Thanh niên khởi nghiệp làm kinh tế giỏi

Thứ năm - 15/08/2024 05:27 80 0
Trong những năm gần đây, phong trào thanh niên khởi nghiệp làm kinh tế tại các vùng Nông thôn đang phát triển mạnh mẽ và thu được nhiều kết quả. Anh Nguyễn Cảnh Sinh, sinh năm 1994, ở xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã không ngừng sáng tạo, mạnh dạn vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu bằng mô hình kinh tế trang trại; tiêu biểu cho phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi tại nơi đây.
Với một suy nghĩ phải làm giàu bằng được ngay chính trên mảnh đất quê hương của mình, bằng sự kiên trì, sáng tạo và quyết tâm anh đã thành công khi chọn cho mình một hướng đi riêng đó là phát triển kinh tế từ chăn nuôi. Anh kể: Bản thân anh đã từng đi tham khảo nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp, làm kinh tế từ nông nghiệp và nhận thấy chăn nuôi là lĩnh vực đang có nhiều tiềm năng. Năm 2019, sau khi tham khảo các mô hình chăn nuôi thành công anh bắt tay vào đầu tư và thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình. Việc đầu tiên anh làm là tiến hành quy hoạch và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn bao gồm khu chăn nuôi lợn nái sinh sản và khu chăn nuôi lợn thịt với đầy đủ trang thiết bị đảm bảo cho chăn nuôi lợn ngoại khép kín với mục tiêu nhằm tạo tiểu khí hậu chuồng nuôi tốt nhất, khai thác tối đa tiềm năng năng suất của giống lợn ngoại và tạo nguồn giống lợn thịt tại chỗ,  đồng thời giúp kiểm soát tốt hơn dịch bệnh trong chăn nuôi lợn.Để tiết kiệm được chi phí xây dựng và đảm bảo các yếu tố kỹ thuật anh phải đi xem thực tế, học tập cách làm chuồng, kỹ thuật nuôi lợn từ công ty; nhờ sự tư vấn kỹ thuật của công ty nên anh đã làm được khu chuồng kín đảm bảo kỹ thuật để nuôi 60 lợn nái ngoại và khu chuồng nuôi lợn thịt quy mô 250 - 300 con. Con giống anh cũng tìm hiểu và chọn mua từ công ty có uy tín, chất lượng nên năng suất và hiệu quả chăn nuôi rất tốt.

Nói về con đường khởi nghiệp và cơ ngơi trang trại hiện có của mình Anh Sinh cho biết: Nuôi lợn nái ngoại phải đầu tư chi phí ban đầu khá lớn bao gồm từ khâu thiết kế, làm chuồng trại đến việc lựa chọn mua con giống; là thanh niên bắt đầu khởi nghiệp làm ăn nên bản thân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn phần lớn anh phải đi vay. Với số lượng 60 con lợn nái sinh sản hiện có, trung bình mỗi năm sản xuất ra khoảng 900 – 1000 con lợn con giống. Đàn lợn con sau khi cai sữa anh chuyển sang chuồng nuôi thịt vừa chủ động con giống, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh; một phần con giống cung cấp phục vụ cho bà con chăn nuôi trong vùng. Chuồng nuôi lợn thịt luôn duy trì quy mô 250 lợn thịt/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa. Đàn lợn thịt thường được nuôi đạt trọng lượng từ 100 – 120 kg và được thương lái tại địa phương thu mua khi xuất chuồng.Tính trung bình mỗi năm doanh thu từ đàn lợn đạt khoảng 5 tỷ đồng, trừ đi các chi phí anh thu lãi khoảng 600 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi anh Nguyễn Cảnh Sinh cho biết thêm: Những kinh nghiệm có được là từ thực tế chăn nuôi và qua tham gia các lớp tập huấn. Chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn nhất là giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, nhưng đây vẫn là lĩnh vực đang có nhiều tiềm năng để phát triển. Để chăn nuôi có hiệu quả, bền vững ngay từ lúc đầu anh đã quyết định đầu tư nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, sử dụng hệ thống chuồng kín nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu về tiểu khí hậu chuồng nuôi và hạn chế tối đa sự xâm nhập của mầm bệnh. Trong thời gian qua, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra và diễn biến phức tạp, nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại lớn. Nhưng đàn lợn gia đình anh vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh và khỏe mạnh. Anh cũng cho rằng việc kiểm soát chặt chẽ khu vực chăn nuôi bao gồm yếu tố con người, phương tiện vận chuyển, thức ăn...và thực hiện nghiêm ngặt quy trình khử trùng là yếu tố quyết định. Tất cả các khu chuồng nuôi, anh đều cho lắp đặt hệ thống camera để kiểm tra, theo dõi và giám sát các hoạt động. Đồng thời khi chăn nuôi thì phải chọn con giống có năng suất cao, có nguồn gốc rõ ràng và phải có đàn lợn nái sinh sản để chủ động con giống mới hạn chế được dịch bệnh và rủi ro về thị trường khi đầu tư. Trong chăn nuôi lợn phải chú ý tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin như: Dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn,  suyễn, viêm phổi dính sườn, khô thai ở lợn nái, E.coli sưng mặt phù đầu lợn con…để phòng bệnh và phải thực hiện đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học thì mới đảm bảo được an toàn dịch bệnh.
Không những đầu tư cho trang trại mình, anh Sinh còn giúp đỡ nhiều hộ chăn nuôi tại địa phương cùng phát triển; các hộ chăn nuôi mua con giống từ trại chăn nuôi của anh đều được anh tư vẫn hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm để chăn nuôi có hiệu qủa.


Nói về mô hình chăn nuôi và phát triển kinh tế của anh Nguyễn Cảnh Sinh, ông Đậu Đức Toán phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân cho biết: Đây là mô hình làm kinh tế trang trại thuộc diện lớn nhất xã và làm ăn có hiệu quả. Bản thân anh Sinh là người táo bạo, dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, có tính sáng tạo và luôn tìm cách áp dụng những tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật vào thực tế để sản xuất. Ngoài việc tổ chức sản xuất làm giàu cho bản thân, anh còn là một đoàn viên thanh niên có trách nhiệm, nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ người dân cùng làm ăn, phát triển. Mô hình trang trại của anh là điển hình cho phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi tại địa phương; đồng thời là địa chỉ để cho người dân tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất.

Qua câu chuyện khởi nghiệp và làm kinh tế của anh Nguyễn Cảnh Sinh cho thấy chăn nuôi là một lĩnh vực vốn có nhiều tiềm năng nhưng cũng có những khó khăn nhất định, mà đặc biệt là giá cả thị trường luôn có những biến động bấp bênh, khó lường và dịch bệnh trong chăn nuôi vẫn còn phức tạp.  Điều quan trọng là các bạn trẻ cần có ý tưởng, sự kiên trì, sáng tạo và lòng quyết tâm thì nhất định sẽ có được thành công. Mong rằng mô hình phát triển kinh tế của anh Sinh sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương để phong trào thanh niên khởi nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, ly nông mà không ly hương trong giai đoạn hiện nay.



 

Tác giả bài viết: PVTH - Nguồn Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây