PHÁT TRIỂN ĐẶC SẢN HÀNG HÓA CỦA TÂN KỲ THÀNH SẢN PHẨM OCOP GÓP PHẦN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Chủ nhật - 12/12/2021 22:07 607 0
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) có thể nói là không mới trên thế giới. Trước đây, đã có chương trình “Làng mới” của Hàn Quốc, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của Nhật Bản,… cũng có nhiều nội dung tương tự. Nhưng những chương trình này thường bao hàm nhiều nội dung phát triển ở nông thôn, từ hạ tầng, cơ sở sản xuất, vai trò chủ thể của người dân,… Sau này, Thái Lan được coi là quốc gia thành công nhất về OCOP khi hình thành được 72.000 sản phẩm với nhiều kênh phân phối hiệu quả sau 16 năm triển khai chương trình.
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo
Ngày 07 tháng 5 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 và đã xác định Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Có thể nói, OCOP là đang là bước đi quan trọng tiếp theo để tỉnh cùng các địa phương tiếp tục thực hiện thắng lợi trong xây dựng Nông thôn mới, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình, đến hết năm 2020 cả nước có 4.733 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên thuộc 2.596 chủ thể sản phẩm([1]).
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, Chương trình đã lan rộng tới nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa. Nghệ An chúng ta cũng đã ban hành Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, với 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế([2]) thuộc 6 nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm thực phẩm có 121 sản phẩm; nhóm đồ uống có 15 sản phẩm; nhóm thảo dược có 18 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 11 sản phẩm; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 16 sản phẩm; nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn có 6 sản phẩm. Tuy nhiên, mới có 48 sản phẩm có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng, đạt 26,4% tổng số sản phẩm hiện có; có 28 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, đạt 15,4% tổng số sản phẩm hiện có ([3]).
Xuất phát từ thực trạng, điều kiện của từng địa phương/chủ thể sản phẩm và đặc biệt xác định đây là mô hình sinh kế hiệu quả giúp thúc đẩu phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Tỉnh đã giao các ngành, các địa phương căn cứ các sảm phẩm đặc sản của địa phương để xây dựng phát triển thành sản phẩm OCOP của tỉnh.
2. Thúc đẩy sản xuất sản phẩm đặc sản
Phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Đồng thời tận dụng lợi thế, thúc đẩy sản xuất hàng hóa đặc sản ở địa phương để xây dựng, phát triển các sản phẩm đặc sản thành sản phẩm OCOP.
Huyện Tân Kỳ đã thống kê sơ bộ được 15 sản phẩm đặc sản truyền thống của Tân Kỳ có 04 sản phẩm chủ lực, gồm Cam([4]), Gà thả vườn([5]), Dê([6]) và Du lịch sinh thái cộng đồng([7]). Đây chính là lợi thế để huyện động viên, tạo điều kiện cho các chủ thể sản phẩm, chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư nâng cấp quy mô sản xuất, chế biến, thực hiện bài bản các khâu chọn nguyên liệu, chế biến, đóng gói đáp ứng các tiêu chuẩn của cơ quan chức năng để được công nhận các hạng sao thuộc Chương trình OCOP.
Việc thực hiện Chương trình OCOP đã khẳng định thương hiệu và giá trị của nhiều sản phẩm ở huyện Tân Kỳ, góp phần phát triển kinh tế hợp tác và chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực của huyện, đến thời điểm này, huyện Tân Kỳ đã có 06 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn là sản phẩm OCOP 3 sao và chủ yếu là ngành thực phẩm([8]).
3. Hướng tháo gỡ khó khăn
Chương trình OCOP được xem là giải pháp phù hợp để các địa phương của tỉnh nói chung và huyện Tân Kỳ nói riêng đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện Tân Kỳ đang gặp một số trở ngại, đòi hỏi phải có các giải pháp tháo gỡ kịp thời, đồng bộ để chương trình đạt được hiệu quả cao hơn.
a) Nâng cao giá trị sản phẩm
Có thể tạo ra giá trị tăng thêm cho các sản phẩm đặc sản - những sản phẩm được khai thác từ tài nguyên bản địa ở Tân Kỳ, bằng cách đưa các câu chuyện vào từng sản phẩm, hướng dẫn người dân giới thiệu về sản phẩm gắn với lịch sử, văn hóa,... của địa phương, của dân tộc mình.
Trên thực tế hiện nay, với việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, nhất là các sản phẩm gắn với hoạt động du lịch, nhiều nơi người dân còn gặp khó khăn ở khâu giao tiếp, không có “câu chuyện” để dẫn dắt, giới thiệu về sản phẩm và cải tiến mẫu mã sản phẩm. Cho nên, dù sản phẩm có ngon, sạch và bổ dưỡng, độc đáo nhưng vẫn chưa hấp dẫn được khách hàng.
b) Đẩy mạnh kết nối thị trường
Để được địa phương và người tiêu dùng công nhận, các sản phẩm OCOP phải đáp ứng yêu cầu có công bố chất lượng sản phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; mẫu mã, bao bì đẹp... Nhưng điều quan trọng nhất với mỗi sản phẩm là ngày càng khẳng định được vị trí, uy tín đối với người tiêu dùng, vươn xa đến nhiều thị trường trong tỉnh, ngoài tỉnh và thậm chí xuất khẩu.
Vì vậy,  đối với Chương trình OCOP, việc kết nối với các đầu mối tiêu thụ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm phẩm là rất cần thiết. Theo đó, sản phẩm được phân phối tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm bao gồm: Sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng; sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm trong kế hoạch OCOP; sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh; sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu; sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng, miền do các địa phương lựa chọn.
Thông qua các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm từ Chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị trong và ngoài tỉnh. Việc này, không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương. Tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.
c) Hỗ trợ phát triển và tiêu thụ sản phẩm
Đẩy mạnh hỗ trợ người sản xuất về khoa học kỹ thuật theo hướng an toàn; hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề,... qua đó bảo đảm đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị theo yêu cầu của nhà phân phối; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các sản phẩm giao dịch thương mại điện tử. Được thực hiện theo Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số Chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trển địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025 với các nội dung hỗ trợ như: (1) Hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm OCOP; (2) Hỗ trợ xây dựng, sừa chữa, mua sắm trang thiết bị bảo quản, trang trí điểm cho đơn vị thực hiện việc giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP; (3) Hỗ trợ thiết kế, mua bao bì thương phẩm, mua nhãn hàng hóa; (4) Thưởng cho mỗi sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Bên cạnh đó, hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể trong chuỗi liên kết với nhau từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; ban hành cơ chế ràng buộc, gắn kết giữa các chủ thể trong kênh tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng, nâng cấp các điểm, trung tâm bán hàng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương và kết nối sản phẩm nông nghiệp của các địa phương khác, hình thành địa điểm giới thiệu sản phẩm, giao dịch và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Được thực hiện theo Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy Quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An với các nội dung hỗ trợ như: (1) Chính sách hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường; (2) Chính sách hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết, gồm đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: Nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; (3) Chính sách hỗ trợ đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm gồm tập.
Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tân Kỳ cần tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức về đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, đặc biệt nâng cao nhận thức của người sản xuất trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhãn mác, bao bì và uy tín của sản phẩm; đẩy mạnh công tác phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản cố định và bền vững do các doanh nghiệp trong nước làm hạt nhân, nhất là tại địa bàn nông thôn thúc đấy phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, lợi thế của địa phương, thông qua một số nhiệm vụ như: tăng cường thông tin, truyền thông; phát triển chuỗi phân phối hàng nông sản cố định, bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát,…
d) Bài toán thị trường
Hiện nay, ở một số địa phương vẫn gặp khó trong việc giải bài toán thị trường cho sản phẩm. Một số chủ thể của sản phẩm cho rằng, dù được công nhận là sản phẩm OCOP, đạt chuẩn 3 sao, 4 sao thì việc giá bán ngoài thị trường không cao hơn so với lúc chưa được chứng nhận. Để sản phẩm có được giá bán phù hợp với chất lượng, thương hiệu sản phẩm, phải có được “đầu ra” ổn định,... nhưng hiện không phải sản phẩm nào cũng “vào” được siêu thị hay các điểm bán và giới thiệu sản phẩm ổn định.
Một trong những trở ngại hiện nay chính là nhiều sản phẩm của Tân Kỳ chưa đảm bảo được nguồn hàng thường xuyên, sản lượng ổn định khiến các đầu mối thu mua ngần ngại. Các chủ thể tham gia là các hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô sản xuất còn nhỏ, đầu tư cho công nghệ còn thấp nên giá trị sản phẩm chưa thể đạt được thứ hạng cao trong Chương trình OCOP cũng như khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ. Nhiều sản phẩm đặc sản dù rất độc đáo, đặc sắc và được khai thác từ những tài nguyên bản địa. Song chưa thể vươn xa trên thị trường trong và ngoài tỉnh mặc dù được đánh giá tốt về chất lượng, nhưng khâu làm thương hiệu còn nhiều bất cập, bao bì, nhãn mác chưa bắt mắt, thậm chí ghi nhãn thiếu thông tin theo quy định,…
“Nút thắt” lớn nhất trong việc sản phẩm đặc sản của Tân Kỳ chưa được tiêu thụ nhiều là do liên kết, mở rộng thị trường trong tỉnh và trong nước chưa tốt. Phát triển theo chu trình OCOP cũng là phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, vì thế việc đánh giá, gắn sao cho sản phẩm mới chỉ là đầu chuỗi. Phần cuối chuỗi và cũng là phần then chốt giúp chuỗi này tồn tại là xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm. Việc phát triển các điểm bán hàng và quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng là khâu quan trọng nhất, tạo nên hệ thống phân phối hiệu quả, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Đối với việc thu mua lâu dài, ổn định các sản phẩm đã được công nhận, gắn các hạng sao thuộc Chương trình OCOP, các sản phẩm vẫn gặp tình trạng nhiều chủ thể chưa có tâm thế sẵn sàng đưa sản phẩm đi xa. Khi vào siêu thị hoặc chuỗi bán lẻ, các chủ thể chưa đảm bảo số lượng thường xuyên nên khi khách hàng đến siêu thị, chuỗi bán lẻ đã quen sản phẩm rồi thì lại không đủ nguồn cung để phục vụ thị trường, như vậy rất khó cho việc bày bán thường xuyên.
Bên cạnh đó, trong khi chủ thể sản xuất còn loay hoay trong khâu kết nối thì nhiều siêu thị chưa tìm được nguồn hàng phù hợp từ nơi sản xuất. Mặc dù có nhu cầu kinh doanh sản phẩm OCOP nhưng theo quy định, để đưa hàng hóa vào hệ thống đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Quy định là vậy nhưng hiện các sản phẩm đặc sản của Tân Kỳ chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ, chứng từ và các thủ tục pháp nhân trong giao dịch, mua bán còn bất cập. Đây là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm của Tân Kỳ nói riêng và của tỉnh nói chung chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại.
Tân Kỳ cần chú trọng hơn trong việc xác định vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm, huy động nguồn lực cộng đồng tham gia để các sản phẩm tiềm năng sớm được thẩm định, công nhận và gắn sao của Chương trình OCOP. Đặc biệt quan tâm gắn kết sản phẩm với các hệ thống bán lẻ lớn trên toàn tỉnh. Hiện tại tại các gian hàng bán và giới thiệu sản phẩm của tỉnh như: Sở Công thương, Liên Minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên hiệp Hợp tác xã tỉnh,… chưa có các sản phẩm đặc sản của Tân Kỳ chứ chưa nói có sản phẩm chưa đáp ứng đủ sản lượng mà hệ thống yêu cầu. Vì vậy mà thời gian tới Tân Kỳ cần tập trung khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp tục tăng sản lượng đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra cho các sản phẩm: Trên cơ sở phân tích, đánh giá cho thấy hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa, đây là lợi thế rất lớn giúp các doanh nghiệp đánh giá, lựa chọn dòng sản phẩm để khởi nghiệp. Doanh nghiệp nếu chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức sản xuất một cách bài bản, đồng bộ, đáp ứng về chuẩn hóa sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng sẽ tạo nên thương hiệu cho sản phẩm, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần vào sự thành công của Chương trình OCOP một cách bền vững trên địa bàn huyện.
Hiện nay khi ngành du lịch đang có những bước phát triển mạnh mẽ, khách du lịch cũng có nhu cầu rất lớn về việc thưởng thức ẩm thực; mua các sản phẩm lưu niệm, hàng đặc sản, thủ công mỹ nghệ,... Vì thế, Tân Kỳ cần đặc biệt quan tâm tới việc kết nối giữa du lịch và thương mại để phát huy các sản phẩm đặc sản của địa phương.
Trong tương lai, với quan điểm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế, tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới/Nông thôn mới nâng cao/Nông thôn mới kiểu mẫu. Nên Chương trình OCOP chắc chắn được quan tâm đặc biệt để phát triển các sản phẩm đặc sản, dịch vụ có lợi thế theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể thực hiện và sẻ mang lại nhiều mô hình sinh kế mới ở các địa phương tạo sức sống mới - diện mạo mới trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025./.
 

([1]) Theo Báo cáo đánh giá kết quả giai đoạn 2018-2020 của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.
([2]) Trong lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ.
([3]) Theo Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 12/3/2019 của UBND tỉnh Nghệ An.
([4]) Thuộc các xã: Tân An, Tân Phú, Tân Long, Tân Hợp, Nghĩa Phúc.
([5]) Thuộc các xã: Nghĩa Hoàn, Giai Xuân, Đồng Văn, Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng.
([6]) Thuộc các xã: Tân An, Tân Hợp, Hương Sơn, Đồng Văn, Nghĩa Phúc.
([7]) Thuộc các xã: Tiên Kỳ, Tân Hợp, Giai Xuân.
([8]) Theo Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An năm 2019 và năm 2020.

Tác giả bài viết: Hoàng Đình Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây