Quốc hội quyết định đổi tên "thẻ căn cước công dân" thành "thẻ căn cước", phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số

Thứ hai - 27/11/2023 04:32 295 0
Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật Căn cước trong phiên làm việc sáng 27/11, gồm 7 chương, 46 điều, theo đó quyết định đổi tên thành Luật căn cước và thẻ căn cước.
Quốc hội quyết định đổi tên "thẻ căn cước công dân" thành "thẻ căn cước", phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số

Việc sử dụng tên gọi luật căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.

quoc hoi quyet dinh doi ten the can cuoc cong dan thanh the can cuoc hinh anh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên làm việc Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Căn cước. Ảnh: Internet

Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, thì việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.

“Từ những vấn đề trên, UBTVQH nhận thấy, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp” –  Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nói.

Về quy định chuyển tiếp, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung quy định về chuyển tiếp đối với căn cước công dân và chứng minh nhân dân tại khoản 3 Điều 46 như sau: “Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.”; theo đó, bổ sung khoản 2 Điều 45 quy định về hiệu lực thi hành như sau: “Quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2024”; đồng thời chỉnh lý một số nội dung của Điều 45 và Điều 46 bảo đảm cụ thể, rõ ràng và phù hợp với thực tế.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, có ý kiến nhất trí sự cần thiết quy định về căn cước điện tử trong dự thảo luật; báo cáo thêm về vấn đề bảo mật của thẻ căn cước gắn chip vì dễ bị xâm nhập, theo dõi.

UBTVQH cho biết, thẻ căn cước hiện nay được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.

Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu, nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước.

Bên cạnh đó, để khai thác được các thông tin trong chip điện tử phải sử dụng thiết bị chuyên dụng và các thiết bị này phải được Bộ Công an cung cấp mã bảo mật để xác thực, bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật thông tin.

Trường hợp các cơ quan nhà nước khác cung cấp thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin trong thẻ căn cước thì các thiết bị này đều phải được cơ quan chuyên môn của Bộ Công an kiểm tra và cung cấp mã bảo mật.

Luật Căn cước sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây