Lắng nghe ý kiến, tâm tư của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ trước kỳ họp Quốc hội

Thứ tư - 04/10/2023 04:23 367 0
Theo TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nếu các trí thức, nhà khoa học không được tự chủ, không được tự quyết làm việc gì, sử dụng kinh phí ngân sách như thế nào, tuyển dụng, hợp tác ra sao thì các chính sách trọng dụng nhân tài, trí thức sẽ không phát huy được hiệu quả.
Lắng nghe ý kiến, tâm tư của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ trước kỳ họp Quốc hội
Hội nghị lấy ý kiến của trí thức Khoa học và công nghệ trước Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 02/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của trí thức Khoa học và Công nghệ trước Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, với nội dung của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét và thảo luận trên 40 nội dung quan trọng của đất nước trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
TSKH. Phan Xuân Dũng đề nghị các trí thức, nhà khoa học tập trung phản ánh, làm rõ những giải pháp, cơ chế chính sách để phát triển kinh tế - xã hội đất nước; phát triển khoa học và công nghệ , giáo dục và đào tạo; xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức có cơ cấu, số lượng, chất lượng ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước là "phải bằng và dựa vào Khoa học và công nghệ", "Khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu", "là động lực để phát triển đất nước"…
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, hội nghị là hoạt động thiết thực, quan trọng, góp phần giúp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến sâu sắc để hoàn thiện báo cáo của Đoàn Chủ tịch gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
"Đây là các kênh quan trọng giúp Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp được nhiều ý kiến mang tầm vĩ mô, thể hiện sự tổng hợp những mong muốn, kiến nghị của nhân dân cả nước, trong đó có đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ", bà Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Lắng nghe ý kiến, tâm tư của đội ngũ trí thức KH&CN trước kỳ họp Quốc hội - Ảnh 2.

PGS. TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội khóa XI nêu ý kiến tại hội nghị - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội, PGS. TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội khóa XI cho biết, trong thời gian qua, các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động của nước ta đã có cải thiện nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn cần quan tâm nhiều hơn nữa, có chính sách, giải pháp mạnh mẽ hơn để phát triển Khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ và sử dụng đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ.
PGS. TS Đặng Văn Thanh đánh giá, việc áp dụng chính sách tài khóa nới lỏng, dành 35% tổng chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển là đúng đắn, tạo tiềm lực cho đất nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân, tốc độ triển khai còn chậm, đòi hỏi các biện pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, giải ngân các khoản vốn vay kịp thời hơn.
Trong đó, cần kiểm tra chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi từ khâu chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư và từng công đoạn trong quá trình đầu tư, quá trình thực hiện dự án, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về giải quyết đất, cát đắp nền, lựa chọn phương án đầu tư, công nghệ xây dựng, thực thi quy chế đấu thầu và chọn thầu, mua sắm vật thư thiết bị,…
"Cần tính đến và kịp thời có biện pháp xử lý những trường hợp đặc thù", PGS. TS Đặng Văn Thanh nói.
PGS. TS Đặng Văn Thanh cũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ có chính sách và giải pháp ổn định để nâng cao chất lượng thị trường tài chính, tạo lòng tin của các nhà đầu tư, tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Một số chính sách thuế và quản lý thuế đối với hoạt động KHCN đã không còn phù hợp, do đó, Quốc hội cần sớm đưa vào chương trình xây dựng Luật,...
Còn TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam đề xuất, cần ban hành Luật về hội nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát để các nghị định, thông tư, chính sách đã ban hành được thực hiện nghiêm túc nhất, đầy đủ nhất.
Đối với đội ngũ trí thức, TS. Nguyễn Quân cho rằng, hiện nay, các địa phương, bộ ngành đã có một số chính sách "rải thảm đỏ", mời trí thức về làm việc, tuy nhiên, vẫn có tình trạng chưa sẵn sàng giao việc.

Do đó, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cần tin tưởng, lắng nghe, giao việc cho trí thức; tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho trí thức; có chế độ thu nhập thỏa đáng để trí thức yên tâm làm việc, cống hiến trí tuệ của mình xây dựng đất nước.
Theo TS. Nguyễn Quân, nếu các trí thức, nhà khoa học không được tự chủ, không được tự quyết làm việc gì, sử dụng kinh phí ngân sách như thế nào, tuyển dụng, hợp tác ra sao thì các chính sách trọng dụng nhân tài, trí thức sẽ không phát huy được hiệu quả.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây