Tổ chức Y tế thế giới đưa ra lời khuyên mới về sử dụng muối hàng ngày

Thứ sáu - 04/07/2025 14:50 11 0
Chúng ta đang tiêu thụ quá nhiều natri mỗi ngày, đó là cảnh báo mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ quan vừa công bố hướng dẫn sử dụng các chất thay thế muối nhằm giảm lượng natri trong khẩu phần ăn.
Theo hướng dẫn mới được WHO công bố vào tháng 1 vừa qua, mỗi năm có khoảng 1,9 triệu ca tử vong liên quan đến việc tiêu thụ natri vượt mức.
Dù nhiều quốc gia đã triển khai các chiến dịch truyền thông và chính sách kiểm soát nhưng lượng natri trung bình mà người dân toàn cầu hấp thụ mỗi ngày vào năm 2019 vẫn ở mức 4,3 gam, cao hơn gấp đôi so với khuyến nghị 2 gam/ngày của WHO.
Nhằm giúp giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe tim mạch và huyết áp, WHO hiện khuyến khích người dân chuyển sang các loại muối thay thế có hàm lượng natri thấp hơn trong chế độ ăn hàng ngày.
Natri có vai trò gì đối với cơ thể và tại sao ăn quá nhiều lại nguy hiểm?
Natri là một khoáng chất thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng dịch thể, hỗ trợ chức năng thần kinh và điều hòa huyết áp. Tuy nhiên, giống như nhiều dưỡng chất khác, quá nhiều natri lại gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Theo chuyên trang thông tin về dinh dưỡng The Nutrition Source của Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ), khi cơ thể hấp thụ quá nhiều natri, lượng natri dư thừa trong máu sẽ buộc thận phải làm việc nhiều hơn để duy trì sự cân bằng.
Để pha loãng natri, cơ thể giữ lại nhiều nước hơn, làm tăng thể tích máu và dẫn đến huyết áp cao. Tình trạng này khiến tim phải hoạt động vất vả hơn, và theo thời gian, có thể gây tổn thương mạch máu, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và suy tim.
Ngoài ra, một chế độ ăn nhiều natri còn có thể gây suy giảm chức năng thận, loãng xương do làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, và thậm chí tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư thế giới, các thực phẩm chứa nhiều muối như thịt muối, đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn có liên hệ với tỷ lệ ung thư dạ dày cao hơn.
Điều đáng lo ngại là natri không chỉ đến từ muối bạn thêm vào món ăn. Rất nhiều thực phẩm đóng gói, bánh mì, nước sốt, thịt nguội… đều chứa natri ở mức cao, khiến bạn dễ dàng vượt quá giới hạn khuyến nghị mà không hề nhận ra.
Muối ít natri - thay đổi nhỏ nhưng có thể tạo ra khác biệt lớn cho sức khỏe
Khi nhắc đến việc cắt giảm muối trong chế độ ăn, nhiều người thường hình dung đến một cuộc sống nhạt nhẽo, thiếu hương vị. Thật khó để thuyết phục công chúng thay đổi thói quen ăn uống đã gắn bó từ lâu, đặc biệt khi muối là thành phần then chốt trong rất nhiều món ăn truyền thống và công nghiệp.
“Khó khăn chính là việc ăn ít muối đồng nghĩa với việc phải chấp nhận khẩu vị ít mặn hơn”, Tiến sĩ Xiaoyue (Luna) Xu từ Đại học New South Wales (Úc) và Giáo sư Bruce Neal từ Viện George về Sức khỏe toàn cầu chia sẻ. “Nó cũng đòi hỏi thay đổi cách chế biến món ăn, một thử thách không nhỏ đối với cả người nấu tại nhà lẫn ngành công nghiệp thực phẩm”.
Tuy nhiên, một giải pháp trung gian đang được khuyến khích rộng rãi là muối ít natri - loại muối trong đó một phần natri clorua được thay thế bằng kali clorua. Đây không chỉ là một lựa chọn giúp giữ nguyên hương vị mặn mà quen thuộc, mà còn mang lại lợi ích dinh dưỡng thực sự, vì hầu hết mọi người đều không tiêu thụ đủ kali, một khoáng chất thiết yếu giúp cân bằng huyết áp và hỗ trợ chức năng tim mạch.
Dù vậy, không phải ai cũng phù hợp với muối giàu kali. Những người mắc bệnh thận hoặc đang dùng thuốc ảnh hưởng đến cân bằng kali nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh nguy cơ tăng kali máu, tình trạng có thể gây rối loạn nhịp tim và các biến chứng nghiêm trọng.
Đây chính là lý do tại sao hướng dẫn mới của WHO lần đầu tiên đưa ra các khuyến nghị toàn cầu về việc sử dụng chất thay thế muối lại được đánh giá là một bước tiến quan trọng giúp cộng đồng chuyển hướng sang một lối sống lành mạnh hơn, mà không phải đánh đổi hoàn toàn về hương vị.
Làm thế nào để giảm lượng natri trong chế độ ăn hằng ngày?
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ các bệnh liên quan đến huyết áp, WHO đã đưa ra một loạt chiến lược thiết thực giúp người dân cắt giảm lượng natri tiêu thụ mỗi ngày.
Trước hết, hãy hạn chế tối đa thực phẩm chế biến sẵn, đây là nguồn natri tiềm ẩn phổ biến nhất trong khẩu phần ăn hiện đại.
Thứ hai, loại bỏ hũ muối khỏi bàn ăn, và giảm lượng muối sử dụng trong nấu nướng, thay vào đó hãy tăng cường các loại thảo mộc và gia vị tự nhiên để tạo hương vị.
WHO cũng khuyến khích chuyển sang sử dụng muối ít natri hoặc muối giàu kali, và ưu tiên sản phẩm có nhãn “ít natri”. Đặc biệt, nếu bạn vẫn cần dùng muối, hãy ưu tiên muối i-ốt để phòng ngừa thiếu hụt vi chất quan trọng này.
TH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây