Thị xã Cửa Lò chính thức sáp nhập vào thành phố Vinh, Nghệ An còn 20 đơn vị hành chính cấp huyện

Thứ tư - 04/12/2024 22:08 113 0
Thành phố Vinh chính thức trở thành đô thị biển với quy mô dân số hơn nửa triệu người.
Ngày 1/12/2024, Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025 có hiệu lực.
Giai đoạn 2023 - 2025, Nghệ An thực hiện sắp xếp đối với 3 đơn vị (gồm 1 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp là thị xã Cửa Lò và 2 đơn vị liền kề có liên quan là thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc) đối với cấp huyện.
Cụ thể, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị xã Cửa Lò và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 4 xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong (Nghi Lộc) vào thành phố Vinh. Sau khi sắp xếp, thành phố Vinh có diện tích tự nhiên là 166,22 km2 và chính thức trở thành đô thị biển. Quy mô dân số của thành phố Vinh vượt nửa triệu người (580.669 người).
Với cấp xã, thực hiện sắp xếp 92 đơn vị (gồm 65/89 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 27 đơn vị liền kề có liên quan); 4 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp; không thực hiện sắp xếp đối với 24/89 đơn vị do có yếu tố đặc thù.
Sau sắp xếp, Nghệ An giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, từ 21 xuống còn 20 đơn vị gồm: Thành phố Vinh, 2 thị xã: Hoàng Mai, Thái Hòa và 17 huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên.
Tỉnh Nghệ An cũng giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã, từ 460 xuống còn 412 đơn vị, trong đó có 5 thị trấn thành lập mới gồm: Trà Lân (Con Cuông), Kim Nhan (Anh Sơn), Hoa Thành (Yên Thành), Diễn Thành (Diễn Châu) và Dùng (Thanh Chương) trên cơ sở sắp xếp các đơn vị hành chính.
Bên cạnh đó, Nghệ An cũng sáp nhập hàng chục xã với nhau để thành lập mới 29 xã gồm: Diên Hoa, Thịnh Trường (Nghi Lộc); Bạch Ngọc (Đô Lương); Bình Hợp, Hoàn Long (Tân Kỳ); Thuận Long, Văn Hải, Phú Nghĩa, Quỳnh Sơn, Minh Lương, Bình Sơn (Quỳnh Lưu); Minh Sơn, Thanh Quả, Kim Bảng, Xuân Dương, Minh Tiến, Mai Giang (Thanh Chương); Xuân Tháp, Ngọc Bích, Hùng Hải, Hạnh Quảng (Diễn Châu); Thịnh Mỹ, Thông Tân, Phúc Lợi (Hưng Nguyên); Nghĩa Thái, Xuân Hồng (Nam Đàn); Vân Tụ, Đông Thành (Yên Thành); Tam Đỉnh (Anh Sơn)
UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, yêu cầu hoàn thành công bố việc thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới trước 25/12/2024.
Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ có diện tích khoảng 16.490,25 km2, lớn nhất cả nước. Địa hình nghiêng theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, với 3 vùng sinh thái rõ rệt: miền núi, trung du, đồng bằng ven biển. Trong đó, miền núi chiếm tới 83% diện tích.
Danh xưng Nghệ An xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1030 dưới triều Vua Lý Thái Tông khi nhà vua cho đổi tên gọi Hoan Châu thành châu Nghệ An.
Theo Niên giám thống kê, dân số tỉnh Nghệ An đến năm 2020 là 3.365.198 người, chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn (với 84,5%). Mật độ dân số 204 người/km².
Dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống ở tỉnh Nghệ An trên 1,2 triệu người (chiếm 36% dân số toàn tỉnh). Đồng bào dân tộc thiểu số là 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh và chiếm 40,93% dân số trên địa bàn miền núi.
Nghệ An hiện có 47 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là: Thái (338.559 người), Thổ (71.420 người), Khơ Mú (43.139 người), Mông (33.957 người).
 

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây