Hiệu quả của mô hình sản xuất thử nghiệm chế phẩm dinh dưỡng cây trồng (BiO Fish.NA) từ phế phụ phẩm chế biến thủy sản bằng phương pháp sinh học thân thiện với môi trường
Chủ nhật - 27/10/2024 22:521200
Ngành thủy sản là một trong ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta, với tổng sản lượng thủy sản mỗi năm đạt khoảng 7 triệu tấn/năm. Do công nghệ xử lý thủy, hải sản còn hạn chế, nên lượng phụ phẩm thải ra trong quá trình sản xuất còn khá cao, với tỷ lệ khoảng 35 - 60% (tương đương 2 triệu tấn/năm). Ở Nghệ An, theo số liệu thống kê của Chi cục thủy sản cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023 tổng sản lượng thủy, hải sản đạt đạt 102.000 tấn, với nhiều khu chế biến thủy sản tập trung và nhiều cơ sở, doanh nghiệp tham gia chế biến, kinh doanh sản phẩm. Theo phân tích, lượng phụ phẩm của công nghiệp chế biến thủy, hải sản chiếm trung bình từ 15-20% tổng sản lượng chế biến, như vậy có thể thấy với sản lượng hơn 102.000 tấn thì lượng phụ phẩm từ chế biến thủy, hải sản năm 2023 của tỉnh đạt từ 15.300 tấn đến 20.400 tấn. Tuy lượng phụ phẩm từ chế biến thủy, hải lớn nhưng chỉ một phần nhỏ được sử dụng là nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất phân bón, chế biến thức ăn chăn nuôi, phần lớn còn lại trở thành phế phẩm gây lãng phí, thất thoát và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Sản phẩm Biofish.NA
Nhằm tận dụng được nguồn phế phụ phẩm, tạo ra các sản phẩm giá trị và giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Nghệ An đã tiến hành nghiên cứu sản xuất thử nghiệm chế phẩm dinh dưỡng cây trồng (BiO Fish.NA) từ phế phụ phẩm chế biến thủy sản bằng phương pháp sinh học thân thiện với môi trường. Với mục tiêu như trên, Trung tâm đã tiến hành thu gom nguyên liệu từ ao nuôi của nông dân và từ các cơ sở chế biến thủy hải sản, sau đó sơ chế bằng cách rửa và xay nghiền; cuối cùng là thủy phân bằng các chủng vi sinh vật để tạo ra sản phẩm sinh học. Sản phẩm BioFish.NA được tạo ra từ đạm cá có bổ sung 3 nhóm vi sinh vật gồm: Nấm men Saccharomyces sp giúp lên men, chuyển hoá nhanh các hợp chất hữu cơ trong cơ thịt cá thành các dạng phân tử nhỏ tạo dễ hấp thu bởi cây trồng, góp phần bổ sung thành phần đạm cho chế phẩm; vi khuẩn Lactobacillus sp giúp lên men đường tạo acid, ức chế mạnh các chủng vi khuẩn lên men thối, gây hại không chịu acid trong cá nguyên liệu; vi khuẩn Bacillus sp tiết enzyme giúp phân giải nhanh, mạnh protein và lipid trong cơ thịt cá thành acid amin và các acid béo tạo nguồn dinh dưỡng dễ hấp thu trong phân thành phẩm, đồng thời là nhóm vi khuẩn probiotic ức chế vi sinh vật lên men thối. Chế phẩm BioFish.NA cung cấp hàm lượng NPK hữu cơ, trung – vi lượng, enzyme, khoáng chất thiết yếu dạng axit amin cùng hàm lượng humic hữu cơ và mật độ vi sinh vật có lợi cao… Hiện nay, Trung tâm đang triển khai thử nghiệm sản phẩm BioFish.NA trên các đối tượng cây trồng như cây ăn quả ở thị xã Thái Hòa, cây rau màu và cây có củ ở huyện Diễn Châu. Như vậy, có thể thấy, việc tận dụng hiệu quả các phế phụ phẩm thủy sản như vỏ tôm, cua cá, vỏ giáp xác... bằng các phương pháp sinh học thân thiện với môi trường, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tận thu tái tạo tài nguyên, BVMT./.