PHÒNG CHỐNG VIRUS COVID - 19

Thứ bảy - 20/06/2020 04:50 515 0
Tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới (Covid-19) trên thế giới có chiều hướng diễn biến phức tạp khiến nhiều người tăng cường cảnh giác. Các thông tin về diễn tiến dịch, ứng phó của các quốc gia, ý kiến chuyên môn của người trong ngành y cũng như cách phòng tránh, triệu chứng bệnh rất được quan tâm. Sau đây là một số biện pháp cơ bản trong phòng chống COVID 19
 

1, Đeo khẩu trang đúng cách như thế nào?

Cách đeo khẩu trang y tế đúng cách theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO), các bạn cần đảm bảo các yêu cầu sau:
 
  • Đeo khẩu trang phải ôm sát, vừa vặn vào khuôn mặt : phải đảm bảo che kín được mũi, miệng và không có khe hở nào giữa các mép khẩu trang và mặt.
  • Chúng ta sẽ đeo mặt màu trắng đeo vào trong, màu xanh nằm phía ngoài.
  • Sau khi mắc 2 dây vào tai, kéo nhẹ cạnh dưới xuống quá cằm 1 chút, gọng chì lên trên cánh mũi và dùng tay bóp thanh chì sao cho ôm khít vào sóng mũi. 
  • Dùng ngón cái và trỏ miết nhẹ hai bên khẩu trang để khít vào má.

Ngoài ra, bạn cần ghi nhớ một vài lưu ý cơ bản trong cách đeo khẩu trang y tế.

 
 – Không nên chạm vào mặt khẩu trang và cần phải rửa tay khi thay đổi khẩu trang.
 
– Tuyệt đối không kéo ló phần miệng ra ngoài để nói chuyện với người khác hoặc chỉ che miệng nhưng để hở mũi.
 
– Không có thói quen treo, móc khẩu trang trên xe hoặc bỏ vào túi quần.
 
– Với loại khẩu trang y tế thông thường (màu xanh nhạt), chỉ nên dùng một lần hoặc tối đa một ngày.
 
– Khi thanh lý những chiếc khẩu trang y tế, bạn không được vứt bừa bãi mà phải cho vào thùng rác để tránh vi khuẩn có cơ hội phát tán.

2, Khuyến cáo Rửa tay cần thiết không kém so với việc đeo khẩu trang:
         Các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết, các bệnh truyền nhiễm đã và đang diễn ra trong cộng đồng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách giữ gìn vệ sinh, trong đó có rửa tay bằng xà phòng. Việc rửa tay với xà phòng thường xuyên giúp giảm 35-47% nguy cơ các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn... 
         Những năm gần đây, Bộ Y tế đã phát động Phong trào vệ sinh yêu nước trong đó có triển khai rửa tay với xà phòng ở tại bệnh viện và cộng đồng. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cần rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng. Quy trình rửa tay cần đảm bảo làm sạch các ngón tay, mu bàn tay, kẽ ngón tay, lòng bàn tay. Thời gian mỗi lần rửa tay tối thiểu là 30 giây.
+ Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
+ Rửa tay sau khi ho, hắt hơi mà phải dùng tay che miệng,
+ Rửa tay sau khi tiếp xúc với đồ vật công cộng có nguy cơ nhiễm virut cúm, bắt tay với người nghi nhiễm cúm...


     - Các bước rửa tay cụ thể:
Bước 1: Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay vào nhau.
Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.
Bước 4: Dùng đầu ngón tay của bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.
Bước 6: Xả cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.

- Lưu Ý:
+ Chỉ cần rửa sạch tay với xà phòng diệt khuẩn bình thường.
+ Rửa nhiều lần trong ngày.
+ Bỏ thói quen bắt tay khi gặp nhau trong mùa dịch.
+ Lau sạch những nơi hay chạm tay vào như chốt cửa, chìa khóa, mặt bàn, vòi nước... bằng chất tẩy rửa thông thường.
3, Việc bạn cần làm khi có dấu hiệu ho, sốt
Tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới (Covid-19) trên thế giới có chiều hướng diễn biến phức tạp khiến nhiều người tăng cường cảnh giác. Các thông tin về diễn tiến dịch, ứng phó của các quốc gia, ý kiến chuyên môn của người trong ngành y cũng như cách phòng tránh, triệu chứng bệnh rất được quan tâm. 
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các triệu chứng thường gặp ở người nhiễm Covid-19 là sổ mũi, đau họng, ho và sốt... Đáng nói, những triệu chứng này cũng tương tự như bệnh cúm mùa nên rất dễ nhầm lẫn với nhau.
Điều này khiến nhiều người chỉ cần hắt hơi, sổ mũi nhẹ cũng đã vội vàng đi khám, dẫn đến các cơ sở y tế bị quá tải, thậm chí còn ảnh hưởng đến chính kinh tế của bạn.
Trừ khi gần đây bạn đi du lịch đến Trung Quốc hoặc tiếp xúc với người đã được xác định là nhiễm 2019-nCoV, bạn nên coi bất kỳ triệu chứng ho hoặc cảm lạnh nào là bình thường.
Tổ chức NHS (National Honor Society) của Mỹ khuyến cáo rằng, bạn không cần phải đến gặp bác sĩ để trị ho trừ khi ho kéo dài hoặc bạn đang có các triệu chứng khác như đau ngực, khó thở hoặc cảm thấy rất không khỏe. Để tránh lây nhiễm chéo, bạn có thể chọn cách thăm khám qua điện thoại hoặc trực tuyến.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những đối tượng dễ lây nhiễm virus corona (Covid-19) có thể là:
- Người sinh sống hoặc đi đến khu vực có Covid-19 đang có dịch là có nguy cơ nhiễm bệnh. Hiện tại, dịch Covid-19 đang bùng phát tại Trung Quốc - nơi đại đa số người nhiễm bệnh đã được báo cáo. Những người nhiễm bệnh tại các quốc gia khác là những người gần đây đã đi đến Trung Quốc hoặc đang sinh sống/ tiếp xúc gần với những người đó như người nhà, đồng nghiệp hoặc nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân trước khi họ biết bệnh nhân bị nhiễm Covid-19.
- Nhân viên y tế chăm sóc cho người nhiễm Covid-19 có nguy cơ cao hơn và phải tự bảo vệ mình bằng các biện pháp dự phòng và kiểm soát lây nhiễm.
Thế nên nếu bạn không thuộc nhóm những đối tượng dễ nhiễm đã khuyến cáo kể trên, chưa có triệu chứng gì, hoặc xuất hiện triệu chứng cúm nhẹ, việc ta nên làm là tự cách ly tại nhà.
Bộ Y tế đã hướng dẫn chi tiết cách ly tại nhà để phòng dịch như sau:
- Thời gian cách ly tối đa 14 ngày, được tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam. Khi người nghi ngờ mắc bệnh được chẩn đoán loại trừ không mắc bệnh, những người được cách ly có liên quan sẽ kết thúc việc cách ly.
- Người được cách ly chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng, giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2m và tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày.
- Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly; không ăn chung cùng những thành viên trong gia đình, nơi lưu trú; không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú.
Đồng thời, thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.
Từ những thông tin trên, có thể thấy không phải cứ có những dấu hiệu bất thường là bạn cần phải đi khám ngay mà cần chủ động cách ly tại nhà, tuy nhiên trong quá trình cách ly bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn Bộ Y tế ban hành để đảm bảo không lây nhiễm nguồn bệnh ra ngoài (nếu có).
Đối với các em học sinh được nghỉ học ở nhà, phụ huynh cần biết cách chăm sóc trẻ phòng bệnh, giúp các em tránh được các nguy cơ lây nhiễm COVID-19 (nCoV).

 Theo các chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện chưa tìm ra bằng chứng và cơ sở khoa học để giải thích được vì sao COVID-19 (nCoV) ít tấn công trẻ em, tuy nhiên cha mẹ cần thực hiện các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh cho trẻ tại nhà, để tránh lây nhiễm bệnh trong mùa dịch.
Vì vậy, cần đặc biệt chú ý với những trẻ có bệnh nền (tim, viêm phổi mạn tính…), cha mẹ cần giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ như: Rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ít nhất 20 giây; cho trẻ súc miệng, họng bằng nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh, vệ sinh môi trường và tiêm phòng các bệnh cho trẻ đầy đủ.
Bên cạnh đó, trẻ cần được tránh các nguồn lây bệnh bằng cách: Hạn chế để trẻ tiếp xúc nơi đông người, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp tính (có các triệu chứng sốt, ho, khó thở). Trong trường hợp phải đi đến các nơi tập trung đông người phải đeo khẩu trang y tế đúng cách, giữ khoảng cách khi tiếp xúc cho trẻ.
Cha mẹ cần che miệng và mũi cho trẻ khi trẻ ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
Trẻ cần được giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý; đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín; rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc động vật nuôi như chó, mèo.
Hàng ngày, cha mẹ cần tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa; thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.
Đặc biệt, khi trẻ có các triệu chứng sốt, ho, khó thở... cần thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.
 
4, Khuyến cáo cách phòng chống bệnh do virus nCoV tại nơi làm việc 
       Theo Bộ Y tế, bệnh nCoV là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: sốt, ho, khó thở, có trường hợp viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý mạn tính.
       Một số người nhiễm vi rút nCoV có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ, không rõ triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.
Khuyến cáo đối với người lao động:
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn);
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng;
- Che kín miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Giặt sạch khăn hoặc bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa sạch tay;
- Duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể, ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất, giữ ấm mũi họng, nâng cao thể trạng;
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở), trong trường hợp cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc;
- Nếu thấy bản thân hoặc người cùng làm việc có các biểu hiện sốt, ho, khó thở,… thì cần thông báo cho người sử dụng lao động, người làm công tác y tế tại cơ sở lao động để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

Khuyến cáo đối với người sử dụng lao động:
- Bố trí chỗ rửa tay bằng nước sạch với xà phòng hoặc cung cấp các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn);
- Duy trì vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên lau nền nhà và khử trùng các bề mặt các đồ vật tại nơi làm việc có thể có vi rút như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, điện thoại dùng chung, bàn phím máy tính, mặt bàn,… bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác;
- Đảm bảo thông gió tốt, tăng cường thông gió tự nhiên tại nơi làm việc;
- Có quy định và hướng dẫn người lao động cách tự bảo vệ, thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế khi có các biểu hiện mắc bệnh hoặc tiếp xúc với người nghi mắc bệnh. Có cơ chế cho phép người lao động làm việc tại nhà hoặc bố trí ca làm việc linh động đối với những trường hợp nghi mắc bệnh (nếu được);
- Các cơ sở lao động có bộ phận tiếp tân, hàng không, hải quan, ngân hàng, ngành dịch vụ,… tiếp xúc với nhiều người cần cung cấp và hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng cách cho người lao động và cân nhắc lắp đặt hệ thống kính ngăn tại các khu vực tiếp xúc, giao dịch;
- Khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần thực hiện cách ly ngay đồng thời thông báo cho cơ quan y tế địa phương.


 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây