Nghệ An triển khai Đề án Y tế thông minh: Bước đi chiến lược kiến tạo nền y tế số toàn diện
Thứ sáu - 04/07/2025 14:48130
Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thời đại, ngành Y tế Nghệ An đã thể hiện quyết tâm chính trị, tư duy đổi mới và hành động quyết liệt để từng bước kiến tạo nền y tế thông minh, hiện đại, công bằng và hiệu quả.
Triển khai đồng bộ – Chuyển đổi số toàn diện trong ngành Y tế Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Công văn số 1366/BYT-K2ĐT ngày 12/03/2025 và Công văn số 1463/BYT-K2ĐT ngày 14/03/2025 của Bộ Y tế; Kế hoạch số 833/KH-UBND ngày 31/10/2024 và Kế hoạch số 135/KH-TCT ngày 28/02/2025 của UBND tỉnh Nghệ An, ngành Y tế tỉnh đã có sự vào cuộc quyết liệt, triển khai sâu rộng chuyển đổi số trên toàn hệ thống. Ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Nghệ An đã xác định chuyển đổi số trong y tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên hàng đầu. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh, Đảng ủy Sở Y tế đã lãnh đạo, chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, giao nhiệm vụ rõ ràng cho từng đơn vị trực thuộc. Các lĩnh vực được tập trung triển khai bao gồm: quản lý khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dược – vật tư y tế, dân số – y tế cơ sở, cải cách hành chính và thanh toán không dùng tiền mặt. Đề án Y tế thông minh – Cơ sở định hướng dài hạn cho phát triển ngành Sở Y tế Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3721/QĐ-UBND ngày 31/12/2024 về việc phê duyệt Đề án phát triển Y tế thông minh tỉnh Nghệ An đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái y tế thông minh dựa trên ba trụ cột chính: Y tế thông minh, Quản trị thông minh và Công dân thông minh, định hướng rõ ràng lộ trình phát triển y tế thông minh gắn với chính quyền số và xã hội số. Đây là kim chỉ nam quan trọng giúp toàn ngành ứng dụng công nghệ số vào chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách hiệu quả, toàn diện và bền vững. Làm chủ kỹ thuật cao – Khẳng định vị thế y tế chuyên sâu khu vực Bắc Trung Bộ Ngành Y tế Nghệ An đã làm chủ và triển khai hiệu quả nhiều kỹ thuật y học hiện đại, chuyên sâu phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe nhân dân như: kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán bất thường phôi thai, bệnh di truyền, bệnh ung thư; phẫu thuật mổ tim hở; can thiệp tim mạch; ghép thận; ghép tủy; kỹ thuật hỗ trợ sinh sản IVF/ICSI; tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO)... Những kết quả này đã khẳng định vị thế, vai trò và tạo nền tảng vững chắc để đưa Nghệ An trở thành Trung tâm y tế chuyên sâu chăm sóc sức khỏe vùng Bắc Trung Bộ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị. Chuyển đổi số sâu rộng – Số hóa toàn ngành, kết nối liên thông dữ liệu Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Y tế Nghệ An được triển khai hiệu quả trên nhiều phương diện. Ngành là một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, quản lý y tế và khám chữa bệnh, bao gồm: triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống chẩn đoán hình ảnh từ xa... Một số kết quả tiêu biểu: - 100% cơ sở y tế công lập đã triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, kết nối phần mềm quản lý bệnh viện với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm y tế. - Ứng dụng AI, Big Data và IoT trong hỗ trợ chẩn đoán, điều trị từ xa (Telemedicine), đặc biệt tại các bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Sản Nhi, góp phần giảm tải cho tuyến trên. - Thí điểm Trạm y tế số tại các địa phương như Nghi Lộc, Quỳnh Lưu bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế ngay tại địa phương. - Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được đẩy mạnh, dữ liệu y tế được liên thông với các cơ quan chức năng, nâng cao hiệu quả quản lý và minh bạch thủ tục hành chính. - Toàn tỉnh có 529/529 cơ sở khám chữa bệnh hoàn thành đăng ký mã liên thông và tài khoản sức khỏe điện tử trên VNeID, liên thông 553.995 dữ liệu sức khỏe, 11.906 giấy chuyển tuyến, 51.283 giấy hẹn khám lại. Tổng số hồ sơ sức khỏe điện tử đã khởi tạo đạt 3.478.168 (97%), trong đó có 3.153.721 hồ sơ (90,67%) chứa dữ liệu khám chữa bệnh. Tự động hóa quy trình – Tiện ích công nghệ phục vụ người dân 100% đơn vị tuyến tỉnh đã sẵn sàng sử dụng chữ ký số cho dữ liệu khám chữa bệnh theo Quyết định 2733/QĐ-BYT. Toàn bộ các cơ sở KCB triển khai tiếp đón bệnh nhân bằng CCCD/VNeID, đồng bộ 2.850.812 số định danh cá nhân với thẻ BHYT còn hiệu lực. Có tổng cộng 7.817.974 lượt tra cứu bằng CCCD, trong đó 6.776.289 lượt thành công (đạt 86,6%). 23/48 đơn vị KCB đã triển khai bệnh án điện tử theo Thông tư 46/2018/TT-BYT. Sở Y tế hiện đang chỉ đạo các đơn vị thực hiện bệnh án điện tử theo Thông tư 13/2025/TT-BYT. Ngoài ra, 100% cơ sở KCB đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trang bị hệ thống kiosk hiện đại phục vụ tra cứu và tiếp đón với tổng số 72 kiosk, trong đó có 9 tích hợp sinh trắc học và 46 kiosk có khả năng nâng cấp. Các thiết bị này được HD Bank tài trợ tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Thực hiện quét nhận diện khuôn mặt để đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa TP Vinh.
Xây dựng hạ tầng số đồng bộ – Điều hành thời gian thực, minh bạch dữ liệu y tế Sở Y tế Nghệ An đã phối hợp với VNPT xây dựng Cổng thông tin dữ liệu số y tế (giai đoạn 1), hiện đang vận hành thử nghiệm tại https://yteso.nghean.gov.vn. Hệ thống cung cấp thông tin về phòng bệnh, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, cơ sở y tế, bác sĩ, dịch vụ y tế và bản đồ dịch tễ với công nghệ bản đồ số hiện đại. Trung tâm điều hành y tế thông minh (HOC) được xây dựng và vận hành nhằm giám sát, điều phối toàn ngành y tế theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng trong phòng, chống dịch, tiêm chủng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dược phẩm và khám chữa bệnh. Tất cả các cơ sở KCB đã khai báo lưu trú bệnh nhân nội trú qua VNeID, sử dụng phần mềm ASM. 100% thủ tục hành chính đạt mức độ 4 và đã tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Dữ liệu được liên thông tới 33 cơ sở xử lý giấy phép lái xe, 126 cơ sở cấp giấy chứng sinh và 23 cơ sở cấp giấy chứng tử. Lấy người dân làm trung tâm – Chiến lược xuyên suốt trong chuyển đổi số Một trong những điểm sáng nổi bật trong triển khai Đề án Y tế thông minh tại Nghệ An là quan điểm "lấy người dân làm trung tâm phục vụ". Sở Y tế đã đẩy mạnh số hóa dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi từ các thủ tục hành chính nhanh chóng, minh bạch. Từ việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử, đặt lịch khám qua điện thoại, tích hợp thông tin y tế vào CCCD gắn chip đến tư vấn sức khỏe trên nền tảng số, các tiện ích công nghệ giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe chủ động.