Phát triển làng nghề kết hợp du lịch văn hoá nông nghiệp, nông thôn

Thứ hai - 15/07/2024 22:57 177 0
Nhằm tạo động lực cho làng nghề phát triển bền vững, TP Hà Nội đang xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát triển làng nghề kết hợp du lịch văn hoá nông nghiệp, nông thôn
Sở Du lịch Hà Nội đã công bố tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội”. Ảnh minh họa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang tham mưu Đề án tổng thể phát triển làng nghề thành phố Hà Nội. Trao đổi với các đại biểu doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại thông tin vài nét tổng quan của đề án.

Một số mục tiêu chính gồm phát triển kinh tế đa giá trị, thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch văn hoá nông nghiệp, nông thôn; tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn; bảo tồn giá trị truyền thống làng nghề. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là giải quyết bài toán liên kết vùng nguyên liệu còn đang khó khăn của Hà Nội, tiến tới kết nối vùng nguyên liệu đảm bảo nguồn cung ổn định để làng nghề phát triển bền vững. Hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất đáp ứng tổ chức sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển du lịch.

Đề án còn đề ra những nghề cần gắn với làng để phát triển gắn với du lịch; những nghề gây ô nhiễm môi trường cần phải có lộ trình di dời vào khu, cụm, điểm công nghiệp tập trung. 

Ngoài ra, khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các hoạt động đào tạo, truyền nghề cho thế hệ kế cận nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo bước đột phá, tạo sản phẩm khác biệt để gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề.

Theo thực trạng hoạt động tại làng nghề, đại diện doanh nghiệp, HTX mong muốn đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề thông qua các tour tuyến du lịch. Công ty TNHH phát triển nội thất gỗ Phương Đông (thôn Hà Khê, xã Vân Hà, huyện Đông Anh) đề nghị tiếp tục đầu tư xây dựng các điểm du lịch làng nghề để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nguyên vật liệu.

Trả lời vấn đề này, Sở Du lịch Hà Nội nhận thấy đây là ý kiến rất thiết thực. Tháng 4/2024, Sở Du lịch đã phối hợp UBND các huyện trên địa bàn thành phố công bố tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội – Điểm về nguồn cội”.

Giai đoạn 2024 - 2025, Sở Du lịch tiếp tục hoàn thiện sản phẩm đặc thù gắn với các giá trị của di sản, di tích và làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên.

Nhằm nâng cao kỹ năng phục vụ khách du lịch, Sở sẽ tổ chức các hội nghị nâng cao chất lượng điểm đến du lịch gắn với các giá trị di sản, di tích, làng nghề; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực.

Hà Nội đang triển khai tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Ảnh minh họa.
Hà Nội đang triển khai tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, đại diện Sở Công thương Hà Nội nêu ý kiến về hỗ trợ xây dựng khu trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu quảng bá sản phẩm trên nền tảng xã hội.

Sở Công thương đã và đang triển khai tổ chức các hoạt động thông tin truyền thông về hoạt động của các Trung tâm thiết kế sáng tạo; giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên mạng xã hội.

Liên quan vấn đề tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội đang tích cực tổ chức, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước. Tại các hội chợ này Trung tâm đã xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu và trình diễn sản phẩm làng nghề nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm tới du khách cũng như doanh nghiệp, hệ thống phân phối, các nhà nhập khẩu. 

Với mục đích trên, kết quả đều mang đến cho doanh nghiệp cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ báo cáo thành phố Hà Nội để tiếp tục được tổ chức các chương trình hội chợ tương tự để các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của các cơ sở, doanh nghiệp được đến tay người tiêu dùng.

Tác giả bài viết: NPV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây