Quá ít doanh nghiệp lớn đầu tư chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo

Thứ tư - 13/09/2023 10:22 322 0
Cả nước có 180 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo, trong đó chỉ có 50 doanh nghiệp báo cáo có liên kết sản xuất theo chuỗi, nhưng thực tế các doanh nghiệp làm theo chuỗi không nhiều.
Quá ít doanh nghiệp lớn đầu tư chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo
TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ảnh: Nguyễn Thủy.
Câu chuyện "bẻ kèo" và giá trị của hợp tác
Trước khi có chuyến công tác dài ngày, TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã dành cho tôi chút thời gian cùng trò chuyện về thực trạng trong liên kết sản xuất lúa gạo hiện nay tại nước ta.
Là người gắn bó với ngành nông nghiệp trong thời gian dài, lại thường xuyên làm việc, tiếp xúc với nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trên khắp mọi miền cả nước, TS Trần Minh Hải hiểu rõ về những khó khăn cũng như cơ hội của họ trong bối cảnh hiện nay.
Mở đầu câu chuyện, TS Trần Minh Hải không khỏi trăn trở khi hiện nay, vẫn còn nhiều nông dân canh tác manh mún, nhỏ lẻ, kém hợp tác, mạnh ai lấy làm, không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, có thể bẻ kèo bất cứ lúc nào nếu giá cao hơn 100-200 đồng/kg.
Vẫn còn nhiều doanh nghiệp cơ hội, không tham gia theo chuỗi, “ăn xổi ở thì” theo từng phi vụ chứ không nghĩ đến phát triển lâu dài bền vững,… Thực tế, hiện nay, doanh nghiệp thì thiếu nguyên liệu đạt chuẩn (VSATTP, truy xuất nguồn gốc,…) để sản xuất sơ chế chế biến và xuất khẩu, trong khi nông dân lại thừa. Chính vì vậy, hai bên không thể nào “gặp nhau”.
Khẳng định sự cần thiết của việc liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, và xem đây là hướng đi bền vững, quan trọng giúp Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, TS Trần Minh Hải thẳng thắn chỉ ra rằng, mô hình liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị hiện nay trên cả nước còn khá khiêm tốn.
Bằng chứng là hiện cả nước có 180 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo, trong đó chỉ có 50 doanh nghiệp báo cáo có liên kết sản xuất theo chuỗi, nhưng thực tế các doanh nghiệp làm theo chuỗi chưa tới 50.
TS Trần Minh Hải cùng cán bộ Lộc Trời tham quan mô hình trồng lúa tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
“Cả một ngành lúa gạo của Việt Nam mà số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất thấp, sẽ tiềm ẩn rủi ro và không bền vững cho tất cả các tác nhân trong chuỗi từ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp”, TS Hải nói và khẳng định, thực trạng của chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo hiện nay đang rất lỏng lẻo.
TS Hải cho rằng, cái khó của doanh nghiệp hiện nay trong vấn đề thu mua lúa gạo tập trung ở 4 điểm. Thứ nhất, áp lực cho doanh nghiệp về lò sấy, máy móc, cơ giới, ghe chở,… khi xuống giống đồng loạt trong cùng thời điểm. Thứ hai, khi thu hoạch nhiều nông dân vẫn còn để lại một vài hạt lúa còn tươi, xanh sẽ dễ dẫn đến bị lên nấm, mốc gây nhiễm khuẩn cho tất cả gạo chất lượng (như nấm độc Aflatoxin). Thứ 3, nông dân đòi trả tiền 100% khi giao lúa. Thứ 4, nhiều hợp tác xã không xuất được hóa đơn cho doanh nghiệp.
“Nông dân chỉ hiểu phần lợi cho mình, chứ không nghĩ tới làm gì để làm dịch vụ cho doanh nghiệp, không có tính chia sẻ với doanh nghiệp”, TS Hải nói.
Ở chiều ngược lại, thực tế là hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp “ăn xổi ở thì”, làm theo phi vụ nhỏ, khi giá thị trường lên, có thể trả thêm 100-200 đồng/kg lúa để thu mua gạo của bà con nông dân, mà không phải tốn các chi phí để làm theo chuỗi.
Phân tích về nguyên nhân số doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết trong sản xuất lúa gạo còn ít, TS Trần Minh Hải cho rằng, có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là vì các doanh nghiệp chưa có được lợi ích, chưa có được lợi nhuận khi tham gia chuỗi với nông dân.
“Đây là mấu chốt, không có lời thì người ta không làm”, TS Hải nói và phân tích, hiện chưa có ưu đãi cho doanh nghiệp làm theo chuỗi, chưa có chế tài xử lý các doanh nghiệp phá giá, cũng chưa có chế tài để bảo vệ cho doanh nghiệp làm đàng hoàng, nên rủi ro cho doanh nghiệp là rất lớn. Thứ hai, nông dân thích làm đơn lẻ, một khu đất có thể trồng đến 5-6 giống, chứ không trồng 1 giống. Thứ ba, vai trò của hợp tác xã hiện nay không đủ năng lực để làm dịch vụ, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cuối cùng, cấp ủy, chính quyền địa phương ở cấp xã, cấp huyện chưa cùng ngồi với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện liên kết theo chuỗi.
Khi Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do EVFTA, các nước châu Âu cho phép nhập khẩu trong hạn ngạch 100 nghìn tấn gạo, với thuế suất 0%. Nhưng năm 2021, Việt Nam chỉ xuất cho các nước châu Âu khoảng 20 nghìn tấn (Campuchia xuất 155 nghìn tấn). Đến năm 2022, Việt Nam xuất cho châu Âu khoảng 31 nghìn tấn gạo (Campuchia 221 nghìn tấn) với giá từ 1.000-1.300 USD/tấn. Tính riêng năm 2022, Việt Nam chỉ thu được 3,49 tỷ USD xuất khẩu gạo.
“Việt Nam còn nhiều cơ hội mà mình chưa khai thác hết”, TS Hải nói và khẳng định, bất kì doanh nghiệp, hợp tác xã nào có xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi sẽ thu về phần lợi nhuận lớn hơn rất nhiều và bán được ở nhiều thị trường “kỹ tính” với giá cao hơn. Điều này minh chứng rõ trong đợt dịch Covid-19 khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nếu doanh nghiệp nào có đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi, xây dựng các điểm bán hàng, đầu tư các tiêu chuẩn chất lượng thì hàng hóa tiêu thụ được, thậm chí là không đủ nguồn cung.
Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo “Cơm ViệtNam Rice” sang thị trường châu Âu
Chất lượng, chất lượng và chất lượng; hợp tác, hợp tác và hợp tác
Lần đầu tiên trong 30 năm xuất khẩu gạo, tháng 6/2022, Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu được gạo “Cơm Việt Nam Rice” trực tiếp sang thị trường châu Âu, đánh dấu cột mốc lớn trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của Lộc Trời nói riêng và ngành lúa gạo Việt Nam nói chung, giúp gia tăng giá trị cho hạt gạo Việt lên rất nhiều. Một trong những điều tạo nên thành công của Lộc Trời hôm nay, chính là nhờ vào việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo. Hiện Lộc Trời liên kết với khoảng 200.000 nông dân xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo trên diện tích khoảng 250.000ha.
Chính khi xây dựng được vùng nguyên liệu, đồng nhất cùng một giống, khi đó hợp tác xã, doanh nghiệp hoàn thiện theo chuỗi giá trị sản xuất, làm chuẩn về tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm soát được phân bón đầu vào, thủ tục hồ sơ nhanh hơn, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, công nghệ nhanh hơn, giảm chi phí đầu vào, ứng dụng công nghệ số để ghi chép được thời gian xuống giống, thu hoạch, để chủ động được phương tiện lò sấy...
Quy hoạch vùng trồng giúp lúa gạo Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về nhật ký sản xuất điện tử, truy xuất nguồn gốc, canh tác khoa học, tăng năng suất, chất lượng phù hợp với từng thị trường, từ đó giúp cạnh tranh về giá, tạo ra thương hiệu cho gạo Việt trên thị trường trong nước và thế giới. Đặc biệt, ổn định về sản lượng, có thể sẵn sàng tiếp thị ở những thị trường khó tính, bán được giá cao hơn.
“Khi có được vùng nguyên liệu tốt, thậm chí doanh nghiệp có thể đi “một lá bài cao hơn”, không tăng giá nhiều và đề nghị các đối tác phải mua lúa gạo có tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, bán gạo thương mại phải để chữ “made in Vietnam” và tên đơn vị, số điện thoại của doanh nghiệp sản xuất. Đó là cách tiếp thị khôn ngoan”, TS Hải gợi mở.
Mặt khác, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã các đề án thực hiện cơ giới hóa, nếu tận dụng làm vùng nguyên liệu lớn sẽ thuận tiện khi áp dụng cơ giới hóa, máy bay không người lái phun thuốc, công nghệ,… trong sản xuất lúa gạo. Tóm lại, có rất nhiều cái lợi khi xây dựng vùng nguyên liệu.
Dàn máy gặt của Tập đoàn Lộc Trời trên cánh đồng lúa đi EU.
Đối với các địa phương, theo TS Trần Minh Hải, về lâu dài các tỉnh phải làm bản đồ nông hóa thổ nhưỡng. “Chính bản đồ này phân tích được đất ở trên tầng mặt 5 tấc, 1 thước có dinh dưỡng gì, có nhiễm kim loại nặng hay không… giống như mình đi “khám bệnh”. Dựa vào biểu đồ này, khi trồng lúa sẽ xây dựng được câu chuyện sản phẩm. Lúc này chúng ta không bán sản phẩm nữa mà bán câu chuyện sản phẩm. Đây mới là vấn đề căn cơ mà các nơi chưa chú ý đến”, TS Hải nói.
Cũng theo ông Hải, từng tỉnh phải quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất lúa lớn tại một số địa phương gắn với hợp tác xã, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về vốn, nạo vét kênh mương, đường điện 3 pha để làm trạm bơm, kết hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới tạo thành những con đường giao thông, kênh mương để đưa cơ giới vào phục vụ sản xuất. Đồng thời, phải nâng cao năng lực làm dịch vụ cho các hợp tác xã như hợp tác xã tự tổ chức được máy gặt đập liên hợp, tự vận động bà con giao lúa đạt chuẩn, cam kết đúng thời gian giao lúa đến lò sấy (của doanh nghiệp),…
Để tăng tính liên kết của chuỗi, cần phải có sự tham gia của chính quyền địa phương. “Muốn doanh nghiệp và dân liên kết trồng lúa thì bí thư, chủ tịch đặc biệt là UBND huyện, xã chủ động gặp các doanh nghiệp. Hiện nay, một số lãnh đạo huyện ủy, UBND xã, huyện của một số địa phương đã gặp gỡ các doanh nghiệp để xúc tiến thương mại, mời gọi doanh nghiệp tham gia chuỗi, tôi cho đây là một chủ trương hay, cần đẩy mạnh, từ đó có những giải pháp hỗ trợ về hạ tầng, vốn... kịp thời”, TS Hải chia sẻ.
Theo số liệu thống kê, trung bình cả nước 1 hợp tác xã có 192 thành viên, riêng khu vực phía Nam dưới 100 thành viên. Ảnh: Đặng Tuấn Anh.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chương trình xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo lớn ở vùng Tứ giác Long Xuyên, cây ăn trái ở vùng Đồng Tháp Mười, cà phê ở Tây Nguyên… TS Trần Minh Hải đề nghị, nên đẩy mạnh ở các ngành hàng khác, đặc biệt đối với đề án 1 triệu ha lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải tập trung các chính sách để hỗ trợ, nâng cao chất lượng hạt lúa, khi đó sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp làm chuỗi hơn.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TS Trần Minh Hải đề nghị, nên có các chính sách hỗ trợ tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc, quản lý sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông các mô hình làm tốt, mô hình người dân và doanh nghiệp làm theo chuỗi để thúc đẩy những doanh nghiệp làm đơn lẻ tham gia chuỗi.
Đặc biệt, phải đầu tư nhiều hơn nữa năng lực kinh doanh cho các hợp tác xã để làm đối tác cho doanh nghiệp. “Đối với ngành lúa gạo, muốn nâng cao năng lực kinh doanh của hợp tác xã thì việc đầu tiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có chủ trương Luật hợp tác xã tháng 6/2023 có hiệu lực vào năm sau, yêu cầu các địa phương chuẩn bị quỹ đất cho hợp tác xã...
Hiện các nước siết xuất khẩu gạo, giá lúa gạo tăng, nhưng chỉ có khoảng 20% nông dân được hưởng lợi từ giá lúa tăng. Còn lại nhiều nông dân chủ yếu bán lúa non trước nên không được hưởng lợi, doanh nghiệp cũng gặp khó do không có nguyên liệu chất lượng, chỉ còn giới “cò” đang làm rối loạn thị trường.
Vì vậy, TS Trần Minh Hải cho rằng, giải pháp căn cơ hiện nay không còn cách nào khác là nông dân phải tham gia vào các hợp tác xã, liên kết chặt giữa hợp tác xã và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng trong chuỗi và hợp tác lâu dài để cùng chia sẻ, cùng hưởng lợi. “Chất lượng, chất lượng và chất lượng; hợp tác, hợp tác và hợp tác”, đó là lời khuyên TS Trần Minh Hải đưa ra đối với với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trước bối cảnh hiện nay.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây