Phấn đấu đến năm 2030, Nghệ An đáp ứng đủ nhu cầu về giống trồng rừng trên địa bàn tỉnh

Thứ ba - 19/03/2024 21:26 479 0

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 350/QĐ-UBND ngày 20/2 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp giai đoạn 2024 - 2030 nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đề án được phê duyệt hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng cải thiện từng bước phẩm chất di truyền; tăng nhanh năng suất, chất lượng rừng trồng, phát triển giống cây trồng lâm nghiệp theo vùng sinh thái, hướng đến quản lý và phát triển bền vững diện tích rừng trồng toàn tỉnh, góp phần nâng cao giá trị rừng trồng. 

Đến năm 2030, tỉnh sẽ thiết lập hệ thống nguồn giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng di truyền, dần chủ động được nguồn vật liệu giống phục vụ trồng rừng; tỷ lệ cây giống cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc giống đạt từ 95%, sinh khối rừng trồng tăng trưởng đạt từ 20-25m3/ha/năm. Phấn đấu đến năm 2030, hoạt động sản xuất, sử dụng giống thân thiện với môi trường được áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Bảo tồn nguồn gen các giống cây lâm nghiệp bản địa quý, hiếm để cung cấp vật liệu ban đầu cho nhân giống, tạo giống phục vụ sản xuất hàng hóa đối với các nguồn gen đã được công nhận. 

Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia sản xuất giống để đáp ứng đủ giống chất lượng cao phục vụ trồng rừng tập trung gắn với chuỗi sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản. Nâng cao nhận thức trong việc sử dụng giống lâm nghiệp chất lượng cao và được kiểm soát nguồn gốc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển rừng; quan tâm chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, chọn, tạo sản xuất giống chất lượng cao, chủ động trong sản xuất giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Đến năm 2030 đáp ứng đủ nhu cầu về giống trồng rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 41.500.000 cây giống các loại/năm (gồm cả cây phân tán) và khoảng 1.500.000 - 2.000.000 cây giống lâm sản ngoài gỗ để kết hợp trồng dưới tán rừng. 

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ gồm: Xác định danh mục các loài cây ưu tiên tại địa phương như nhóm loài cây lấy gỗ phục vụ trồng rừng kinh tế, nhóm loài cây trồng làm giàu rừng, trồng bổ sung trong khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, nhóm loài cây lâm sản ngoài gỗ, nhóm loài cây trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ngập nước.

Hỗ trợ khoảng 120 nghìn cây giống trồng vườn cây đầu dòng cho các đơn vị chủ rừng nhà nước để phục vụ nhân giống chất lượng cao. Điều tra, khảo sát, bình tuyển, chọn lọc công nhận khoảng 200-300 cây trội đặc hữu của tỉnh (Quế quỳ, Lim xanh, Samu, Pơ mu, Thông nhựa...). Xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống cơ sở nghiên cứu, hệ thống vườn ươm lâm nghiệp nâng cao giá trị kinh tế và hiệu quả trồng rừng. Xây dựng mới khoảng 10 vườn ươm cố định, phù hợp với quy mô, năng lực và đáp ứng nhu cầu sản xuất, cung ứng giống trên địa bàn. Củng cố, cải tạo, nâng cấp khoảng 13 vườn ươm thuộc các đơn vị chủ rừng nhà nước hiện đang hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Hỗ trợ khoảng 12 triệu cây giống mầm mô chất lượng cao được chuyển giao kỹ thuật để chăm sóc, huấn luyện phục vụ trồng rừng chất lượng cao cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp... với hình thức hỗ trợ sau đầu tư nhằm tiếp cận và nâng cao kỹ năng sản xuất cây giống mầm mô chất lượng cao phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn. Xây dựng tiêu chí lựa chọn hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống ngoài quốc doanh (HTX, Doanh nghiệp, Hộ gia đình...) nguồn giống gốc, cây đầu dòng. 

Bên cạnh đó, thực hiện các nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học, đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo và công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, công tác thanh tra, kiểm tra giám sát giống lâm nghiệp.  

UBND tỉnh cũng đề ra 4 giải pháp thực hiện. Trong đó, hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp; nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp; nâng cao năng lực quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giống cây trồng lâm nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giống lâm nghiệp nâng cao nhận thức cho người sử dụng giống. Cung cấp thông tin về các giống cây, công tác trồng, chăm sóc các loài cây bản địa trên địa bàn tỉnh cho các trang Website và Fanpage ứng dụng di động để hỗ trợ tư vấn lâm sinh, cảnh báo sớm về các vấn đề như dịch bệnh hoặc thay đổi khí hậu.

Đồng thời, cung cấp các hình thức hỗ trợ tài chính như khoản vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, hay hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu và sản xuất giống cây. Tạo các quỹ đầu tư với mục tiêu đầu tư vào các dự án nghiên cứu và sản xuất giống cây mới và cải tiến. Tập trung hỗ trợ đầu tư, thúc đẩy sớm hoàn thiện Trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ đưa vào vận hành để hình thành mạng lưới sản xuất giống lâm nghiệp chất lượng cao. Khuyến khích, các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất hiện có nâng cấp và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong xây dựng nguồn giống, cơ sở sản xuất giống có quy mô lớn, cung ứng giống ổn định, lâu dài theo yêu cầu chuỗi sản phẩm, sản xuất và cung cấp giống năng suất chất lượng và thích ứng biến đổi khí hậu...

Kim Oanh (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây