NGUY HẠI BỆNH LÙN SỌC ĐEN TRÊN LÚA VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Thứ sáu - 15/10/2021 00:14 437 0
Bệnh lùn sọc đen (LSĐ) trên lúa là một loại bệnh rất nguy hiểm cho sản xuất nông nghiệp. Loại bệnh này xuất hiện ở đâu thì ở đó lúa gần như hoàn toàn mất khả năng thu hoạch. Nếu có thu hoạch được chút ít thì sản phẩm lúa gạo này người và cả chăn nuôi cũng khó mà ăn được do chất lượng hạt gạo quá kém: Vị đắng, màu sắc lem luốc, gạo xay ra nát vụn, khó nấu thành cơm…Bệnh LSĐ trên lúa thực sự là một loại bệnh vô cùng nguy hiểm và đáng lo ngại nhất là loại bệnh này cho đến bây giờ chưa có thuốc đặc trị để tiêu diệt loại bệnh này.
I. TÁC NHÂN GÂY HẠI VÀ TRIỆU CHỨNG
1. Tác nhân gây bệnh
Tác nhân gây hại bệnh LSĐ trên cây lúa là do virút lùn sọc đen phương Nam (Southern Rice Black Streaked Dwart Virus - SRBSDV) thuộc nhóm Fijvirus-2, họ Reoviridae và rầy lưng trắng (Sogatella furcifera là môi giới lây truyền bệnh Virút này).
2. Triệu chứng
Cây lúa bị bệnh LSĐ thường có các triệu chứng chung là thấp lùn, màu lá xanh đậm hơn bình thường, lá lúa bị bệnh có thể xoắn ở đầu ngọn lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở phía sau mặt lá bị sưng lên. Khi cây lúa còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng.
Từ giai đoạn lúa làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ lá và lóng thân cây lúa xuất hiện nhiều u sáp màu trắng chạy dọc gần của thân cây lúa (tập trung nhiều vào phần sát gốc), các u sáp này sau đó chuyển dần sang màu nâu, nâu đen và sọc đen.
Cây lúa bị bệnh LSĐ không trổ bông được hoặc trổ không thoát, trổ nghẽn, hạt lúa hầu hết bị đen.
Tên gọi tạm thời bệnh LSĐ ban đầu là "Lùn lụi" do cây lúa khi nhiễm bệnh bị lùn và lụi đi. Dựa vào kết quả kiểm tra RT - PCT các mẫu bệnh lấy ở Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Sơn La, năm 2009 Trung tâm bệnh cây nhiệt đới đã phân tích và xác định được tác nhân gây bệnh lùn lụi lúa là do Virus có tên gọi là Lùn sọc đen phương Nam (LSĐPN), tên tiếng Anh là Southern Rice Black Streaked Dwart Virus. Đây là lần đầu tiên các tỉnh phía Bắc ghi nhận sự xuất hiện của dịch bệnh LSĐ.
Môi giới truyền bệnh LSĐ chính là rầy lưng trắng (Sogatella furei fera). Các chuyên gia nông nghiệp ở Việt Nam chưa ghi nhận khả năng truyền bệnh LSĐ của rầy nâu nhỏ đối với cây lúa. Trong khi đó một số nhà khoa học Trung Quốc lại cho rằng rầy nâu nhỏ có tham gia truyền bệnh LSĐ nhưng tỷ lệ không cao.
Virus LSĐ tồn tại trong cơ thể rầy lưng trắng, nên nguy cơ phát và lây lan ra diện rộng là rất lớn từ vụ lúa này nối tiếp vụ lúa khác, từ vùng này sang vùng khác do sự di chuyển để kiếm nguồn thức ăn mới sau mỗi vụ thu hoạch lúa hoặc phát tán nhờ gió bão.
Việt Nam không phải là nước xuất hiện bệnh LSĐ trên lúa, trước đó bệnh LSĐ đã xuất hiện ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc. Tại Trung Quốc bệnh LSĐ xuất hiện vào năm 2002, gây hại nặng trên lúa năm 2007 ở đảo Hải Nam và một số tỉnh phía Nam Trung Quốc.
Đợt dịch bệnh lúa LSĐ năm 2009, tính đến ngày 24/11/2009 toàn miền Bắc nước ta có 42.387 ha lúa bị nhiễm bệnh LSĐ, trong đó có 33.181 ha bị nhiễm nặng và mất trắng.
II. BỆNH LSĐ TRỞ LẠI SAU 8 NĂM VẮNG BÓNG
Sau 8 năm "vắng bóng", vụ hè thu và vụ mùa năm 2017 bệnh LSĐ lại xuất hiện trở lại tại nhiều địa phương như Nghệ An, Quảng Trị, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Ninh Bình…
Tại Nghệ An, diện tích lúa trong vụ hè thu 2017 vừa qua đã có hơn 5.500 ha lúa bị nhiễm bệnh LSĐ tập trung ở các huyện Quế Phong, Con Cuông, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… Trong số này có tới 2.700 ha bị nhiễm nặng gần như không có thu hoạch.
Tại Nam Định diện tích lúa bị nhiễm bệnh LSĐ lên đến 20.147 ha, tập trung nhiều ở các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường và Nghĩa Hưng. Phần lớn diện tích lúa bị bệnh LSĐ không có thu hoạch hoặc có thu hoạch cũng không đáng kể.
Tại Thái Bình, bệnh LSĐ xuất hiện khi lúa đẻ nhánh với tổng diện tích lua bị nhiễm là 17.000 ha, tập trung nhiều ở các huyện ven biển như Tiền Hải, Thái Thụy, Kiên Xương… Tất cả số diện tích lúa bị bệnh đều không có thu hoạch.
Tại Hải Phòng, diện tích gieo cấy lúa không nhiều, nhưng vẫn có 1.200 ha lúa bị nhiễm bệnh LSĐ. Phần lớn diện tích này đều không cho thu hoạch.
Ngoài ra còn có một số tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Ninh Bình… trên diện tích lúa vụ hè thu và vụ mùa vừa qua ít nhiều đều có nhiễm bệnh LSĐ gây thiệt hại lớn trên diện tích lúa bị nhiễm bệnh.
Bệnh LSĐ gây hại trên cây lúa bùng phát với tốc độ nhanh khiến người nông dân rất hoang mang và lo lắng. Liệu vụ lúa xuân 2017 bệnh lúa LSĐ có tái phát trở lại hay không ? Theo nhiều chuyên gia về BVTV, chắc chắn khó tránh khỏi, vì khó ngăn được khả năng lây truyền bệnh trong tự nhiên từ vụ này qua vụ khác thông qua môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng rất dễ dàng bùng phát trở lại. Vì vậy phải chủ động có nhiều biện pháp phòng trừ kịp thời để hạn chế thiệt hại do bệnh gây ra.
III. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ SỚM BỆNH LSĐ TRÊN LÚA
Vừa qua Bộ NN & PTNT đã có Chỉ thị số 9556/CT-BNN-BVTV ngày 16/11/2017 về việc tăng cường công tác phòng trừ bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa ở các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Để phòng trừ kịp thời bệnh LSĐ gây hại lúa, trước mắt là vụ lúa xuân 2018 tới, đề nghị các địa phương và bà con nông dân cần sớm chủ động thực hiện tốt những giải pháp phòng trừ sau đây:
Một: Cần phải tập huấn cho nông dân nhận biết con rầy lưng trắng, bệnh lúa lùn sọc đen, biện pháp phòng trừ để mọi người dân biết và chủ động thực hiện phòng trừ kịp thời khi có rầy xuất hiện khi cây mạ, cây lúa bị nhiễm bệnh.
Hai: Chỉ đạo tất cả các cơ sở sản xuất đồng loạt làm đất sớm, vệ đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, cày vùi lúa chét, gốc rạ cũ, cỏ dại… là những ký chủ của rầy lưng trắng và bệnh LSĐ để tiêu hủy triệt để nguồn bệnh trên đồng ruộng. Riêng những nơi diện tích lúa bị bệnh LSĐ nhiều thì nên phun thuốc trừ rầy trước khi cày vùi, tiêu hủy tàn dư cây trồng cũ.
Ba: Cần tổ chức tiến hành lắp đặt mới hệ thống bẩy đèn để xác định đỉnh cao của rầy di trú, nhất là rầy lưng trắng. Lấy mẫu các con rầy vào đèn và cả mẫu rầy trên đồng ruộng đem đi giám định, xác định tỉ lệ rầy mang Virus bệnh LSĐ để có biện pháp phòng trừ ngay môi giới truyền bệnh.
Bốn: Hạn chế đưa vào cơ cấu giống những giống lúa dễ bị nhiềm bệnh LSĐ nặng. Tăng cường sử dụng giống kháng rầy, chống chịu bệnh LSĐ khá.
Năm: Xử lý hạt giống trước khi gieo mạ, khi hạt giống đã ủ nứt nanh, tiến hành pha 1 gói thuốc Sakura 40 WP 7,5 gam với 0,5 - 1 lít nước, xong khuấy đều để phun hoặc tưới lên cho 20 kg hạt giống và trộn đều, sau đó tiếp tục ủ 6 - 12 giờ trước khi đưa ra ruộng để giao.
Sáu: Mạ gieo xong phải được phủ kín nilon 100% để vừa chống rét, vừa ngăn cản không cho rầy nâu, rầy lưng trắng xâm nhập vào cây mạ gây bệnh LSĐ.
Bảy: Trước khi nhổ mạ để cấy khoảng 3-4 ngày, mở nilon ra, dùng 1 gói thuốc Sutin 50SC pha với 10 lít nước phun cho 200 - 250 m2 mạ để phòng chống rầy và bệnh LSĐ trước khi đem mạ ra ruộng cấy.
Tám: Nếu phát hiện mạ có triệu chứng bị bệnh LSĐ, tiến hành tiêu hủy ngay cả luống hoặc cả ruộng sau khi đã phun thuốc trừ rầy. Sau đó gieo tiếp mạ bổ sung bằng giống lúa ngắn ngày khác, nếu còn thời vụ.
Chín: Từ sau khi gieo cấy đến khi lúa trổ phải thường xuyên thăm đồng, điều tra phát hiện kịp thời phát sinh rầy lưng trắng trên cây lúa để có biện pháp phòng trừ ngay không để lây lan ra diện rộng.
Mười: Nếu khi phát hiện đã thấy cây lúa bị nhiễm bệnh LSĐ, nhất thiết phải nhổ tiêu hủy ngay những cây bị bệnh đem vùi sâu xuống bùn và cấy dặm lại bằng những cây lúa khỏe để thay thế. Trường hợp lúa bị bệnh LSĐ gây hại quá nặng trên diện rộng không còn khả năng cho thu hoạch thì tiến hành cày vùi tiêu hủy ngay toàn bộ ruộng lúa đó để tránh nguồn bệnh phát tán, lan truyền gây hại lớn hơn.

Tác giả bài viết: Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây