CHƯA NÊN VỘI VÀNG GIEO TRỒNG VÀ SỬ DỤNG SẢN PHẨM CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN

Thứ ba - 04/05/2021 04:30 413 0
Thực chất biến đổi gen (BĐG) là sự thay đổi cấu trúc di truyền hay còn gọi là cấu trúc ADN vốn có của một sinh vật nào đó, có thể là cây trồng, vật nuôi để qua đó tìm kiếm những BĐG đạt mục tiêu như năng suất cao hơn, chống chịu sâu bệnh tốt hơn… và ngược lại cũng có những BĐG hoàn toàn bất lợi cho con người. Chính vì vậy việc tạo ra sinh vật biến đổi gen (genetically Modified Oganisms (GMO) hiện nay đang là một đề tài gây tranh cãi của nhiều nhà khoa học trên thế giới chưa có hồi kết.
Việt Nam đã có cây trồng và sản phẩm biến đổi gen chưa ?
Bộ NN & PTNT vừa phê duyệt 4 giống ngô BĐG vào gieo trồng ở Việt Nam, đó là giống ngô NK66 Bt-11/Gt, MIR 162 của Công ty Syngenta Việt Nam thuộc Tập đoàn Syngenta Thụy Sỹ và các giống ngô Mon 89034, NK 603 của Công ty Dekalb Việt Nam thuộc Tập đoàn Monsanto Hoa Kỳ. Những giống ngô này chủ yếu các địa phương đang sản xuất thử. Riêng ở Nghệ An có một số cơ sở sản xuát như ở Diễn Mỹ (Diễn Châu), Hội Sơn (Anh Sơn) và một số địa phương khác đã sản xuất trên quy mô 5 - 10 ha. Ưu điểm của các giống ngô BĐG kháng được sâu đục thân, kháng được thuốc trừ cỏ dại. Nhưng về năng suất thì không cao hơn các giống ngô lai đơn của ta đang sản xuất hiện nay. Trong khi đó giá 1 kg ngô giống BĐG phải mua với cái giá từ 185.000 - 200.000 đồng, còn giá 1 kg giống ngô lai đơn chỉ có giá từ 65.000 - 85.000 đồng. Không những thế, khi mua hạt giống ngô BĐG còn phải mua thêm thuốc diệt cỏ và trong loại thuốc diệt cỏ của họ sản xuất có chứa chất glyphosate. Theo cơ quan nghiên cứu Quốc tế về chống bệnh ung thư thì glyphosate là loại chất rất dễ gây ra bệnh ung thư cho con người không nên dùng.
Về sản phẩm BĐG, theo ông Cao Đức Phát nguyên Bộ trưởng Bộ NN & PTNT cho biết: Mấy năm nay, mỗi năm Việt Nam nhận hàng triệu tấn ngô, đậu nành và khô dầu đậu nành từ Mỹ, Brazil, Argentina về Việt Nam để chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, làm thực phẩm, tất cả đều là sản phẩm BĐG.
Còn theo ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết: Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ, Brazil, Argentina về 4 - 5 triệu tấn ngô hạt, 3,5 triệu tấn khô dầu đậu nành, 1,5 triệu tấn hạt đậu nành. Trong đó ngô và khô dầu để chế biến thức ăn chăn nuôi, hạt đậu nành dùng để sản xuất dầu ăn, làm đậu phụ. Tất cả đều là sản phẩm BĐG và đã nhập vào Việt Nam từ nhiều năm nay.
Cũng theo ông Lê Bá Lịch: đúng ra sản phẩm BĐG như thức ăn chăn nuôi, dầu ăn, đậu phụ… theo quy định của tổ chức an toàn thực phẩm Quốc tế phải ghi rõ chữ: sản phẩm biến đổi gen để người tiêu dùng biết, còn mua hay không là do họ quyết định. Ở Việt Nam các cơ quan có chức năng có biết nhưng không quản lý được và cũng không thông tin cho người tiêu dùng biết đó là sản phẩm BĐG. Cho dù biết cũng không làm gì được, vì không có đủ máy móc, công nghệ và nhân lực để kiểm tra, đó là sản phẩm BĐG.
Như vậy các giống ngô BĐG đã chính thức vào Việt Nam gieo trồng từ 2015 và các sản phẩm của cây trồng BĐG đã vào Việt Nam từ nhiều năm nay rồi mà người tiêu dùng hầu như chưa ai biết gì về vấn đề này.
Ý kiến của một số nhà khoa học về cây trồng BĐG:
Theo GS, Viện sĩ Trần Đình Long - Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam các giống ngô BĐG của các hãng nước ngoài khảo nghiệm tại Việt Nam như Monsanto, Syngenta thực chất chỉ kháng được thuốc diệt cỏ, sâu đục thân, nó không giải quyết được vấn đề năng suất. Thậm chí sự lệ thuộc vào nguồn giống đắt đỏ cũng như thuốc trừ sâu và phân bón là nội dung chính ẩn chứa đằng sau việc đưa ngô BĐG vào gieo trồng đại trà. Vì vậy quyết định đưa các giống ngô BĐG vào sản xuất ở nước ta là một quyết định cần suy nghĩ.
Đồng quan điểm của GS, VS Trần Đình Long có GS, TSKH Trần Hồng Uy nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu ngô Việt Nam khẳng định: Không chấp nhận việc sử dụng cây trồng BĐG, bởi nó không giải quyết được bất cứ việc gì. Ngô BĐG không giúp tăng năng suất, đồng thời có những biến dị không thể biết trước được. Nếu các công ty giống nước ngoài đang cổ vũ rất mạnh để đưa ngô BĐG vào sản xuất, thực chất là để nông dân ngày càng phụ thuộc vào họ.
Cũng theo GS, TSKH Trần Hồng Uy rất nhiều nước trên thế giới không cũng hộ cây trồng BĐG, cụ thể ngay tại phía tây nước Mỹ gieo trồng 1 triệu ha ngô BĐG, sau đó người dân ở đây biểu tình phản đối không trồng nữa. Còn tại liên minh Châu Âu (EU), Ấn Độ và ở Châu Á có Nhật Bản cấm gieo trồng và sử dụng sản phẩm BĐG.
Hạ viện Pháp tháng 4/2014 thông qua dư luận cấm gieo trồng các giống ngô BĐG vì lo ngại nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.
Trên thế giới hiện nay mới có 29/193 quốc gia và vùng lãnh thổ c
hấp nhận gieo trồng và sử dụng sản phẩm BĐG, trong đó Việt Nam là quốc gia thứ 29 cho phép gieo trồng và sử dụng sản phẩm BĐG.
Chưa nên vôi vàng
Sự khác biệt giữa cây ngô BĐG và cây ngô lai đơn mà bà con nông dân ta đang gieo trồng hiện nay, đó là khả năng kháng sâu đục thân, kháng thuốc trừ cỏ của các giống ngô BĐG tốt hơn. Vì các giống ngô BĐG có mang sự kiện chuyển gen Bt 11 kháng sâu đục thân và chuyển gen GA 21 kháng thuốc trừ cỏ. Nhưng phải lưu ý rằng: Các Công ty Syngenta và Monsanto khi bán hạt giống ngô BĐG họ yêu cầu người mua giống phải mua kèm theo thuốc diệt cỏ. Trong thuốc diệt cỏ của họ có chứa chất glyphosate là loại hóa chất cực kỳ nguy hiểm dễ gây ra căn bệnh ung thư ở người và gây ô nhiễm môi trường đất lâu dài. Mặc khác phải tính toán cho kỹ nên hay không mua loại hạt giống ngô BĐG, do năng suất không cao hơn ngô lai đơn chúng ta đang gieo trồng hiện nay và lại phải mua với giá cao hơn trên 100.000 đ/kg giống thì không thể có hiệu quả kinh tế bằng việc cứ gieo trồng các giống ngô lai đơn đang gieo trồng hiện nay như: ngô LVN 14, CP 999, CP 111, Bio-06…, lại không ngại ngần gì về ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi trồng và sử dụng sản phẩm cây trồng BĐG. Vì vậy không nên vội vàng gieo trồng các giống ngô BĐG. Gieo trồng giống ngô gì cũng phải mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường khi đưa giống cây trồng BĐG vào gieo trồng mà chưa hiều biết gì về tính ưu việt của giống đó.
Không ngẫu nhiên mà cả thế giới mới chỉ có 29/193 quốc gia và vùng lãnh thổ chấp nhận trồng và sử dụng cây trồng BĐG. Đặc biệt các nước Châu Âu và Nhật Bản là những quốc gia giàu có, khoa học phát triển mà họ đã từ chối thì chúng ta phải suy nghĩ kỹ, chưa nên vội vàng làm ngay khi mà chúng ta thực sự chưa hiểu biết nhiều về bản chất và hậu quả của cây trồng BĐG. Theo GS, VS Trần Đình Long: "Đáng ra Việt Nam phải đầu tư cái của mình, phải tổ chức sản xuất, giới thiệu quảng bá những giống tốt của mình. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu các giống ngô BĐG của việt Nam để nắm thế chủ động, đằng này lại thích các công ty nước ngoài.
Cũng theo GS, VS Trần Đình Long, Việt Nam đã gia nhập WTO nên không thể ngăn cản việc các công ty nước ngoài đưa giống cây trồng vào Việt Nam. Tuy nhiên cũng không nên khuyến khích một cách vội vàng mà phải làm chủ giống của mình, khi ấy Việt Nam mới có thể cạnh tranh được, đặc biệt khi Việt Nam đang là một nền nông nghiệp gia công.
Từ những nội dung trao đổi nói trên, chúng ta thấy trong lúc chưa rõ ràng về tính an toàn của cây trồng và sản phẩm BĐG cũng như hiệu quả kinh tế thu được qua một số cơ sở sản xuất thử hạt giống ngô BĐG ở tỉnh ta vừa qua cho thấy chúng ta chưa nên vội vàng đem các giống cây trồng BĐG nói chung, trong đó hiện nay chủ yếu là cây ngô vào gieo trồng. Đúng như GS Nguyễn Quốc Vượng - Trường Đại học RMIT - Úc đã nói: "Việt Nam có cần thiết hay nhất thiết phải phát triển cây trồn BĐG không ? Đứng về góc độ kinh tế Việt Nam, theo tôi phát triển cây trồng BĐG là chưa cần thiết".
 

Tác giả bài viết: Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây