Hội thảo khoa học:“Giải pháp phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống thành hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An”.
Thứ hai - 29/11/2021 22:511.0730
Nhằm mục đích đưa ra những “Giải pháp phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống thành hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An” có hiệu quả trong thời gian tới, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An đã phối hợp với HĐND - UBND huyện Tân Kỳ tổ chức thành công hội thảo khoa học vào cuối tháng 10 năm 2021.
Tham dự hội thảo có Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường, UVBTV - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nghệ An, Đại diện Ban Tuyên giáo, Dân Vận Tỉnh ủy Nghệ An, UBMT TQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Sở Khoa học & CN; Công thương tỉnh Nghệ An; Sở Du lịch tỉnh Nghệ An; Liên minh HTX tỉnh Nghệ An; Văn phòng Điều phối CTMTQGXD NTM tỉnh Nghệ An; Hội DN Nhỏ và Vừa; Chi cục PTNT tỉnh Nghệ An. Đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa; tỉnh Hà Tĩnh và các chuyên gia.
Về phía Huyện Tân Kỳ có Đồng chí Bùi Thanh Bảo - TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Kỳ; Đồng chí Phan Sỹ Cường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Kỳ; Đồng chí Phan Văn Giáp - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ; đồng chí Nguyễn Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, Đại diện Thường trực HĐND huyện Tân Kỳ; cùng cán bộ các phòng, ban thuộc huyện và lãnh đạo các xã, thị trên địa bàn; Tại hội thảo các đại biểu cũng đã đánh giá Tân Kỳ là huyện miền núi thấp của tỉnh Nghệ An, có có tài nguyên thiên nhiên phong phú, tính đa dạng sinh học cao, nhiều dân tộc sinh sống; khí hậu, thổ nhưỡng, rừng núi và truyền thống bản sắc các dân tộc đặc sắc nên có nhiều cây, con đặc sản, sản phẩm đặc sản, nhiều sản phẩm truyền thống đã tồn tại và phát triển từ nhiều đời nay.
Các sản phẩm chủ yếu là sản phẩm từ nông nghiệp với các sản phẩm cây, con đặc sản của huyện như: Dê, trâu, bò, gà, trứng gà, mật ong, măng loi, cam sông Con, tinh bột nghệ, sắn dây… Các sản phẩm từ nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm; Dệt võng gai; Trồng dâu nuôi tằm; Làng chế biến miến gạo truyền thống; Sản xuất mật mía... Trong đó, có nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của chính người dân địa phương, người dân ở làng nghề, cộng với sự quan tâm của Nhà nước trong việc quảng bá, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, chứng nhận bảo hộ, vì vậy, nhiều sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống của Tân Kỳ phát triển mạnh. Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyện gia, doanh nghiệp đã có các tham luận, ý kiến đóng góp, gợi mở nhiều vấn đề, trong đó, tập trung vào các nội dung: Đánh giá thực trạng các đặc sản, sản phẩm truyền thống Tân Kỳ; Bàn về định hướng phát triển đặc sản của huyện và có chỉ dẫn địa lý, tập trung vào bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống mang đặc trưng của sản phẩm đặc sản của huyện; Xác lập và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp làng nghề..., xây dựng thương hiệu và tập trung quảng bá sản phẩm; Phát triển thương hiệu gắn với khắc phục điểm yếu của chuỗi giá trị; Vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất... Đặc biết các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu cũng đã thảo luận và đề xuất các giải pháp để phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống ở Tân Kỳ được bảo tồn và phát triển, sản xuất tập trung quy mô lớn thành hàng hóa và hình thành sản phẩm OCOP..., tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân, góp phần thúc đẩy xây dựng Nông thôn mới.
Đồng thời, gợi mở các vấn đề về cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp những sản phẩm đặc sản theo hướng sản xuất sạch, chế biến bảo quản sạch, có ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn và giữ giống gen một số cây, con đặc sản quý hiếm để duy trì, bảo tồn, phát triển; Cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), gắn với xây dựng Nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025. Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường ghi nhận những ý kiến đóng góp, tham luận của các đại biểu, cho rằng những gợi mở đó sẽ là tiền đề để huyện Tân Kỳ có những phương án, giải pháp, kế hoạch phù hợp để xây dựng sản phẩm truyền thống, đặc sản thành hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập cho người dân; góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), gắn với xây dựng Nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025.