể thấy mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng chứng minh được hiệu quả và là hướng đi đúng hướng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp. Bởi việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ không chỉ giúp nông dân gia tăng chất lượng sản phẩm và năng suất sản xuất, mà còn góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nông dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định. Ngoài ra, người dân còn có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao trình độ canh tác.
Ông Sáng cho biết thêm: “Trong thời gian tới, được sự hỗ trợ của Viện Sinh học nông nghiệp, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN sẽ tiếp tục sản xuất giống khoai tây sạch, tiến tới sản xuất giống khoai tây đại trà để cung ứng cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục liên kết với chính quyền địa phương để nhân rộng mô hình hướng đến vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa trên địa bàn tỉnh và ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công ty lớn như Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina. Đồng thời, sẽ xây dựng mô hình này đối với các mặt hàng nông sản khác nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.

Tác giả bài viết: Thế Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây