Lương khởi điểm 10-30 triệu, ngành Kỹ thuật điều khiển-Tự động hóa "hút" Sinh viên

Thứ tư - 04/10/2023 00:04 362 0
Có thể thấy rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Kỹ thuật điều khiển - Tự động hóa đang đóng vai trò rất quan trọng. Không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và tài nguyên, Kỹ thuật điều khiển - Tự động hóa còn đóng góp tích cực vào việc tạo ra các hệ thống thông minh, thúc đẩy sự phát triển và hiện đại hóa các ngành công nghiệp.
Lương khởi điểm 10-30 triệu, ngành Kỹ thuật điều khiển-Tự động hóa "hút" Sinh viên

Sinh viên ngành học Kỹ thuật điều khiển - Tự động hóa, Trường Đại học Điện lực trong giờ học

Thực tế hiện nay, hệ thống điều khiển và tự động hóa đang có mặt trong hầu hết các dây chuyền sản xuất của các ngành kinh tế.

Đặc biệt, các công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT), và Big Data được tích hợp vào hệ thống tự động hóa đã tạo ra các hệ thống thông minh có khả năng tự học và tương tác, giúp công nghiệp trở nên linh hoạt và đáp ứng nhanh chóng với biến đổi thị trường.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trương Nam Hưng - Phó Hiệu trưởng, Phụ trách khoa Điều khiển và Tự động hóa (Trường Đại học Điện lực) cho hay, ngành học Kỹ thuật điều khiển - Tự động hóa có nhiều lợi thế hấp dẫn để thu hút sinh viên như: lợi thế về công nghệ cao; tính linh hoạt và đa dạng có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau; cơ hội việc làm và mức lương hấp dẫn…

Vì vậy, trong những năm gần đây ngành học này đã có những phát triển tích cực, thu hút được nhiều sinh viên theo học.
Còn theo Tiến sĩ Mai Thế Anh - Trưởng bộ môn Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa (Trường Đại học Vinh), sự phát triển của ngành Kỹ thuật điều khiển - Tự động hóa đã được thể hiện rõ qua công tác tuyển sinh ngành học này những năm gần đây của nhà trường.

Theo đó, những năm gần đây, ngành Điều khiển - Tự động hóa của Trường Đại học Vinh tuyển sinh đều đạt chỉ tiêu được phê duyệt với trên 100 sinh viên/năm.

Với sức hút trong thị trường lao động hiện nay, Tiến sĩ Trương Nam Hưng chia sẻ, tỉ lệ sinh viên ngành Điều khiển - Tự động hóa của Trường sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng với ngành đào tạo thường đạt khoảng 80%.

Chia sẻ về lý do tỉ lệ sinh viên có việc làm đúng với ngành học này cao như vậy, thầy Hưng cho biết, bên cạnh những thế mạnh từ đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo của trường liên tục được cập nhật để phù hợp với thực tế, cơ hội việc làm cho cử nhân ngành Điều khiển - Tự động hóa cũng rất rộng mở.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm ở các vị trí như kỹ sư vận hành hệ thống tự động hóa, chuyên viên nghiên cứu, kỹ sư sửa chữa thiết bị tự động hóa, tư vấn bán hàng cho các hãng thiết bị công nghiệp… với mức lương khởi điểm tương đối cao, dao động từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng.

Không những vậy, để tạo cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển - Tự động hóa, thầy Hưng cho biết thêm, hiện Khoa đã thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn như Samsung, Siemen, ABB, Schneider,... cùng nhiều tập đoàn trong ngành công nghiệp điều khiển tự động hóa.

Nhờ đó, sinh viên sẽ được thực hành tại doanh nghiệp, tập đoàn đối với một số môn học, làm đồ án trong chương trình đào tạo và thực tập cuối khóa; được cung cấp những kinh nghiệm thực tế và kết nối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực.
 

Còn đối với Trường Đại học Vinh, Tiến sĩ Mai Thế Anh thông tin, tại khu vực Bắc Trung Bộ hiện có nhiều khu công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân lực ở lĩnh vực Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã phát triển nhiều khu công nghiệp thu hút những tập đoàn lớn cả trong và ngoài nước với nhiều cơ hội việc làm cho những người học ngành Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa.

Thêm vào đó, nhà trường cùng với Viện Kỹ thuật và Công nghệ cũng luôn quan tâm trong hoạt động hợp tác doanh nghiệp để hỗ trợ sinh viên thực tập và có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Nhờ vậy, sinh viên ngành Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa sau khi tốt nghiệp đều có cơ hội việc làm rộng mở.

Mặt khác, thầy Trương Nam Hưng về cơ sở vật chất để đào tạo ngành học này với hiện trạng trang thiết bị hiện nay của Trường Đại học Điện lực đủ để đảm bảo các điều kiện thực hành cơ bản cho các môn học trong chương trình đào tạo.

Tuy nhiên, để đáp ứng được sự phát triển của ngành Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa và những đổi mới về chương trình đào tạo, Khoa vẫn cần được bổ sung thêm trang thiết bị, các hệ thống phòng thực hành hiện đại hơn.

Bởi, để đào tạo được kỹ sư ngành Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa trong bối cảnh hiện nay, các phòng lab hỗ trợ cần được trang bị thiết bị và công cụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0.

Cùng chia sẻ về những khó khăn đang còn tồn tại trong việc đào tạo ngành Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa, thầy Mai Thế Anh bày tỏ, do Trường Đại học Vinh ở khu vực Bắc Trung Bộ, vốn chưa có lịch sử phát triển mạnh về khoa học công nghệ so với các khu vực khác nên việc thu hút các chuyên gia, giảng viên hàng đầu đào tạo ngành học này vẫn còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, yêu cầu thực tiễn của ngành Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa cũng đòi hỏi trang thiết bị máy móc hiện đại và công nghệ đổi mới tiên tiến. Chính vì vậy, cần có nguồn đầu tư lớn về cơ sở vật chất mới có thể đáp ứng phù hợp với sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp, tự động hóa hiện nay.

Để khắc phục những khó khăn trên, hiện nhà trường cùng Viện Kỹ thuật và Công nghệ đã chú trọng hợp tác với các doanh nghiệp để làm sao cho người học vẫn có cơ hội được tiếp cận với các trang thiết bị, máy móc công nghệ mới lại vừa được ứng dụng trực tiếp luôn tại doanh nghiệp.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây