Nông dân miền núi Quỳ Hợp ứng dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật

Thứ ba - 29/08/2023 05:35 328 0
Xuất phát từ việc giúp bản thân và nông dân trên địa bàn đỡ phần cực nhọc, đồng thời giảm chi phí và đảm bảo được sức khỏe trong việc phun xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên các loại cây trồng, anh Nguyễn Trọng Cường (SN 1990) trú tại xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) đã quyết định đầu tư mua thiết bị bay flycam để phun thuốc, hiệu quả bước đầu được nhiều nông dân trong vùng đánh giá cao.
Anh Nguyễn Trọng Cường chia sẻ, gia đình đã từng sản xuất 5 ha mía và ngô, nên mỗi vụ phải xịt thuốc bón phân nhiều lần rất vất vả. Thông qua việc tìm hiểu và học hỏi được việc sử dụng thiết bị bay để phun thuốc BVTV ở các nơi khác rất hiệu quả, vào tháng 6/2023 anh bàn với gia đình và đi đến quyết định đầu tư gần 400 triệu đồng để mua máy phun thuốc điều khiển từ xa. Dụng cụ này được nhiều nông dân quen gọi là máy bay phun thuốc. Chiếc máy này được anh Cường mua tại một công ty sản xuất ở thanh phố Hồ Chí Minh. Được biết hiện nay ở các huyện của Nghệ An đã có rất nhiều nông dân sử dụng hình thức phun thuốc này, song với một huyện miền núi như Quỳ Hợp thì nông dân Nguyễn Trọng Cường là người tiên phong trong việc sử dụng ứng dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất nông nghiệp.
Chiếc máy phun thuốc được sử dụng thiết bị bay có thiết kế gồm một động cơ chạy bằng điện, 1 bình chứa nước 30 lít, 4 cánh quạt để nâng máy bay lên, 3 vòi phun thuốc và bộ điều khiển từ xa được kết nối với điện thoại thông minh. Trước khi cho máy hoạt động, người sử dụng phải lập trình định vị khuôn viên ruộng, đường bay cần phun thuốc cho máy. Nước và thuốc được pha hỗn hợp cho vào bình theo yêu cầu của người sử dụng. Khi khởi động bay, máy sẽ di chuyển theo đường bay đã được định vị trước và khi hết thuốc sẽ trở lại đúng vị trí ban đầu nơi xuất phát. Máy bay ở độ cao hay thấp là do người sử dụng bộ điều khiển. Anh Nguyễn Trọng Cường chủ chiếc máy phun thuốc này còn cho biết, công suất hoạt động tối đa của máy là có thể phun xịt 16 ha đất lúa trong vòng từ 1 giờ phun. Tuy nhiên tùy theo điều kiện thời tiết, trời có gió nhiều hay ít hoặc trên phần ruộng cần phun có vật cản hay không, người sử dụng có thể tăng hoặc giảm tốc độ của máy, khi đó thời gian phun sẽ tăng hoặc giảm theo. 
Nông dân miền núi ứng dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật
Từ khi đầu tư chiếc máy này ngoài mục đích là phục vụ cho việc sản xuất của gia đình, anh Cường còn sử dụng máy phun thuốc thuê cho các hộ nông dân có nhu cầu phun ruộng lúa ở các xã trên địa bàn toàn huyện với giá thành khoảng1- 1,2 triệu đồng/1ha. Mới đây khi chứng kiến thực tế máy phun thuốc tại một số diện tích ngô tại địa phương, nhiều nông dân rất tâm đắc về chiếc máy này vì nó mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân trong quá trình sản xuất. 
Một nông dân ở xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, gia đình có sản xuất hơn 2 ha đất ngô đã rất ưng ý về chiếc máy phun thuốc này vì: Hôm nay được chứng kiến trình diễn máy bay xịt thuốc này đối với nông dân tụi tui rất vui. Vì trong những tháng mùa mưa mình xịt bằng máy này nó nhanh, mình sẽ tranh thủ được thời tiết để xịt. Ngoài ra máy xịt nhanh, mình đỡ tốn thời gian nên có thể đi làm việc khác nữa. Nếu như ai làm ruộng nhiều, xịt không kịp thì thuê xịt bằng cái máy này cho nhanh và tiện dụng hơn cái bình mình quẩy trên lưng. Nói chung sử dụng cái máy này thấy có nhiều cái lợi hơn cái bình xịt quẩy trên lưng, nó vừa đỡ tốn công, vừa giảm chi phí, mà còn đảm bảo sức khỏe cho mình nữa.
Được biết ngoài việc phun xịt thuốc BVTV cho lúa, cây ăn trái, công nghệ bay này còn có thêm chức năng dập lửa ở đám cháy nhỏ. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, khi mua và sử dụng thiết bị bay này, người chủ sở hữu phải đến đăng ký với cơ quan quân sự địa phương để được cấp giấy phép hoạt động.
Có thể nói từ thành quả của công nghệ 4.0, nông nghiệp, nông dân cũng được hưởng lợi rất nhiều. Nhiều khâu, nhiều công đoạn trong quá trình làm ra sản phẩm nông nghiệp đã được áp dụng thành tựu của khoa học và công nghệ. Từ những thành tựu này không chỉ giúp người nông dân giải phóng được sức lao động, giảm chi phí trong sản xuất, tăng lợi nhuận mà còn đảm bảo được sức khỏe về lâu dài vì hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với quá nhiều loại phân bón, thuốc BVTV như trước đây.
Phan Giang
 

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây