Thực trạng bảo tồn và phát triển một số sản phẩm đặc sản ở huyện Tân Kỳ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới

Chủ nhật - 12/12/2021 22:44 1.178 0
Tân Kỳ là huyện miền núi thấp của tỉnh Nghệ An, cách Thành phố Vinh khoảng 90 km về phía Tây Bắc. Tổng diện tích tự nhiên: 72.581 ha (chiếm 4,42% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh) với 22 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 1 thị trấn và 21 xã) và 151 xóm bản. Dân cư có 36.957 hộ với 147.957 người, chiếm 4,35% dân số của toàn tỉnh (là huyện có dân số lớn thứ 9 trong tỉnh); Là trung tâm phát triển giao lưu văn hóa giữa dân cư các xã vùng đồng bằng với các xã miền đồi núi và rẻo cao. Là đầu mối giao lưu, phát triển kinh tế vùng núi Tây Bắc của tỉnh Nghệ An với cả nước thông qua hệ thống giao thông: Đường Hồ Chí Minh chạy dọc qua toàn huyện, đường Quốc lộ 15B, 48E, 48D đường Tỉnh lộ 534B, 534D... và tuyến đường thuỷ Sông Con tạo điều kiện thuận lợi cơ bản về giao lưu phát triển kinh tế - xã hội của huyện với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
Giai đoạn 2015 – 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng với định hướng đúng đắn, sự đoàn kết, thống nhất cao của cấp ủy các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; sự đồng thuận của nhân dân cùng với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An và các sở ban ngành cấp tỉnh nên cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra từ đầu nhiệm kỳ; Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 5 năm ước đạt 11,5% với tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 7.666 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông lâm ngư nghiệp năm 2020 chiếm 28,8%, công nghiệp - xây dựng chiếm 32,8%, dịch vụ chiếm 38,4%. Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 42 triệu đồng, tăng 22,9 triệu đồng so với năm 2015.
Song song với phát triển Kinh tế - xã hội, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả rất khả quan. Nhiều công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây mới, nâng cấp từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân; có nhiều mô hình trong sản xuất, chăn nuôi đã đem lại hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; chất lượng giáo dục, y tế, công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên rõ rệt; đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì và phát triển; trong triển khai thực hiện đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo; đã phát huy được sức mạnh to lớn của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Kết quả đến hết năm 2020, huyện Tân Kỳ có 12/21 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (đạt 57,14%). Dự kiến trong năm 2021 có thêm 03 xã đạt chuẩn là xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hợp, Nghĩa Hành. Các xã còn lại có tỉ lệ đạt các tiêu chí tương đối cao (từ 14- 18 tiêu chí).
Để đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế và quá trình xây dựng Nông thôn mới như vậy, không thể không nhắc đến sự đóng góp của các sản phẩm “Đặc sản” nổi tiếng của huyện Tân Kỳ được thị trường người tiêu dùng quan tâm ghi nhận và tin dùng. Trong khuôn khổ báo cáo này xin đánh giá lại thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển một số sản phẩm đặc sản của huyện như sau:
I. Thực trạng các sản phẩm “Đặc sản” của huyện Tân Kỳ
1. Các sản phẩm cây, con đặc sản:
- Dê Tân Kỳ: Là sản phẩm đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận và cấp “Nhãn hiệu chứng nhận” từ năm 2018. Hiện nay tổng đàn dê trên địa bàn là 33 125 con. UBND huyện đã thành lập tổ quản lý nhãn hiệu chứng nhận của huyện để kiểm tra, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu trên địa bàn. Năm 2020 đã thực hiện thí điểm cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tại địa bàn Nghĩa Phúc (26 hộ), Giai Xuân (21 hộ) đồng thời hỗ trợ hơn 5.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các hộ được cấp quyền sử dụng. Nghị quyết đại hội đại biểu huyện Tân Kỳ lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tiếp tục đề ra mục tiêu tiếp tục phát triển đàn dê để phát triển thương hiệu “Dê Tân Kỳ”, nâng cao thu nhập cho người dân.
  - Trâu, bò: Hiện nay, tất cả 21 xã trên địa bàn đều có đề án phát triển chăn nuôi trâu, bò dưới hình thức trang trại được xây dựng cách xa bản làng để không gây ô nhiễm môi trường cho các khu dân cư tập trung. Hiện 7 xã có mô hình chăn nuôi trâu, bò cách xa bản làng hoạt động rất tốt như: Nghĩa Hoàn, Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái, Nghĩa Bình, Tân Phú… Đặc biệt hầu hết các xã đã thành lập các HTX và tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò đàn tập trung với quy mô từ 50 con trở lên. Đây là những xã về đích Nông thôn mới sớm nhất huyện (Giai đoạn 2014 – 2015). Hiện tại toàn huyện có 80 hộ chăn nuôi trâu, bò đã liên kết với các doanh nghiệp đảm bảo khép kín từ đầu vào đến đầu ra cho người chăn nuôi (trừ thức ăn thô tự sản xuất lấy). Bằng cách làm này, trung bình các hộ chăn nuôi thu về từ 700.000 - 1.200.000 đồng/con/tháng. Nhờ phát triển mạnh trang trại chăn nuôi trâu, bò đàn tập trung,  toàn huyện đã có 56.000 con trâu, bò, sản lượng thịt khoảng 33.000 tấn/năm, doanh thu ước đạt 650 tỉ đồng, chiếm 70% tổng giá trị ngành chăn nuôi của huyên.
- Măng loi Tân Kỳ: Đây là loại “rau rừng” mọc nhiều trên đỉnh núi cao Pù Loi thuộc xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ. Măng loi phát triển nhanh và mọc thành từng cụm dày có thân nhỏ, ngọn măng dài, có lá nhọn và vỏ bóng. Phân bố của nó tập trung xung quanh đỉnh Pù Loi độ cao xuất hiện từ 720m trở lên. Cây Măng loi có rất nhiều công dụng như: Làm neo, giá đỡ cho nhiều cây thực vật khác trong sản xuất nông nghiệp, cây còn được làm nguyên liệu trong sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ có giá trị cao như bàn ghế, tủ đựng hàng, bộ đồ nội thất, ống hút… Đặc biệt Măng của loại cây này là đặc sản của vùng, đối với loài này tại địa phương người dân đã biết sử dụng nó là một loại thực phẩm trong đời sống bởi nó có vị ngon, giòn, ngọt, đặc trưng thanh ngọt, lành tính, có giá trị dinh dưỡng cao. Măng loi có nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và khoáng chất, chất xơ, có lợi cho tim và đường ruột. Măng có thể thúc đẩy sức khỏe tim mạch, chống ung thư, giúp giảm cân,... nên được rất nhiều người tin dùng và ưa chuộng. Hơn nữa, cây măng loi được bán với giá khá cao (từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng/kg măng tươi đã bóc vỏ) mang lại thu nhập cho người dân các xã Đồng Văn, Tiên Kỳ. Năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án “Xây dựng mô hình bảo vệ, khai thác và chế biến cây măng Loi tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An” với tổng kinh phí là 1,14 tỷ đồng. Trong đó kinh phí nguồn KH&CN hỗ trợ là 798 triệu đồng. Hiện nay đang trong giai đoạn thực hiện dự án.
- Cam sông con: Nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý “Cam Vinh”, các sản phẩm cam Tân Kỳ mang thương hiệu Cam Sông con được sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng các vật tư, phân bón tự chế biến từ thiên nhiên. Nhờ sản xuất đảm bảo quy trình, sản phẩm đạt chất lượng nên tháng 2/2020, cam Sông con được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao OCOP khi tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An năm 2019. Hiện nay vùng chỉ dẫn địa lý Cam vinh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cho phép mở rộng một số xã trên địa bàn huyện như Tân An, Giai Xuân, Nghĩa Phúc… vì vậy, việc phát triển mô hình sản xuất cam theo hướng hữu cơ đang là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con huyện nhà.
- Một số sản phẩm khác: Như gà, trứng gà, mật ong, tinh bột nghệ, sắn dây… hiện nay đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Đang từng bước xây dựng thương hiệu để ngày càng phát triển mạnh mẽ, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
 2. Các sản phẩm từ nghề truyền thống:
- Dệt thổ cẩm: Được sản xuất tại làng nghề dệt thổ cẩm bản Thái Minh xã Tiên Kỳ. Đây là bản có 100% hộ dân là người dân tộc Thái sinh sống, hầu như gia đình nào cũng có khung dệt thổ cẩm. Năm 2009 bản Thái Minh được công nhận làng có nghề, từ đây nghề dệt thổ cẩm ở bản có bước phát triển mới. Sản phẩm của chị em đa dạng như khăn, váy, áo với những nét họa tiết, hoa văn phong phú được khách hàng ưa chuộng. Năm 2015, bản Thái Minh được UBND tỉnh Nghệ An đã trao bằng công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm. Đây là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân trong bản, đồng thời là động lực để bà con tiếp tục gắn bó duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay có trên 80 hộ tham gia dệt thổ cẩm với sản lượng hàng hóa hằng năm trung bình trên 20 nghìn sản phẩm, tạo thu nhập khá cho bà con nơi đây. Hiện nay, UBND huyện Tân Kỳ đã lập quy hoạch khu du lịch hang mó gắn với làng nghề dệt thổ cẩm Thái Minh xã Tiên Kỳ và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nếu lựa chọn được nhà đầu tư khu du lịch sinh thái này thì sẽ tạo được động lực phát triển làng nghề, các sản phẩm sản xuất ra sẽ được tiêu thụ đầu ra ổn định hơn, mang lại thu nhập cao và ổn định cho các hộ sản xuất.

- Dệt võng gai: Một trong những nghề được hình thành từ lâu đời và làm nên nét đặc sắc trong đời sống và sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thổ ở Nghệ An nói chung và Tân Kỳ nói riêng là nghề đan võng gai. Nghề đan võng gai không chỉ mang lại thu nhập cho bà con mà còn là một di sản văn hóa phi vật thể đáng quý của người Thổ tại xã Giai Xuân huyện Tân Kỳ. Võng được sản xuất từ cây gai, qua quá trình bóc vỏ, tạo sợi và đan thành sản phẩm. Mặc dù giá trị thu nhập mang lại chưa cao do đang còn sản xuất thủ công trong khi sản phẩm đầu ra chưa ổn định. Tuy nhiên, bà con nơi đây vẫn giữ gìn nghề truyền thống của mình. Đây cũng là một trong những xã về đích Nông thôn mới khá sớm của huyện Tân Kỳ. Hi vọng với những tiềm năng lợi thế vốn có, trong những năm tới sẽ tìm hướng đi đúng đẵn cho sản phẩm đặc sắc này để nâng cao giá trị thu nhập cho người dân đồng thời bảo tồn nghề truyền thống này.

- Trồng dâu nuôi tằm: Nghề trồng dâu nuôi tằm có thể nói là một trong những nghề đơn giản, dễ trồng dễ nuôi, không tốn công sức so với việc làm nông. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết khắc nghiệt mưa nắng thất thường như ở Nghệ An thì đó là một điều vô cùng khó khăn. Thế nhưng những người dân ở xã Nghĩa Đồng huyện Tân Kỳ vẫn kiên trì giữ vững làng nghề đẹp đẽ này. Trồng dâu - nuôi tằm không chỉ cung cấp sợi tơ cho ngành công nghiệp dệt may mà còn cung cấp một số nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến khác như dược phẩm, thời trang, thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất giấy, làm phân bón... Vì vậy, đây là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn. Với giá bán dao động 80-100 nghìn/kg kén vàng, bình quân thu nhập đem lại cho hộ gia đình 3-5 triệu mỗi tháng, nếu được mùa thì hơn 10 triệu/tháng.

- Làng chế biến miến gạo truyền thống: Làng Bích Thái xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ từ lâu nổi tiếng với nghề làm miến gạo. Có những hộ sản xuất với kinh nghiệm trên 30 năm. Sản phẩm miến gạo này được biết đến chính nhờ chất lượng mà người sản xuất đưa vào sản phẩm, đó cũng chính là yếu tố then chốt để chinh phục người tiêu dùng hiện nay. Để có sợi miến dẻo, ngon thì gạo sau khi ngâm, xay và cho vào máy để cán phải luôn đảm bảo sạch sẽ, miến sau khi cắt sẽ được phơi tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời, sau đó đóng gói cẩn thận. Bình quân mỗi ngày 01 gia đình sản xuất gần 150 kg gạo, cho ra thành phẩm miến khoảng 93% khối lượng gạo, cho thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Những năm gần đây, người làm Miến ở xã Nghĩa Thái huyện Tân Kỳ đã chủ động đầu tư máy móc vào một số công đoạn sản xuất nên năng suất cao hơn, thu nhập vì thế cũng được cải thiện đáng kể. Theo những người làm nghề nơi đây, nguyên liệu duy nhất của miến là bột gạo thường, không dùng thêm một chất phụ gia nào khác, đồng thời các hộ làm Miến đều cam kết với chính quyền địa phương không sử dụng chất bảo quản, chất làm trắng, luôn bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tới xây dựng Miến gạo Nghĩa Thái huyện Tân Kỳ đạt sản phẩm OCOP. Đây cũng là sản phẩm góp phần đưa xã Nghĩa Thái là một trong những xã sớm về đích Nông thôn mới của huyện Tân Kỳ.

- Sản xuất Mật mía: Đây là nghề truyền thống của người dân xã Tân Hương, Phú Sơn của huyện Tân Kỳ mang lại nguồn thu nhập tốt cho người dân. Quá trình sản xuất mật mía hiện nay đã cải tiến nhiều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. các máy móc thay thế bằng máy móc hiện đại, nhiều công đoạn thủ công đã được loại bỏ vì vậy chi phí và thời gian cũng được giảm đi rất nhiều. Nhờ tuân thủ các quy trình an toàn thực phẩm nên sản phẩm mật mía xã Tân Hương và xã Phú Sơn được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2020. Hiện nay sản phẩm Mật mía trên địa bàn huyện sản xuất bình quân 500.000 – 700.000 lít/năm. Thương lái thu mua tận cơ sở với giá giao động từ 22 – 25.000 đồng/lít. Được sự quan tâm của Sở KH&CN tỉnh Nghệ An, năm 2021 đã hỗ trợ kinh phí cho một số hộ sản xuất để cải tiến các máy ép mía nhằm đạt mục tiêu sản xuất sạch hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu lựa chọn mía, rửa, ép đến khi nấu ra sản phẩm. Đây là điều kiện thuận lợi để cho các hộ sản xuất phát triển và đưa thương hiệu đi khắp cả nước.

- Sản xuất rượu cần, rượu men lá: Đây là 02 sản phẩm do đồng bào dân tộc thuộc 03 xã Tân Hợp, Đồng Văn và Tiên Kỳ sản xuất. Năm 2020 được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm rượu truyền thống này được sản xuất bằng thủ công từ gạo nếp hoặc nếp cẩm. quá trình lên men tự nhiên bằng các phương pháp truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nên chất lượng rượu rất ngon, thơm nồng, an toàn cho người sử dụng.

II. Giải pháp phát triển các sản phẩm đặc sản huyện Tân Kỳ:

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống của Tân Kỳ hiện có. Để sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống ngày một phát triển, trờ thành hàng hóa chính của địa phương, cần có một số giải pháp như sau:

1. Cần thiết phải điều tra, đánh giá thật cụ thể về các sản phẩm đặc sản của địa phương để biết được tiềm năng, lợi thế, khả năng phát triển thành hàng hóa, giá trị kinh tế, giá trị tinh thần…để từ đó tiến tới công bố danh mục các sản phẩm đặc sản của huyện nhằm  giúp người tiêu dùng (khách du lịch) định hướng được sự lựa chọn của mình khi đến Tân Kỳ. Đặc biệt, giúp người đang sản xuất và sẽ tham gia thị trường có được kế hoạch dài hơi trong đầu tư phát triển. Các nhà hoạch định chính sách lựa chọn được định hướng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia.

2. Đặc biệt ưu tiêu đặc sản có lợi thế, uy tín nhiều năm, có khả năng phát triển tốt để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Trước mắt là xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Xây dựng tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác và công bố chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.
3. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống, nguồn gốc sản phẩm đặc sản của huyện Tân Kỳ trên thị trường trong nước và quốc tế, trước hết tập trung cung cấp và quảng bá sản phẩm ở các điểm phục vụ du lịch, các nhà hàng, khách sạn lớn ở thành thị. Gắn kết những nơi sản xuất sản phẩm đặc sản với du lịch, thư giãn và du lịch trải nghiệm; kết hợp du lịch với mua sắm hàng đặc sản.
4. Tổ chức liên kết vùng trong phát triển đặc sản vùng miền, tổ chức hội chợ đặc sản vùng miền cấp huyện và kết nối tham gia hội nghị quảng bá thương hiệu cấp tỉnh, quốc gia.
5. Khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư kinh doanh vào các sản phẩm đặc sản của huyện. Vận động con em trong huyện quảng bá và đầu tư kinh doanh sản phẩm đặc sản của huyện nhà. Song song với đó là tập trung hỗ trợ các chính sách hiện hành cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là công tác đào tạo nhân lực khi chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp nhằm vào mục tiêu kinh doanh sản phẩm đặc sản, kể cả những trường hợp người kinh doanh cần phải mua lại thương hiệu./.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây