Đưa khoa học công nghệ làm nền tảng để phát triển kinh tế dược liệu

Thứ hai - 18/04/2022 05:17 915 0
Với chủ trương: “khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững đất nước” (Luật Khoa học công nghệ năm 2000). Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống thể chế pháp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ. Các hệ thống luật và văn bản pháp luật quan trọng được xây dựng như Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Luật Chuyển giao công nghệ 2006, Luật Công nghệ cao 2008…. Tiếp theo đó là hàng loạt các chính sách liên quan đến phát triển khoa học công nghệ và vận dụng khoa học công nghệ vào phát triển vùng nông thôn. Về số lượng, có đến hàng trăm chính sách liên quan ở các cấp độ khác nhau từ Trung ương đến địa phương. Có thể chia thành 5 nhóm khác nhau: i-Nhóm cơ chế, chính sách chung về khoa học công nghệ; ii-Nhóm cơ chế, chính sách tạo nguồn lực cho khoa học công nghệ; iii-Nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ; iv- Nhóm cơ chế, chính sách huy động nguồn nhân lực khoa học công nghệ; v-Nhóm cơ chế, chính sách hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ. Một điểm chung là trong hấu hết các quy định, chính sách của nhà Đảng và Nhà nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ như là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng. Điểm đáng lưu ý về khoa học công nghệ chính là định hướng phát triển và ưu tiên cho các khu vực nông nghiệp và phát triển các khu vực nông thôn khó khăn. Đây cũng là sơ sở để nhiều địa phương xây dựng những chính sách phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển vùng nông thôn khó khăn, trong đó có việc phát triển kinh tế dược liệu.
Đưa khoa học công nghệ vào làm động lực để phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là vùng miền núi đã được tỉnh Nghệ An quan tâm từ lâu và theo sát các chính sách chung của Đảng và Nhà nước. Từ 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đây là quy hoạch quan trọng làm nền tảng để xây dựng các chính sách phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong đó có nhấn mạnh xem khoa học công nghệ là nền tảng, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. Sang năm 2010, UBND tỉnh lại phê duyệt Quy hoạch phát triển miền kinh tế - xã hội Tây Nghệ An đến năm 2020, trong đó có nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ như là một động lực quan trọng để phát triển vùng miền núi. Đến tháng 10/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định phê duyệt đề án “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội 4 huyện thuộc chương trình 30A vùng miền Tây Nghệ An giai đoạn 2014-2020”. Mục tiêu tổng quát của đề án là “Ứng dụng các tiến bộ KH&CN khai thác tiềm năng, lợi thế tài nguyên thiên nhiên và môi trường để tạo ra sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện thuộc chương trình 30a vùng miền Tây Nghệ An”. Và tập trung vào các mục tiêu cụ thể: i- Thúc đẩy phát triển các vùng nguyên liệu cây, con nhanh và bền vững ở các huyện. ii- Phục hồi và phát triển các cây trồng, vật nuôi đặc sản bản địa, các sản phẩm truyền thống của từng huyện, nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, chất lượng cao và thương hiệu mạnh. Iii- Bước đầu đề xuất mô hình và chính sách phát triển bền vững cho 4 huyện thuộc chương trình 30a vùng miền Tây Nghệ An. Trong đề án này cũng nhấn mạnh đến việc phát triển kinh tế dược liệu: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây dược liệu tạo ra các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường. Để làm được điều này, đề án cũng nhấn mạnh đến các nội dung chính: Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trồng và khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển các loại cây dược liệu sẵn có của địa phương để tạo ra sản phẩm có khối lượng lớn; Điều tra, khảo sát, nghiên cứu trồng thử nghiệm và phát triển một số loài sâm bản địa; Xây dựng được các vùng nguyên liệu chuyên trồng cây dược liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến dược liệu, thực phẩm chức năng, như phát triển các giống cây Đảng sâm, Hoàng đằng, Thạch hộc, Kê huyết đằng, Cẩu tích, Sa nhân, Thiên niên kiện, Thổ phục linh, lan Kim tuyến, Trà hoa vàng, cây Mật nhân, Ngũ gia bì gai, Sì to, Sâm cau, Bình vôi, Gấc....; Nghiên cứu du nhập một số cây dược liệu quý đưa vào trồng trên địa bàn (cây lạc tiên, đông trùng hạ thảo, sâm ngọc linh...); Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến sản phẩm dược liệu, thực phẩm chức năng từ các cây dược liệu sẵn có trên địa bàn tạo thành các sản phẩm hàng hóa. Như vậy, có thể thấy rằng, việc đưa khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế dược liệu đã được quan tâm trong khoảng một thập kỷ qua. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của việc đưa khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế dược liệu, chúng ta cũng cần có cái nhìn bao quát hơn để từ đó có những biện pháp phù hợp hơn.
Đưa khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế dược liệu:
Thứ nhất, cần đưa khoa học công nghệ đi trước để khảo sát, đánh giá tiềm năng về kinh tế dược liệu của các địa phương. Chúng ta đã tiến hành những nghiên cứu, đánh giá nguồn tiềm năng kinh tế dược liệu của tỉnh, dù là đánh giá sơ bộ hay chi tiết ở một số vấn đề thì cũng là cơ sở cần thiết. Tuy nhiên, đó mới là cơ sở bước đầu cho những quy hoạch chung, đề án chung của tỉnh. Còn để phát triển kinh tế dược liệu thì cần phải có những khảo sát, đánh giá cụ thể của từng địa phương, từng điểm quan trọng để lựa chọn mô hình và sản phẩm dược liệu để phát triển. Những nghiên cứu này phải đi vào nhiều nội dung, từ tiềm năng tự nhiên, tiềm năng kinh tế và cả tiềm năng văn hóa liên quan đến dược liệu. Điều đó đòi hỏi nhiều lĩnh vực khoa học cùng tham gia.
Thứ hai, đưa khoa học công nghệ vào nuôi trồng dược liệu. Ngày trước, người dân chủ yếu khai thác dược liệu tự nhiên để phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Nhưng hiện nay, khi phát triển kinh tế dược liệu thì nguồn dược liệu tự nhiên thôi là không đủ nguồn nguyên liệu. Vậy nên, việc trồng nguyên liệu sẽ trở thành vấn đề quan trọng. Các kỹ thuật ươm rồi trồng dược liệu cũng không đơn giản theo kinh nghiệm như trước mà phải có đầu tư phát triển trên cơ sở khoa học công nghệ từ xử lý giống, lựa chọn và nhân giống, quá trình chăm bón đến việc trồng và thu hoạch dược liệu. Phải ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc lựa chọn từ các nguồn gen dược liệu tự nhiên để nhân lên để trồng mở rộng thành vùng nguyên liệu.
Thứ ba, đưa khoa học công nghệ vào chiết xuất dược liệu. Đây có lẽ là bước quan trọng nhất, và cần phải đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào nhiều nhất. Nếu không có khoa học công nghệ để chiết xuất dược liệu thành sản phẩm hàng hóa phân phối ra thị trường thì không có điều kiện để phát triển kinh tế dược liệu thành một lĩnh vực kinh tế mạnh như mong đợi. Người ta không thể sử dụng phương pháp thủ công để chiết xuất dược liệu thành hàng hóa cung cấp cho thị trường được. Việc này đòi hỏi những quy trình công nghệ phức tạp hơn, từ xử lý nguyên liệu đến việc chế biến thành sản phẩm rồi đóng chai lọ, nhãn mác đến kiểm tra kiểm định đều cần có quy trình công nghệ của nó. Thực tế, trong giai đoạn vừa rồi, nhiều doanh nghiệp và địa phương ở Nghệ An đã đầu tư vào công nghệ để chiết xuất dược liệu. Nhiều sản phẩm hàng hóa đã được đưa ra thị trường từ dược phẩm cà gai leo, chanh leo, các loại sâm, trà túi lọc,…. Tuy nhiên, việc nhiều nơi vẫn bán dược liệu dạng thô còn khá phổ biến. Điều đó cho thấy công nghệ chiết xuất hiện đại mới chỉ được ứng dụng ở một số doanh nghiệp và một số tổ chức thuộc nhà nước trong lĩnh vực dược liệu chưa thật sự phổ biến. Và nó cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế dược liệu hiện nay.
Thư tư, đưa khoa học công nghệ vào xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh để phát triển kinh tế dược liệu. Đây cũng là một vấn đề quan trọng trong việc xây dựng và khẳng định thương hiệu các loại sản phẩm trong phát triển kinh tế dược liệu. Dù đã có nhiều sản phẩm dược liệu được đưa ra thị trường nhưng nhìn chung công tác truyền thông để xây dựng thương hiệu vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là chưa có các chiến lược truyền thông dựa trên thành tựu khoa học công nghệ cho từng sản phẩm. Có những sản phẩm dược liệu được phát triển ở nhiều địa phương và các doanh nghiệp cũng như những người dân tham gia đã liên kết với nhau thành từng mạng xã hội về các sản phẩm này. Điều đó cho phép họ chia sẻ thông tin rộng rãi cũng như tương tác và quảng bá thương hiệu để cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, ở Nghệ An, chưa hình thành được những mạng lưới sản phẩm dược liệu có sức lan tỏa để vừa hợp tác vừa cạnh tranh với các dòng sản phẩm khác của các nơi khác. Sự quảng bá hình ảnh vẫn tập trung vào một số kênh truyền thống như là báo chí, truyền hình. Trong khi nhiều kênh thông tin hiện đại mà khoa học công nghệ đưa lại như là mạng xã hội thì ít được vận dụng. Vậy nên, việc đưa khoa học công nghệ vào quảng bá hình ảnh cần nhiều cấp độ khác nhau và đa dạng hóa các loại hình tổ chức cũng như kênh truyền tải sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Nói tóm lại, khoa học công nghệ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế dược liệu nói riêng cũng như quá trình phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nói chung. Vai trò đó đã được khẳng định rõ ràng trong các chính sách của Đảng và Nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương. Và thực tế, nhiều chính sách phát triển khoa học công nghệ để phát triển kinh tế dược liệu đã được đưa ra và thực hiện. Nhưng để các chính sách này đạt hiệu quả thì vấn còn nhiều việc phải làm. Khoa học công nghệ cần thiết cho toàn bộ quy trình từ nghiên cứu, đánh giá thực trạng tiềm năng dược liệu của một địa phương để xây dựng đề án phát triển, lựa chọn nhân giống và trồng dược liệu, chiết xuất dược liệu thành sản phẩm để đưa ra thị trường đến quảng bá thương hiệu và xây dựng hình ảnh phát triển kinh tế dược liệu. Nhưng ở các giai đoạn, các cấp độ khác nhau thì vai trò đó thể hiện khác nhau. Và việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng có nhiều hình thức, cấp độ tổ chức khác nhau. Các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư lớn để phát triển các quy trình kỹ thuật nhằm phát triển kinh tế dược liệu, nhưng các địa phương, các hộ gia đình hay nhóm hợp tác cũng có những bước đi của mình trong lĩnh vực này dù rất nhỏ nhẹ và khiêm tốn. Tuy nhiên, càng ngày, khi mà mục tiêu phát triển kinh tế dược liệu càng được coi trọng thì việc phát triển khoa học công nghệ làm nền tảng cho lĩnh vực này cùng càng trở nên quan trọng. Nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính hiệu quả của kinh tế dược liệu trong giai đoạn mới.
Một số giải pháp:
Trước hết, có lẽ đã được nhiều người đề cập đến, đó là việc đánh giá lại tiềm năng của kinh tế dược liệu ở Nghệ An hiện tại như thế nào. Trước đây đã có những nghiên cứu đánh giá sơ bộ, nhưng rồi đến nay vẫn chưa thấy có nghiên cứu cụ thể hơn, nhất là việc phân loại theo cấp độ quý hiếm về nguồn gen và theo cấp độ giá trị về mặt kinh tế. Bên cạnh đánh giá chung của tỉnh thì cũng có những đánh giá thế mạnh của các vùng, các địa phương cụ thể, tránh đẩy mạnh phát triển kinh tế dược liệu theo phong trào, nghĩa là địa phương nào cũng định hướng tập trung vào lĩnh vực này xuất phát từ định hướng chung chứ không phải từ tiềm năng của chính địa phương mình. Từ những phân loại và đánh giá tiềm năng như vậy, xây dựng kế hoạch, đề án để vận dụng khoa học công nghệ vào cho từng trường hợp thế nào đó cho hợp lý. Bởi việc phát triển kinh tế dược liệu ra thị trường cần xem xét cả nhu cầu và mức độ tiêu thụ của thị trường chứ không chỉ là việc nguồn nguyên liệu. Thực tế có những cây dược liệu rất giá trị nhưng khó để sản xuất hàng loạt và đưa vào thị trường được.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch và tìm phương án phát triển khoa học công nghệ làm nền tàng phát triển kinh tế dược liệu thế nào cho hợp lý. Khoa học công nghệ là động lực và cần phải đầu tư, thậm chí đầu tư lớn để phát triển kinh tế dược liệu. Nhưng đầu tư như thế nào cho hợp lý. Thực tế, các cơ quan nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Trong khi các doanh nghiệp, là những nơi có nhiều điện kiện để đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế dược liệu. Nhưng doanh nghiệp thường chịu sức ép về hiệu quả kinh tế tức thì, nhanh hoàn vốn nên cũng có những hạn chế nhất định, nhất là trong việc hài hòa với môi trường và hài hòa về lợi ích. Và nếu tập trung phát triển kinh tế dược liệu ở các doanh nghiệp thì những người dân bản địa sẽ không thu được nhiều lợi ích. Vậy nên, cần có những hình thức tổ chức phát triển khoa học công nghệ khác nhau. Một mặt các cơ quan nhà nước tìm kiếm sự hỗ trợ để giúp người dân bản địa có thể tham gia vào việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế dược liệu. Mặt khác, cần khuyến khích, đảm bảo sự hợp tác giữa các doanh nghiệp với người dân trong việc phát triển kinh tế dược liệu để sao cho các bên đều có lợi ích hài hòa. Và cũng khuyến khích người dân hợp tác thành các nhóm, xây dựng đề án, mô hình và tìm các nguồn tài trợ hợp lý để làm chủ phát triển kinh tế dược liệu. 
Thứ ba, xây dựng thị trường khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế dược liệu. Ngoài các chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ cho ngành dược liệu của nhà nước thì cần khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức hay các nhóm tiến hành những nghiên cứu, sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ có liên quan đến dược liệu để bán lại cho các nhà đầu tư phát triển kinh tế dược liệu. Việc tạo thị trường khoa học công nghệ trong lĩnh vực này và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ quan liên quan không những nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn thu hút được nhiều doanh nghiệp, cá nhân có năng lực tham gia.
Thứ tư, một vấn đề quan trọng là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ tham gia vào phát triển kinh tế dược liệu. Xét cho cùng, mọi vấn đề đều liên quan đến nhân tố con người, chưa giải quyết được nhân tố này thì các biện pháp khác cũng khó mà đạt hiệu quả. Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao không phải là vấn đề đơn giản bởi đó không chỉ là những người có chuyên môn trong ngành kỹ thuật. Mà phải hiểu rộng ra, là thu hút được nhiều người có trình độ ở nhiều chuyên môn khác nhau cùng tham gia: kỹ sư nông nghiệp phục vụ nuôi trồng dược liệu, kỹ sư hóa sinh có thể chiết xuất dược liệu, y bác sĩ có thể kiểm tra thử nghiệm, đánh giá dược liệu, các nhà kinh tế có thể tham gia vào quy trình đầu tư, sản xuất và kinh doanh dược liệu, các nhà khoa học phát triển cũng tham gia vào nghiên cứu, đánh giá tác động của kinh tế dược liệu đến các cộng đồng…. Vậy nên, cần phải có các biện pháp để thu hút nhân lực, ngoài những chuyên gia tham gia tư vấn thì cần quan tâm đặc biệt đến nguồn nhân lực ở địa phương tham gia vào quá trình phát triển kinh tế dược liệu. Có nhiều con em là người dân địa phương đã đi học các ngành nông, lâm nghiệp, kỹ thuật hay y tế nhưng về quê không xin được việc lại quay ra đi làm trái nghề ở những nơi khác. Nếu có chính sách hợp lý để thu hút được những người này thì giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế xã hội.
Và cuối cùng, là định vị lại kinh tế dược liệu trong nền kinh tế xã hội tỉnh nhà. Phải khẳng định đây là đầu tư cho tương lai nên cần phải đầu tư dài hạn, phát triển bền vững. Nếu chỉ là để thu lợi tức thì, chạy theo lợi nhuận thì sẽ đi vào con đường làm ăn chộp giật, dù thu được lợi nhuận trước mắt nhưng mặt trái thì vô cùng to lớn và hệ lụy khôn lường. Để phát triển kinh tế dược liệu thì cần có chiến lược dài hạn và dựa vào những thành tựu của khoa học công nghệ để thay đổi, nâng cấp các quy trình sản xuất và kinh doanh. Dược liệu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người nên không thể làm ẩu, làm gọn, chạy theo lợi ích kinh tế được. Khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế dược liệu cũng phức tạp, cần qua các quá trình thí nghiệm, thử nghiệm nên mức độ đầu tư cũng không thể ngắn hạn. Nói vậy để thấy, một chiến lược phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế dược liệu  là cần thiết.
 

Tác giả bài viết: Trang Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây